Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Tổ chức binh đoàn thọc sâu trong chiến dịch

Tổ chức binh đoàn thọc sâu trong chiến dịch

Tháng Tư 30, 2013

Tổ chức binh đoàn thọc sâu trong chiến dịch là nhằm đánh chiếm những mục tiêu quan trọng như trung tâm đầu não, sở chỉ huy nằm trong tung thâm phòng ngự của địch. Tuyến phòng ngự bên ngoài của địch thường là cứng và vững chắc nhưng các tuyến sau thường mỏng yếu và sơ hở. Ta chỉ cần đập tan tuyến ngoài của địch, mở cửa cho binh đoàn thọc sâu nhanh chóng thọc thẳng vào tung thâm phòng ngự, đập tan sở chỉ huy cơ quan đầu não, nhanh chóng kết thúc trận đánh.

Tổ chức chỉ huy binh đoàn thọc sâu cần thống nhất vì có nhiều thành phần tham gia chiến đấu, như chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 có bộ phận chỉ huy tiền phương để thống nhất chỉ huy cả bộ phận đột phá và binh đoàn thọc sâu.

Tổ chức binh đoàn thọc sâu của chiến dịch phải đủ mạnh, cần có các thành phần để có thể độc lập tác chiến như xe tăng, xe bọc thép, bộ binh cơ giới, phòng không, công binh, pháo binh. Như binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 trên cánh Đông của chiến dịch Hồ Chí Minh có Lữ đoàn xe tăng 203, Trung đoàn bộ binh 66 (Sư đoàn 304) cơ động bằng xe, có pháo binh đi cùng và các lữ đoàn phòng không, công binh.

Khi mở cửa ở vòng ngoài cho binh đoàn thọc sâu bước vào chiến đấu. Ở vòng ngoài địch thường bố trí kiên cố vững chắc, đồng thời địch còn phản kích liên tục, nhằm chặn ta ngay từ vòng ngoài. Cho nên tổ chức đơn vị đột phá vòng ngoài để mở cửa cho binh đoàn thọc sâu bước vào chiến đấu cũng vô cùng quan trọng. Không mở được cửa thì binh đoàn thọc sâu cũng không bước vào chiến đấu được, hoặc gặp nhiều khó khăn.

Như khi đột phá mở cửa trong chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân đoàn 2. Quân đoàn phải sử dụng Sư đoàn 304 ở hướng chủ yếu của quân đoàn, đột phá vào căn cứ Nước Trong. Sau khi đột phá xong phải quần lộn ác liệt với 2 thiết đoàn của địch ra phản kích, sau 2 ngày mới mở toang được cửa.

Khi binh đoàn thọc sâu triển khai đội hình bước vào chiến đấu, cũng phải lường trước được những khó khăn trên đường tiến quân, địch sẽ dùng những thủ đoạn gì để ngăn chặn quân ta.

Như binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh vừa triển khai đội hình trên trục đường 15 về hướng cầu Xa Lộ thì bị quân địch phá cầu sông Buông, binh đoàn thọc sâu phải dừng lại để đưa công binh lên sửa chữa cầu. Để yểm trợ cho công binh sửa chữa cầu, binh đoàn phải sử dụng 2 trung đoàn của Sư đoàn 304 lên đánh vòng vào cạnh sườn đẩy quân địch về hướng tổng kho Long Bình. Cầu sửa chữa xong đã mở đường cho binh đoàn thọc sâu tiến thẳng về cầu Xa Lộ, bắt được liên lạc với Đoàn đặc công 116 chiếm giữ cầu, binh đoàn thọc sâu đánh tan quân địch bên kia cầu. Thế là hơn 400 xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, cao xạ và bộ binh tiến thẳng về hướng Thủ Đức. Khi đến ngã ba đường Thủ Đức lại gặp quân địch chặn đánh, Bộ tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325, đánh bật quân địch ở Thủ Đức. Binh đoàn thọc sâu dùng hỏa lực trên xe tăng bắn áp đảo quân địch tiến thẳng về hướng Sài Gòn. Đến cầu Sài Gòn lại bị quân địch đánh chặn quyết liệt. Sau 30 phút chiến đấu, lực lượng hải quân, xe tăng và bộ binh địch bị quân ta đập tan, binh đoàn thọc sâu và Sư đoàn 304 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập-sào huyệt của Tổng thống Dương Văn Minh và chính quyền ngụy Sài Gòn, góp công lớn để chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 đại thắng.

Trung tướng NGUYỄN ÂN
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam