Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Pháo cao xạ xuất trận, lập công

Pháo cao xạ xuất trận, lập công

Tháng Năm 10, 2011

Kỷ niệm 57 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2011)


QĐND – Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta mới tổ chức chiến đấu binh chủng hợp thành với các Đại đoàn bộ binh 304, 312, 316; Trung đoàn 45 lựu pháo; Công binh pháo 105… Hai Tiểu đoàn 383, 394 cao xạ pháo 37mm (thuộc Trung đoàn cao xạ 367) lần đầu tiên xuất trận.

Tiểu đoàn 383 hiệp đồng với Đại đoàn 312 đánh cứ điểm Him Lam. 17 giờ ngày 13-3-1954, bộ đội ta nổ súng tấn công. Máy bay của quân Pháp lập tức bay lượn trên trận địa. Từ trên máy bay, chúng quan sát hướng tấn công của bộ đội ta, bắn đại liên 12,7mm, ném bom sát thương, bom cháy và chỉ điểm cho cối và pháo bắn phá… Nhưng bất ngờ, lưới lửa cao xạ 37mm của ta tung lên. Lần đầu tiên gặp cao xạ, máy bay địch hoảng sợ bay vọt lên cao, ra xa, ném bom bừa bãi rồi chuồn thẳng. 22 giờ 35 phút cùng ngày, căn cứ Him Lam được giải phóng. Chiến thắng ngay trận đầu, bộ đội cao xạ vui, bộ binh phấn khởi vì bớt bị thương vong bởi máy bay địch ném bom, bắn phá…

Sáng 14-3-1954, pháo cao xạ của ta lần đầu xuất trận, bắn rơi tại chỗ máy bay của quân Pháp. Ảnh tư liệu.

Ngày 14-3-1954, khi sương mù tan gần hết, một chiếc máy bay trinh sát bay vào gần trận địa của Đại đội cao xạ 815. Khoảng 8 giờ 30 phút, một loạt điểm xạ đã bắn trúng mục tiêu trên không, máy bay địch bốc cháy, rơi xuống cách trận địa 500m, bộ đội ta tận mắt nhìn thấy. Khắp khu rừng vang dậy tiếng hoan hô. Bộ chỉ huy mặt trận điện khen và tặng cờ cho đơn vị pháo phòng không lập chiến công đầu.

Thời điểm chiếc máy bay Mo-ral đầu tiên bị bắn rơi cũng đánh dấu kết thúc sự “độc quyền” của không quân Pháp trên không phận Việt Nam kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Tính từ ngày bắt đầu nổ súng (13-3) đến 23-4-1954 đã 40 ngày, vùng trời tập đoàn cứ điểm bị cao xạ pháo của ta bao vây, kiểm soát. Máy bay địch phải bay cao, bay xa tránh đạn cao xạ, nên tiếp tế thả dù không trúng đích, rơi cả sang trận địa của quân ta.

Trên mặt đất, chiến hào của bộ binh ta đã đào đến gần các căn cứ chính của tập đoàn cứ điểm; quân Pháp ở thế bị bao vây cô lập, thiếu đói. Nhưng tướng Đờ Cát vẫn ngoan cố chống giữ vì chúng vẫn còn một đường bay từ Hồng Cúm lên Mường Thanh theo hướng Đông Nam. Máy bay vận tải vẫn bay vào tiếp tế được vì ở đó bộ đội ta chỉ có súng máy 12,7mm, chưa có cao xạ pháo. Thêm nữa, lúc này Đờ Cát đang cầu trời mưa. Mưa là “viện trợ” đặc biệt, kịp thời cứu nguy cho chúng, vì khi các chiến hào bị úng nước, bộ binh ta không ở trong hào được, phải lên mặt đất thì không có gì che chắn. Địch mong mưa, còn ta rất lo gặp mưa.

Biện pháp duy nhất là nhanh chóng tìm trận địa, đưa cao xạ vào Hồng Cúm, cắt đứt đường tiếp tế duy nhất còn lại. Tiểu đoàn 383 nhận lệnh tổ chức cho Đại đội 816 vào Hồng Cúm chiếm lĩnh trận địa lúc 19 giờ 30 phút ngày 25-4. Cán bộ tham mưu và các trợ lý tiểu đoàn nhanh chóng tìm đường cho pháo cao xạ cơ động vào trận địa; trên đường xe đi, chỗ nào có căn cứ, lô cốt, hầm ngầm, trận địa… thì vẽ sơ đồ, đánh dấu để khi về báo cáo.

Để bảo đảm cho Đại đội 816 hành quân an toàn, phải tổ chức nghi binh bằng hỏa lực tập kích. Tham mưu mặt trận họp với chỉ huy 3 đại đoàn phổ biến chủ trương tổ chức đưa cao xạ vào Hồng Cúm để cắt đường bay tiếp tế cuối cùng của máy bay địch; đặc biệt là kế hoạch nghi binh bằng hỏa lực tập kích, để chỉ huy các đại đoàn biết, họp bàn với các đơn vị trực thuộc đang ém quân gần căn cứ địch và trên đường xe, pháo hành quân qua.

Xác máy bay của quân Pháp bị pháo cao xạ bắn rơi, phơi xác dưới chân đồi Him Lam. Ảnh tư liệu.

Cán bộ tham mưu Tiểu đoàn 383 xuống từng đơn vị của 3 đại đoàn bàn bạc, trao đổi rất tỉ mỉ, cụ thể về sử dụng súng, đạn trong nghi binh, thời gian, số lượng… Ví dụ, khi qua chân Đồi A1 phải bắn pháo 105; các Đại đoàn 312, 316 phải tổ chức tập kích ở hai điểm…

19 giờ 30 phút ngày 26-4, cuộc hành quân bắt đầu. Trên đường, những chỗ khó đi, cây cối um tùm khó nhìn đường, bộ đội công binh cắt dù pháo sáng màu trắng rải hai bên đường; chiến sĩ ta khoác dù trắng đứng làm “cọc tiêu sống” cho xe qua. Đại đội trưởng, chính trị viên đứng trên bậc lên xuống ngoài buồng lái để chỉ huy và quan sát đường giúp lái xe. Đi được khoảng 3km đã thấy tiếng súng các loại nổ ầm vang phía trước, xe tăng tốc, đúng theo hiệp đồng, hai đơn vị của Đại đoàn 312 và Đại đoàn 316 đã tổ chức tập kích lúc xe pháo đi qua dưới chân Đồi A1. Khe Chít được mệnh danh là “cửa tử”. Khi thấy tiếng động cơ xe, pháo và cối của địch bắn đến dồn dập, nhưng chiếc xe cuối cùng vừa đi qua.

2 giờ sáng ngày 27-4, Đại đội 816 đã sẵn sàng chiến đấu. Do trận địa nằm trong tầm đại liên, súng cối của cứ điểm Hồng Cúm, nên suốt đêm hành quân căng thẳng, chưa được nghỉ, bộ đội ta lại phải đào công sự đề phòng địch liều lĩnh tấn công đánh phá trận địa.

Lúc 10 giờ ngày 27-4-1954, ba loạt điểm xạ của pháo cao xạ 37mm từ trận địa Hồng Cúm đã “chụp” trúng chiếc máy bay C-119 của địch. Đường bay cuối cùng Hồng Cúm-Mường Thanh bị cắt đứt.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cao xạ pháo 37mm lần đầu xuất trận và trong 55 ngày đêm chiến dịch, đã bắn rơi 52 máy bay các loại, bắn bị thương 153 chiếc, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch. Cuộc hành quân 6km của Đại đội 816 cao xạ 37mm vào chiếm lĩnh trận địa Hồng Cúm đã đi vào lịch sử của bộ đội pháo cao xạ. Đó là cuộc hành quân rất sáng tạo, chặt chẽ trong tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, thực hiện nghi binh bằng hỏa lực tập kích…

Nguyễn Văn Mai (Theo tài liệu của Tiểu đoàn pháo cao xạ 383)

qdnd.vn