Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Tàu không số không phải vì… không có số

Tàu không số không phải vì… không có số

Tháng Mười 22, 2011

QĐND – Những con tàu cần mẫn hành trình vận chuyển người, vũ khí, đạn dược, vật chất hậu cần quân sự và các loại hàng hóa, trang thiết bị đặc biệt chi viện cho chiến trường miền Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại từ lâu được gọi là những con tàu không số. Thực ra, tất cả các con tàu đều có số và hồ sơ, lý lịch rõ ràng.

Thợ kỹ thuật Xưởng X46 tham gia cải tiến, cải trang cho những con tàu không số. Ảnh tư liệu.

Cũng như con người, con tàu có giấy khai sinh và quê hương nơi sinh ra. Mỗi con tàu đều có ngày khởi công đóng và ngày hạ thủy, bàn giao cho đơn vị sử dụng. Tàu trang bị cho Đoàn 759 (sau này là Đoàn 125) có hồ sơ đầy đủ, theo dõi tình trạng và ghi chép sổ sách, lý lịch chặt chẽ. Tàu có mã số tàu, tính năng, thông số kỹ thuật. Từ những con tàu gỗ, tải trọng nhỏ rồi đến tàu sắt có tải trọng hàng trăm tấn, rồi các tàu có thiết kế đặc biệt theo yêu cầu của nhiệm vụ vận chuyển. Mỗi chuyến tàu ra khơi đi làm nhiệm vụ đều mang số hiệu riêng của mình. Lớp tàu đầu tiên ra miền Bắc và tàu của Tập đoàn đánh cá Sông Gianh là những tàu gỗ của các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa. Đây là những tàu cá cải hoán để vận chuyển vũ khí cho phù hợp. Sau đó là các lớp tàu vỏ sắt, được đóng ở các cơ sở đóng tàu trong nước, như tàu lớp Bạch Đằng, Nhật Lệ. Các tàu do nước bạn Trung Quốc giúp đỡ có tàu lớp Quảng Châu, lớp Trạm Giang, lớp Đại Khánh…

Những con tàu làm nhiệm vụ đặc biệt, hành trình trên đường biển mang tên Bác thường được đóng giả dạng giống như tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc, các vùng lãnh thổ Hồng Công, Đài Loan, hay Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực. Để giữ bí mật tuyệt đối cho con đường, các tàu phải xóa hết nhãn mác, tên tàu, số tàu. Đi đến vùng biển nào thì cải trang thành tàu đánh cá, tàu buôn của vùng đó, đổi tên tàu, mang số tàu phù hợp vùng biển địa phương đó. Các con tàu của ta khi giả dạng tàu đánh bắt xa bờ thì trên nắp hầm chứa vũ khí trải các loại lưới đánh cá, phao lưới, có các loại cờ đuôi nheo đánh dấu lưới, đủ vợt vớt cá, cần câu cá, dây phơi cá khô, mực khô. Thủy thủ trên tàu cũng được huấn luyện kỹ thuật, kỹ năng đánh cá như ngư dân thực thụ. Trong trường hợp bị địch nghi ngờ, bám đuổi, theo dõi, kiểm tra, các tàu của ta phải luồn lách, trà trộn vào các phương tiện trong vùng, đồng thời thay đổi tên tàu, số tàu. Những biển số tàu, tên tàu được chuẩn bị sẵn trước khi hành trình, có nghiên cứu tính đến việc phù hợp từng vùng. Có những tàu khi bị địch theo dõi gắt gao, lợi dụng màn đêm buông xuống, cán bộ, thủy thủ tàu sơn một phần đài chỉ huy, hay mũi, lái tàu màu sơn khác. Có khi cải dạng một phần đài chỉ huy hay mũi, lái tàu, làm cho con tàu thay đổi thành một con tàu lạ…

Với những biện pháp giả trang, cải dạng, các tàu ta đã che mắt địch, giữ được bí mật hoặc khi bị địch phát hiện, để kiểm tra xác minh đúng, tàu ta đã hành trình đi xa, chúng có tìm dấu vết cũng khó thấy. Vì thế, những con tàu hoạt động vận chuyển thuộc tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển, được gọi là Tàu không số. Những con tàu đã làm cho các phương tiện trinh sát hiện đại cùng bộ máy tình báo, tác chiến của Hải quân Mỹ, ngụy Sài Gòn quay cuồng, khó phát hiện ra, khiến đối phương phải thán phục.

Hoàng Hồng Phương

qdnd.vn