Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Tiếp theo và hết)

Quảng Trị – Thừa Thiên năm 1972: Cuộc đụng đầu lịch sử (Tiếp theo và hết)

Tháng Mười Một 21, 2013

Kỳ 5: Trận then chốt quyết định

QĐND – Chiếm được thị xã Quảng Trị nhưng quân ngụy cũng bị tổn thất nặng nề. 26.000 quân ngụy Sài Gòn bị loại khỏi vòng chiến đấu, 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy, 205 máy bay bị bắn rơi. Sư đoàn lính thủy đánh bộ và Sư đoàn dù thiện chiến nhất bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù làm chủ được thị xã Quảng Trị nhưng quân ngụy chưa chiếm được đồng bằng Triệu Phong, chưa tới được Đông Hà – Cửa Việt như kế hoạch đã vạch ra. Lực lượng và tinh thần ngụy quân tuy có giảm sút, nhưng trước yêu cầu chính trị, quân ngụy vẫn không từ bỏ tham vọng tập trung lực lượng để giành lại những vùng đất đã bị quân giải phóng chiếm giữ.

Ngày 17-9-1972, trong bức điện số 253-Đ do đồng chí Văn ký, thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch: “… Bộ đội ta rút khỏi thị xã chỉ là một sự lui quân có tính chiến thuật. Cần có nhận thức đầy đủ rằng đứng về phạm vi cả mặt trận thì cuộc chiến đấu của ta còn đang tiếp tục…”. Tiếp sau đó Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương còn chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch “Phải dứt khoát dùng hình thức phòng ngự trận địa mới giành được thắng lợi”.

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, được sự giúp đỡ của các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh và sự đôn đốc của Bộ tư lệnh chiến dịch, các hướng đã thực sự quán triệt được yêu cầu phải xây dựng hệ thống trận địa phòng ngự mới, đồng thời cụ thể cách thức xây dựng chốt liên hoàn, cách bố trí sử dụng binh lực, hỏa lực. Các đơn vị vừa khẩn trương xây dựng trận địa, vừa làm kế hoạch tác chiến phòng ngự, vừa điều chỉnh lực lượng, vừa tiếp tục chiến đấu. Trong những ngày này, lợi dụng mùa mưa, quân ngụy đang gây cho ta những khó khăn. Chúng tiếp tục tập trung cao độ hỏa lực không quân, hải quân đánh phá với cường độ lớn vào các trận địa phòng ngự của ta.

Các chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tiến công đánh địch tại Cầu Sắt – Quảng Trị, ngày 23-7-1972. Ảnh tư liệu.

Cảnh giác và chủ động đối phó với địch, Bộ tư lệnh chiến dịch thông báo các đơn vị toàn mặt trận: “Ngày 20-10 có thể ta và Mỹ trở lại mật đàm ở Pa-ri. Hướng cánh đông phải đề phòng khả năng địch ném bom hủy diệt và đánh chiếm các vị trí quan trọng khi 2 bên bước vào đàm phán ở hội nghị”, đồng thời tư lệnh chiến dịch chỉ thị cho Sư đoàn 304 đưa Trung đoàn 24 là lực lượng dự bị vào cùng với lực lượng phòng ngự tiến hành phản kích. Trung đoàn 66 chiếm lại các điểm cao 124, 128. Tiểu đoàn 2 độc lập đang trên đường vào nam sông Mỹ Chánh, cũng được lệnh dừng lại để tăng cường cho hướng này.

Ở hướng đông, thế trận ngày càng vững vàng hơn. Cuộc sống của bộ đội dù được cải thiện từng bước nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Thực hiện kế hoạch luân phiên, cuối tháng 10, Trung đoàn 101 ra củng cố ở bắc Cửa Việt. Trung đoàn 27 vào thay, chiến đấu trên khu vực An Long – Bích La – Chợ Sải.

Đêm 1-11, cuộc hành quân của Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 369 từ thị xã Quảng Trị bí mật vượt sông Thạch Hãn sang Nhan Biều, Ái Tử mang tên “Sóng thần 9” đánh chiếm đầu cầu Nhan Biều. Khi Tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến, bộ phận đi đầu của cuộc hành quân mới sang sông đã bị Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18 chặn đánh và tiêu diệt gọn. Pháo binh chiến dịch của ta vừa chi viện trực tiếp cho Tiểu đoàn 8, vừa bắn trúng đội hình phía sau đang rối loạn của địch ở phía hữu ngạn và trong thị xã diệt nhiều tên. Bị thiệt hại nặng, Lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ phải bỏ cuộc tiến công và nhận kết cục cay đắng thất bại cuộc hành quân “Sóng thần 9”.

Do thế phòng ngự khu giữa đã được ổn định, Bộ tư lệnh chiến dịch điều Sư đoàn 312 vào thay thế Sư đoàn 308 và điều Trung đoàn 165 từ khu giữa sang tăng cường cho Sư đoàn 304. Như vậy, kể từ ngày 7-12, Sư đoàn 304 có thêm Trung đoàn 165 đã tổ chức phản kích lấy lại mỏm A1 nhưng không trụ lại được vì máy bay và pháo binh ngụy thay nhau bắn phá ác liệt.

Ngày 23-1-1973, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định mở một đợt phản kích để cải thiện tình hình ở hướng tây. Trung đoàn 95 ở khu giữa được lệnh sang sông cùng Trung đoàn 209 tiến công quân ngụy ở Tích Tường, Như Lệ, chiếm lại các điểm cao 52, 29, 15, giữ vững được tuyến ven sông Thạch Hãn cho đến ngày có lệnh ngừng bắn.

Nắm được âm mưu của địch mở cuộc hành quân mang tên “Tăng-gô Xi-ti” nhằm đánh chiếm Cửa Việt trước khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, 12 giờ 30 phút ngày 25-1, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ thị cho Bộ tư lệnh cánh đông chuẩn bị phương án đánh địch ra Cửa Việt. Mọi công tác chuẩn bị đang được xúc tiến khẩn trương thì đêm 25 sáng 26-1-1973, không quân pháo hạm của Mỹ, pháo binh ngụy bắn phá dữ dội vào hệ thống phòng ngự cánh đông. Dứt tiếng bom, pháo nổ, lập tức bộ binh và xe tăng quân ngụy thực hành tiến công, cuộc chiến đấu giành giật giữa ta và địch diễn ra ác liệt, địch buộc phải co lại thành 4 cụm kéo dài từ nam Cửa Việt đến Vĩnh Hòa.

Liên tục trong hai ngày 28 và 29-1, lực lượng cánh đông đã tổ chức đánh địch nhưng không thành công. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tăng cường cho cánh đông Trung đoàn 24 và Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 cùng với một đại đội xe tăng; đồng thời cử Đại tá Cao Văn Khánh, Phó tư lệnh; Đại tá Hoàng Minh Thi, Phó chính ủy; Đại tá Doãn Tuế, Phó tư lệnh chiến dịch kiêm Tư lệnh pháo binh chiến dịch xuống đốc chiến Bộ tư lệnh cánh đông chỉ huy phản đột kích.

Sáng ngày 30-1-1973, Bộ tư lệnh cánh đông tổ chức lại đội hình đòn phản đột kích. Bộ phận chặn đầu gồm 2 đại đội của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và Trung đoàn 48, Sư đoàn 320b, bộ phận K5 Hải quân và một bộ phận công binh Sư đoàn 320b, có nhiệm vụ giữ khu vực Cảng, Phó Hội, Hà Tây, kiên quyết ngăn chặn địch trước các chốt phòng ngự, không cho quân ngụy phát triển vào Cửa Việt.

Bộ phận khóa đuôi có Trung đoàn 64; Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24; Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 chốt tại Vĩnh Hòa đánh địch tăng viện từ Thanh Hội lên và chặn quân rút chạy từ Cửa Việt xuống.

Bộ phận chủ lực, gồm Trung đoàn 101, Trung đoàn 24, Tiểu đoàn 38 và Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 có nhiệm vụ tiêu diệt quân ngụy từ xóm Mộ lên tới Cảng.

Vì chuẩn bị chậm, đến 12 giờ ngày 30-1 bộ đội ta nổ súng không đồng loạt, nên đòn phản kích này không hiệu quả. Sáng sớm ngày 31-1, Bộ tư lệnh cánh đông tập trung 5 tiểu đoàn của bộ phận chủ lực có một số xe tăng, xe bọc thép cùng các lực lượng chốt tiến công vào quân ngụy ở phía nam cảng. 6 giờ 30 phút các trận địa pháo chiến dịch, các trận địa pháo chống tăng bờ bắc ĐKZ 75, pháo 85mm, B72, các đội hỏa khí chống tăng đi cùng bắn mãnh liệt vào các cụm quân địch mở đầu trận đánh. Bị đòn phủ đầu, quân ngụy choáng váng, đội hình rối loạn. Lập tức các đơn vị theo nhiệm vụ đã được phân công đồng loạt tiến công vào 5 cụm quân. Pháo phòng không của ta khống chế toàn bộ vùng trời từ Long Quang đến Thanh Hội. Đến 8 giờ 30 phút ngày 31 tháng 1, bộ đội ta diệt xong cả 3 cụm quân ngụy ở phía nam cảng.

Một số quân ngụy sống sót theo các triền cát trắng dọc bờ biển Cửa Việt tháo chạy về tới Vĩnh Hòa, vấp phải các trận địa chốt của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101, không chống cự, quân ngụy trút vũ khí đầu hàng. Thừa thắng, bộ đội ta đuổi quân ngụy vào tới Thanh Hội. Đến 10 giờ 30 phút, từ cảng Cửa Việt đến Vĩnh Hòa không còn một bóng ngụy quân, ta khôi phục lại tuyến phòng ngự từ Thanh Hội, Long Quang đến Chợ Sải. Cuộc hành quân “Tăng-gô Xi-ti” của ngụy quân bị thất bại hoàn toàn.

Đòn đánh tiêu diệt này đã làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và ngụy quân tại Quảng Trị, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch chiếm lại vùng ta mới giải phóng. Ta đã tiêu diệt hơn 2.330 tên ngụy, bắt 200 tên, phá hủy 113 xe tăng, xe bọc thép, thu 12 xe, bắn rơi 5 máy bay, phá hủy 10 khẩu pháo, bắn cháy 1 tàu. Lữ đoàn đặc nhiệm bị tiêu diệt, Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 và 4 chi đoàn thiết giáp bị thiệt hại nặng nề.

Trận phản đột kích Cửa Việt là một trận then chốt quyết định của Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị năm 1972, đánh dấu sự kết thúc chiến dịch bằng một chiến thắng oanh liệt. Chiến thắng đó càng có ý nghĩa to lớn cả về quân sự, chính trị – ngoại giao, trong giai đoạn trước mắt cũng như giai đoạn đấu tranh sau Hiệp định Pa-ri.

Cuộc tiến công chiến lược Trị – Thiên năm 1972 đã diễn ra 308 ngày đêm, trong đó có chiến dịch tiến công và chiến dịch phòng ngự, tuy ta không giải phóng được Thừa Thiên và không giữ được Thành cổ Quảng Trị nhưng thắng lợi đó đã làm thay đổi thế và lực của ta trong thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng này. Góp phần làm tê liệt chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, phải rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam nước ta, đẩy nhanh quân ngụy vào thế suy sụp. Thực tế trên chiến trường Trị – Thiên đã minh chứng, lần đầu tiên chiến trường miền Nam ta đã tiêu diệt nhiều đơn vị lớn của địch, nhất là 2 sư đoàn dự bị chiến lược tinh nhuệ nhất. Lần đầu tiên ta đã giải phóng hoàn toàn một tỉnh, tạo thế để củng cố và bảo vệ vững chắc tuyến đường vận tải chiến lược 559 và kéo dài thêm tuyến vận tải đường biển khá quan trọng với cảng Cửa Việt một trong những cảng lớn ở miền Trung và cả nước.

Thắng lợi ở Trị – Thiên là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của tinh thần chiến đấu vô song, ý chí kiên cường, không gì có thể lay chuyển nổi, người trước ngã người sau tiến lên, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, trong chiến đấu quân – dân gắn bó keo sơn, một ý chí.

Thắng lợi ở Trị – Thiên cũng chính là thắng lợi của sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sự kết hợp tài tình đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị – ngoại giao của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh; sự chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch sáng tạo, kiên quyết của Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch, thể hiện bằng nghệ thuật tổ chức chiến trường, thế trận chiến dịch; cách đánh chiến dịch; chỉ đạo chiến thuật. Luôn tỉnh táo, chủ động trong bị động, phá thế mạnh của địch để giành lại thắng lợi của chiến dịch.

Tất cả những thành công, và thiếu sót ở hướng tiến công chiến lược Trị – Thiên năm 1972, chúng ta đã thu được những bài học vô cùng sâu sắc, quý giá, nhất là những vấn đề về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật cần phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân đội ta.

————

Kỳ 1: Chiến dịch tổng lực
Kỳ 2: Giải phóng Quảng Trị
Kỳ 3: Nốt trầm bên sông Mỹ Chánh
Kỳ 4: 81 ngày đêm quyết tử

Thiếu tướng Lê Mã Lương

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)