Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Địch thất thủ nhanh vì ta nghi binh quá giỏi

Địch thất thủ nhanh vì ta nghi binh quá giỏi

Tháng Tư 30, 2013

Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất, khi có dịp trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đàm Văn Ngụy, người chỉ huy trực tiếp Sư đoàn 316 đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột, chúng tôi hỏi ông: “Nguyên nhân nào khiến địch ở Buôn Ma Thuột thất thủ nhanh nằm ngoài cả dự kiến của ta?”, Trung tướng Đàm Văn Ngụy nói ngay: “Lý do có nhiều, nhưng quan trọng nhất là ta nghi binh quá giỏi nên địch quá bất ngờ…”. Đúng như lời ông, ngay sau thất bại ở Buôn Ma Thuột, một tờ báo phương Tây đã bình luận rằng: “Chỉ trong vài ngày, bản đồ quân sự và chính trị của Việt Nam bị đảo lộn lung tung. Chỉ cần một trận – trận Buôn Ma Thuột đã khiến cho từng mảng lớn cấu trúc do chế độ Nguyễn Văn Thiệu dựng lên sụp đổ một cách chẳng vinh quang gì”.

Quân Giải phóng làm chủ sân bay Hòa Bình, thị xã Buôn Ma Thuột.

Theo phân tích của Trung tướng Đàm Văn Ngụy, quân và dân ta đã giành chiến thắng sớm ở Buôn Ma Thuột là nhờ chúng ta đã giành được thế chủ động tiến công chiến lược áp đảo địch trên khắp các chiến trường và đã đứng vững trên những địa bàn trọng điểm. Chính điều này đã khiến cho quân địch ở đâu cũng bị uy hiếp, ở đâu cũng bị đe doạ, lo sợ Quân giải phóng sẽ tiến công bất cứ lúc nào. Do vậy, địch buộc phải căng kéo lực lượng ra lo đề phòng ở khắp mọi nơi. Lực lượng của địch mặc dù rất lớn nhưng do phải phân tán nên ngay cả khi biết rõ hướng tiến công của ta chúng cũng không còn lực lượng để tăng cường, thậm chí do quá lo sợ, lại rơi vào kế nghi binh của ta nên quân địch không dám rút quân ở nơi khác đến tăng viện. Chúng bán tín, bán nghi rằng: Biết đâu chính nơi rút quân lại là nơi bị Quân giải phóng tiến đánh. Ngay cả khi tiến hành một cuộc phản kích lớn nhằm mục đích chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận, phải đối đầu với 3 sư đoàn mạnh của ta nhưng địch cũng chỉ thu gom được một liên đoàn biệt động quân lên tăng cường cho Tây Nguyên… Chỉ một vài nét như vậy đã đủ thấy quân địch phải căng kéo lực lượng ra để… hứng chịu từng đòn đánh của Quân giải phóng mà đòn nào cũng mạnh như trời giáng.

Theo Trung tướng Đàm Văn Ngụy, giải phóng được Buôn Ma Thuột, quân và dân ta đã chiếm được chiếc chìa khoá để mở cửa giữa lòng Tây Nguyên. Đây cũng chính là bàn đạp để ta tiếp tục mở rộng, tăng cường khả năng tác chiến trên chiến trường phía Đông và Đông Nam, tạo thành thế uy hiếp đối với chiến trường Đông Nam Bộ và Sài Gòn. Đồng thời, từ Buôn Ma Thuột ta phát triển chiến đấu lên Plei-ku, Kon Tum, cắt Đường 19 và Đường 7. Sau khi quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, quân địch trên địa bàn 2 tỉnh phía Bắc Tây Nguyên chẳng khác nào “cá nằm trên thớt”. Mất Buôn Ma Thuột là mất hoàn toàn hậu cứ nên binh lính thuộc Quân đoàn 2 và Sư đoàn 23 nguỵ như cây bị chặt mất gốc, tinh thần binh lính vốn đã xuống thấp ngày càng thêm hoang mang, lo sợ.. v.v… Đó chính là những lý do khiến quân địch bị tiêu diệt và tan rã nhanh chóng.

Ngoài nghệ thuật nghi binh tài tình, khiến quân địch hoàn toàn bị bất ngờ cả về chiến dịch và cách đánh, theo cách đặt vấn đề của Trung tướng Đàm Ngụy cũng có một lý do là trong nhiều năm, thông qua công tác địch vận, quân và dân Tây Nguyên đã hình thành trong đám nguỵ quân, nguỵ quyền một suy nghĩ mang tính định kiến rằng: Quân đội cách mạng muốn thay đổi được tình hình và chiếm cả chiến trường rừng núi trọng yếu này thì chỉ có một cách là đánh Plei-ku, Kon Tum chứ không thể chọn nơi nào khác… Từ suy nghĩ sai lầm đó, quân địch rất chủ quan, sơ hở trong chuẩn bị đối phó trên hướng Buôn Ma Thuột mà chỉ tập trung lo phòng ngự trên hướng Pleiku, Kon Tum. Mặt khác chúng cũng rất chủ quan trong đánh giá khả năng tác chiến mới, khả năng đánh lớn, sự linh hoạt, biến hoá sáng tạo của Quân giải phóng… Sai lầm trong đánh giá đối phương đã khiến địch hoàn toàn bị bất ngờ. Quân ta nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Buôn Ma Thuột đó là kết quả được tạo bởi nhiều yếu tố. Nhưng không thể không nói tới nghệ thuật nghi binh tài tình và khả năng khai thác triệt để những sai lầm của địch để đánh vào những nơi hiểm nhất, yếu nhất của chúng.

Tình hình nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã có những phát triển mới, chiến tranh trong tương lai sẽ là chiến tranh công nghệ cao, nhưng theo Trung tướng Đàm Văn Ngụy, bài học kinh nghiệm về nghệ thuật nghi binh lừa địch, tạo yếu tố bất ngờ vẫn còn nguyên giá trị. Việc tiếp tục nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm trong trận Buôn Ma Thuột – mở màn Chiến dịch Tây Nguyên vào công tác huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta trong giai đoạn cách mạng mới là rất cần thiết.

Nhóm PV Quốc phòng – An ninh
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam