Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Ký ức về cầu Rạch Chiếc

Ký ức về cầu Rạch Chiếc

Tháng Tư 30, 2013

Thao trường huấn luyện của Trường Sĩ quan Lục quân 2 một ngày đầu xuân. Thượng tá Nguyễn Xuân Liễu, Phó trưởng khoa Trinh sát đang say sưa hướng dẫn học viên luyện tập những thế võ tấn công chớp nhoáng. Dù đã ở tuổi ngoại ngũ tuần nhưng những động tác võ thuật của ông vẫn rất nhanh nhẹn, mạnh mẽ, dứt khoát. Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi hỏi chuyện ông về trận đánh oanh liệt, khai thông cửa ngõ tiến vào Sài Gòn từ hướng Đông ngày 30-4-1975. Ngày ấy ông là Trung sĩ, Tổ trưởng Đặc công nước thuộc Trung đội 1, Đại đội 1, Z23, Lữ đoàn 316 (Bộ Tham mưu Miền).

Ký ức cầu Rạch Chiếc…

Những chiến sĩ tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc năm xưa (Thượng tá Liễu đứng thứ 2 từ phải qua).

Ông kể: Khoảng 6 giờ sáng 27-4-1975, ông cùng đồng đội được lệnh bí mật rời khu trú ẩn đi chiến đấu. Mặc dù đã hơn 3 tuổi quân, tham gia nhiều trận đánh ở địa hình sông nước miền Đông Nam Bộ, nhưng lần này ông cảm thấy hồi hộp, bởi nhiệm vụ được giao gấp rút, lại chưa biết rõ mục tiêu tiến công. Vượt qua nhiều kênh rạch, khi đi bộ, lúc bơi ghe, 4 giờ chiều đơn vị ông dừng lại ém quân tại đầm Bưng thuộc xã Thủ Đức (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Đồng chí Z trưởng Z23 sơ bộ thông báo nhiệm vụ cho toàn đơn vị, trong đêm 27-4 phải tiêu diệt lực lượng địch chốt giữ cầu Rạch Chiếc, mở đường cho đại quân của ta tiến vào nội đô Sài Gòn từ hướng Đông. Đây là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn bởi quân địch quyết “tử thủ” để khống chế khu vực trung tâm. Chúng bố trí lực lượng khá đông, vũ khí trang bị mạnh, tổ chức tuần tra nghiêm ngặt suốt ngày, đêm. Nhưng với ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, bộ đội đặc công Z23 đã phối hợp chặt chẽ với Z22 và D81 nhanh chóng triển khai thành nhiều hướng, mũi, tiếp cận mục tiêu thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Đơn vị ông chia thành 5 tổ. Ông cùng 4 đồng chí khác, trong đó có Lê Trọng Việt (quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa), được giao nhiệm vụ bí mật áp sát chân cầu, dùng B40, thủ pháo tiêu diệt địch trong lô cốt phía Nam cầu Rạch Chiếc. Sau khi nhận nhiệm vụ, ngay đêm 27-4 tổ của ông vận dụng các phương pháp bơi ếch, bơi cá chép, ngậm ống thở vượt sông Đồng Nai tiếp cận mục tiêu…

Thượng tá Nguyễn Xuân Liễu chợt dừng lại, hỏi chúng tôi: “Các cậu có biết thế nào là bơi cá chép không”? Đưa mắt nhìn những gương mặt chiến sĩ trẻ đang ngơ ngác, ông cười, giải thích: “Muốn vượt sông lớn trong đêm tối không bị lộ, lại giữ được sức bền, lính đặc công thường bơi ngửa, dùng kẹp bướm kẹp chặt mũi lại cho nước khỏi tràn vào rồi há miệng để thở, giống như con cá chép bị nhược, ngáp ngáp trong chậu nước ấy”. Ông vừa nói vừa làm động tác giúp chúng tôi hình dung ra tư thế bơi khá kỳ quặc mà ông và đồng đội đã thực hiện để vượt sông.

Ông kể tiếp: Trận đánh cầu Rạch Chiếc diễn ra ác liệt trong đêm. Bọn địch chốt cầu bị đánh bất ngờ phải dùng xuồng rút chạy ra xa nhưng vẫn bắn phá khu vực xung quanh. Đến gần sáng, cả tổ chỉ còn lại ông và đồng chí Lê Trọng Việt. Số đạn, thủ pháo mang theo đã hết, cả hai phải cơ động ẩn nấp sau một lùm cây nhỏ sát mép nước chờ trời sáng mới xác định được hướng về đơn vị. Đúng thời điểm đó pháo sáng của địch rọi tới. Lúc ông chưa kịp nhoài người xuống nước thì một loạt đạn AR15 vang lên. Một viên đạn địch đã găm trúng ngực làm Việt té nhào. Địch tập hợp lực lượng phản kích dữ dội buộc quân ta phải rút khỏi khu vực cầu. Cả ngày ngâm mình trong bùn nước, đói rét, mệt lả, tối 28-4, sau khi đưa thi hài đồng đội vào bờ, lợi dụng hố bom cách mép sông chừng 2 mét chôn tạm, ông mới tìm về điểm hẹn, gặp lại đồng đội ở đầm Bưng. Ngay đêm đó, tất cả lại nhận lệnh bằng mọi giá phải làm chủ và bảo vệ cầu Rạch Chiếc, bảo đảm an toàn cho các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thế là, suốt 2 đêm 1 ngày liên tục bám địch chiến đấu, đến 5 giờ ngày 30-4, cầu Rạch Chiếc đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quân ta.

Sau trận đánh đó, Trung sĩ Nguyễn Xuân Liễu được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng ba và được cử đi đào tạo Sĩ quan trinh sát tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Tận nghĩa với đồng đội

Chiến tranh kết thúc, Nguyễn Xuân Liễu đã trở lại cầu Rạch Chiếc nơi Lê Trọng Việt hy sinh để tìm lại mộ phần nhưng không thấy. Những năm gần đây ông tìm gặp lại những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa, trao đổi thông tin, liên lạc và đã tìm được khá nhiều mộ liệt sĩ đặc công hy sinh ngày đó. Cách đây vài năm, nhờ thông tin từ một người dân từng sống gần cầu Rạch Chiếc, ông đã tìm được mộ phần của liệt sĩ Lê Trọng Việt và thông báo, phối hợp với người nhà của liệt sĩ đến nhận. Nhìn cảnh “trở về” muộn màng của đồng đội, trong lòng ông lẫn lộn buồn vui…

Hiện ông Liễu đang tích cực tìm kiếm thông tin để xác nhận mộ phần liệt sĩ Phạm Văn Giảng (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh), Phan Văn Phòng (quê Quảng Xương, Thanh Hóa), cùng trung đội với ông, hy sinh trong trận đánh đồn Long Hiệu (xã Long Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai), tháng 3-1974. Những ngày nghỉ ông thường trở lại chiến trường xưa, gặp gỡ, hỏi thăm những người cao tuổi trong khu vực để biết thêm tin tức, phục vụ cho việc tìm kiếm hài cốt đồng đội. Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm chiến thắng cầu Rạch Chiếc, ông lại cùng những cựu chiến binh ngày trước tụ họp tại Nhà văn hóa quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) để ôn lại ký ức năm xưa, dâng hương tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh ngay dưới chân cầu. Chính trong những lần gặp mặt ấy ông đã thu thập được nhiều thông tin cùng đồng đội xác minh, chứng thực, giúp đỡ nhiều gia đình tìm thấy hài cốt liệt sĩ.

Thượng tá Nguyễn Xuân Liễu hướng dẫn học viên trinh sát luyện tập võ thuật.

Mới đây, Thượng tá Nguyễn Xuân Liễu vừa tìm được mộ phần liệt sĩ Phạm Văn Lai (quê Quảng Xương, Thanh Hóa). Hiện ông đang làm đơn đề nghị Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) phối hợp giúp đỡ và báo tin cho gia đình để đưa hài cốt liệt sĩ Lai về quê an táng.

Bài giảng hôm nay

Năm 1981, Nguyễn Xuân Liễu trở thành giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 với quân hàm trung úy. Bằng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong chiến đấu và học tập, ông luôn tận tình dồn hết tâm sức vào từng bài giảng vì sự tiến bộ của các thế hệ học viên. Một trong những kinh nghiệm mà ông truyền đạt cho học viên trinh sát, đó là phương pháp làm lán trên đất bùn không lún, vận dụng hiệu quả trong diễn tập, dã ngoại vùng sông nước. Ngày ấy đơn vị ông thường xuyên phải tác chiến trên địa hình sình lầy nhiều cây đước, chà là, su su. Để bố trí được chòi canh, lán trại cho vài người ở là điều hết sức khó khăn. Một lần được giao nhiệm vụ dựng chòi canh ngay phía bìa đầm, ông đã nảy ra sáng kiến đặt nằm mấy cây đước xuống bùn để giảm độ lún rồi chọn cây có nhiều chạc buộc chống phía trên. Cứ thế, chỉ vài giờ sau chòi canh khá chắc chắn đã hoàn thành trước sự ngỡ ngàng của đồng đội. Hay kinh nghiệm hứng nước mưa từ lá cây đước tích trữ trong mùa khô; hành quân qua đầm nghỉ giải lao bằng cách người nọ ngồi lên đầu gối người kia… Tất cả những kinh nghiệm thực tiễn, sinh động và bổ ích ấy được Thượng tá Nguyễn Xuân Liễu gửi gắm vào nội dung bài giảng, làm tăng tính thuyết phục đối với học viên. Thượng sĩ Danh Hoàng Hường, học viên Phân đội 6 (Trường SQLQ2), tâm đắc: “Những tiết học sôi nổi, đầy nhiệt huyết của thầy Liễu đã tạo ấn tượng sâu sắc giúp chúng tôi dễ hiểu, dễ tiếp thu và thêm tự hào, tin tưởng ở nghệ thuật đánh giặc tài tình của cha ông ngày trước”.

Gần 30 năm giảng dạy, chất lính đặc công kiên cường, quả cảm vẫn vẹn nguyên, giúp Nguyễn Xuân Liễu vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa truyền dạy kiến thức chuyên môn, vừa “truyền lửa” hun đúc ý chí, niềm tin cho học viên trưởng thành.

Bài và ảnh: Hoàng Thành
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam