Trang chủ > Nhân vật lịch sử > Nguyễn Công Trứ: Vị quan làm lợi cho nước, cho dân

Nguyễn Công Trứ: Vị quan làm lợi cho nước, cho dân

Tháng Tư 16, 2013

QĐND – Nhìn lên bản đồ Việt Nam, huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Kim Sơn (Ninh Bình), mặc dù về mặt hành chính thuộc hai tỉnh (đến thời Nguyễn Công Trứ chưa có địa danh Thái Bình, mà thuộc hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình), nhưng về địa lý lại nằm trong vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, một vùng đất màu mỡ được hình thành bởi phù sa bồi tụ của sông Hồng và sông Trà Lý.

Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, vùng đất bãi bồi ven biển mênh mông hàng nghìn mẫu này hầu như chưa được khai phá bao nhiêu, chỉ mới xuất hiện một số làng tự phát, nhà cửa lèo tèo như Đại Hoàng, Lạc Thành… bên tả ngạn sông Hồng, vẫn trong tình trạng “thủy thăng kiến thủy, thủy giáng kiến thổ”, nghĩa là khi thủy triều lên chỉ mênh mông thấy nước, khi thủy triều xuống thì thấy đất. Vùng đất mọc đầy sú vẹt, lau sậy, cỏ lác này là nơi lui tới của đám hải tặc và trong những năm 1826-1827 là căn cứ của cuộc khởi nghĩa nông dân Phan Bá Vành. Trong những năm làm quan ở Bắc thành, Nguyễn Công Trứ đã để ý đến vùng đất này, đặc biệt khi ông làm tham tán quân vụ trong đạo quân của Phạm Văn Lý đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, ông đã đến tận nơi và bằng mắt mình chứng kiến vùng đất và con người nơi đây. Ông suy tư về mối liên hệ giữa vùng đất bãi bồi chưa được khai phá và những toán hải tặc và đặc biệt những người nông dân nghèo khổ tham gia cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành. Trước đó, được Minh Mệnh khích lệ “sau này có việc gì khẩn yếu, cho được làm tờ nói thực, niêm phong tâu thẳng”(1), nên trong một lần về Kinh, Nguyễn Công Trứ đã mạnh dạn dâng sớ tâu ba việc lớn, trong đó có việc thứ ba liên quan trực tiếp đến việc khai hoang lấn biển. Đại Nam Thực lục có ghi:

Nguyễn Công Trứ (1778-1858). Ảnh tư liệu.

“Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo. Đời làm ăn xưa chia ruộng định của, dân có nghiệp thường ở yên, nơi làng mạc không có gian tà. Ngày nay, những dân nghèo túng, ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái lệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định thấy ruộng vỡ hoang ở các huyện Giao Thủy, Chân Định mênh mông bát ngát. Ngoài ra, còn không biết mấy trăm nghìn mẫu, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn, nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác…”(2).

Vua Minh Mệnh chuyển sớ cho đình thần bàn bạc và hết thảy đều cho là “Điều khai khẩn ruộng hoang thì thực được ý nghĩa chăm nghề nông làm gốc”(3) nên Minh Mệnh quyết định phong chức mới cho Tả Thị lang Hình bộ Nguyễn Công Trứ là Dinh điền sứ để thực thi công việc quan trọng đó. Trong cuộc yết kiến Vua lần đó, Nguyễn Công Trứ mạnh dạn bộc bạch những suy nghĩ của mình về việc thu nhận những thân phận nông dân khốn khổ đã từng đi theo Phan Bá Vành vào công cuộc khai hoang lấn biển. Nghe xong, Minh Mệnh hạ lệnh cấp cho Nguyễn Công Trứ “một viên Tư vụ, 10 người bát cửu phẩm và một vị nhập lưu thư lại đi theo để sai phái”(4).

Hành trang buổi ban đầu khai hoang lấn biển của ông chỉ có vậy.

Sau khi nhậm chức Dinh điền sứ, Nguyễn Công Trứ nhanh chóng trở lại vùng đất bãi bồi thuộc hai huyện Chân Định và Giao Thủy tức khắc triển khai công việc. Với tư cách người tổ chức và chỉ đạo công cuộc khai hoang lấn biển, vấn đề ông quan tâm trước tiên là thu hút lực lượng vào công việc. Như trong Sớ khai hoang trình vua Minh Mệnh đã nói ở trên, có 4 đối tượng mà ông muốn thu hút vào dự án mở đất của mình:

– Những người địa phương giàu có, những người đồng hương với ông (Nghệ-Tĩnh), những thầy đồ có uy tín. Số người này đóng vai trò tập hợp và tổ chức các đơn vị khai hoang như lý, ấp, trại, giáp;

– Nông dân vùng châu thổ sông Hồng không có ruộng đất;

– Dân du đãng;

– Những người đã tham gia khởi nghĩa của Phan Bá Vành.

Những người tham gia khai hoang thuộc 4 nhóm đó được phân ra thành nhiều hạng, tùy vào công việc và thời gian tham gia. Những người đầu tiên đứng ra tập hợp và tổ chức lực lượng khai hoang được gọi là chiêu mộ hay nguyên mộ. Họ là những người có uy tín, giàu có như chủ đất, thầy đồ, con cháu các danh gia vọng tộc ở những vùng quê lân cận hoặc đồng hương Nghệ Tĩnh. Sau nguyên mộ là thứ mộ, những người góp phần hoàn chỉnh các đơn vị khai hoang. Cuối cùng, lực lượng đông đảo nhất, đến sau gọi là tân mộ hay tòng mộ. Việc phân những người khai hoang thành ba cấp độ như vậy liên quan mật thiết tới quyền lợi ăn chia ruộng đất và địa vị xã hội mà họ được hưởng khi công việc hoàn tất.

Trong công cuộc khai hoang lấn biển lập huyện Tiền Hải (1828) và Kim Sơn (1829), Nguyễn Công Trứ nổi lên như một người có đầu óc tổ chức tuyệt vời.

Trên cơ sở những thông tin thu nhận được qua các cuộc khảo sát điền dã về thế đất và đặc điểm địa lý từng vùng, Nguyễn Công Trứ đã vạch quy hoạch cư trú không giống nhau cho mỗi vùng. Tiền Hải có sông Long Hầu chảy theo hướng Bắc-Nam, chia thành hai vùng khác nhau căn bản: vùng đất phía tây sát vùng đất cũ ít nhiều đã được khai phá, còn vùng phía đông là đất bãi bồi chưa được khai phá nên ông quy hoạch thành hai kiểu làng: Làng xa biển và làng sát biển. Làng xa biển, Nguyễn Công Trứ thường chọn nguyên mộ là người sở tại, lực lượng khai hoang chủ yếu là “dân làng cựu” tách ra, đã có kinh nghiệm thâm canh ruộng đất. Kiểu làng sát biển, phần lớn nằm ở phía đông sông Long Hầu, lực lượng khai hoang phần lớn tập hợp nhiều nơi tới. Còn ở Kim Sơn chỉ có một kiểu làng giống nhau theo hướng Tây-Đông (chiều dài), phía tây giáp với huyện Yên Khánh, chạy ra tới biển. Các làng ở Kim Sơn đều có biển, nên khả năng mở rộng làng còn rất lớn.

Ở Tiền Hải cũng như Kim Sơn, Nguyễn Công Trứ rất chú ý tới việc kết hợp hài hòa giữa hệ thống thủy lợi và giao thông vận tải trong khi quy hoạch các đơn vị dân cư. Chẳng hạn như các làng sát biển ở Tiền Hải, do đất nhiễm mặn nặng nên việc đắp đê, đào sông, xây dựng hệ thống thủy nông có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của công cuộc khai hoang lấn biển. Nguyễn Công Trứ tiến hành cho đắp đê sông Lân, tiếp đó là đê sông Long Hầu, sông Trà Lý. Ranh giới của các làng là những con sông đào mà dân địa phương gọi là “sông chái” hay “sông dọc”. Những sông đào này rộng 4-5m, sâu 3m, thuyền lớn có thể đi lại dễ dàng. Trên đất Kim Sơn, do gặp khó khăn trong việc lợi dụng địa hình, Nguyễn Công Trứ cho đào một con sông từ đầu huyện đến cuối huyện, nối sông Côn với sông Đáy, gọi là sông Ân, dài 13.500m, rộng 12m, sâu 4m, bờ tây con sông này là đê Hồng Ân, dài 435 trượng, mặt rộng 3 thước, đáy rộng 7 thước, cao 3 thước. Lợi dụng chế độ thủy triều ổn định của vùng này, Nguyễn Công Trứ cho quy hoạch một mạng lưới thủy nông tự tiêu-tưới. Hệ thống sông dào, kênh mương chằng chịt ở Tiền Hải, Kim Sơn đóng vai trò thau chua rửa mặn, tưới tiêu, đồng thời đảm nhiệm chức năng giao thông vận tải nông thôn rất hữu hiệu và điều hòa khí hậu tiểu vùng trong vùng đất nắng gió, mặn mòi buổi ban đầu này.

Trong công cuộc khai hoang lấn biển do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ chủ trương và tổ chức thực hiện quyết liệt trong hai năm đã lập nên hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Huyện Tiền Hải khi thành lập có 7 tổng, gồm 47 ấp, lý, trại, giáp với 2.300 suất đinh và hơn 18.970 mẫu. Còn huyện Kim Sơn khi mới thành lập có 16.400 mẫu, chia cấp cho 1.260 suất đinh, tổ chức thành 7 tổng với 63 làng, ấp, trại, giáp. Thành tựu khai hoang lấn biển không chỉ góp phần làm tăng diện tích đất canh tác của đất nước, mà còn góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình chính trị nông thôn vùng châu thổ sông Hồng vốn đầy biến động và không mấy bình yên lúc mới thành lập vương triều Nguyễn. Công lao đó trước hết thuộc về Nguyễn Công Trứ và những người đi theo tiếng gọi đổi đời của ông. Công lao đó không chỉ được triều đình Huế ghi nhận, mà còn được tạc vào lòng dân bằng việc dân đưa ông vào thờ như thành hoàng làng trong các làng thuộc hai huyện khi Nguyễn Công Trứ còn sống. Và mới đây, trong dịp Tết Nhâm Thìn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc ở Ninh Bình, ông đã về thắp hương đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, như một lần nữa ghi nhận công ơn đối với người có công mở nước.

——

Các trích dẫn trên đều lấy trong Đại Nam Thực lục, tập 2, Nxb Giáo Dục, các trang 579, 710-720 và 721.
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử