Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Đuổi giặc ở đèo Phượng Hoàng

Đuổi giặc ở đèo Phượng Hoàng

Tháng Tư 30, 2013

Những ngày cuối tháng 3-1975, chiến trường Tây Nguyên sôi động hẳn lên. Đại quân ta từ trên cao nguyên chiến lược vừa được giải phóng, như những dòng thác lớn ào ạt tràn xuống phối hợp với các lực lượng tại chỗ giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung.

Về phía địch, để giữ thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh – hai vị trí chiến lược quan trọng đang bị Sư đoàn 10 chúng tôi uy hiếp,  Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy phải cố giữ bằng được đèo Phượng Hoàng trên đường 21. Đèo Phượng Hoàng là một đỉnh của dãy Trường Sơn, ngăn cách giữa hai tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hòa. Đèo dài 15km, chạy quanh co, khúc khuỷu theo các triền núi, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Trên đường đèo có nhiều cầu cống và eo núi, nếu bị phá rất khó khắc phục.

Quân ngụy tháo chạy khỏi Cam Ranh. Ảnh tư liệu.

Sư đoàn dù – lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân ngụy đang ở Quân khu 1, được Thiệu điều gấp về bảo vệ Sài Gòn. Nhưng trước nguy cơ Nha Trang và Cam Ranh bị mất, không còn cách nào khác ông ta buộc phải điều Lữ dù 3 lên đèo Phượng Hoàng lập tuyến phòng ngự ngăn chặn ta từ xa. Chúng tôi được biết, lực lượng của lữ đoàn này có 3.800 quân, biên chế 3 tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn thiết giáp. Sau khi chiếm đèo Phượng Hoàng, Lữ dù 3 bắt tay ngay vào củng cố công sự, hầm hào, các trận địa pháo đặt ở các eo núi, xe tăng thiết giáp được ngụy trang phục sẵn ven đường. Trong quá trình đánh địch trên đường 21, ta đã nghĩ tới địa hình hiểm trở và dự kiến khả năng địch đưa quân lên chiếm đèo, ngăn chặn ta tiến xuống đồng bằng. Do đó, ngày 19-3, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã lệnh cho Trung đoàn 25 đưa lực lượng lên phía bắc chiếm đèo Phượng Hoàng. Do phải vòng xa trên địa hình hiểm trở nên Trung đoàn 25 đã không thực hiện được ý định của trên. Trước tình hình đó, ngày 25-3, đồng chí Đặng Vũ Hiệp – Chính ủy và đồng chí Vũ Lăng, Phó tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã có mặt tại sở chỉ huy Sư đoàn 10 trực tiếp chỉ huy trận đánh. Chủ trương của ta: Diệt gọn từng tiểu đoàn địch bằng đột phá chính diện với bao vây chia cắt đánh địch hai bên sườn, đưa lực lượng vòng về phía đông đèo khóa chặt không cho chúng rút chạy. Phải đánh nhanh, diệt gọn địch nhưng ta ít thương vong để có lực lượng phát triển ngay xuống đồng bằng.

Sáng ngày 29-3-1975, giữa lúc Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin bộ đội ta sau khi giải phóng hoàn toàn Trị – Thiên – Huế đang tiến vào giải phóng Đà Nẵng thì tiếng pháo mở đầu cuộc tiến công tiêu diệt Lữ dù 3 của chúng tôi cũng rền vang, làm rung chuyển vùng rừng núi đèo Phượng Hoàng. Những khẩu pháo ta vừa thu được ở Buôn Ma Thuột và những xe đạn pháo thu ở khu kho Mai Hắc Đế được chuyển đến đã giáng những đòn sấm sét xuống Lữ dù 3. Đạn pháo lớn, đạn pháo hỏa tiễn của ta liên tiếp chụp xuống các trận địa pháo và các cụm quân địch. Phối hợp với pháo tầm xa, là các cụm hỏa lực bộ binh của ta bí mật áp sát cụm quân địch cũng bất ngờ nã những đường đạn chính xác vào chúng, gây cho địch tổn thất nặng nề. Sau một giờ đánh phá bằng hỏa lực, Trung đoàn 66 của tôi được lệnh tiến công Tiểu đoàn 5 dù. Được xe tăng dẫn đường, chúng tôi lao thẳng vào Sở chỉ huy tiểu đoàn địch trên cao điểm 609. Trước sức tiến công mạnh mẽ bất ngờ, ban chỉ huy Tiểu đoàn 5 vội vã tháo chạy. Chúng tôi lập tức truy kích, bắn cháy hai xe kéo pháo, một xe M113 và hai xe FMC chở đầy lính. Tiểu đoàn 5 bị xóa sổ, đơn vị của tôi bắt gần 300 tù binh. Trong lúc Trung đoàn 66 của tôi tiến công Tiểu đoàn 5 dù thì  Trung đoàn 28 đã tiêu diệt và bắt sống hơn 200 tên, trong đó có toàn bộ ban chỉ huy Tiểu đoàn dù 6.

Sau một ngày giao chiến, Lữ dù 3 đã bị loại khỏi vòng chiến đấu hai tiểu đoàn bộ binh, một phần ba trọng pháo và xe thiết giáp. Đêm 30-3, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 xin cấp trên được rút chạy để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn. Được tin, cả Sư đoàn 10 chúng tôi chạy đua với thời gian, vượt lên trước địch, kiên quyết không để chúng chạy thoát. Suốt đêm 31- 3, địch cho máy bay C130 thay nhau thả pháo sáng, bắn đạn 20mm dọc theo đường 21. Pháo địch từ căn cứ Lam Sơn, Dục Mỹ cũng bắn như vãi đạn để trấn an cho số quân dù còn lại.

Rạng sáng ngày 1-4-1975, Sư đoàn 10 chia thành nhiều mũi tiến công vào toàn bộ các cụm quân còn lại và Sở chỉ huy Lữ dù 3. Mọi sự kháng cự của địch nhanh chóng bị đè bẹp, chúng tôi hoàn toàn làm chủ trận địa.

Lữ đoàn dù 3 bị diệt, lá chắn phía tây tỉnh Khánh Hòa bị đập tan, đường xuống đồng bằng đã mở. Cả Sư đoàn 10 bừng bừng khí thế tiến về đồng bằng. Đơn vị nào có xe thì hành quân xe, không có xe thì hành quân bộ. Khó có thể nói hết niềm vui sướng của cán bộ, chiến sĩ khi hành quân đến đỉnh đèo Phượng Hoàng, phía trước đã nhìn thấy đồng bằng, phía sau là cả một vùng cao nguyên bao la vừa được giải phóng… Trên vai nặng trĩu trang bị, chân phồng rộp sau nhiều ngày hành quân đuổi địch, nhưng ai nấy đều hăng hái, đi nhanh như chạy.

Trong mùa xuân năm 1975, giây phút xúc động nhất đối với chúng tôi từ Tây Nguyên tiến về đồng bằng, tới được bờ biển Nha Trang dạt dào nắng gió. Không mấy ai trong số hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã nhiều năm chiến đấu ở núi rừng Tây Nguyên khi tới được bờ biển lại không trào nước mắt.

Một đời trận mạc, có được những tháng ngày đó thật là hạnh phúc. Và chính những giây phút ấy, khi ở cuối chặng đường đuổi giặc, chúng tôi đã nhớ tới bao đồng đội của mình đã hi sinh trên những cánh rừng, khe suối và trên dọc đường đi tới chiến thắng.

Lê Hải Triều
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam