Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Tiếp theo và hết)

Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Tiếp theo và hết)

Tháng Mười Hai 22, 2011

QĐND – Không phải ngẫu nhiên mà đúng vào dịp này, Pa-ri thay tướng cầm đầu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Giữa tháng 7, tướng Phi-líp Lơ-cơ-le bị triệu hồi vì đã công khai thừa nhận rằng, sức mạnh Việt Nam là “sức mạnh của cả một dân tộc”. Quyền tổng chỉ huy chuyển sang tay tướng Ê-chiên-nơVa-luy, tay chân thân tín của tập đoàn chủ chiến Bi-đôn Đác-giăng-li-ơ. Trong những ngày cuộc thương thuyết ở Phông-ten-nơ-blô đang bế tắc, viên tướng này đã nhiều lần điện về Pa-ri yêu cầu “cho đánh ngay”, phản đối mọi cuộc thương lượng nhùng nhằng”.

Trong bối cảnh đó, hội nghị quân sự toàn quốc họp tại Hà Nội ngày 19-10, Thường vụ Trung ương Đảng đã kết luận: “Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp. Theo tinh thần và tư tưởng chỉ đạo đó, công việc chuẩn bị kháng chiến toàn quốc của quân và dân ta tiếp tục được triển khai ngày càng khẩn trương, thiết thực, cụ thể, để đất nước tránh lâm vào thế bị động khi kẻ thù buộc nhân dân ta phải đứng lên cầm súng chiến đấu.

Từ ngày Cụ Hồ về nước, những yêu sách ngang ngược của phía Pháp cùng với những “việc đã rồi” vẫn tiếp diễn. Bắt đầu là bức thư ngày 7-11 của Đô đốc Đác-giăng-li-ơ đòi giải tán Ủy ban hành chính Nam Bộ, đòi LLVT của ta ở miền Nam phải ngừng hoạt động. Ở ngoài Bắc, từ chỗ đơn phương tổ chức Phòng thuế và kiểm soát ngoại thương ở Hải Phòng, ngày 20-11, quân Pháp gây hấn rồi đánh chiếm Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn, hòng bịt đường giao lưu của ta với nước ngoài cả trên bộ và trên biển. Đây được coi là một bước ngoặt trong âm mưu xâm lược của địch. Như sau này tướng Moóc-li-e (chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc) nhận xét: “Việc đánh chiếm thành phố cảng có nghĩa là Hiệp định 6 tháng 3 và Tạm ước 14 tháng 9 tan vỡ hoàn toàn… Sự kiện Hải Phòng chứng tỏ một cách cụ thể rằng, nước Pháp đã chọn chính sách dùng bạo lực”.

Ngôi nhà ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) – nơi Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Trước không khí ngày càng nóng lên trong quan hệ Việt-Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì gửi thư cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Bi-đôn và nhân dân Pháp, cố gắng tìm kiếm những khả năng hòa hoãn nhỏ nhất, dù lúc này đã rất mong manh. Trong thư gửi tổng chỉ huy Va-luy và tướng Moóc-li-e, Cụ phản đối việc quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, đòi quân Pháp phải rút về vị trí trước ngày 20-11; đòi đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Liên kiểm Việt-Pháp để thực thi Tạm ước. Bức thư ngày 6-12 gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, cuộc nói chuyện ngày 7 với ông Mô-pha (Moffard), Giám đốc Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công hàm ngày 13 gửi Chính phủ Pháp và Đô đốc Đác-giăng-li-ơ, thông điệp ngày 15 gửi thủ tướng Pháp v.v.. tất cả đều biểu thị thiện chí muốn cùng phía Pháp tìm một giải pháp thỏa đáng để cứu vãn tình thế. Ngày 7-12, trả lời phỏng vấn của phóng viên Béc-na Đơ-ran-be của tờ Pa-ri-Sài Gòn, một lần nữa Cụ Hồ khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực mong muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn và nhân dân Pháp cũng không muốn chiến tranh… Chúng tôi muốn ngăn chặn cuộc chiến tranh này bằng mọi giá. Chúng tôi tha thiết độc lập, độc lập trong Khối Liên hiệp Pháp… Nỗ lực khôi phục của nước Việt Nam cũng như của nước Pháp không cho phép để xảy ra cuộc tàn sát và những đau khổ này… Nếu chúng tôi buộc phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Chúng tôi biết rõ những gì đang chờ đợi chúng tôi. Nước Pháp có đủ những phương tiện ghê gớm. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt, nhưng nhân dân Việt Nam sẵn sàng chịu đựng tất cả chứ không chịu mất tự do. Tuy nhiên, tôi hy vọng và thiết tha mong rằng chúng ta không phải chấp nhận giải pháp này…”.(1)

Từ trung tuần tháng 12, trước tình hình quan hệ Việt-Pháp đã trở nên nóng bỏng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn liên tiếp gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp và cho thủ tướng mới của Pháp là Lê-ông Blom nhằm cùng nhau cứu vãn tình thế. Do điều kiện thông tin lúc đó, ta chưa thể chuyển thẳng thông điệp sang Pa-ri mà phải gửi qua đài của Pháp ở Sài Gòn và những người Pháp ở Đông Dương đã lợi dụng thực tế đó để cố tình trì hoãn việc chuyển những thông điệp của ta nhằm tiếp tục đặt Chính phủ mới của Pa-ri trước những “việc đã rồi”. Thông điệp ngày 15-12 chỉ được Xanh-tơ-ni chuyển vào Sài Gòn ngày 16 và ngày 18-12 Va-luy mới chuyển về Pháp, kèm theo những lời nhận xét thiếu xây dựng. Ngày 18-12, Bộ chỉ huy Pháp gửi tối hậu thư đòi được quyền quản lý thủ đô Hà Nội, đòi ta giải giáp tự vệ chiến đấu thành phố, nếu không họ sẽ tự cho quyền chuyển sang hành động vào ngày 20-12-1946.

Rõ ràng là khả năng hòa hoãn không còn, phía Pháp đã công khai tuyên chiến. Ngày 18-12, tại Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương họp mở rộng quyết định phát động kháng chiến toàn quốc. Tuy vậy, với tinh thần đến phút chót vẫn cố gạn chắt khả năng hòa hoãn cuối cùng, sáng 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết thư giao cho ông Hoàng Minh Giám đi gặp Xanh-tơ-ni, nhưng ông ta kêu mệt hẹn đến hôm sau mới tiếp phái viên của Chính phủ ta. Hôm sau, tức ngày 20-12, là thời điểm mà quân Pháp sẽ hành động như Bộ chỉ huy Pháp đã “cảnh báo” trong tối hậu thư. Theo hồi ký “Thư ký của Bác Hồ kể chuyện” thì sau khi nghe báo cáo phía Pháp khước từ không tiếp phái viên Chính phủ, mọi người “thoáng thấy Bác hơi cau mày, rồi nói khẽ như buột miệng: Hừ thì đánh!”. Như cách diễn đạt của sử gia Phi-líp Đơ-vi-le sau này, khi mà guồng máy chiến tranh của Pháp đã bắt đầu quay, quay một cách tàn nhẫn, khi mà sợi dây mong manh cuối cùng giằng níu chiếc cầu hòa hoãn đã bị phía Pháp chặt đứt, thì tiếng “Hừ” trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới là quyết định cuối cùng. Câu nói như buột miệng đó của Cụ đã đi vào lịch sử.

Chiều 19-12, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tập thể Thường vụ thông qua lần cuối cùng để phát đi toàn quốc.

Đêm hôm đó, để giành chủ động, quân ta được lệnh nổ súng trước trên khắp các mặt trận. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.

Đúng như lời Tổng bí thư Trư­ờng Chinh nhận định, 20 giờ đêm hôm đó là thời điểm nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành một sức mạnh xung thiên.

Tính chi li ra, từ ngày 23-9-1945, ngày quân Pháp bắt đầu gây hấn ở Sài Gòn, cho đến khi số phận của quân viễn chinh Pháp đ­ược quyết định trên cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1954), cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp đã trải qua 8 năm 8 tháng. Dưới sự chèo chống của 20 đời thủ tướng Pháp, bằng mọi mưu đồ và kế hoạch chiến lược của 7 vị tổng chỉ huy quân viễn chinh và với sự viện trợ không ngừng tăng của Mỹ, giấc mộng giành lại “bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa” của Đờ-gôn và giới thực dân phản động Pháp vẫn tan thành mây khói. Phải 12 năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, trong thư đề ngày 8-2-1966 gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, cựu Tổng thống Đờ-gôn mới tỏ sự nuối tiếc rằng: Giá mà, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giữa Pháp và Việt Nam có sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn(?!) thì đã tránh được thảm họa đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay. Như vậy là Xác-lơ Đờ-gôn đã “thấy vấn đề”. Nhưng đáng tiếc thay, đó chỉ là một sự nuối tiếc quá muộn màng. Muộn màng hai thập kỷ.

Không ai nghĩ rằng, câu chuyện cũ sẽ được nhắc lại một cách khéo léo, tế nhị, hơn 10 năm sau đó. Chẳng là, tháng 4-1977, hãng thông tấn Pháp AFP đã dẫn lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với Tổng thống Va-lơ-ri Git-xca Đéc-xtanh nhân chuyến sang thăm Pháp, rằng: Trong quan hệ lâu dài với Việt Nam, nước Pháp thường tính sai nhiều nước cờ.

(1) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Tập 3, Nxb CTQG 1993, trang 350

———

Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Kỳ 1)
Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Kỳ 2)

Trần Trọng Trung

qdnd.vn