Trang chủ > Nhân vật lịch sử > “Phan Đình Giót” của Tây Nguyên

“Phan Đình Giót” của Tây Nguyên

Tháng Tư 16, 2013

QĐND – Sau chiến dịch Xuân-Hè 1972, từ thị xã Kon Tum, Sư đoàn 320 chúng tôi được lệnh lật cánh về Gia Lai mở mặt trận mới. Một buổi chiều cuối tháng 7, trong cánh rừng già ở tây Nam Huyện 5 (ngày nay thuộc huyện Đức Cơ), tôi mượn được mảnh báo “Tây Nguyên” của một đồng đội, mảnh báo đã nhàu nát do truyền qua tay nhiều người. Tôi đọc được bài “Niềm tự hào của chúng tôi” của tác giả Thảo Nguyên, ca ngợi hành động hy sinh anh dũng của một chiến sĩ đặc công. Do yêu cầu bí mật chiến trường, bài báo chỉ nêu: Đồng chí Vương Văn Khảng, đội viên tổ đặc công thuộc phân đội B trong trận đánh cư xá Mỹ ở thị xã Plei-cu đêm 6-4-1972 đã dùng thân mình chèn cửa sổ không cho địch đẩy khối bộc phá đã điểm hỏa ra ngoài. Bộc phá nổ, anh hy sinh anh dũng nhưng đã tiêu diệt được toàn bộ quân địch trong nhà. Phần kết, tác giả đã nêu gương hành động anh hùng của Vương Văn Khảng là “Phan Đình Giót” của Tây Nguyên.

Hình ảnh đó đã gây xúc động mạnh và để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. 22 năm sau, vào cuối năm 1994, Cục Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên lập hồ sơ đề nghị cấp trên truy tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Vương Văn Khảng. Tôi lúc đó là Phó trưởng Phòng Tuyên huấn Binh đoàn, được tiếp xúc với văn bản đề nghị của lãnh đạo, chính quyền địa phương quê hương liệt sĩ trên cơ sở văn bản đề nghị của cựu chiến binh, bác sĩ Vương Đình Cừ, nguyên Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 101 (Mặt trận B2), một người đồng đội cùng quê với liệt sĩ Khảng. Tôi cũng gặp được nhà báo Thảo Nguyên, tức Nguyễn Đình Thảo, lúc này là Thượng tá, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) và được anh kể lại quá trình tìm hiểu viết bài nêu gương hành động dũng cảm của Vương Văn Khảng năm xưa. Đến đây, tôi mới hiểu thêm về “Phan Đình Giót” của Tây Nguyên.

Tháng 4-1970, vừa tròn tuổi 18, Vương Văn Khảng tạm biệt quê hương (Diễn Cát, Diễn Châu, Nghệ An), xung phong lên đường đánh Mỹ. Sau khóa huấn luyện, anh được bổ sung vào chiến trường và được biên chế về Đại đội 3 đặc công, Tiểu đoàn 631 trực thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Chiến trường Tây Nguyên vốn ác liệt lại vô cùng khó khăn thiếu thốn về lương thực thực phẩm. Có ngày, mỗi người chỉ được cấp 2 lạng gạo, chủ yếu là ăn sắn và rau rừng. Nhưng Khảng hòa nhập rất nhanh với nhịp sống chiến trường. Trong trận tập kích vào kho xăng ở thị xã Plei-cu tháng 5-1971, anh đã cùng đồng đội bò vào đặt mìn đốt cháy hàng vạn lít xăng dầu của địch. Hơn một tháng sau, trong trận tập kích cụm xe cơ giới ở phía tây thị xã Plei-cu, tổ chiến đấu do anh chỉ huy đã phá hủy cả cụm 10 xe tăng của địch. Tháng 10-1971, trong trận tập kích quân địch ở làng Mai, sau khi hết đạn, anh đã dùng mưu bắt sống hai tên địch. Do lập được thành tích trong chiến đấu, nên chưa đầy một năm vào đơn vị, Khảng đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trong chiến dịch Xuân-Hè 1972 ở Tây Nguyên, đêm 6-4-1972, tổ đặc công của Khảng được lệnh tiêu diệt Cư xá 78 của quân Mỹ ở thị xã Plei-cu.

Cư xá 78 là một ngôi nhà hai tầng được xây dựng khá kiên cố nằm trên đường Phan Đình Phùng. Đây là nơi đêm đêm bọn sĩ quan, nhân viên kỹ thuật Mỹ về ăn nghỉ, chơi bời trác táng sau những trận càn quét, bắn giết đồng bào ta. Chiều 6-4, Khảng cùng đồng đội vượt qua quãng đường rừng hơn 2 tiếng đồng hồ đến rìa phía Tây thị xã thì trời sâm sẩm tối. Chờ cho trời tối hẳn, cả tổ tiềm nhập. Vượt qua bao đồn bốt, trạm kiểm soát dày đặc của địch, đến 22 giờ, cả tổ đã vào đến mục tiêu. Điện trong cư xá sáng trưng, tiếng cốc chén lanh canh, tiếng chúc tụng xen lẫn những trận cười khả ố. Anh Vang, tổ trưởng, nằm sau một gốc cây yểm hộ cho Khảng trườn lên. Còn cách cửa sổ ngôi nhà chừng 5 mét, Khảng dừng lại quan sát thì bất chợt hai con chó béc-giê cao to tiến lại gần chỗ anh ngửi khìn khịt rồi bỏ đi. Chưa kịp mừng thì có hai tên Mỹ đi tới. Chỉ còn một bước nữa là chúng giẫm lên đầu Khảng. Tổ trưởng Vang lập tức siết cò. Nhằm lúc hai tên Mỹ ngã vật ra, Khảng nhanh như chớp ôm khối bộc phá 8kg lao lên nhét qua cửa sổ, giật nụ xòe. Bọn địch trong nhà phát hiện được, chúng lập tức hò nhau đẩy khối bộc phá ra ngoài. Mặc dù bộc phá đã điểm hỏa nhưng không một phút do dự, Khảng ôm bộc phá nhét lại vào cửa sổ rồi dang hai tay bám chặt vào khung cửa chắn không cho địch đẩy khối bộc phá ra. Địch trong nhà bắn xối xả vào người anh nhưng anh vẫn đứng vững như một bức tường thép. Một tiếng nổ long trời lở đất phá tung ngôi nhà hai tầng, Vương Văn Khảng anh dũng hy sinh nhưng đã tiêu diệt được mục tiêu. Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 30-9-1995, Vương Văn Khảng đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Mới đây, vào đầu tháng 4-2012, tôi điện hỏi thăm cựu chiến binh Vương Đình Cừ, nghỉ hưu tại xóm 3, xã Diễn Cát (Diễn Châu, Nghệ An). Nay đã 85 tuổi nhưng bác vẫn minh mẫn, giọng nói khỏe khoắn và rành rọt. Tôi hỏi vì sao bác lại trường kỳ, kiên nhẫn, tự mình cặm cụi đi lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Vương Văn Khảng, dù chỉ là một đồng đội không cùng đơn vị. Bác Cừ cho biết: “Hồi còn ở mặt trận, được nghe đài, báo nói về chiến công của Khảng, tôi cảm kích lắm. Khi về nghỉ hưu, có điều kiện, tôi đi tìm gặp các đồng đội đã cùng chiến đấu với Khảng, tìm gặp cả nhà báo Thảo Nguyên để tìm hiểu. Việc đi tìm nhân chứng và lập thủ tục cũng lắm gian truân, vì đồng đội của anh còn rất ít, mỗi người lại một quê. Có điều, các đồng đội của Khảng mà tôi gặp được, ai cũng ủng hộ việc làm của tôi vì chiến công của Khảng rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu anh hùng!”. Nói rồi, bác cười vui: “Vương Văn Khảng đã làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước. Góp một phần nhỏ bé để Vương Văn Khảng được vinh danh, tôi vui lắm!”

Nguyễn Hùng Tấn
qdnd.vn

Chuyên mục:Nhân vật lịch sử