Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Thế trận lòng dân-cội nguồn mọi thắng lợi

Thế trận lòng dân-cội nguồn mọi thắng lợi

Tháng Tư 30, 2013

Ký ức và hiện tại

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là chiến thắng oanh liệt và vĩ đại nhất, mang ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thu giang sơn về một dải, Bắc- Nam sum họp một nhà. Năm tháng trôi qua, nhưng tiếng vang của Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực về tài nghệ chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta và sự vận dụng phương châm: “Hai chân, ba mũi, ba vùng” sáng tạo, phù hợp với tính chất, đặc điểm chiến tranh và điều kiện thực tiễn Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi bằng sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. Trong đó, sức mạnh chính trị-tinh thần có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần cùng với sức mạnh đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử có tính thời đại sâu sắc.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ tháng 5 đến tháng 7-1973, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức các hội nghị phân tích, đánh giá tình hình một cách toàn diện về mọi mặt. Đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và tay sai, ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đảng ta khẳng định: Con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam là bằng bạo lực; do đó phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao tiến lên giành toàn thắng. Sau khi có nghị quyết lãnh đạo của Đảng, Bộ Tổng tư lệnh và cơ quan Bộ Tổng tham mưu từng bước tiến hành điều chỉnh bổ sung vào kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam. Qua nhiều lần điều chỉnh bổ sung, từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị đã họp và hạ quyết tâm chiến lược lịch sử: “Giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976) và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh minh hoạ. Internet

Khi quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã nghiên cứu đánh giá sát tình hình thực tiễn, để bảo đảm cho đánh thắng trận đầu, tạo thế, tạo lực cho các trận đánh tiếp sau, cùng với đòn tiến công quân sự, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương còn xác định rõ 5 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ: “Phát triển đấu tranh chính trị trong các thị xã. Ra sức xây dựng cơ sở tự vệ mật, các tổ chức biệt động diệt ác ôn đầu sỏ, tạo thế làm chủ cơ sở”. Thực tiễn cho thấy bước vào Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, lực lượng quần chúng đấu tranh chính trị, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở đã chủ động phối kết hợp với du kích và bộ đội địa phương trong khu vực tác chiến phá cầu, phá đường, ngăn chặn làm chậm tốc độ hành quân của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt. Được sự hỗ trợ đắc lực của các đòn tiến công quân sự, lực lượng quần chúng nhân dân các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà đã nắm thời cơ nổi dậy giành chính quyền một cách nhanh chóng. Chiến công nối tiếp chiến công, phong trào nổi dậy của quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả. Vì vậy, trong chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng, khi các đơn vị chủ lực của ta ở phía tây thành phố Huế vây ép quân địch, thì lực lượng quần chúng nhân dân của 33 xã thuộc 8 huyện đồng bằng đã đồng loạt nổi dậy chiếm quận lỵ Mai Lĩnh và làm chủ hơn 30 phân, chi khu quân sự của địch. Cùng với thời điểm trên, nhân dân 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực đã nổi dậy giành chính quyền làm chủ một vùng rộng lớn bao quanh thành phố Huế, tạo ra thế và lực mới để Quân đoàn 2 tiến đánh giải phóng thành phố Huế vào ngày 26-3. Nhân dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Đà cũng liên tục nổi dậy, đánh phá kho tàng, cắt phá giao thông, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, tạo điều kiện cho tiến công quân sự lần lượt giải phóng Tam Kỳ, thị xã Quảng Ngãi, cô lập và giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Khi chiến dịch mở màn, quần chúng Sài Gòn-Gia Định đã nổi dậy như vũ bão ở khắp các khu vực nội, ngoại thành, trong đó có 76 khu vực nội thành, 31 khu vực ngoại thành. Đặc biệt là từ ngày 29 đến rạng ngày 30-4 đã có tới 32 khu vực nổi dậy trong lúc bộ đội chủ lực của ta chưa tiến vào. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, riêng quân dân Sài Gòn-Gia Định đã chiếm 9 căn cứ quân sự, 5 chi khu, 21 phân chi khu và trụ sở tề, diệt và làm tan rã 31.000 tên địch, bắt sống 12.619 tù binh và gần như toàn bộ hồ sơ, tài liệu của các cơ quan từ Phủ Tổng thống trở xuống. Có 40 vạn nguỵ quân, 10 vạn an ninh cảnh sát lần lượt ra trình diện. Nhờ có lực lực lượng đấu tranh chính trị và quần chúng nhân dân bảo vệ nên thành phố Sài Gòn-Gia Định gần như còn nguyên vẹn và hơn 3 triệu dân vẫn an toàn, hân hoan cờ hoa đón chào chiến thắng.

35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ta đang trên đà đổi mới, phát triển mạnh mẽ và từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và phức tạp, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện chiến lược “Diến biến hoà bình” bạo loạn lật đổ và tập trung đánh đòn chủ yếu trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải củng cố, tổ chức xây dựng lực lượng và “thế trận lòng dân” thật vững chắc ngay từ thời bình, trên cơ sở bài học quý báu đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng nhân dân trong Đại thắng mùa Xuân 1975.

Về thực chất xây dựng “thế trận lòng dân” là xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nó biểu hiện trên các lĩnh vực: Hệ tư tưởng chính trị, hệ thống chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia, trình độ nhận thức, lòng tin của nhân dân đối với quốc gia và chế độ chính trị xã hội, ý chí quyết tâm, trạng thái tâm lý của các thành viên trong xã hội trước những nhiệm vụ đặt ra đối với họ. Với vị trí, ý nghĩa đó chúng ta phải xây dựng cho được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước và chế độ XHCN, xây dựng lực lượng quần chúng nhân dân thực sự là tiền đồ của đất nước. Cách mạng là việc chung của cả dân tộc, nước lấy dân làm gốc, dân làm chủ, lực lượng bao nhiêu là ở dân hết, có dân là có tất cả. Nhưng phải đoàn kết, đồng lòng, muôn người như một, quân tốt, dân tốt muôn sự đều nên, dân có vững, đất nước mới phát triển đi lên. Từ ý nghĩa đó, vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” nhìn từ thực tiễn vai trò nổi dậy của quần chúng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực.

Đại tá Đoàn Xuân Tuyến
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam