Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Sáng suốt, táo bạo tổ chức và sử dụng lực lượng chi viện

Sáng suốt, táo bạo tổ chức và sử dụng lực lượng chi viện

Tháng Mười 3, 2011

Phong trào Nam tiến kháng chiến

QĐND – Phong trào Nam tiến diễn ra từ sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945) đến cuối năm 1946 là một sự kiện lịch sử hào hùng, một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thế kỷ XX. Phong trào thể hiện nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nổi bật là vấn đề tổ chức và sử dụng lực lượng kịp thời chi viện miền Nam đánh giặc.

Sớm dự đoán âm mưu của thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ và cả nước ta, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động chuẩn bị lực lượng. Ngay sau khi giành được độc lập một tuần, ta thành lập Chi đội Vi Dân và điều động Chi đội 3 Giải phóng quân từ Thủ đô Hà Nội vào Thanh Hoá huấn luyện quân sự, chính trị, sẵn sàng đối phó với kẻ thù. Vì thế, khi quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, ngày 26-9-1945, toàn bộ Chi đội 3 trang bị đầy đủ vũ khí được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Tiếp đó, trên cơ sở mỗi tỉnh tổ chức được từ 1 đến 2 chi đội Nam tiến, ta gấp rút điều động một số chi đội vào các mặt trận Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, chi viện quân và dân miền Nam kháng chiến.

Thanh niên và nhân dân cả nước sôi nổi tình nguyện Nam tiến kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Những chi đội được chọn Nam tiến là đơn vị vũ trang tập trung trang bị mạnh, tương đương trung đoàn, gồm hầu hết là những cán bộ, chiến sĩ đã qua huấn luyện quân sự, dũng cảm trong chiến đấu. Sự có mặt của các đơn vị Nam tiến chi viện cho lực lượng tại chỗ chiến đấu ngăn chặn, làm chậm bước tiến của quân xâm lược, đặc biệt là các học viên khóa 4 và 5 Trường Quân chính Việt Nam được điều động vào Nam Bộ để mở các lớp huấn luyện tại chỗ, góp phần giải quyết khó khăn do thiếu cán bộ chính trị-quân sự chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Sài Gòn và Nam Bộ kháng chiến.

Trước đối tượng tác chiến mạnh hơn, ta huy động và sử dụng lực lượng phù hợp với khả năng tổ chức biên chế, vũ khí trang bị và trình độ chiến đấu của ta, kịp thời chi viện miền Nam kháng chiến. Với tổ chức biên chế, trang bị tương đối hoàn chỉnh, Chi đội 3 Giải phóng quân là đơn vị hành quân từ miền Bắc vào chi viện sớm nhất cho miền Nam, kịp thời vào đến cửa ngõ thành phố Sài Gòn, cùng LLVT và nhân dân địa phương chiến đấu, lập chiến công oanh liệt ở cầu Bình Lợi, Xuân Lộc. Một số phân đội Nam tiến cũng đã vào đến các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, cùng với một số đơn vị vũ trang Việt kiều từ Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan mang tên Bộ đội Độc lập 1, Bộ đội Quang Trung, Bộ đội Cửu Long 2, Chi đội Trần Phú… sau chặng đường hành quân vô cùng gian khổ, anh dũng cũng lần lượt về đến Tây Ninh, Châu Đốc, Hà Tiên và các tỉnh Khu 9.

Khi giặc Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược từ Nam Bộ ra vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, các chi đội Vi Dân, Thu Sơn, Độc lập 1, Bắc Bắc… từ miền Bắc lần lượt hành quân vào mặt trận. Các chi đội Nam tiến được lãnh đạo, chỉ huy các mặt trận, các tỉnh tin tưởng, coi như đơn vị vũ trang nòng cốt của địa phương, được giao trọng trách trên các hướng quan trọng và phân chia lực lượng đi nhiều hướng chiến đấu ở Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Phú Yên, Buôn Ma Thuột… chặn đánh quân xâm lược.

Trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch về quân số, vũ khí trang bị và trình độ tác chiến, địch mạnh hơn, ta khó có thể thực hiện đánh tiêu diệt lớn quân địch, thì việc tìm ra cách đánh mới là tổ chức và sử dụng các đơn vị vũ trang Nam tiến, các đơn vị vũ trang Việt kiều kịp thời có mặt tại các mặt trận Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là một quyết định sáng suốt, táo bạo của Đảng trong những năm đầu kháng chiến.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” và với quân đội ta “Nước còn giặc còn đi đánh giặc”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”. Chính vì thế, ngay khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn và sau đó mở rộng chiến tranh xâm lược ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, ta đã kịp thời tổ chức các đơn vị vũ trang Nam tiến vừa xây dựng, vừa củng cố lực lượng, vừa khẩn trương huấn luyện, nhanh chóng cơ động đến các mặt trận hòa vào LLVT tại chỗ, cùng quân và dân cả nước kháng chiến.

Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng việc tổ chức và sử dụng các đơn vị vũ trang Nam tiến trong những năm 1945-1946 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là cơ sở tạo tiền đề để Đảng và quân đội ta tiếp tục xây dựng, phát huy sáng tạo cách tổ chức xây dựng và sử dụng các đơn vị chủ lực chiến đấu trên các chiến trường, nhất là trong những trận đánh lớn có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, đặc biệt là trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đại tá, TS Dương Đình Lập

qdnd.vn