Trang chủ > 55 ngày - Sài Gòn sụp đổ > 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 3

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 3

Tháng Tư 16, 2014

Cuộc rút chạy bắt đầu

Cuộc tấn công bắt đầu lúc 11 giờ đêm ngày 19-3. Cuộc tấn công của Bắc Việt Nam vừa được chín ngày và bốn tỉnh đã nằm trong tay cộng sản. Binh nhì Đức của thuỷ quân lục chiến Sài Gòn chưa bao giờ thấy nhiều xe tăng đến thế trong đời mình và anh ta hoảng sợ.

Xung quanh Đức, binh sĩ đang sử dụng hoả lực hoặc nhìn trân trân như bị thôi miên trước những chiếc xe tăng. Hàng hàng lớp lớp chúng đang nghiến xích sắt băng qua cánh đồng. Lúc bấy giờ là 1 giờ sáng và quân phòng thủ trong làng gần nhất bị san bằng đã rút ra sau khoảng 10 phút giao tranh với những chiếc xe tăng đến từ ba hướng.

Sư đoàn thuỷ quân lục chiến Sài Gòn có lẽ là sư đoàn duy nhất thuộc loại tinh nhuệ của Nam Việt Nam. Quân của nó được giữ gần sát với con số 10 nghìn người theo bảng cấp số và được huấn luyện kỹ. Chỉ có mỗi một vấn đề: đã quá lâu, thuỷ quân lục chiến không ra trận nên thực sự là họ quên mất cách tác chiến như thế nào.

Năm 1972, họ đã từng mục kích xe tăng Bắc Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị, nhưng chưa bao giờ họ nhìn thấy hàng hàng lớp lớp như thế này. Thậm chí ở Sài Gòn, nơi ngày xưa xe tăng Mỹ xuất hiện gần như ở khắp mọi ngõ ngách đường phố cũng không nhiều đến thế. Cuộc xung phong vào thuỷ quân lục chiến thật là ồ ạt. Sau này tính ra ít nhất cũng có 3 sư đoàn bộ binh và tối thiểu là một trung đoàn xe tăng tham gia tiến công.


Xe tăng QGP ở cửa Thuận An-Huế

Đức lại ló đầu lên, nhìn qua bờ hào giao thông ở chỗ mình. Giống như hầu hết đám thuỷ quân lục chiến trong vùng, anh ta tự làm lấy một mái che bằng cành dừa, lá dừa, thùng các-tông và bất cứ thứ gì có thể tìm được. Nó che nắng và mưa nhỏ, nhưng không che được đạn pháo, đạn cối hoặc hoả lực xe tăng. Chính đây là mối lo cấp thời. Cuộc pháo kích đã bắt đâu ồ ạt.

Hai phút sau khi Đức nhìn thấy xe tăng Bắc Việt Nam thì đại đội thuỷ quân lục chiến ở trước mặt Đức đứng lên khỏi hào giao thông. Anh ta tưởng là họ sẽ xung phong. Nhưng họ đã quay lại, chạy về phía trung đội của Đức nhưng lệch sang phải một chút. Họ khom người để chạy trốn cuộc giao tranh. Đức có thể nhìn thấy hàng trăm bóng người chạy lom khom in rõ hình trên bầu trời được chiếu sáng bằng hoả pháo. Họ xách súng M.16 chạy trốn những chiếc xe tăng.

Chiến sĩ cộng sản đang ngồi trên xe tăng, đi sau xe tăng và một số gan dạ thì tiến trước. Thỉnh thoảng họ mới bắn. Đám thuỷ quân lục chiến đang chạy trốn khỏi mối đe dọa chứ không phải trốn chạy hoả lực.

Từ trước đến nay, binh nhì Đức chưa bao giờ tham dự trận đánh nào cả. Bỏ học từ 14 tuổi để kiếm việc làm giúp đỡ cái gia đình 9 người của mình. Anh chàng là con thứ 5 trong gia đình. Khi đến tuổi 17, anh ta có thể tìm cách trốn quân dịch, sống trong hang cùng ngõ hẻm. Cách này có nghĩa là phải hối lộ những món tiền lớn cho nhân viên sảnh sát, hoặc có thể trở thành nhà sư. Khoảng năm 1973 thì hàng loạt nhà su lại bị bắt quân dịch như thường. Thế là Đức gia nhập cái mà bạn bè cho biết là đơn vị chiến đấu giỏi hết chỗ nói. Trên lý thuyết, người nào chiến đấu giỏi thì có cơ hội sống sót nhiều nhất. Đức bèn vào lính thuỷ quân lục chiến.

Giờ đây các xe tăng đối phương đến cách trung đội của Đức trong vòng 400 mét. Thế là, chẳng có dấu hiệu hay lời nói nào, nhưng mọi người trong trung đội đều đứng cả dậy, luýnh quýnh leo lên bờ hào. Họ tự động khom người xuống để hạ thấp cái bóng của mình đề phòng có hoả lực. Chẳng ai bắn vào họ cả nhưng thỉnh thoảng lại có người vấp ngã.

Được khoảng nửa dặm. Đức dừng lại nghỉ và ngã vật ra đất. Đấy là đoạn đường dài nhất mà anh ta đã chạy sau thời gian huấn luyện cách đó 2 năm. Anh ta thấy chẳng có lợi ích gì để bám trụ và chiến đấu.

Chiến trường phía Nam tỉnh Quảng Trị này im lặng một cách lạ lùng. Âm thanh lớn nhất là tiếng máy nổ của xe tăng, tiếng xích sắt đã nghiến ken két. Các xe tăng chạy nhanh hơn Đức đã gần kịp anh ta, cách khoảng 200 mét. Anh ta rớt lại gần cuối đoàn quân mà Đức đoán khoảng 1 nghìn lính thuỷ quân lục chiến. Thực ra không phải “đoàn quân”. Nó chẳng có tổ chức gì cả. Đó là một đám tàn binh khác của quân lực Sài Gòn.


Xe tăng QGP trên QL1.

Họ đã đến quốc lộ 1, đi thẳng về hướng Huế. Ở gần quốc lộ lại có nhiều xe tăng hơn, đang có vẻ đuổi theo thôi, chẳng thèm bắn, cũng chẳng thàm tràn lên nghiến nát họ. Khi đám thuỷ quân lục chiến lên mặt đường thì đột nhiên các xe tăng bật đèn lên. Hình như chúng đang chỉ đường cho đám lính Sài Gòn chọn lấy con đường rút lui an toàn.

Đức không nán lại để xem sự nhân đạo này kéo dài bao lâu. Anh ta bắt đầu chạy đều bước, không nghỉ, cho đến rạng đông. Lúc đó, Đức mới loạng choạng chạy vào một đồn dân vệ đã bị rút bỏ cách Huế 12 dặm về phía Bắc để uống một hơi dài, thật dài…

Chỉ mới 11 ngày, giữa bài diễn văn của Thiệu ngày 20-3 đến khi Đà Nẵng sụp đổ ngày 31-3 Việt Nam Cộng hoà đã trao cho Việt Cộng và Bắc Việt Nam một quân khu và không bao giờ lấy lại được. Từ cuối tháng 3, cuộc chiến đấu tiếp tục, giọng điệu tuyên truyền, sự đau xót của chính quyền Sài Gòn và lời kêu gọi Mỹ viện trợ vẫn nghe thấy, nhưng Nam Việt Nam đã mất rồi. Đó là 11 ngày định mệnh kết thúc bằng việc Thiệu lên đài phát thanh truyền bá giọng điệu hiếu chiến của mình. Từ tháp ngà dinh Độc Lập được canh giữ cẩn thận, qua bài diễn văn, Thiệu làm ngơ trước những tổn thất lớn kinh khủng của chế độ, giở giọng soi mói Hoa Kỳ giảm viện trợ. Thiệu trơ trẽn nói với dân chúng: “Trong 2 tuần qua, quân và dân ta dũng cảm tiêu diệt địch và thành công trong việc chặn đứng cộng sản ở chiến trường đông dân”. Đấy là những lời nó cố tỏ ra can đảm, nhưng rủi thay nó chẳng lừa bịp được ai. Dân chúng đều biết rõ, hàng sư đoàn, nhiều tỉnh trọn vẹn đã bị mất gọn. Với Thiệu, tuyên bố rằng quân đội đủ sức giữ vững phòng tuyến là điều khó tin. Ở tư cách tổng thống mà lại dám nói vậy thì không một công dân hay kiều dân nào ở Nam Việt Nam tin nổi.

Người ta nghĩ ngay đến việc bơm hơi của Mỹ. Dù sao, việc bơm hơì cũng làm dịu mối lo về việc Nam Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm.

Quả thế, binh nhì Đức và đám bạn bè được tổ chức lại sau khi bỏ chạy khỏi tỉnh Quảng Trị. Đức được gọi lại đội ngũ trên đường đi Huế, gom thành mấy nghìn lính thuỷ quân lục chiến ở Bắc Thừa Thiên, giáp Quảng Trị tại sông Mỹ Chánh. Quyết định phá đổ cầu Mỹ Chánh được truyền xuống cho đại đội của Đức, trong khi lính thuỷ quân lục chiến đang nghe diễn văn của Thiệu đêm 20-3 qua đài bán dẫn:

“… Từ Quảng Trị vào Huế, dọc theo bờ biển xuống quân khu 3 và 4, chúng ta nhất quyết bảo toàn lãnh thổ đến người cuối cùng. Tin đồn về việc bỏ rơi Huế là hoàn toàn vô căn cứ…”

Vẫn còn khoảng 2 nghìn đến 2 nghìn rưởi lính thuỷ quân lục chiến đang được gom lại sau cuộc rút chạy khỏi Quảng Trị. Tư lệnh sư đoàn Bùi Thế Lân cùng sĩ quan đang đi vòng ở Huế để tìm kiếm binh sĩ.

Khi thuỷ quân lục chiến phá sập cầu Mỹ Chánh thì cộng sản áp đảo họ và vượt qua sông bằng xe tăng lội nước và cầu ngầm, còn dân Huế đang chạy về Đà Nẵng. 


Bộ đội và nhân dân làm ngầm vượt sông Mỹ Chánh.

Ở phía Nam, trong khi Thiệu nói với dân chúng rằng cộng sản đang bị đánh bại trên mọi mặt trận thì đã có ngay câu trả lời. Đức và đám bạn bè quay lại nhìn phía sau thấy bầu trời loé sáng mấy lần. Chẳng bao lâu họ phát hiện được ánh sáng loé lên ấy là Huế, đặc biệt là sân bay Phú Bài sát bên dưới tỉnh lỵ, đang bị cộng sản pháo kích, khoảng 50 quả đêm ấy. Sài Gòn sắp mât quyền kiểm soát cái kinh đô cũ này.

Nhưng cùng ngày hôm ấy, Ngô Quang Trưởng, một tướng thân Mỹ đã đến được Huế. Thân hình cao lớn, Trưởng được coi như một điển hình can đảm khi người Mỹ nói đến chuyện binh sĩ Việt Nam như thế nào. Thế nhưng giờ đây, Trưởng đã làm thất vọng những người vốn tin tưởng. Huênh hoang nói oang oang với các nhà báo, Trưởng khoe khoang rằng đã làm đủ thức chuyện mà trong quá khứ chẳng hề làm. Trưởng đã tự biến mình thành một thằng hề bằng cách nói mình sẽ cố thủ. Cá nhân Trưởng sẽ chiến đấu trên đường phố để cứu Huế, nếu thành phố mất, Trưởng sẽ mất theo. Trưởng sẵn sàng chết để bảo vệ Huế. Bọn hèn nhát có thể bỏ chạy nhưng Trưởng này sẽ chiến đấu đến cùng. Rồi Trưởng leo lên chiếc trực thăng riêng do Mỹ cung cấp, bay một vòng. Đây là lần cuối, người ta thấy mặt Trưởng ở Huế.

Nguồn: vnmilitaryhistory
Vkyno (st)