Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc (kỳ 2)

Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc (kỳ 2)

Tháng Tư 30, 2013

Kỳ  2: Chuyển hóa thế trận, đập tan “cánh cửa thép” bằng binh pháp cô lập, cắt rời 

QĐND Online – Ngày 13-4, Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch đã đến sở chỉ huy, cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh.

Xuất phát từ nhận định: đối với toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn của địch, Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối liền với Biên Hòa, nên Bộ chỉ huy Chiến dịch và Quân đoàn chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong; cắt đường số 2 đi Bà Rịa.

Lựa chọn cách đánh trên còn xuất phát từ nhận định là trong khi địch còn đang hoang mang, dao động về chiến lược, ta không nhất thiết phải tập trung lực lượng lớn đánh vào một khu vực có lực lượng địch đông và mạnh, mà có thể chuyển hoá thế trận, dùng “thế” để giải phóng Xuân Lộc. Do đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định ngừng tiến công các vị trí địch đang cố thủ trong thị xã. Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) và Trung đoàn 266 (Sư đoàn 341) giữ vững những bàn đạp đã chiếm được, duy trì áp lực thường xuyên lên quân địch trong thị xã, thực hiện biện pháp nghi binh, làm địch tin rằng ta đang chuẩn bị tiến đánh tiếp.

Bộ binh, xe tăng Quân đoàn 4 tiến công thị xã Xuân Lộc.

Sư đoàn 6 (Quân khu 7) và Trung đoàn 95B (thuộc Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) mới từ Tây Nguyên vào tăng cường cho Quân đoàn 4 sẽ đánh chiếm Dầu Giây và Núi Thị, giải phóng thêm một đoạn đường số 1 và đoạn đường số 20 còn lại, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích.

Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) triển khai lực lượng trên dải vòng cung Đông Bắc chi khu Tân Phong, chặn đánh Lữ  đoàn 1 dù, không cho chúng vượt qua cầu Gia Liên để bắt liên lạc với Chiến đoàn 43 trong thị xã; Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) và hai trung đoàn còn lại của Sư đoàn 341 củng cố tại chỗ làm lực lượng dự bị cơ động.

Trong khi ta chuyển thế trận và cách đánh, địch lầm tưởng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu tuyên truyền rùm beng về “Chiến thắng Xuân Lộc”, về “khả năng chiến đấu của quân lực Việt Nam cộng hòa đã được phục hồi”. Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy thì huênh hoang tuyên bố: “Việt cộng dù có thêm mấy sư đoàn nữa cũng không thể chiếm được Long Khánh…Việt cộng muốn qua Long Khánh phải bước qua xác của Đảo này”.

Rạng sáng 15-4, pháo 130 ly của ta bắt đầu bắn phá  sân bay Biên Hòa, chặn khả năng địch tiếp ứng bằng không lực. Cùng lúc đó, bằng 5 trận vận  động tập kích, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt sinh lực của Chiến đoàn 52 ngụy, thu 12 khẩu pháo và toàn bộ xe tăng của Chi đoàn 3 thiết giáp, tại sở chỉ huy dã chiến của Chiến đoàn 52. Đường số 1 từ Xuân Lộc tới Bàu Cá bị cắt. Đoạn đường 20 cuối cùng từ Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây do ta làm chủ.

Trong hai ngày tiếp theo (16 và 17), sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 ngụy ở Trảng Bom tổ chức phản kích với lực lượng Lữ đoàn 3 thiết giáp có 200 xe tăng, xe bọc thép và Chiến đoàn 8 (Sư đoàn 5 ngụy). Chúng còn được hơn 100 khẩu pháo ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay chiến đấu chi viện hỏa lực mỗi ngày. Trận chiến đã diễn ra ác liệt ở Hưng Nghĩa và cao điểm 122. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã diệt gọn 1 tiểu đoàn địch, bắt sống hơn 100 tên, đẩy lùi địch xuống Bàu Cá. Trước thất bại không cưỡng nổi, Quân đoàn 3 ngụy buộc buộc phải ngừng phản kích.

Cùng thời gian đó, sau khi giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, cánh quân Duyên hải, mà nòng cốt là Quân đoàn 2 đã tiến quân thần tốc theo hướng đường 1, đập tan tuyến phòng thủ của Quân đoàn 3 ngụy ở Phan Rang; tiếp đó giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân và ngày 18-4 đã tiến tới Rừng Lá.

Ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch, đánh tan tác hai chiến đoàn còn lại (43 và 48) của Sư đoàn 18 và diệt một bộ phận quân dù.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt và xét thấy không còn giá trị phòng thủ, ngày 18-4, Lê Minh Đảo đề nghị rút khỏi Xuân Lộc, vì theo Đảo: “mất Dầu Giây là mất tụ điểm về sức sống ở Long Khánh”. Bộ Tổng tham mưu ngụy đồng ý và chỉ thị cho Đảo phải giữ bí mật kế hoạch rút chạy kẻo bị tiêu diệt.

Chiều tối 20-4, lực lượng còn lại của địch ở Xuân Lộc tháo chạy dưới trời mưa tầm tã. Bộ Tư  lệnh Quân đoàn 4 ra lệnh cho tất cả các đơn vị truy kích, diệt địch. Sư đoàn 341 nhanh chóng đánh chiếm Núi Thị và các mục tiêu còn lại trong thị xã, phát triển xuống đồn điền cao su Ông Quế. Sư đoàn 7 đánh chiếm nam Tân Phong, chặn đường số 2. Tiểu đoàn bộ đội địa phương Bà Rịa chốt chặn và truy kích địch trên đường số 2. Tên đại tá Tỉnh trưởng Long Khánh đã bị bắt trên đường tháo chạy.

Ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh được giải phóng. Khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị  đánh sập, cự ly và bàn đạp tập kết để quân ta tiến vào Sài Gòn từ hơn 100km, rút xuống còn 50km.

Tiến công Xuân Lộc được coi là một chuỗi các trận đánh ác liệt nhất và cũng là một trong những thử thách ngặt nghèo nhất của Quân đoàn 4, kể từ ngày thành lập. Trong hơn 10 ngày chiến đấu, Quân đoàn đã cùng các lực lượng vũ trang địa phương đã tiêu hao và tiêu diệt một lực lượng lớn của địch, gồm những đơn vị mạnh nhất, được tin cậy nhất như Sư đoàn 18, Trung đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, Lữ đoàn 1 dù. Trong trận này, ta đã tiêu diệt 2.056 tên địch, bắt 2.785 tên, diệt và đánh thiệt hại nặng 3 chiến đoàn bộ binh, hai chi đoàn bọc thép, một số đơn vị pháo binh, biệt động, quân dù… Ta thu 48 ô tô, 1.499 súng (có 14 khẩu pháo 105 ly và 155 ly), 100.000 viên đạn các loại, phá hủy 16 ô tô, 42 xe tăng, xe bọc thép.

 Tướng Lê Minh Đảo bối rối trước
tin các cứ điểm bị đối phương chốt chặn tấn công chia cắt

Đánh sập “cánh cửa thép” Xuân Lộc, Quân đoàn 4 cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã góp phần tạo được một thế trận chung rất thuận lợi cho trận đánh cuối cùng…

Phạm Hoàng Hà (Lược  thuật theo lịch sử Quân đoàn 4)
qdnd.vn

Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc (kỳ 1)

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam