Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Cách đánh táo bạo, bất ngờ

Cách đánh táo bạo, bất ngờ

Tháng Tư 10, 2011

Chiến dịch Mậu Thân 1968

Sau hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, đế quốc Mỹ tiến hành hai cuộc phản công chiến lược lớn nhưng đều bị thất bại, nhất là sau thất bại nặng nề của cuộc “Hành quân Gian-xơn Xi ty” năm 1967- cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nhà Trắng và Lầu Năm góc “phân vân” về cái gọi là “chiến thắng quân sự” của Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Đối với ta tuy giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của cách mạng đã có bước phát triển mới, nhưng chưa làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Bác Hồ cùng các ủy viên Bộ Chính trị họp bàn Chiến dịch Mậu Thân 1968

Từ thực tế trên chiến trường, kết hợp với tình hình trong nước và quốc tế, cuối năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968, nhằm đánh cho địch một đòn thật mạnh, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Mục tiêu hàng đầu của cuộc tiến công chiến lược này vẫn là tiêu diệt địch, nhưng cách đánh có nhiều nét đặc sắc mang tính nghệ thuật, tư duy chiến lược cao chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ-ngụy bị bất ngờ, đó là:

Về chọn thời điểm mở đầu cuộc tiến công chiến lược khi đế quốc Mỹ đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Quân Mỹ đã trải qua 3 năm trực tiếp tham chiến ở Việt Nam; chúng cũng từng mở hai cuộc phản công chiến lược lớn vào mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 nhưng không đạt được kết quả gì đáng kể; trái lại chúng còn bị quân và dân ta đánh cho thiệt hại nặng nề và thất bại hoàn toàn về mục tiêu chiến lược “bẻ gẫy xương sống Việt cộng”. Ngay cả âm mưu leo tháng đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam và uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta cũng không xoay chuyển được tình thế. Mỹ hầu như đã huy động mọi nỗ lực có thể cho cuộc chiến ở Việt Nam. Tính đến tháng 12-1967, Mỹ huy động vào cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam nửa triệu quân với 40% số sư đoàn bộ binh sẵn sàng chiến đấu của nước Mỹ, 30% lực lượng không quân chiến thuật, 1/3 lực lượng hải quân, chi phí chiến tranh tính đến năm 1968 đã gấp 3 lần chiến tranh Triều Tiên, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, chính sách xã hội, xây dựng quốc phòng của Mỹ. Việc chọn thời điểm tiến công chiến lược năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, năm mà nước Mỹ rất nhạy cảm về chính trị cũng là một lợi thế cho ta. Đối với ta, tuy còn một số hạn chế, như vấn đề bổ sung lực lượng vũ trang tại chỗ, khả năng đánh tiêu diệt những đơn vị lớn quân Mỹ, về bảo đảm hậu cần… Song thế và lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ta đang ở thế thắng và đang nắm quyền chủ động trên chiến trường; lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời gian nào trước đó.

Quân ta tiến công vào thành phố, thị xã trong Chiến dịch Mậu Thân

Có thể nói, chọn thời điểm mở đầu cuộc Tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968 được ta tạo ra và nắm bắt đúng lúc, không sớm và cũng không muộn. Nếu sớm quá, ta chưa đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược vào hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 thì Mỹ còn mạnh và không chịu thua, chúng còn thời gian để triển khai đầy đủ chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Nếu để muộn, cuộc tiến công sau năm bầu cử Tổng thống thì áp lực quân sự khó làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ. Độc đáo hơn cuộc tiến công được tiến hành vào dịp Tết Nguyên đán-đúng đêm giao thừa và mồng Một Tết, khi nhiều sỹ quan tham mưu và quân báo của địch nhận định cuộc tiến công có nhiều khả năng xảy ra vào thời gian trước Tết, nhưng đến những ngày trước Tết, khi thấy tình hình vẫn im ắng thì phía Mỹ lại thêm chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Vì vậy khi bị tiến công, địch bất ngờ và ứng phó vô cùng lúng túng.

Về cách đánh, không đánh theo cách như hai mùa khô trước. Bởi vì nếu đánh như hai mùa khô trước cho dù có đạt được mục tiêu cao hơn là “tiêu diệt lữ đoàn Mỹ”, đánh gục một số sư đoàn ngụy, mở rộng vùng giải phóng, giành thêm dân thì cũng không thể tạo được chuyển biến chiến lược gì đáng kể và như vậy thì cuộc chiến tranh sẽ nhùng nhằng, kéo dài. Hơn nữa trong hơn hai năm đánh Mỹ, ta mới tiêu diệt được tiểu đoàn Mỹ, bắt tù binh, thu chưa được nhiều vũ khí, nay nâng mức đánh tiêu diệt từ tiểu đoàn lên lữ đoàn quân Mỹ, cũng khó có thể làm được.

Nhân dân tại các thành phố, thị xã xuống đường biểu tình giành chính quyền

Chính vì vậy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn hướng tiến công chủ yếu không phải là rừng núi và nông thôn như trong các mùa khô trước-nơi địch tương đối yếu, mà nhằm vào đô thị, trước hết là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng… nơi tập trung các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, mặc dù địch ở đây khá mạnh. Đây có thể nói là một bất ngờ lớn đối với địch, bởi vì chúng vẫn cho rằng bộ đội ta ít kinh nghiệm đánh thành phố và chưa có khả năng đánh vào các trung tâm chính trị, quân sự của chúng.

Để tiến công bất ngờ và đồng loạt vào thành phố, thị xã trên khắp chiến trường miền Nam ta phải điều chỉnh, tăng cường lực lượng, vật chất, đưa vũ khí ém sẵn các mục tiêu trong lúc hơn một triệu quân Mỹ-ngụy và chư hầu co vào phòng ngự, trụ tại các đô thị miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Để giải quyết vấn đề khó khăn, phức tạp này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã dùng chiến thuật điều chủ lực địch ra khỏi các thành phố, thị xã, làm cho chúng lẫm tưởng rằng mùa Xuân năm 1968, ta vẫn tiến công địch ở rừng núi là chính, bằng việc mở chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, đánh thẳng vào khu vực phòng ngự của địch, nơi chúng quyết giữ nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc vào miền Nam. Thời điểm tiến công Khe Sanh không sớm quá và cũng không muộn quá so với thời gian Tổng tiến công và nổi dậy ở các thành phố, thị xã.

Thực hiện chủ trương này, đêm 20 tháng 1 năm 1968, trước Tổng tiến công và nổi dậy 10 ngày, các sư đoàn chủ lực của ta nổ súng tiến công Khe Sanh. Ngay sau khi phát hiện chủ lực của ta đánh Khe Sanh, Bộ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lập tức điều thêm 12 tiểu đoàn thuộc sư đoàn kỵ binh bay, sư đoàn 101 không vận, sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy ra khu vực Đường 9 để đối phó.

Đúng lúc địch đang cố gắng điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh thì đêm 30 và 31-1-1968 – đêm giao thừa và mồng Một Tết, lợi dụng địch sơ hở ở đô thị ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ, ngụy bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.

Cuộc tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968 đã giành được thắng lợi lớn, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của chúng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh” mở đầu quá trình xuống dốc về chiến lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến. Thắng lợi đó trước hết do có cách đánh táo bạo, bất ngờ.

Đại tá, TS Lê Văn Bảo