Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Trận then chốt quyết định (Tiếp theo và hết)

Trận then chốt quyết định (Tiếp theo và hết)

Tháng Tư 30, 2013

Kỳ 7: Bùng nổ chiến lược

Sư đoàn 23 bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong những ngày đó, chúng tôi đã không thể hiểu được kẻ địch lại có thể tổ chức phản kích ốm yếu đến như vậy. Thứ nhất, Sư đoàn 23 được tung vào trận không hề đúng lúc. Nếu chúng đưa lực lượng đến trong ngày 10 hay thậm chí trong ngày 11 tháng 3 thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, trận đánh chiếm thị xã có thể kéo dài hơn và như vậy các tình huống tiếp theo sẽ khác. Nhưng chúng lại đến sau khi ta đã rảnh tay, và kết cục… Thứ hai, cái lối ném lần lượt từng trung đoàn xuống để… chúng ta có điều kiện lần lượt tập trung tiêu diệt. Tại sao chúng làm như thế? Bây giờ nhìn lại, có thể thấy rõ hơn: Đúng là chúng đã chỉ huy tồi trước đòn choáng Buôn Ma Thuột, nhưng chúng đã muốn làm một đòn nghi binh: Vào lúc ấy, Thiệu đã quyết định bỏ Plei-ku, Kon Tum, thực hiện một cuộc rút lui chiến lược của Quân đoàn 2. Bỏ cao nguyên? Còn có thể nói gì hơn nữa: Đột biến chiến dịch, một kết cục nằm ngoài dự kiến.

* * *

Các tư liệu lịch sử và nhiều cuốn sách khác nhau nói về thời kỳ còn nóng hổi tính thời sự này đều coi bước ngoặt của chiến tranh đã được quyết định vào những ngày giữa tháng 3 Tây Nguyên năm 1975.

Xuất phát từ sự kiện là, lần đầu tiên một quân đoàn địch đã bị giập xương sống trên một địa bàn chiến lược rất trọng yếu. Nhưng đã khác nhau căn bản ở cách tìm đến nguyên nhân. Không ít tác giả phương Tây – tôi muốn nói đến ngay cả nhiều sĩ quan của ngụy quyền Sài Gòn – đã có xu hướng quy mọi thất bại lên đầu tên tổng tư lệnh tồi Nguyễn Văn Thiệu mà họ cho rằng quyết định rút bỏ Tây Nguyên của y là một sai lầm “chết điếng” đã dẫn đến sự tháo chạy chiến lược của cả Việt Nam cộng hòa. “Vậy thì trong trường hợp cụ thể đó, bộ chỉ huy chiến lược của các anh cần xử trí như thế nào thì hợp lý”. Đáp lại câu hỏi đó của chúng tôi (trong cuộc phỏng vấn được thực hiện năm 1978 mà tôi đã nói đến), lạ thay, không ít sĩ quan cao cấp cũ của quân đội Sài Gòn lại tỏ ra khá lúng túng. Ít kẻ có thể đưa ra ngay một giải pháp rõ ràng. Thậm chí, có viên sĩ quan nọ lúc đầu cho rằng nên như thế này, về sau lại “à…” rồi đưa ra một kế hoạch khác. Và thậm chí nữa, có kẻ còn xin “để tôi suy nghĩ thêm rồi trả lời sau” (chết nỗi, ba năm qua rồi mà ngài chỉ huy vẫn lúng túng, để mất cả thời cơ chiến lược lẫn chiến thuật!). Nhưng đáng chú ý là tất cả những kẻ có nhãn quan chiến lược một chút đều cho rằng trong hoàn cảnh đó không có cách nào hơn, chỉ có thể “tẩu vi thượng sách”! Nghĩa là, “tướng Thiệu đã quyết định đúng khi rút bỏ cao nguyên, nhưng ông ta đã thiết kế hành quân quá vội vã…” – Nói như thế thì còn khả dĩ. Sai lầm của chúng là ở chỗ ấy nhưng rõ ràng sự thất bại đã không phải là sai lầm chủ quan của một cá nhân (điều đó nếu có cũng chỉ thứ yếu). Sự thất bại nằm trong tồn tại khách quan là, đối phương đã đẩy đến tình trạng không còn cách lựa chọn nào khác. Sẽ là đi quá xa phạm vi một hồi ký thông thường nếu tôi đưa thêm những ý kiến phân tích, cho nên chỉ có thể tóm tắt: Rút bỏ, khó mà lựa chọn cách nào khác. Giữ nguyên hiện trạng lúc đó? Lực lượng đối phương đang dồi dào trong thế chẻ tre, Tây Nguyên đằng nào cũng không thể giữ và Quân đoàn 2 sẽ bị tiêu diệt. Thiệu biết rõ điều đó. Tung lực lượng ứng cứu giải tỏa đến cùng? Trong trường hợp đó không có thể trông vào quân Mỹ, bị bó tay nhất định bởi Hiệp định Pa-ri và cũng khó mà dám liều lĩnh “thử thời vận” một lần nữa. Thiệu biết rõ điều đó. Cũng không thể trông vào lực lượng tổng dự bị chiến lược, đang bị căng ra đối phó ở các chiến trường khác, chưa nói tới nếu như tất cả các quân đoàn chủ lực của đối phương – đang sẵn sàng – đều nhất loạt vào trận thì… Thiệu biết rõ điều đó. Còn lực lượng của chính Quân đoàn 2, Quân khu 2? Cạn rồi! Cần khẩn trương gom lại nếu còn muốn có một đòn phản công tái chiếm Buôn Ma Thuột, nơi có vị trí chiến lược quan trọng hơn cả trên cao nguyên. Gom lại, co hẹp phòng tuyến lại nếu còn muốn giữ lấy đồng bằng hậu phương, nhân tố thường xuyên quyết định trong chiến tranh. Và thế là việc rút bỏ cao nguyên được quyết định và thi hành ngay.

Trụ sở Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh: Trần Ngọc (Phóng viên Báo Quân đội nhân dân chụp tháng 4-1975).

Tôi nhớ đến những cuộc họp của chiến lược chuẩn bị cho năm 1975 mà tôi được tham dự ở Hà Nội. Khi bàn đến hướng phát triển tiếp theo của chiến dịch Nam Tây Nguyên, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Địch sợ nhất một đòn chia cắt chiến lược toàn miền Nam. Giải quyết xong nam Tây Nguyên, thì cần phát triển xuống đồng bằng duyên hải Phú Yên, Khánh Hòa cắt đôi miền Namra”. Tình hình phát triển vào những ngày giữa tháng 3 đó đã tạo cơ hội cho quyết sách chiến lược ấy.

Nếu trận Buôn Ma Thuột đã quyết định Chiến dịch Tây Nguyên thì trận đường số 7 tiêu diệu Quân đoàn 2 tháo chạy, đẩy bộ tham mưu địch vào thế hoàn toàn bị động đã tạo nên bước ngoặt chiến lược.

Từ những ngày giữa tháng 3, thời gian đối với chúng tôi đã là một dòng chảy xiết đến chóng mặt các sự kiện chiến đấu, chảy xiết cho đến tận ngày cuối cùng của chiến tranh.

Chiều 15, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã gọi điện trực tiếp cho tôi nói rằng địch có khả năng rút chạy khỏi Plei-ku, Kon Tum. Thông tin ấy đến khá đột ngột vì chúng tôi chưa dự kiến tình huống lại có thể chuyển biến nhanh chóng đến như thế. Nhưng sau khi triển khai nắm lại các tin tức, quả nhiên có những hiện tượng để phán đoán khả năng này. Đêm 15, chúng tôi điện báo cáo về Bộ tổng tư lệnh, trong đó có đề cập đến chiều hướng địch rút chạy. Và ngay ngày đó, đã đề nghị với Thượng tướng Chu Huy Mân cho lực lượng Quân khu 5 sẵn sàng đón đánh địch ở Củng Sơn. Trong khi chúng tôi khẩn trương chuẩn bị các phương án đánh địch trên cơ sở những tin tức đang được sáng tỏ, vào lúc 20 giờ ngày 16, khi cả Bộ tư lệnh Chiến dịch lẫn các sĩ quan tham mưu đang có mặt bên tấm bản đồ chỉ huy thì chuông điện thoại réo vang. Tôi nhấc tổ hợp lên, và tiếng nói rành rọt của Đại tướng Văn Tiến Dũng vang từ đầu bên kia, cả hầm chỉ huy đều nghe rõ:

– Truy kích ngay! Địch đã rút chạy theo đường 7.

Sự điều động lực lượng tiếp theo là cả một cơn lốc. Những mệnh lệnh ngắn, gọn được khẩn trương phát đi. Kế hoạch tác chiến hình thành trong chốc lát. Chúng ta kiên quyết giành lại quyền chủ động thời gian!
Suốt đêm 16, chạy dưới ánh đuốc bập bùng do chính mình đốt lên (còn cách nào tốt hơn nữa!), Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 nhận lệnh xuyên rừng ra chốt chặn đường 7, làm bức tường chặn đứng cuộc tháo loạn ô hợp của cả vạn tên địch để lực lượng lớn phía sau có thể kịp vận động đến tiêu diệt. Và nhiệm vụ ấy đã được hoàn thành xuất sắc, mặc dù bộ đội ta phòng ngự trong hình thái dã ngoại không công sự. Chúng tôi được báo cáo về tấm gương của người chiến sĩ dũng cảm Nguyễn Vy Hợi và tiểu đội của đồng chí. Các đồng chí đã chốt giữ một đoạn đường đầu cầu diệt hàng chục xe tăng địch với một tinh thần anh dũng ngoan cường. Nhiệm vụ tiêu diệt những lực lượng tháo chạy của Quân đoàn 2 được giao cho Sư đoàn 320 lúc đó đang là lực lượng dự bị chiến dịch đứng chân ở đường 14. Hành quân thần tốc bằng mọi phương tiện, Sư đoàn đã triển khai ngay thành ba mũi bao vây đội hình mấy chục km của địch trên đường số 7. Mũi phía bắc do Trung đoàn 9, mũi phía nam do Trung đoàn 64, và hình thành một tay dao chém vào giữa cụm lực lượng chủ yếu của địch ở thị xã Phú Bổn (Cheo Reo) là Trung đoàn 48. Tiểu đoàn 2 của trung đoàn này, do Trung tá Tham mưu trưởng sư đoàn Ngô Huy Phát trực tiếp nắm lúc đó, đã kiên quyết táo bạo đánh bại một lực lượng địch đông gấp bội từ thị xã nống sục về phía tây, buộc chúng phải co về để trung đoàn từ phía sau kịp đến hình thành thế bao vây.

Tiếp cận địch trong ngày 17, Sư đoàn 320 lao ngay vào cuộc chiến đấu không một giây ngừng nghỉ. Truy kích, tập kích vào các cụm phòng ngự, đánh chặn giao thông, đánh gặp gỡ, vận động bao vây tiến công liên tục… Tất cả các hình thức tác chiến đã được cán bộ và chiến sĩ trong sư đoàn vận dụng trong từng trường hợp đánh địch cụ thể, quyết giành thắng lợi về mình. Và thắng lợi ấy đã đến vào ngày 19 khi sư đoàn giải phóng thị xã Cheo Reo, quét sạch địch trên đường số 7, diệt và bắt hàng vạn tên cùng rất nhiều trang bị kỹ thuật. Một bộ phận địch chạy thoát trước đó về Phú Yên đã bị hai tiểu đoàn bộ đội địa phương và du kích Phú Yên được lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu 5, bỏ hết các mục tiêu khác, ra chặn đứng ở Củng Sơn, rồi cùng với Trung đoàn 64 vận động xuống tiêu diệt nốt.

Cùng thời gian đó, phối hợp với bộ đội địa phương và các lực lượng nổi dậy của nhân dân, Trung đoàn 29 tiến vào Kon Tum, Trung đoàn 95A tiến vào Plei-ku, Trung đoàn 19 tiến vào Thanh Bình ở hướng bắc Tây Nguyên.

Phía cực nam mặt trận, thị xã Gia Nghĩa nằm trên đường 14, hướng được dự kiến phát triển ban đầu của chiến dịch nam Tây Nguyên cuối cùng cũng đã được giải phóng bởi Trung đoàn 271.

Trong suốt những ngày tháng 3 ấy, khi thời gian được đếm không phải bằng ngày giờ mà bằng các sự kiện chiến đấu diễn ra liên tiếp, có một phút chúng tôi để cho lòng mình được thư thái. Ấy là cái phút chúng tôi nhìn vào bản đồ Tây Nguyên – 70.000km2 của bình sơn nguyên bao la – và lần đầu tiên bất chợt nhận thấy các sĩ quan tham mưu không còn tác nghiệp lên đó những lá cờ xanh nữa. Chúng ta đã qua một chớp mắt hay một thế kỷ? Hay bốn mươi thế kỷ để đến ngày hôm nay!

Một cái gì cay cay nơi mắt dễ mềm lòng người lính khiến tôi bước ra khỏi hầm chỉ huy. Chúng tôi vốn vẫn nhận ra Tây Nguyên ở những rừng khộp, những rừng già tán lá kín bưng, những sườn đá cheo leo mà mỗi “quăng dao” là một buổi đi đường cật lực. Ở đây, tại Sở chỉ huy Chiến dịch phía tây Thuần Mẫn, tôi lại bất chợt nhận thấy một Tây Nguyên nữa. Bình nguyên đất đỏ chạy đến chân trời. Đất tốt quá! Tây Nguyên giải phóng rồi, đồng bào các dân tộc sẽ thoát khỏi cảnh đói khổ. Với đất này, với bàn tay lao động cần cù của mình, đồng bào sẽ cùng cả nước đi lên ấm no, hạnh phúc. Có gì khác đâu, đấy là mục đích mà chúng ta cầm súng.

Ngày 27 tháng 3, đã chính thức tuyên bố thành lập Quân đoàn 3 rút ra từ những lực lượng chủ yếu của bộ đội Tây Nguyên, do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bộ tổng tư lệnh đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn ngay trước mùa mưa, và Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ sẽ đảm nhiệm một hướng tiến công quan trọng. Nhưng ngay bây giờ, các chiến sĩ Tây Nguyên ấy còn phải hoàn thành trách nhiệm tiến xuống đồng bằng, cùng với bộ đội bạn giải phóng vùng duyên hải. Cánh cửa lớn đã bật tung, ba cánh quân tràn xuống theo ba con đường của Tây Nguyên: Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95 trên đường 19, Sư đoàn 320 trên đường số 7, Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 trên đường số 21. Các đòn chiến đấu tiếp tục.

Tôi lại từ giã Tây Nguyên vào một ngày cuối tháng 3 để cùng các đơn vị Tây Nguyên tiến xuống vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Các hướng chiến trường đang phát triển, công việc trước mắt còn biết bao nhiêu! Tôi muốn nói với các bạn chiến đấu thân thiết của tôi rất nhiều mà hầu như không nói được gì cả. Vừa ký vào tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch nam Tây Nguyên mà các đồng chí vừa xây dựng lại để giữ làm lưu niệm, tôi vừa nói:

– Xin hẹn giữa thành phố Sài Gòn giải phóng! Tạm biệt…

Tiến sĩ Vũ Cao Phan (ghi)
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo
qdnd.vn

Trận then chốt quyết định (kỳ 6)
Trận then chốt quyết định (kỳ 5)
Trận then chốt quyết định (kỳ 4)
Trận then chốt quyết định (kỳ 3)
Trận then chốt quyết định (kỳ 2)
Trận then chốt quyết định (kỳ 1)

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam