Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Kiên trì vận động viện trợ quốc tế

Kiên trì vận động viện trợ quốc tế

Tháng Tư 30, 2013

Lòng yêu nước, sự anh dũng vô song vốn được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, và sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam là những nhân tố chính để tạo nên chiến thắng vĩ đại 30-4-1975. Bên cạnh đó, để cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng không thể không kể đến sự trợ giúp chí nghĩa, chí tình về cả vật chất lẫn tinh thần của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do Tổng bí thư Lê Duẩn trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã khẳng định: “Bằng những sách lược linh hoạt, khôn khéo và sáng tạo, chúng ta đã gắn kết sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, ra sức tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế nhằm xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN và cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn về tinh thần và vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới”.

Cuộc đọ sức giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ xâm lược là “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa một dân tộc yêu chuộng hòa bình với một đế quốc có diện tích, tiềm lực kinh tế, quốc phòng lớn hơn gấp nhiều lần. Để giành thắng lợi, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta cần nắm vững phương châm dựa vào sức mình là chính, nhưng đồng thời, chúng ta hết sức tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước XHCN, của các dân tộc Á, Phi, Mỹ La-tinh và của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ”. Với phương châm đó, chúng ta đã chủ động triển khai từ rất sớm công tác tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới, nhất là Liên Xô, Trung Quốc.

“Bối cảnh quốc tế phức tạp lúc bấy giờ khiến công việc ngoại giao nói chung và công tác vận động viện trợ gặp không ít khó khăn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tranh thủ được sự ủng hộ của cả hai nước đồng minh lớn nhất?”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ nói. Dù năm nay đã 83 tuổi, song nhà ngoại giao lão luyện này vẫn nhớ rõ sách lược tài tình của Đảng: “Cách làm khi đó là trung hòa các ý kiến, kiên trì đường lối của ta, là đường lối độc lập tự chủ phải đi đôi với đoàn kết quốc tế. Nếu độc lập tự chủ mà không đi đôi với đoàn kết quốc tế thì cũng không đạt được mục đích. Bởi vì có độc lập tự chủ thì mới theo và giữ đúng định hướng đường lối của ta, và có đoàn kết quốc tế mới tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước”.

Phương án vận động viện trợ đã được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị thảo luận kỹ càng. Năm 1965, Đoàn công tác vận động viện trợ chính thức được thành lập. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị được giao phụ trách chính. Thành phần đoàn tham gia vận động có lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Bộ Ngoại thương, Bộ Quốc phòng… và một số ngành khác.

Công việc của Đoàn là tới các nước cần vận động viện trợ thông báo tình hình chiến sự tại ViệtNam để bạn bè quốc tế hiểu rõ tình hình, giới thiệu đường lối chính sách của Việt Nam để tranh thủ sự đồng tình cao của bạn.

Ông Hồ Văn Nghiêm, nguyên là Trưởng phòng các nước XHCN, Cục Kinh tế-Đối ngoại thuộc Ủy ban Kế hoạch nhà nước, đồng thời là phiên dịch cho đồng chí Lê Thanh Nghị, nhớ lại: “Đoàn thường gặp gỡ đầy đủ lãnh đạo cả bên Đảng và Chính quyền của các nước XHCN. Thời gian đầu việc vận động xin viện trợ tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, sau đó không phải không gặp khó khăn. Phía Mỹ cũng tìm cách lôi kéo, sử dụng thủ thuật ngoại giao để ngăn cản các nước bạn bè truyền thống của ta viện trợ cho ta. Công việc của Đoàn là phải đưa ra hình thức thuyết phục nào cho hợp tình hợp lý, đạt được mục tiêu của ta, tranh thủ tối đa sự viện trợ của quốc tế, đặc biệt từ hai nước XHCN lớn là Liên Xô và Trung Quốc”.

Ông Hồ Văn Nghiêm cho hay, để các nước chấp nhận viện trợ cho ta, khâu chuẩn bị nội dung tài liệu trong các báo cáo trình bày các cuộc gặp gỡ, đàm phán là vô cùng quan trọng. Nội dung các bài phát biểu của lãnh đạo đoàn ta vạch rõ âm mưu của Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng chiến tranh tại Việt Nam. Khẳng định quyết tâm của ta là sẽ đánh và sẽ thắng Mỹ, nhưng còn gặp nhiều khó khăn nên đề nghị được viện trợ vũ khí.

“Trong các chuyến đi với đồng chí Lê Thanh Nghị, tôi đặc biệt ấn tượng với sự kiên trì, mềm dẻo mà vô cùng linh hoạt của đồng chí để đạt được mục tiêu đề ra. Gặp tình huống khó khăn, phía bạn chưa chấp nhận ở mức viện trợ cao, đồng chí Lê Thanh Nghị kiên trì thuyết phục, nêu rõ tính khoa học, lô-gic trong các đề án xin viện trợ. Khi phía bạn vẫn chưa đồng ý, tôi thấy rõ tâm trạng bồn chồn, sự ưu tư, suy nghĩ của đồng chí Lê Thanh Nghị. Thậm chí, có những hôm, tôi thấy đồng chí Lê Thanh Nghị đã thức trắng đêm để nghĩ cách. Đồng chí Lê Thanh Nghị nói với tôi rằng, cách duy nhất để hóa giải những khó khăn, tìm nguồn viện trợ quý giá về cho đất nước là phải tìm cách thuyết phục họ. Trong quá trình đàm phán với Liên Xô, khi chưa đạt yêu cầu, đồng chí Nghị đã rất linh hoạt đề ra kế “hoãn binh”. Sau khi chưa đạt được kết quả như mong muốn, đồng chí Lê Thanh Nghị đã đề nghị phía Liên Xô tạm hoãn việc ký các điều khoản cho lần viện trợ này và chúng tôi sẽ tranh thủ tới nước khác. Sau khi trở lại, phía bạn đã có thời gian suy nghĩ thấu đáo hơn, chấp nhận đề nghị của ta. Sự kiên trì của đồng chí Lê Thanh Nghị đã trở thành bài học lớn để chúng tôi học tập trong quá trình đàm phán sau này…” – ông Nghiêm nhớ lại.

Các nước dành viện trợ cho Việt Nam cả hàng quốc phòng lẫn kinh tế. Tỉ lệ hàng quốc phòng cao hơn hàng kinh tế. Viện trợ quốc phòng thường không tính tiền, các loại hàng hóa khác được tính theo giá vay ưu đãi. Hàng quốc phòng bao gồm vũ khí, khí tài phục vụ chiến đấu như máy bay chiến đấu, tên lửa, pháo, súng, cối… Liên Xô thường giúp vũ khí hạng nặng, Trung Quốc và các nước khác chủ yếu viện trợ cho ta các loại vũ khí hạng nhẹ như súng ống, nhu yếu phẩm… Ba Lan viện trợ thuốc nổ, Tiệp Khắc là vũ khí hạng nhẹ, Đức viện trợ hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm… Ngoài vũ khí, các nước còn viện trợ phương tiện ô-tô vận tải, các máy ủi làm đường, các loại máy làm đường được dùng nhiều trong đường Trường Sơn (Cu-ba mua của Nhật Bản để viện trợ cho Việt Nam)… Các thiết bị phục vụ như thiết bị làm cầu, làm đường, hàng dân dụng để duy trì phát triển sản xuất như phân bón, bông, lương thực, một số loại thực phẩm…

“Sự thành công của các chuyến công tác vận động viện trợ không thể không kể đến tác động tích cực từ các chiến thắng của ta trên chiến trường. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của chúng ta, làm cho lãnh đạo các nước XHCN cũng như người dân các nước sở tại đều tin vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc Việt Nam”, ông Hồ Văn Nghiêm nói. Hàng triệu súng bộ binh, hơn 1.000 xe tăng, hơn 8.000 khẩu pháo các loại, hơn 10.000 quả đạn tên lửa, hơn 200 tàu hải quân, hơn 450 máy bay… từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn bè đã tiếp lực giúp quân và dân Việt Nam lập những chiến công hiển hách để đi tới ngày toàn thắng.

Thành quả của cách mạng Việt Nam không tách rời sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc. Và, một điều chắc chắn rằng, sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả đó bắt nguồn từ chính nghĩa sáng ngời của cuộc kháng chiến, từ đường lối, chính sách ngoại giao, đường lối quốc tế đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Khi đến các nước, đoàn chúng tôi có hỏi người dân là tại sao lại vui vẻ chấp nhận giúp Việt Nam? Có một câu trả lời chung: Đơn giản vì chúng tôi tin rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam là chính nghĩa”, ông Hồ Văn Nghiêm kể.

NGUYỄN HOÀ-BẢO TRUNG
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam