Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Nghệ thuật tạo và nắm thời cơ

Nghệ thuật tạo và nắm thời cơ

Tháng Tư 30, 2013

Ký ức và hiện tại

Cách đây 35 năm, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 đánh đấu bước phát triển vượt bậc nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật tạo thời cơ và nắm thời cơ.

Thực hiện quyết tâm của Đảng, trong 2 năm 1973-1974, quân và dân ta tích cực làm mọi công tác chuẩn bị, nhanh chóng thành lập các quân đoàn chủ lực, đưa hàng vạn thanh niên, nhân viên kỹ thuật miền Bắc vào tăng cường cho miền Nam. Đẩy mạnh tiến công địch ở địa bàn Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ, giải phóng nhiều vùng chiến lược quan trọng. Đặc biệt sau giải phóng Phước Long (6-1-1975), thấy rõ khả năng suy giảm của quân ngụy và khả năng khó quay lại của quân Mỹ, chớp thời cơ thuận lợi đó, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mở đầu cuộc tổng tiến công, ta mở Chiến dịch Tây Nguyên, được sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ Tổng tư lệnh, ta đã chủ động tạo ra được nhiều thời cơ thuận lợi.

Trước hết, là thời cơ đánh trận mở màn then chốt chiến dịch, trận Buôn Ma Thuột, để giữ vững quyền chủ động, ta thực hiện nghi binh, cắt toàn bộ các con đường 19, 7, 21, 14, cô lập địch ở Buôn Ma Thuột, vây chặt tập đoàn chủ yếu của địch ở bắc Tây Nguyên, không cho chúng tăng cường, ứng cứu Buôn Ma Thuột một cách dễ dàng, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho ta triển khai lực lượng. Sau khi tạo ra thời cơ mới, rạng sáng 10-3-1975, ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột. Địch chưa kịp trở tay, phán đoán, hành động, thì trưa 11-3 ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột.

Thứ hai, nắm vững thời cơ đánh đòn thứ nhất giành thắng lợi tốt đẹp, ta chủ động tạo ra thời cơ mới, gây cho địch khó khăn mới, buộc chúng phải phạm sai lầm mới. Chính những sai lầm mới của địch lại tạo ra thời cơ mới cho ta. Do đó, nghệ thuật tạo và nắm thời cơ lúc này là: phán đoán, hạ quyết tâm, xử lý đúng đắn, kịp thời để khỏi bỏ lỡ thời cơ, củng cố và phát triển thắng lợi vừa mới giành được, đó là đánh địch phản kích.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, tình huống và thời cơ đánh địch phản kích đã được dự kiến trong kế hoạch chiến dịch và xuất hiện đúng như ta đã dự kiến. Vì vậy, ta đã biến thời cơ thuận lợi đó thành kết quả thắng lợi giòn giã, đánh bại hoàn toàn cuộc phản kích của Sư đoàn bộ binh 23(-) và Liên đoàn biệt động 21 (từ ngày 12 đến 18-3) đập tan hy vọng giành lại Buôn Ma Thuột, đẩy địch vào những sai lầm nghiêm trọng hơn, đó là rút bỏ Tây Nguyên vào ngày 15-3-1975. Tình huống mới, thời cơ mới lại xuất hiện, lực lượng rút chạy là lực lượng lớn nhất, đông nhất của Quân đoàn 2 ngụy, gồm phần lớn các đơn vị chủ lực của địch. Nắm thời cơ đó, từ ngày 16 đến 24-3, ta mở cuộc truy kích thần tốc tiêu diệt toàn bộ địch rút chạy trên đường số 7, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên.

Đồng thời với Chiến dịch Tây Nguyên, Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5, Quân đoàn 2 nhanh chóng tiến công địch trong hành tiến, giải phóng Trị Thiên và Nam Ngãi. Thời cơ mới tiếp tục xuất hiện ở Trị Thiên và Nam Ngãi. Khi phát hiện ra thời cơ, Bộ Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện chia cắt chiến lược, cô lập Huế – Đà Nẵng, tập trung lực lượng, tiêu diệt địch ở Trị Thiên – Huế và Quảng Ngãi – Quảng Nam, không cho địch co cụm về  Đà Nẵng.

Trên địa bàn Trị Thiên-Huế, trên cơ sở phương án đã chuẩn bị, nắm vững thời cơ, các đơn vị của Quân đoàn 2, Quân khu Trị Thiên, nhanh chóng phát triển tiến công tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 1 ngụy, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 và các đơn vị bộ binh, binh chủng của địch, giải phóng thành phố Huế (10 giờ ngày 25-3) và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Trên địa bàn Quân khu 5, các đơn vị Quân khu đồng loạt tiến công địch ở Quảng Nam-Đà Nẵng, tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 2 ngụy, giải phóng thị xã Tam Kỳ, toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi, căn cứ Chu Lai, cắt đường 1 ở phía nam từ Tam Kỳ đi Đà Nẵng, tạo ra thời cơ thuận lợi cho giải phóng Đà Nẵng. Nắm thời cơ đó, ngày 27-3, các binh đoàn thọc sâu của ta bỏ qua các mục tiêu vòng ngoài, tiến thẳng vào thành phố Đà Nẵng.

Sau thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến, ta đã chủ động tạo thế và thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”. Các sư đoàn chủ lực của ta phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến về giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung…

Đến ngày 26-4, các quân đoàn chủ lực của ta đã triển khai trên 5 hướng theo thế bao vây, chia cắt. Đúng 17 giờ ngày 26-4, cuộc tiến công Sài Gòn bắt đầu, với thế trận bao vây và sức mạnh áp đảo, tư tưởng chỉ đạo là: thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Chiều 28-4, các sư đoàn địch phòng ngự ở vòng ngoài đã bị ta tiêu diệt và làm tan rã.  Từ sáng 29 đến 30-4, các cánh quân ta trên các hướng đồng loạt tiến công vào nội đô. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã đưa cách mạng Việt Nambước sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước tiến lên xây dựng CNXH. Đã 35 năm trôi qua trên đất nước ta, khí thế hào hùng của ngày đại thắng, cũng như bài học về nghệ thuật tạo thời cơ, nắm thời cơ vẫn còn nguyên giá trị, là tài sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, bổ sung phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới, triệt để tận dụng thời cơ thuận lợi mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tạo ra, để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam