Trang chủ > 55 ngày - Sài Gòn sụp đổ > 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 2

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ – Chương: 2

Tháng Tư 16, 2014

Lỗi lầm chí tử

Không có dấu hiệu nào cho thấy Martin lại muốn hoặc có thể khuyên giải Thiệu đừng đi nước cờ tai hoạ ngày 12-3. Ngày Thiệu đi nước cờ ấy, người Mỹ đã khen ngợi “đấy là giải pháp duy nhất có thể được”. Nó chứng tỏ người Mỹ quá thiếu hiểu biết đối với người lính Sài Gòn mà họ đang làm cố vấn. Một lý do khác biện hộ cho quyết định của Thiệu được đưa ra bởi tay phụ tá quân sự cao cấp là Đặng Văn Quang. Theo lời tố cáo của phóng viên hãng truyền hình NBC (1971) thì Quang là tay buôn lậu thuốc phiện lớn nhất nước và là kẻ chèo lái cho Thiệu trong các vụ tham nhũng khác. Quang tuyên bố Việt Cộng đã bắn tin đến dinh Độc Lập là hoặc phải rút sạch khỏi Tây Nguyên hoặc là các thành phố này bị san thành bình địa. Câu chuyện hoàn toàn mang tính chất tự bào chữa.

Đến ngày 15-3, quyết định của Thiệu rút bỏ Tây Nguyên đã thành hình. Buổi sáng thứ bảy hôm ấy, Thiệu lên chiếc máy bay DC6 riêng của tổng thống và bảo phi công đi thẳng đến vịnh Cam Ranh. Thiệu chọn Cam Ranh cho cuộc so găng với các tư lệnh quân đội bởi vì các tướng lĩnh sẽ không thể về hùa với nhau để áp đảo Thiệu ở đó được. Căn cứ vốn ít được sử dụng đến và không phải là sân nhà bất cứ viên tư lệnh quân đội Sài Gòn nào. Sẽ không có “lợi thế sân nhà” cho các tướng lĩnh trong phiên họp cãi vã mà Thiệu đoán chắc thế nào cũng xảy ra.

Thiệu nghĩ không sai. Các tướng lĩnh Sài Gòn đã đón Thiệu gần cái đường bay dài gần 2 dặm trên bãi cát Cam Ranh. Mấy phút sau khi đến nơi, Thiệu đã ra lệnh di tản Pleiku và Kontum.


Năm 1966, Thiệu cũng từng đến Cam Ranh nhưng là để tháp tùng LBJ.

Phạm Văn Phú choáng người. Viên tư lệnh quân đoàn 2 không thể nào chấp nhận một cuộc rút lui trước khi nhập trận. Phú không đến nỗi bất ngờ trước quyết định đó của Thiệu vì đã nghe tin đồn đó từ trước khi Thiệu triệu tập họp, nhưng Phú cứ làm ra vẻ kinh ngạc.

Phú đã hỏi Thiệu có nói đùa không? Làm sao có thể rút lui trước khi xảy ra cuộc tấn công? Phú nói thậm chí không chắc có quân cộng sản ở xung quanh Buôn Ma Thuột. Tiếp đó Phú trở nên giận dữ khi Thiệu một mực nhắc lại những điều về vấn đề rút lui. Phú cãi lại rằng tất cả sẽ đổ sụp nếu rút lui. Nhưng Thiệu khăng khăng một mực giữ vững lập luận cho rằng bám trụ Tây Nguyên chỉ làm phí sinh mạng. Những người ấy có thể được sử dụng tốt hơn trong việc phòng ngự dải đất duyên hải vốn có giá trị chiến lược và đông dân hơn.

Sau 90 phút, Thiệu nhắc lại lệnh rút bỏ cao nguyên. Thiệu giáp mặt Phú và bảo viên tướng mắc bệnh lao phổi này rằng, chỉ có hai cách lựa chọn: hoặc là thi hành lệnh, hoặc bị thay thế và ngồi tù để người khác thi hành lệnh. Thiệu quay gót, lên chiếc DC6 và bay về Sài Gòn. Còn Phú lấy trực thăng lên sở chỉ huy ở Nha Trang.

Thế rồi cái gì đã xảy ra trong cơn sốt lúc bấy giờ được che phủ trong màn bí mật và những lời tự bào chữa. Cuộc hành trình đầy nước mắt đã bắt đầu trong đêm chủ nhật 16-3 ấy. Các sĩ quan Sài Gòn ra lệnh cho binh lính ủi sập thành phố và đốt cháy càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, các căn cứ quân sự lại gần như nguyên vẹn. Tại Pleiku và Kontum, 62 máy bay có khả năng cất cánh bị bỏ lại. Một đài rađa hàng triệu đôla với khả năng theo dõi sự di chuyển trên mặt đất và trên không cũng như đường bay của tên lửa cũng bị bỏ lại nguyên vẹn.


Sân bay Pleiku còn gần như nguyên vẹn.

Các phi công trực thăng thấy cơ hội làm ăn đã đến. Đám phi công do Mỹ huấn luyện ấy đã kiếm được một số tiền đáng kể trên nỗi lo sợ của đồng bào họ. Giá một vé đi từ Pleiku ra bờ biển là 100 đôla đã nhanh chóng tăng lên đến một lạng vàng. Trong cuộc di tản, thậm chí nó còn lên cao hơn nữa. Nhiều phi công đã kiếm đủ tiền tiêu xài suốt đời khi họ đến Hoa Kỳ bằng máy bay chú Sam sau đó một tháng.

Các quân nhân Sài Gòn sớm nhận biết đây không phải là rút lui mà là cuộc rút chạy. Cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên là dòng binh lính trà trộn vào dân, hoặc là binh lính kinh hoàng thấy dân trà trộn với mình.

Đến thứ hai, các hãng tin phương Tây đánh đi những bản tin nói về sự bỏ rơi Tây Nguyên và mặc dù chưa ai đoán chắc lệnh này xuất phát từ đâu nhưng có bằng chứng rõ ràng là cuộc ra đi của binh lính và dân chúng đang tiến triển. Đến lúc này chính quyền Sài Gòn bị buộc phải nói láo.

Như thường lệ. Lê Trung Hiền, nhận lấy công việc nói láo cho chính quyền. Trưa ngày chủ nhật, 16-3, Hiền họp báo trong cái phòng ngạt thở ở tầng trên một ngôi nhà ở đường Tự Do và nói với các nhà báo đang hoang mang trước tin đồn bỏ rơi Pleiku rằng: “Sở chỉ huy quân đoàn 2 vẫn đóng ở Pleiku. Chỉ có bộ phận chỉ huy chiến thuật là đang dời về Nha Trang. Không có lệnh nào di tản khỏi Pleiku cả…”.

Trưa thứ hai, Hiền lại tiếp tục câu chuyện giả dối này. Tại sao Hiền làm như thế-nói đúng hơn là tại sao cấp trên lại ra lệnh cho Hiền tiếp tục làm như vậy? Thật khó mà biết được! Chỉ biết khi bỏ rơi xong xuôi hai thành phố này, Hiền trơ mặt ra, uốn lưỡi nói với các nhà báo: “không có quyết định bỏ rơi hai thành phố này. Một số đơn vị chúng tôi được chuyển khỏi vùng này, chỉ vì lý do chiến thuật”.

“Phóng sự của các ông hoặc viết ra theo trí tưởng tượng, hoặc thiếu cơ sở sẽ gây bối rối và kinh hoàng cho dân chúng Tây Nguyên”. Hiền nói với các nhà báo như vậy.

Khi hàng trăm nghìn người di tản đã chết thì Hiền lại họp báo, trưa thứ ba, có bớt gay gắt một chút. Trưa thứ tư, 19-3, Hiền lại bọp báo, trình bày cuộc di tản như là “lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” nhưng vẫn khăng khăng nói rằng quân đội Sài Gòn còn ở lại phía sau để phòng thủ thành phố.


Quân đội SG phòng thủ ở đâu?!

Đây là cách nói, cách nhìn của Sài Gòn. May mắn thay, thế giới không nhìn theo cách nhìn ấy. Trong khi cuộc hành trình đó rời khỏi Pleiku, các đơn vị Việt Cộng ở ngay sau lưng nó. Trong các đơn vị ấy, cấp chỉ huy và binh lính đều do Bắc Việt Nam huấn luyện. Khi họ đi vào, thành phố đang cháy âm ỉ. Bộ đội chiến đấu của họ tiến vào căn cứ không quân với súng ở tư thế sẵn sàng. Họ chiếm giữ vành đai rộng lớn quanh căn cứ. Không ai đụng chạm đến cái rada trị giá 1 triệu đôla hoặc bất kỳ thứ trang bị nào khác. Các chuyên viên sẽ đến xem xét các thiết bị do Mỹ chế tạo mà lính Sài Gòn đã bỏ lại. Trong lúc này, Việt Cộng chỉ có việc canh giữ chúng thôi. Trên thực tế, ở Pleiku cũng như nơi khác, bộ đội Việt Cộng đầu tiên vào thành phố đều không đụng chạm đến thứ gì cả. Họ dập tắt sự chống cự nếu có, đi khắp nơi với vũ khí ở tư thế sẵn sàng. Chẳng hề có trộm cắp, thậm chí những cảnh hư đốn của chiến tranh, thí dụ như đồng hồ trên tay người lính chết, đều còn nguyên vẹn…

Mấy nghìn linh hồn quyết định ở lại Pleiku không trốn chạy đã dè dặt bước ra khỏi nhà và cửa hàng, những gì mà thành phố còn để lại cho họ. Binh lính và thường dân nhìn nhau một cách thận trọng để tìm xem là thù địch hay thận trọng. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ có sự tôn trọng dân chúng của các binh sĩ Việt Cộng, những người ít được dịp nhìn thấy cuộc sống thành phố của những người Nam Việt Nam.

Những lá cờ ở Pleiku và các nơi khác đã là vật phá vỡ sự dè dặt giữa người lính chiến thắng và thường dân. Cờ Việt Cộng xuất hiện khắp nơi, trước cửa nhà, cửa hàng, cột cờ và thậm chí trên cây. Việc treo cờ đã làm cho cả người mới đến lẫn người ở đây cảm thấy có cái gì chung và cả hai đều thở phào khi họ có cơ hội cùng nhau treo cờ để phá tan sự ngại ngùng ban đầu.


Quân Giải phóng tiến vào Pleiku.

Cán bộ tuyên truyền đi theo sau bộ đội, đôi khi chỉ sau vài phút. Họ phân tán và giữ an ninh cho Pleiku. Ở nơi nào họ đến, cộng sản đều thông báo:

“Đồng bào đừng sợ hãi! Bộ đội giải phóng không làm hại ai cả. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam sẽ bảo vệ đồng bào. Không còn phải lo sợ sự tàn bạo và đàn áp của chính quyền Sài Gòn… Pleiku đã ở trong tay nhân dân”.

Đây là một thông cáo được loan truyền ở bất cứ nơi nào mà quân Bắc Việt Nam đến trong suốt tháng ba và tháng tư. Họ đã không hề lùi bước trong suốt 55 ngày cuối cùng của cuộc chiến. Lẽ tất nhiên, bộ đội tuân theo chỉ thị đến từng chữ một. Họ là chiến sĩ giỏi, tuân lệnh hoàn toàn, không bao giờ chất vấn tại sao cấp trên lại muốn thế này hoặc thế kia? Một trong những lý do là mọi mệnh lệnh đều được giải thích trước khi ban hành. Trong khi người lính đối thủ của họ trong quân đội Sài Gòn hay quân đội Mỹ bỏ đi nhậu nhẹt, xem phim hay hộp đêm thì binh sĩ của lực lượng vũ trang giải phóng ngồi học tập chính trị dưới hình thức một bài diễn thuyết, một cuộc hội thảo vấn đáp, v.v… Các buổi học tập chính trị tạo ra ý thức hệ cho những người chưa biết, tạo ra động cơ hành động. Mục đích nằm sau những buổi học tập này là làm cho chiến sĩ hiểu không những họ đang làm gì mà tại sao lại phải làm như thế? Nếu có cái gì đó làm cho các tướng lĩnh Mỹ phải thán phục “Sác-li” (tiếng lóng để gọi lính cộng sản) thì đấy chính là động cơ làm cho các chiến sĩ chiến đấu.

Như thế là bộ đội vào chiếm Pleiku cũng như các thành phố khác ở Nam Việt Nam không những họ biết rằng họ không được lấy chiến lợi phẩm mà còn hiểu vì sao phải làm như thế. Cái gì thuộc về nhân dân là của nhân dân. Bởi vì nhà nước là nhân dân. Nó nghe có vẻ kỳ quặc đối với những người lớn lên trong xã hội tư bản phương Tây.

Nhưng với tính cách là khuôn mẫu và nền móng của chủ nghĩa Mác-Lênin, nó được chiến sĩ Việt Cộng và Bắc Việt Nam hiểu, tin và thi hành từ vùng châu thổ đến khu phi quân sự trong suốt năm 1975.


Tiến quân vào Đà Nẵng.

Ở mỗi địa phương sau khi giải phóng, ít có những lời khiếu nại về việc lấy chiến lợi phẩm hoặc trộm cắp. Rõ ràng đấy là một trong những lý do tại sao không có đơn vị quân cảnh mặc sắc phục nào được gửi vào vùng Sài Gòn. Chỉ có một hoặc hai đại đội gồm nhân viên tình báo chìm làm việc dưới sắc phục quân cảnh mà thôi. Bộ đội tự họ giữ kỷ luật tốt đến mức nhìn chung quân cảnh được sử dụng tốt hơn trên chiến trường với vai trò chiến đấu hoặc yểm trợ chiến đấu. Kỷ luật của người lính, những người noi theo gương ông Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng lớn trong các thành phố-nói nôm na là trong các vùng vốn theo lối sống phức tạp của phương Tây.

Nói tóm lại, tại Pleiku, tác phong của bộ đội cộng sản được biết là điển hình. Ở những nơi khác cũng đều tốt như vậy cả. Cá nhân người chiến sĩ có thể nghĩ rằng, người Mỹ là loài thú dữ đáng bị bắn khi bắt gặp để trả thù những gì mà họ gây ra cho gia đình, bè bạn và đất nước mình. Nhưng lúc bấy giờ mệnh lệnh là đối xử đàng hoàng với người Mỹ và người chiến sĩ đã làm đúng như thế. Không có vấn đề ngược đãi người Mỹ nào hoặc ngược đãi hạng người nào trong “nhân dân”. Thậm chí một vật tầm thường nhất cũng không bị lấy đi, trừ phi có lệnh chiếm lấy những thứ “vì lợi ích cách mạng”. Trường hợp như vậy, việc trưng dụng món đồ sẽ được giải thích mặc dù không nhất thiết làm cho người chủ hài lòng. Điều này ít ra cũng là những gì mà người dân đô thị sau này kể lại về những ngày đầu tiên sau chiến thắng.

Nguồn: vnmilitaryhistory
Vkyno (st)