Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Trận then chốt quyết định (kỳ 1)

Trận then chốt quyết định (kỳ 1)

Tháng Tư 30, 2013

Kỳ 1: Tại sao Buôn Ma Thuột?

LTS: Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mùa Xuân 1975, chiến dịch Tây Nguyên với trận mở đầu then chốt giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột đã khiến cho địch hoang mang, rối loạn, tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Từ đó quân và dân ta thần tốc xốc tới quét sạch bè lũ Mỹ-ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn.

Để ôn lại những ngày lịch sử hào hùng mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng tôi trân trọng giới thiệu vệt bài do Tiến sĩ Vũ Cao Phan ghi theo lời thuật của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Đây cũng là việc làm mang ý nghĩa thắp nén hương tưởng nhớ nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất – Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo – người vĩnh biệt chúng ta cách đây vừa tròn 18 tháng. Loạt bài này từng được công bố nhưng đã được Thượng tướng Hoàng Minh Thảo xem lại, bổ sung, hoàn chỉnh trước lúc đi xa.

Tôi từ Tây Nguyên về công tác ở Quân khu V chưa được bao thời gian để làm quen với mọi việc thì cuối tháng tám, khi tiếng súng vẫn đang nổ giòn giã từ Thượng Đức đến Quế Sơn, có điện triệu tập tôi ra Hà Nội. Lại lên đường.

Tôi đến Thủ đô vào một ngày nắng dịu. Phố xá tràn cờ hoa và người xe trong không khí ngày hội. Mồng 2 tháng 9. Bất giác, ký ức và những sự liên tưởng dâng trào, xáo trộn khiến tôi không thể hình dung được ngay là mình đang xúc động bởi những gì. Tám năm tròn. Đúng rồi, đúng ngày này cách đây 8 năm, tôi đã rời Hà Nội vào chiến trường. Bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu nẻo đường, bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu chiến thắng và hy sinh… Chỉ biết rằng chúng ta đang tới gần… Tự nhiên cứ vang ngân mãi trong lòng tôi một giai điệu hành khúc từ những xúc cảm dạt dào.

Quân giải phóng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột.

Ở Hà Nội, tôi còn đang hiệu chỉnh lại các tài liệu để chuẩn bị báo cáo thì nhận được lời mời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gia đình dự cơm thân mật. Những dịp như vậy chúng tôi vẫn quan niệm như một lần làm việc sơ bộ. Quả nhiên, khi chỉ còn hai chúng tôi, Đại tướng đã cho biết ý định của Bộ chính trị và Bộ tổng tư lệnh – Tổng tham mưu mở một chiến dịch lớn ở Nam Tây Nguyên vào mùa Xuân 1975. Rồi hỏi tôi:

– Ý kiến của các anh?

*

*      *

Ý kiến của chúng tôi? Một chiến dịch cho Nam Tây Nguyên!

Đúng là do nhiều yếu tố rất dễ giải thích, các chiến dịch của mặt trận Tây Nguyên đã  thường được tổ chức ở phía bắc. Sáu trên bảy đợt hoạt động quân sự có tính chất chiến dịch cho đến trước hiệp định Pa-ri đã diễn ra ở đây. Nhưng cũng có một chiến dịch cho Nam Tây Nguyên, chiến dịch Bu Prăng – Đức Lập vào thời kỳ khó khăn 1969, nhưng đã không thực hiện được. Một chiến dịch ở Nam Tây Nguyên? Xét về mặt địa lý quân sự, đó là một địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi cho đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch, nhất là vùng chung quanh Buôn Ma Thuột. Và cũng về mặt ấy, với ý nghĩa chiến lược, đó là vùng tiếp giáp giữa Tây Nguyên và Nam Bộ – giữa mặt trận B3 và B2 – đã luôn luôn là khâu trọng yếu cho việc bảo đảm hậu cần chiến lược. Nhưng khâu trọng yếu ấy vẫn đang còn là một khâu yếu, B2 không với ra, B3 chưa vươn tới. Cái nguyên nhân khiến cho các chiến dịch không thể mở được ở vùng này, oái ăm thay lại chính là cái nguyên nhân buộc phải mở các chiến dịch ấy: Vấn đề hậu cần.

Cần mở chiến dịch để giải quyết vững chắc vấn đề bảo đảm hậu cần chiến lược, nhưng không mở được các chiến dịch lại vì không thể bảo đảm hậu cần chiến đấu cho các trận đánh. Vẫn còn nhớ khi mở ra Bu Prăng – Đức Lập mùa đông 1969, B3 phải tổ chức một tuyến bảo đảm hậu cần dài nhất từ trước tới nay, gian khổ nhất từ trước tới nay: 25 cung vận chuyển gùi thồ dưới bom B52 và mưa lũ. Toàn quân làm công tác vận chuyển, kể cả các đơn vị trực tiếp nổ súng. Nhưng vấn đề hậu cần ở đây đâu chỉ là công việc vận chuyển. Có gì mà vận chuyển, B3 lúc đó không có gạo, các cơ quan, đơn vị phía sau đồng loạt ăn một lạng một ngày, dành gạo cho phía trước. Vẫn không đủ, phải vào tận B2 xin gạo ra với 25 cung gùi thồ như vậy đấy. Mà kết cục chiến dịch vẫn không thực hiện được như kế hoạch.

Từ năm 1973, nếu khả năng bảo đảm hậu cần chiến dịch đã tốt hơn lên rất nhiều thì việc bảo đảm vận chuyển chiến lược Bắc – Nam khi qua khu vực này đã càng phức tạp hơn, khiến cho một chiến dịch tiến công ở Nam Tây Nguyên càng trở nên cấp thiết. Tôi đã có dịp nói đến những quan hệ khó khăn giữa Tây Nguyên và Khơ-me đỏ thời kỳ sau đảo chính của Lon Non. Những khó khăn đó lại càng tăng thêm trong những năm gần đây. Ta trở lại vấn đề trên: Hành lang vận chuyển Bắc-Nam của chúng ta, cho đến thời kỳ này khi đi qua phía bắc Đức Lập (Nam Tây Nguyên) – nơi có địa hình độc đạo rất hiểm nghèo mà địch chiếm giữ – vẫn phải né một chút sang đất đông Cam-pu-chia trước khi vào đến Nam Bộ. Khơ-me đỏ vong ân bội nghĩa lợi dụng điều này, nhất là trên đoạn đường tiếp giáp với Nam Bộ, đã nhiều lần tung lính ngăn chặn xe vận tải của ta, giết người, cướp hàng, đồng thời lại luôn luôn đưa yêu sách đòi ta rút bỏ con đường. Xuất phát từ những nguyên nhân ấy, các cơ quan chiến lược của chúng ta đã nhìn thấy vấn đề trước hết là cần phải có ngay một chiến dịch tiến công ở hướng này, nắn con đường vận tải chiến lược vào lại đất Việt.

Thực ra Bộ tư lệnh Tây Nguyên cũng đã dự kiến một chiến dịch như thế vào cuối năm 1973. Thật là cần thiết. Chúng ta sẽ giải phóng Đức Lập, giữ vững địa bàn này, nối ngay đường vận chuyển chiến lược của bộ đội 559 với đường 14 từ bắc Đức Lập, tạo thành hành lang Bắc – Nam hoàn toàn nằm trên dải Trường Sơn của đất nước chúng ta. Nhưng muốn thế phải có đủ lực lượng, phải có nhiều lực lượng. Bước vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, chúng ta đã ra khỏi yêu cầu tác chiến hầu như duy nhất là tiêu diệt sinh lực địch để coi trọng song song cả mục đích giải phóng đất đai, giải phóng lãnh thổ. Riêng đối với một chiến dịch ở Nam Tây Nguyên – như mục đích xác định ban đầu- ta càng phải giữ vững địa bàn đã giải phóng để bảo đảm sự thông suốt của hành lang vận chuyển chiến lược: “Một lực lượng trực tiếp đánh chiếm mục tiêu và đánh địch phản kích (chúng tôi nhấn mạnh), một lực lượng vòng ngoài để buộc địch phải phân tán đối phó, lực lượng này sức một có thể thành hai (chúng tôi nhấn mạnh), vì không bị câu thúc giữ địa bàn, không bị xé lẻ…” (1).

Khi ở Quân khu V, chúng tôi cũng đã bàn phương án này và đề nghị rằng, nếu có sự tăng cường của Bộ thì nên có hai sư đoàn cho Tây Nguyên, một sư đoàn cho đồng bằng Trung Trung Bộ (Quân khu V). Một chiến dịch như vậy là phải tính tới khả năng đánh địch phản kích cả năm và muốn thế “ngay từ bây giờ (1973) phải lót gạo, đạn cho đến xuân 1975” (2) Nghĩa là – tôi muốn nhắc lại – chiến dịch này mới mang mục đích khai thông và giữ vững hành lang Bắc – Nam và mục tiêu cụ thể của nó là Đức Lập. Nhưng vào lúc nào thì Buôn Ma Thuột được đề cập đến? Tôi còn nhớ, trong những dịp trao đổi thảo luận ở Quân khu V, một lần nữa, chúng tôi đã nhất trí đánh giá tầm quan trọng chiến lược của Tây Nguyên và đã dự kiến một phương án đánh lớn giải phóng thị xã, thị trấn ở khu vực này.

Sau khi nêu ra những số liệu so sánh địch, ta, đồng chí Võ Chí Công có đặt câu hỏi: Chúng ta có thể ngay trong mùa khô này, tập trung lực lượng giải phóng trước hết Buôn Ma Thuột được không?”. Câu trả lời là có thể. Thượng tướng Chu Huy Mân nhấn mạnh, trong trường hợp đó, nhất thiết Khu V phải phối hợp chặt đứt đường 19 và đường 21, chia cắt chiến lược địch ở Tây Nguyên với đồng bằng. Chúng tôi cũng đã có dịp đặt vấn đề giải phóng Buôn Ma Thuột trong Bộ tư lệnh Tây Nguyên. Ta hãy thử nhìn lên bản đồ. Đức Lập cách Buôn Ma Thuột có 30km. Mất Đức Lập, sống chết địch cũng phải phản kích để khôi phục lại và chúng có ngay một căn cứ xuất phát rất tốt cả về mặt chiến dịch lẫn chiến đấu là Buôn Ma Thuột. Khi bàn đến tình huống này, Đại tá Vương Tuấn Kiệt, Tham mưu trưởng Tây Nguyên, đã thốt lên: “Phải chi chúng ta có thêm 2 sư đoàn nữa để đánh ngay Buôn Ma Thuột”. Chúng tôi đã nhìn thấy khả năng này không những sẽ là bảo đảm vững chắc cho sự thông suốt của hành lang Bắc – Nam, là mục đích chiến dịch lúc ấy mà còn tạo được một địa bàn chiến lược rất cơ động hướng tới các ngả. Không, nếu được như thế thì chiến dịch sẽ mang một ý nghĩa và mục đích khác hẳn rồi. Ta lại phải nhìn vào bản đồ. Buôn Ma Thuột giữ một khoảng cách khá đều với Bắc Tây Nguyên, đồng bằng Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ – Sài Gòn. Một trung tâm của một chiến trường vượt ra ngoài phạm vi Tây Nguyên hướng tới toàn cục. Một ngã ba đường, những con đường rất tốt và thuận tiện. Có thể thấy ngay sức chấn động đến đầu não Sài Gòn của một trận đánh vào Buôn Ma Thuột chẳng khác gì những sóng giao thoa mà một hòn đá ném xuống giữa mặt nước tạo nên.

Cố nhiên, vấn đề ở đây vẫn là lực lượng. Tây Nguyên lúc đó chỉ có hai sư đoàn đang ôm lấy mặt trận chính hướng bắc Plei-cu, Kon Tum và một số trung đoàn độc lập hoạt động ở các hướng khác. Cơ sở đâu để hạ quyết tâm? Chính là chiến lược – những người vạch kế hoạch ở Bộ Tổng tư lệnh – Tổng tham mưu và ở cấp cao nhất, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng – vào lúc đã nắm chắc lực lượng trong tay. Và như tôi đã nói những dự kiến của chúng tôi về một chiến dịch ở Nam Tây Nguyên cũng chính là bắt nguồn từ sự gợi ý và chỉ đạo của chiến lược. Nó có mục đích của chiến dịch lúc này gắn chặt với chiến lược. Còn lại vấn đề thời cơ: Khi nào thì có thể? Và thời cơ ấy đã đến vào cái thời điểm mà tất cả chúng ta đều đã biết, khi các điều kiện khác cũng đã chín muồi cho việc hạ quyết tâm.

Để kết thúc phần này, tôi muốn nói thêm: Thực tiễn chiến đấu có nhiều lúc đem đến những kết quả bất ngờ, và thước đo sự thành công là ở đấy. Chúng ta có thể thấy, chiến dịch đã được thiết kế với mục đích ban đầu là tạo một hành lang vận chuyển cơ giới thông suốt Bắc-Nam bằng cách tiêu diệt và giữ vững Đức Lập. Trong quá trình, khi xét tới các dữ kiện, chúng ta đã chuyển mục tiêu sang giải phóng Buôn Ma Thuột, một trung tâm chính trị và đầu mối giao thông quan trọng, khoác lên chiến dịch Nam Tây Nguyên một tầm cỡ chiến lược. Lúc này trận Đức Lập không được coi là mục tiêu chiến dịch nữa mà chỉ là hành động tác chiến mở màn, thậm chí giống như một đòn nghi binh. Nhưng cuối cùng, thực tế là chiến dịch Nam Tây Nguyên đã biến thành chiến dịch Tây Nguyên với những hoạt động tác chiến phát triển cả ra ngoài phạm vi Tây Nguyên, rồi trở thành chương mở đầu đầy ý nghĩa cho cuộc Tổng tiến công như vũ bão mùa Xuân 1975. Sự vận động biện chứng của tư duy và thực tiễn giao tiếp nhau, nâng đỡ nhau để dẫn tới kết cục thần kỳ. Ở đây sự nhạy bén và tầm nhìn xa rộng của Bộ Tham mưu chiến lược của chúng ta là xuất sắc. Tôi muốn nói thế vì vẫn còn có những kẻ ở phía bên kia cho rằng thắng lợi tuyệt đối mà chúng ta giành được có yếu tố ngẫu nhiên. Xin hỏi lại, năm Mậu Thân có phải ngẫu nhiên không? Hiệp định Pa-ri được ký kết có phải ngẫu nhiên không? Quân Mỹ buộc phải rút khỏi chiến trường có phải ngẫu nhiên không? Huống hồ vào năm 1975, tất cả đã rõ ràng là nếu không có Tây Nguyên thì sẽ có một cái gì đó giống như Tây Nguyên, hệ quả trực tiếp của những sự kiện mà tôi vừa đặt thành câu hỏi trên, hệ quả trực tiếp của cuộc kháng chiến lâu dài chống Mỹ, cứu nước. Và thắng lợi trọn vẹn mà chúng ta giành được đã sớm hơn dự kiến thì cũng chỉ chứng tỏ rằng thực tiễn chiến đấu là sự phán quyết cuối cùng.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo
Tiến sĩ Vũ Cao Phan (ghi)
qdnd.vn

Kỳ 2: Quyết chiến

(1) Điện gửi Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ngày 12-12-1973. Lưu trữ Bộ Tổng tham mưu.
(2) Điện gửi Phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn ngày 6-12-1973. Lưu trữ Bộ Tổng tham mưu.

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam