Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > “Gió siêu thanh” cũng gãy cánh

“Gió siêu thanh” cũng gãy cánh

Tháng Tư 30, 2013

Sau Hiệp định Pa-ri 1973, lực lượng không quân ngụy Sài Gòn được Mỹ “hà hơi tiếp sức”, trở thành một lực lượng đông, nhiều chủng loại máy bay, từ máy bay chiến đấu, vận tải, yểm trợ đến máy bay trinh sát, tải thương… Bao gồm 1 bộ tư lệnh quân chủng với đầy đủ các cơ quan và binh sở yểm trợ, 5 sư đoàn không quân tác chiến (20 phi đoàn khu trục cơ, trang bị khoảng 550 phi cơ A1H, A37 và F5, 23 phi đoàn trực thăng, trang bị khoảng 1000 phi cơ UH1 và CH47, 8 phi đoàn quan sát, trang bị khoảng 200 phi cơ O1, 02 và U17), 1 sư đoàn vận tải (9 phi đoàn vận tải, trang bị khoảng 150 phi cơ C7, C47, C119 và C130), 1 không đoàn tân trang chế tạo, 4 phi đoàn hỏa long, trang bị phi cơ AC119, AC130 Spectre Gunship. Ngoài ra còn có Phi đoàn Trắc Giác (tình báo kỹ thuật), Phi đoàn Quan sát RC119L và Biệt đoàn Đặc vụ 314.

Máy bay chiến đấu phản lực F-5 do Mỹ viện trợ được Không quân ngụy Sài Gòn biên chế tại Sư đoàn không quân 3. Máy bay F-5 được ngụy quân tôn sùng và kiêu hãnh đặt tên là “Gió siêu thanh”, biên chế trong các phi đoàn có tên cũng yêng hùng không kém, như Phi đoàn Thần Ưng, Thiên Ưng, Hắc Ưng, Kim Ưng, Hải Ưng… Các phi đoàn này phần lớn thành lập năm 1972. Đến năm 1973-1974, cùng với máy bay dòng F-5AB, Không quân ngụy được bổ sung một số máy bay F-5E, có trang bị tên lửa hàng không…

Vậy mà sau Hiệp định Pa-ri, mỗi khi cất cánh khỏi phi trường, phi công F-5 luôn căng thẳng trước lưới lửa phòng không dày đặc của Quân giải phóng. Trong các chiến dịch năm 1974-1975, chỉ huy Quân giải phóng luôn coi trọng “khóa chặt bầu trời”, nhằm loại trừ tình huống máy bay F-5, A-37 của ngụy ném bom, bắn rốc-két trợ chiến. Riêng Lữ đoàn phòng không 71 của Quân giải phóng trong trận Kà Tum, tháng 9-1973 và trận Ri Nét, tháng 5-1974 và tháng 4-1975 tại Trảng Bom đã bắn rơi nhiều máy bay F-5 khi chúng tới yểm trợ cho bộ binh. Hàng loạt “Gió siêu thanh” gãy cánh.

Dù có nhiều vũ khí hiện đại, Không quân ngụy vẫn thất bại trước nghệ thuật tác chiến của quân ta và mạng lưới phòng không ba thứ quân nhiều tầng, nhiều lớp.

TRẦN DANH
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam