Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Đánh chiếm sân bay Trà Nóc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đánh chiếm sân bay Trà Nóc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Tháng Tư 30, 2013

Ký ức và hiện tại

Năm 1974, chúng tôi là những người con của Hà Nội thuộc Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 59, Bộ tư lệnh Thủ Đô, được bổ sung vào chiến trường miền Tây Nam bộ, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 20, Quân khu 9.Trung tuần tháng 4-1975, khi cả Trung đoàn đang chiến đấu trong vùng địch hậu thuộc huyện Ô Môn, Cần Thơ thì được lệnh rút về hậu cứ nhận nhiệm vụ mới. Khác với mọi lần, về vùng giải phóng là được nghỉ ngơi và sống trong bầu không khí chan hòa tình thương của đồng bào các dân tộc nơi đóng quân thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá, lần này vừa về đến cứ chúng tôi được tập trung học tập nghị quyết, chỉ thị về thời cơ lịch sử “Một ngày bằng 20 năm” tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ đơn vị chúng tôi mà nghị quyết được quán triệt rất kỹ đến mọi cán bộ, chiến sĩ trên toàn chiến trường.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiệm vụ của Trung đoàn 20 chúng tôi là thọc sâu đánh chiếm sân bay Trà Nóc, Cần Thơ – căn cứ của Sư đoàn không quân số 4 ngụy Sài Gòn. Sau khi quán triệt nhiệm vụ, chúng tôi hăm hở bắt tay vào làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Mỗi người được nhận một cơ số đạn và khá nhiều lương thực. Mỗi tiểu đội được nhận một chiếc xuồng ba lá làm phương tiện hành quân. Mừng hơn là đơn vị được bổ sung thêm một lực lượng chiến sĩ mới quê Thanh Hóa vừa từ miền Bắc vào.

Đêm 22-4, chúng tôi được lệnh xuất phát. Những chiếc xuồng ba lá lặng lẽ rời hậu cứ. Hành quân suốt đêm, gần sáng tới điểm dừng chúng tôi giấu xuồng, lên bờ triển khai trận địa, chờ địch vào gần mới nổ súng. Càng vào sâu căn cứ, đồn bốt địch càng dày đặc. Có đêm phải kéo, đẩy xuồng trên cạn, cắt hướng mà đi bỏ qua những đồn bốt nhỏ, đánh thẳng vào các mục tiêu chính. Pháo sáng từ các đồn bốt địch và đèn pha công suất lớn từ máy bay trực thăng vũ trang của chúng soi rọi, lùng sục bắn phá suốt đêm. Ban ngày, máy bay trinh sát L19 quần thảo liên tục, chỉ điểm cho pháo ở Giồng Riềng, Ô Môn, Vị Thanh, hỏa lựu bắn vào đội hình tiến công của ta, bộ binh địch từ các căn cứ nống ra đánh chặn.

Đêm 28-4, chúng tôi được lệnh bỏ xuồng hành quân bộ theo trinh sát dẫn đường, bó bòng (dạng ba lô phát cho bộ đội ở chiến trường Tây Nam bộ vừa đựng quân tư trang và dùng để vượt sông) vượt kênh và dầm mình xuống nước để tránh đèn pha trên máy bay trực thăng địch rọi đến. Gần sáng 29-4, chúng tôi đến lộ Vòng Cung và triển khai đội hình chiến đấu. Địch dùng pháo binh bắn các loại đạn pháo khoan, pháo chụp và máy bay ném bom dữ dội vào trận địa ta. Máy bay trực thăng vũ trang UH-1 bay thấp quần thảo phóng rốc két và bắn đại liên như mưa. Xe bọc thép M113 dàn hàng ngang bắn ĐKZ và 12,7mm yểm hộ cho bộ binh địch đánh vào. Mặt đất bom đạn cày xới, cây bị mảnh pháo, đạn nhọn phạt gãy, đổ ngổn ngang, nhà dân cháy ngùn ngụt, mùi thuốc súng nồng nặc. Từ những công sự chiến đấu, chúng tôi bình tĩnh điểm xạ từng loạt AK chính xác vào những tốp địch ở cự ly gần, sử dụng các loại súng hỏa lực như B40, B41, cối 60mm và đại liên M60, súng phóng lựu M79 thu được của địch đánh bật nhiều đợt phản kích của chúng. Xẩm tối địch rút chạy, chúng tôi lên khỏi hầm, tranh thủ nấu ăn và đợi lệnh hành quân tiếp.

Khoảng 23 giờ đêm, cả Tiểu đoàn 4 chúng tôi tập trung đội hình trên một thửa ruộng ven lộ. Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định để Đại đội 2 do bị thương vong nhiều cùng số thương binh của các đơn vị rút về hậu cứ. Lực lượng còn lại tiếp tục hành quân chiến đấu. Trước giờ xuất kích, Tiểu đoàn trưởng Ba Thích – một người con Hà Nội, chân bị thương phải chống gậy, nhưng vẫn đứng vững trước hàng quân, nói dõng dạc: “Đêm nay là chặng hành quân cuối cùng, chúng ta sẽ tiếp cận và đánh chiếm Sân bay Trà Nóc, đây chính là quyết chiến điểm của cả Trung đoàn 20 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử này. Các em ạ, đến đây rồi còn một răng cũng bừa. Tất cả lên đường!”. Như được tiếp thêm sức mạnh, chúng tôi xốc lại bòng và súng đạn tiến bước.

Rạng sáng 30-4, địch bắn pháo cấp tập vào đội hình ta. Tiếng động cơ máy bay gầm rú điên loạn. Chúng cho máy bay A37 và AD6 ném bom liên tục, dùng trực thăng vũ trang và xe lội nước yểm trợ bộ binh đánh chặn phía trước, phía sau. Hỏa lực của trên và cối 120mm của Trung đoàn 20 tập trung bắn chế áp vào sân bay, các loại súng của đơn vị tôi bắn quyết liệt vào đội hình địch, tiêu diệt nhiều tên, đẩy chúng ra xa và tháo chạy tan tác. Trong sân bay, máy bay địch hoảng loạn cất cánh liên tục… Gần trưa, địch kháng cự yếu ớt, tiếng súng và tiếng máy bay thưa dần rồi im ắng lạ thường.

Bỗng dưới kênh tiếng xuồng máy mỗi lúc một gần, xen lẫn tiếng người rộn rã và sau đó là những tiếng hô vang: “Dương Văn Minh đầu hàng trên đài rồi! Giải phóng rồi! Hòa bình rồi”… Trên chiếc xuồng đi đầu, một người dân đứng thẳng, tay huơ huơ một mảnh giấy và nói: “Các chú Giải phóng ơi, thư xin hàng của bọn lính Sư đoàn 21 gửi mấy chú đây này”. Chúng tôi phân công nhau cảnh giới và cử người xuống xem thì quả đúng vậy. Niềm vui đến quá bất ngờ, xót thương cho những đồng đội vừa hy sinh cách đây ít phút.

Chúng tôi được lệnh tiến vào chiếm lĩnh sân bay Trà Nóc. Vượt qua hàng chục lớp rào thép gai vừa bị phá, trong sân bay  súng đạn các loại và quần áo, mũ sắt, mũ phi công ngụy vứt la liệt. Trên đường băng, mấy chiếc A37 nắp buồng lái mở toang nằm ngổn ngang, trong các khu nhà máy bay còn rất nhiều, nhất là máy bay ném bom A37, trực thăng vũ trang UH-1, trực thăng cần cẩu CH-47 và máy bay trinh sát L19, có hai chiếc F5, vài chiếc AD6… Ở khu nhà làm việc bên trái con đường từ cổng chính vào, khoảng hơn 300 tên lính ngụy chủ yếu là thợ máy, lính văn phòng và một số sĩ quan đã tập trung trình diện Quân Giải phóng, trong đó có hai tên đại tá. Riêng tên Chuẩn tướng, Tư lệnh Sư đoàn 21 đã bỏ chạy bằng trực thăng từ sáng, bọn giặc lái chắc sợ bị trả thù vì có nhiều nợ máu, gần như trốn chạy hết. Đồng chí Năm Học, Trung đoàn trưởng lệnh cho phân đội vệ binh do đồng chí Thụ phụ trách, tiếp nhận sự đầu hàng của số lính này. Họ tỏ ý ăn năn và sốt sắng chỉ dẫn cho chỉ huy Trung đoàn chúng tôi đến những nơi trọng yếu trong sân bay như khu chỉ huy bay, khu để các loại máy bay, khu ra-đa, kho vũ khí, khí tài, kho xăng, kho bom… Các đơn vị trong toàn Trung đoàn nhanh chóng chiếm lĩnh và canh giữ những mục tiêu quan trọng, cảnh giác đề phòng tàn quân địch còn sót manh động tập kích.

Đến khoảng 20 giờ, Tiểu đoàn tôi được lệnh giao lại cho đơn vị bạn chốt giữ khu ra-đa trong sân bay để làm nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy điện Trà Nóc. Hành quân qua phố chợ Trà Nóc, các nhà đóng cửa, đèn đường sáng nhưng không có một bóng người, thấy vậy tôi và một số anh em ở tốp đi đầu tiểu đoàn vừa đi vừa nói to: “Bà con ơi giải phóng rồi, hãy may cờ cách mạng treo lên”. Cánh cửa các nhà đều bật mở, nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng lập tức treo lên ngay. Chỉ trong chốc lát phố phường rợp bóng cờ, bà con dân phố đổ xô ra đường vẫy tay tươi cười đón chào đoàn quân, mọi nỗi sợ bị “tắm máu”, bị Việt cộng trả thù tiêu tan hết, nhiều người còn chạy ra nắm tay, tặng quà chúng tôi. Đêm 30 tháng 4 cả đơn vị gần như không ai ngủ. Trên những khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ rạng rỡ niềm vui khó tả, nhưng súng đạn vẫn không rời tay. Đây đó chốc chốc vút lên những loạt đạn lửa như hoa đăng chào mừng ngày đại thắng.

Đại tá Phạm Quang Hiệp
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam