Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Gian khó, hy sinh tới cận kề chiến thắng ( Phần 2)

Gian khó, hy sinh tới cận kề chiến thắng ( Phần 2)

Tháng Tư 30, 2013

(Tiếp phần1)

Tân Sơn Nhất, tầm nhìn 1 km

Từ sáng sớm, địch ở Hậu Nghĩa và Củ Chi, đã bị trung đoàn 1 Gia Định, chặn đánh ở Tân Thới Nhất, Xuân Thời Thượng thuộc quận Tân Bình, diệt và bắt trên 1 nghìn tên. Quần chúng nổi dậy giành chính quyền, giải phóng các xã trên, truy lùng ác ôn. Đến chiều thì diệt một chốt ở ngã ba Nhà Dòng, trên quốc lộ 9, bức hàng một đại đội biệt động, vận động quần chúng san bằng đồn bốt, thu chiến lợi phẩm. Một bộ phận quân dù lên phản kích thì bị trung đoàn 115 đặc công chặn đánh, giải phóng luôn xã Tân Thới Hiệp, quận Gò Vấp. Cùng lúc, tiểu đoàn 4 đánh chiếm cầu chợ Mới, bộ đội biệt động đánh thiệt hại nặng cầu Bình Phước và tiến công vào đài phát thanh Quán Tre. Trung đoàn 2 Gia Định cũng hoạt động sôi nổi: suốt cả ngày 29, chặn đánh tàn quân của trung đoàn 50 từ Đồng Dù chạy về dọc theo các tỉnh lộ 18, 15, diệt và bắt trên 300 địch, giải phóng xã Tân Thạnh Đông.

Thực hiện khẩu hiệu xã giải phóng xã, du kích các xã Trung Lập Thượng, phối hợp với bộ đội địa phương đánh chiếm đồn bốt, chiếm phân chi khu Tân Hoà. Trên chiến trường bắc Sài Gòn-Gia Định, các nơi hoạt động rất đều. Ở Gò Vấp, tiểu đoàn 80 và các đội biệt động tiến công vào tiểu đoàn 61 và trại thiết giáp, đánh địch tại An Phú Đông, Xuân Thới Thượng, Cục cảnh sát Tân Sơn Nhì và cùng quần chúng đứng lên làm chủ ấp Đông Xuyên và cầu Rạch Bà.

Đồng bào bất chấp những trận phản kích, ném bom ác liệt của địch, đêm ngày cùng bộ đội sửa sang lại công sự, nguỵ trang trận địa, tiếp tế cho bộ đội, bí mật sửa chữa, làm thêm đường để nối các trục đường thành mạng hoàn chỉnh, phục vụ đúng theo yêu cầu kế hoạch tác chiến. Trong đêm 28, nhiều thanh niên trai gái đã thường trực ở Đồng Lớn, ngã tư Bầu Bàng để chỉ đường cho các đơn vị thọc sâu vào Sài Gòn. Thành uỷ thành đội Sài Gòn-Gia Định, mặc dù phải tập trung chỉ đạo các nơi, đẩy mạnh tiến công chín trị để phối hợp, giành giật từ trong tay địch từng nhà máy, xí nghiệp, v.v… vẫn phải cử ra những đoàn cán bộ, chiến sĩ biệt động, đến vị trí tập kết của quân đoàn, dẫn các đơn vị tiến công vào các mục tiêu đã định. Có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ, các đơn vị trong quân đoàn, bộ binh cũng như các binh chủng đều nhanh chóng phát huy sức mạnh của mình,tạo thành một sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn, đặt kẻ địch đứng trước một thế trận vô cùng hiểm hóc, không tài nào cứu vãn nổi.

Đội chính trị cũng không phải nhỏ: hai bên đường, từng đợt sóng người xô tới vẫy tay, vẫy mũ, đón chào những chiến sĩ giải phóng. Ngược chiều với đoàn quân chiến thắng, là hàng đoàn sĩ quan, binh lính nguỵ, quần đùi, áo cộc, vứt súng, trở về nhà.

Đến chiều một đại đội của trung đoàn 24 với 3 xe tăng, phối hợp với đặc công thuộc trung đoàn 115, đánh chiếm trại huấn luyện Quang Trung, còn cả đơn vị thì tiếp tục tiến vào ngã ba Bà Quẹo. ĐỊch trên các nhà tầng chống trả quyết liệt. Một số chiến sĩ thương vong, một số xe thiết giáp bị cháy, trung đoàn cao xạ 234, theo sát bộ binh, diệt các ổ đại liên trên các nhà tầng, bắn rơi 3 máy bay, yểm hộ đắc lực cho trung đoàn 24 tiến công vào lữ đoàn dù 4. Địch ở ngã ba Bà Quẹo vừa bị đánh tan, thì ban chỉ huy trung đoàn đã đưa ngay một đại đội bộ binh lên, áp sát ngã tư Bảy Hiền. Đúng 20 giờ ngày 29, mũi thọc sâu của Binh đoàn chỉ còn cách sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu trên 1 cây số. Ngồi trong sở chỉ huy, mọi người đều nôn nóng, bồn chồn, mong tin của Quân đoàn Quyết Thắng trên hướng đông bắc.

Hướng Đông Bắc

Mấy ngày qua, báo cáo của Binh đoàn Quyết Thắng không được đều, chỉ biết được là ngày 26, triển khai thuận lợi; ngày 27, phá huỷ được một số trận địa pháo, dùng một bộ phận lực lượng mở đường tiến quân, giải phóng được một đoạn trên lộ 16 từ Bình Mỹ đến cầu Bình Cơ. Sư đoàn 320B thì đã đứng ở bắc Bình Chuẩn, Thủ Dầu Một, 7 cây số, sẵn sàng thọc sâu.

Càng sốt ruột hơn nữa, vì sang đến ngày 29 rồi, mà sư đoàn 312 của quân đoàn vẫn chưa dứt điểm được căn cứ Phú Lợi. Vì bộ đội chưa tiếp cận được. Khí tài để mở cửa đột phá thì lên chậm, nên phải chuyển sang bao vây. Trên đường quốc lộ 13, ta vẫn chưa nắm được; nên cả ngày hôm ấy, đến 13 giờ chiều xe vẫn còn chạy từ Lai Khê về Bình Dương. Trên đường quốc lộ 14 ta nhổi chốt ở An Lợi, diệt một số xe đang kéo chạy từ Phước Hoà về. Số còn lại chạy về Lai Khê….

…Trên quốc lộ 1, sư đoàn 6 Binh đoàn Cửu Long được tăng cường thêm trung đoàn 209, đánh vào căn cứ thiết giáp của sư đoàn 18 ở ngã ba Yên Thế nhưng khi phát triển đến Hố Nai thì bị chặn lại. Sư đoàn 341 tiến công vào sở chỉ huy quân đoàn 3 quân đội Cộng hoà, Hóc Bà Thức, sân bay Biên Hoà, nhưng các mũi đều không tiến lên được.

Những trận chiến đấu để giữ cầu và chiếm cầu của lực lượng tinh nhuệ đã diễn ra vô cùng ác liệt. Các đoàn 116,113, 10 đặc công đã chiến đấu trong điều kiện rất không cân sức; nhưng các đơn vị đều hoàn thành nhiệm vụ. Xa hơn nữa về phía đông, trung đoàn 10 làm chủ được ngã ba Động Tranh, trong 2 ngày bắn chìm và bắn cháy trên 10 tàu trên sông Nhà Bè…

Mãi về sau này, tình hình mới rõ ra: trên hướng đông bắc, để bảo đảm cho mũi thọc sâu của Quân đoàn Quyết Thắng, buổi sáng ngày 30 tháng 4, sư đoàn 312 tiêu diệt và bức hàng địch tại căn cứ Phú Lợi gồm toàn bộ lực lượng của tiểu khu Bình Dương và một bộ phận của sư đoàn 5 quân đội Cộng hoà gần trưa, toàn bộ số còn lại của sư đoàn này, gần 8.000 người, từ Lai Khê-Bến Cát, rút chạy theo trục đường 13, 14 thì bị các chốt ở An Lợi và Búng chặn lại, bắt hàng toàn bộ. Riêng sư đoàn trưởng Lê Nguyên Vỹ, đã tự sát trước cửa hầm chỉ huy.

Đơn vị có nhiệm vụ thọc sâu-sư đoàn 320B-xuất phát từ lúc 1 giờ 30 ngày 29 tháng 4, nhưng do bị lạc đường, nên đánh vào tiểu đoàn 316 ở Tân Uyên, ngoài kế hoạch. Gần 30 xe bị ùn lại, cả ngày không tiến lên được. Sáng hôm sau, mới giải quyết được Lái Thiêu, theo đường quốc lộ 13 tiến về cầu Bình Phước. Tiểu đoàn đặc công 51, cũng vừa chiếm được cầu này, bàn giao lại.

Cùng lúc đó, gần 200 xe các loại của lữ đoàn 3 kỵ binh quân đội Cộng hoà, rùng rùng kéo chạy từ Biên Hoà về, chưa kịp qua cầu, đội hình rải dài từ cầu Vinh Bình, nam Lái Thiêu hàng cây số đến cầu Bình Phước. Trung đoàn 27 chặn đánh quyết liệt, đồng thời trung đoàn 28 cũng triển khai đánh địch từ ngã ba Bình Phước đến cầu Bình Triệu. Con vật bị dồn đến bước đường cùng, còn ra sức chống cự để tìm lấy mạng sống; huống chi cả một lữ đoàn kỵ binh với từng ấy khối sắp thép, đang ở trong cái thế chỗng đỡ, sau lưng là sông lớn. Những xác xe tăng cháy rụi, nằm rải rác trong các ruộng mía, vườn dừa, bãi trống, đã nói lên trận đánh gặp gỡ ác liệt này. Toàn bộ lữ đoàn kỵ binh 3 bị tiêu diệt và tan rã. Độc đáo hơn các nơi khác, anh em ta bắt hàng binh lái 8 xe tăng địch, dẫn đường cho sư đoàn vượt qua chiếc cầu lớn này, đánh vào khu binh chủng và tiến về hướng Bộ Tổng tham mưu.

Ngã tư Bảy Hiền trước mặt

Suốt cả đêm 29, sư đoàn 10 của Quân đoàn Tây Nguyên điều chỉnh đội hình lên áp sát ngã  tư Bảy Hiền. Mặc dù đây đến dinh Độc Lập chỉ có một đường thẳng-lúc bấy giờ  là đại lộ Lê Văn Duyệt-nhưng nhiệm vụ  chính của sư đoàn là đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu nên phải thực hiện đúng kế hoạch. Từ 6 giờ sáng, pháo bắn mạnh vào sân bay, sau 2 giờ, một tiểu đoàn của trung đoàn 24 cùng với bốn T.54, một K.63 tiến công chiếm ngã tư Bảy Hiền, phát triển theo đường Võ Tánh vào cổng Phi Long của sân bay. Địch bố trí trên các nhà tầng, trước Lăng Cha Cả, chống trả quyết liệt. Ta bị cháy hai xe tăng và một k63. Sư đoàn lập tức đưa hai khẩu pháo chống tăng 85 ly lên, yểm hộ đột phá. Chỉ sau 1 giờ, chiếm được cổng, thọc sâu chiếm bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân, khu thông tin. Bên cánh phải, trung đoàn 28 vòng sang đánh vào cổng 1 Bộ  Tổng tham mưu, nhưng rồi bị chặn lại. Trước đó một tiếng đồng hồ, đã có một lực lượng biệt động nội thành 21 người, chia làm 3 tổ  đánh vào khu vực này. Cổng 1, không vào được vì bị chống cự mạnh; cổng hai ta chiếm được, chưa cắm được cờ phì bị pháo binh từ sân bay bắn sang; phải lùi ra. Đến đường xe lửa, thì gặp xe tăng của Quân đoàn Quyết Thắng dẫn vào. Một cuộc hội sư tuyệt đẹp của ba đơn vị tại Bộ Tổng tham mưu lúc 11 giờ.

Tấm gương một anh hùng

Sáng 30-4, sau khi đánh chiếm căn cứ Lái Thiêu, tiêu diệt một xe tăng M41, hai pháo tự hành 175 mm của địch, xe thiết giáp số 454 do đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc (C3, e66) trực tiếp chỉ huy vọt lên, dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn 1 tiến về cầu Vĩnh Bình, mở toang “cánh cửa” phía Bắc.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng mét cầu. Nhận thấy khoảng cách giữa ta và địch khó có thể phát huy hỏa lực của pháo trên xe, lợi dụng thời gian hỏa lực địch bị chế áp, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc lao từ trên xe xuống mặt cầu, rút khẩu súng ngắn K54 dẫn đường cho đội hình xung phong. Như được tiếp thêm sức mạnh, xe tăng ta đã tiến lên, bắn cháy một xe thiết giáp M113, hai xe tăng M41 và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đang chỉ huy đơn vị chiến đấu, một mảnh đạn M79 của địch găm vào ngực Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, máu tuôn ra ướt đẫm cả áo. Nén đau, anh tự băng bó cho mình rồi tiếp tục chiến đấu. Cùng lúc ấy, một chiến sĩ tiếp cận mục tiêu nhưng bị địch phát hiện và tập trung hỏa lực bắn xối xả, tính mạng của người chiến sĩ trẻ vô cùng nguy hiểm. Trong khoảnh khắc ấy, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc vọt tới, đẩy người chiến sĩ ngã xuống, lấy thân mình đỡ làn đạn địch. Và, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh cận kề giờ chiến thắng! Chứng kiến hành động dũng cảm ấy, tất cả đồng đội của anh đều bật dậy, lao về phía trước. Các chiến sĩ xe tăng và bộ binh ào qua cầu như cơn lốc, đè bẹp sự kháng cự của địch.

Họ đã có mặt tại đường phố chính của Sài Gòn-Gia Định trưa 30-4.

TDB – giới thiệu
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam