Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Kỳ 1)

Sự thật về chặng đường dẫn đến ngày 19-12-1946 (Kỳ 1)

Tháng Mười Hai 22, 2011

QĐND – Nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của sự kiện 19-12-1946 ở Việt Nam không những đã đ­ược các nhà nghiên cứu lịch sử trong nư­ớc mà còn rất nhiều ngư­ời trong giới sử học nước ngoài kết luận từ rất lâu. Vậy mà hai năm gần đây (14-7-2010 và 26-8-2011), thông qua một hãng thông tấn nước ngoài, một vị giáo sư sử học­ người Việt ở Ca-li-phoóc-ni-a – Hoa Kỳ nói rằng cuộc chiến Việt-Pháp nổ ra là do phía Việt Nam hiếu chiến. Bỏ qua rất nhiều điều kết luận sai trái của vị giáo sư­ này về giai đoạn lịch sử 1945-1946 của Việt Nam, bài viết sau đây chỉ nhằm ghi lại những sự kiện dẫn đến ngày 19-12-1946.

Nước cờ tính sai của Đờ-gôn (De Gaulle). Thiện chí hòa giải của Cụ Hồ

Một điều có thể khẳng định, đó là khi nổ ra cuộc đảo chính của Nhật (lật đổ chế độ cai trị của Pháp ở Đông Dương – ngày 9-3-1945), tổng thống Cộng hòa Pháp Sác-lơ Đờ-gôn (Charles de Gaulle) không hiểu gì về phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam đang sôi sục chuyển sang thời kỳ tiền khởi nghĩa. Chẳng thế mà chỉ nửa tháng sau cuộc đảo chính, ngày 24-3, ông ta tung ra bản tuyên bố về vấn đề Đông Dương. Nội dung chủ yếu của bản tuyên bố phản ánh tham vọng lập lại ách thống trị thực dân trên toàn lãnh thổ Đông Dương, với tư tưởng chỉ đạo “chiến tiền nguyên trạng”. Theo bản tuyên bố thì Đông Dương vẫn gồm 5 xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên), hợp thành chính phủ Liên bang, do một viên toàn quyền đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Chính phủ Pháp.

Bàn về việc làm trên đây, trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952, sử gia Pháp Phi-líp Đờ-vi-le (Philippe Devillers) đánh giá rằng, bản tuyên bố của Đờ-gôn (De Gaulle) lạc hậu ít nhất 15 năm. Vậy mà nó vẫn trở thành sợi chỉ xuyên suốt mọi chủ trương chính sách của giới cầm quyền phản động Pháp đối với 3 nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia cho đến mùa hè năm 1954.

Tự vệ chợ Đồng Xuân bố trí chông và vật cản ngăn chặn quân Pháp trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Dù chưa được đọc bản tuyên bố của Đờ-gôn, nhưng căn cứ vào tin tức về cuộc hội nghị giữa các nước lớn bàn về những vấn đề hậu chiến, lại sớm dự kiến tình hình sẽ phức tạp do âm mưu của phản động quốc tế, nhất là của giới cầm quyền Pháp, Cụ Hồ đã chủ động đi những nước cờ hòa giải. Qua đài vô tuyến điện của nhóm sĩ quan tình báo Mỹ OSS đang phối hợp hoạt động với ta ở Việt Bắc, Cụ đã nhân danh Mặt trận Việt Minh nhờ Bộ tư lệnh Mỹ ở Hoa Nam (AGAS) báo cho Pa-ri biết rằng, Việt Minh sẵn sàng cử đại diện cùng Pháp “nói chuyện”, hoặc ở Côn Minh (Trung Quốc) hoặc ở một địa điểm nào đó thuộc Bắc Kỳ, nhằm giải quyết mối quan hệ Việt – Pháp trong tình hình mới. Sau đó, liên tiếp trong những ngày 25-7 và 18-8-1945 (khi cách mạng Việt Nam đang trong cao trào Tổng khởi nghĩa), Cụ Hồ lại gửi cho Đờ-gôn hai bản đề nghị mà nội dung chủ yếu là: 1) Chính phủ Pháp công nhận Chính phủ Việt Minh; 2) Việt Minh công nhận quyền của Pháp ở Việt Nam trong vòng từ 5 đến 10 năm, sau đó Chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam; 3) Trong 5 – 10 năm đó, Việt Nam hưởng quyền tự trị đối nội…

Theo Pa-ty (A.Patti) – tác giả cuốn “Vì sao Việt Nam?” và Sáp-phen (R.Shaphen) – tác giả cuốn “Điều bí ẩn của Hồ Chí Minh”, thì đại diện của Pháp ở Côn Minh hồi đó là Lê-ông Pi-nhông (Léon Pignon) và Giăng Xanh-tơ-ni (Jean Sainteny) đã nhận và chuyển hai bản đề nghị về Pháp, nhưng sở dĩ không có hồi âm vì những đề nghị của Hồ Chí Minh không phù hợp với những điều suy nghĩ của Đờ-gôn về tương lai Đông Dương. Giới cầm quyền Pháp đang trù tính việc khác. Vậy việc khác đó là gì?

Những năm sau này chúng ta mới biết rằng, trong cao trào Tổng khởi nghĩa, ngày 16-8-1945, khi ông Võ Nguyên Giáp vâng lệnh Cụ Hồ xuất quân từ Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên cũng đúng là ngày Tổng thống Pháp Đờ-gôn giao cho tướng 4 sao Phi-líp Lơ-cơ-le (Philippe Leclerc) đưa quân sang Viễn Đông nhằm “hoàn thành nốt chặng đường giải phóng” (?!) mà mục tiêu đầu tiên là Sài Gòn.

Một sự trùng hợp kỳ lạ, nhưng có điều, hai người cầm quân với hai nhiệm vụ mang ý nghĩa chính trị hoàn toàn trái ngược nhau – giải phóng dân tộc và viễn chinh xâm lược.

Đờ-gôn vội vã vì “chậm chân”. Cụ Hồ chìa bàn tay hữu nghị 

Khi nhân dân Hà Nội vừa giành được chính quyền và giữa lúc cuộc Tổng khởi nghĩa còn đang tiếp diễn, ngày 22 tháng 8, Cụ Hồ rời Tân Trào về Hà Nội. Chính trong ngày đó và chỉ trong một ngày 22 tháng 8 đó thôi, hàng loạt sự kiện đã dồn dập diễn ra chứng tỏ Tổng thống Đờ-gôn đang rất vội vã vì sợ bị chậm chân trong mưu đồ “trở lại” Đông Dương (1), đồng thời cũng chứng tỏ phán đoán của Cụ Hồ về âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân phản động Pháp đang biến thành hiện thực. Chỉ xin dẫn lại mấy việc điển hình cùng diễn ra trong ngày 22-8-1945 khó quên đó: 1) Đờ-gôn bay sang Oa-sinh-tơn (Washington) vận động Tổng thống Ha-ry Tơ-ru-man (Harry Truman) “hãy làm ngơ” trước việc quân Pháp “trở lại thuộc địa cũ”; 2) Trên đường đưa quân sang Viễn Đông, khi qua Ca-ra-chi (Karachi) – Pa-ki-xtan (Pakistan), tướng Lơ-cơ-le (Leclerc) đề nghị và được Đô đốc hải quân Hoàng gia Anh Mao-bớt-ten (Mounbatten) hứa sẽ tạo mọi điều kiện cho quân Pháp núp dưới cờ Anh để vào Sài Gòn; 3) Từ Côn Minh (Hoa Nam), Thiếu tá tình báo Pháp Giăng Xanh-tơ-ni “bám càng” máy bay của Thiếu tá tình báo Mỹ L.A. Pa-ty (Patti) sang hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm – Hà Nội; 4) Không quân Hoàng gia Anh chở mấy “quan cai trị” Pháp và thả dù xuống 3 miền của nước Việt Nam: Mét-xme (P.Messmer) xuống Phúc Yên, Ca-xê-na (G.Casténa) xuống Thừa Thiên, Xê-di-lơ (J.Cédile) xuống Tây Ninh. Tất cả đều mang theo “giấy ủy nhiệm” được cử làm Ủy viên Cộng hòa Pháp ở mỗi miền của Việt Nam.

Trước ý đồ tái xâm lược đã quá rõ ràng của Pháp, trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trong ngày lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh Chính phủ lâm thời nói rõ lập trường của ta, đó là “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

Với tầm nhìn xa và thiện chí hòa bình hợp tác với “nước Pháp mới”, Cụ Hồ đã chủ động chỉ đạo việc tiếp xúc với phía Pháp, nhằm thăm dò lập trường và thái độ của các phái viên đầu tiên của Pa-ri: Ở Sài Gòn, Trần Văn Giàu gặp Giăng Xê-di-lơ, ở Hà Nội Võ Nguyên Giáp gặp Giăng Xanh-tơ-ni. Sau đó, chính Cụ cũng trực tiếp gặp Lê-ông Pi-nhông và tướng A-let-xăng-đơ-ri khi họ đến Hà Nội.

Mặc dù những cuộc tiếp xúc đầu tiên đã cho thấy tim đen của những người đại diện của Pa-ri, nhưng theo đường lối hòa giải của Cụ Hồ, cuộc thương thuyết Việt-Pháp vẫn tiếp tục diễn ra ở Hà Nội ngay từ cuối tháng 9 năm 1945, lúc đầu còn trong vòng bí mật. Trong các cuộc gặp khi đứt, khi nối suốt mấy tháng cuối năm 1945 – đầu năm 1946, cuộc tranh cãi chung quanh từ “độc lập” kéo dài từ buổi này sang buổi khác. Ta không chấp nhận chế độ “tự trị”, trong khi Pháp không công nhận nền độc lập của Việt Nam.

Khoảng cuối năm 1945, trong một lần trả lời phỏng vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với ký giả Pháp Ăng-đơ-rê Bơ-lăng-sê (André Blanchet) rằng, nếu nước Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam thì Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ cử một đoàn đại biểu sang thăm hữu nghị và cảm ơn nước Pháp. Như vậy, Chính phủ Pháp không hề “mất thể diện” vì công nhận Việt Nam độc lập mà trái lại, việc đó càng làm cho uy tín của nước Pháp được đề cao trên trường quốc tế. Khi nhà báo hỏi: “Thưa Chủ tịch, phải chăng như vậy có nghĩa là phía Việt Nam muốn đòi được tất cả mà không nhân nhượng chút gì?”, Cụ Hồ giải thích rằng, Việt Nam sẵn sàng nhân nhượng, nhất là về kinh tế. “Nhân dân Việt Nam muốn tiếp đón những giáo viên chứ không tiếp đón những ông chủ. Chúng tôi muốn là những người cộng tác, thậm chí là những người học trò, nhưng quyết không muốn trở lại là những người nô lệ. Việt Nam rất cần những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhưng không cần những viên quan cai trị”.

Hăng-ri A-dô (Henri Azeau), tác giả cuốn “Hồ Chí Minh – dịp may cuối cùng” viết: “Đáp lại những lời kêu gọi đầy tinh thần hòa giải đó, đáng lẽ phải thấy thiện chí của phía Việt Nam, thì ở Pa-ri, người ta vẫn cứ khư khư ôm lấy bản tuyên bố 24-3 được Đờ-gôn nặn ra trên cơ sở một giả thuyết ảo tưởng về lòng trung thành không hề lay chuyển của Đông Dương đối với nước Pháp”. Trong khi đó thì ở Việt Nam, vẫn theo Hăng-ri A-dô, những phần tử chủ chiến thuộc phe Đờ-gôn (mà báo chí Pháp thường gọi là “gô-lít”), từ A-lét-xăng-đơ-ri và Lê-ông Pi-nhông lúc đầu, tiếp đến là Xanh-tơ-ni và Xa-lăng, vẫn tỏ ra hết sức ngoan cố trên những vấn đề mang tính nguyên tắc.

Trong cuộc gặp gỡ ngày 8-2-1946, khi phía Pháp muốn đưa vấn đề “quân Pháp đang chuẩn bị đổ bộ lên đất Bắc Kỳ” để hòng gây sức ép với ta, đại diện Chính phủ ta rất ôn tồn nhưng thẳng thắn: “Chúng tôi muốn giữ mối quan hệ hữu nghị và bình đẳng với nước Pháp, nhưng cũng quyết tâm bảo vệ nền độc lập mới giành được. Chúng tôi sẽ quyết không lùi bước nếu các ông muốn dùng vũ lực, vì chúng tôi không chấp nhận trở lại cuộc sống nô lệ. Pháp là một nước lớn, có nhiều quân, trang bị đầy đủ, hiện đại. Chúng tôi có ít tay súng nhưng chúng tôi có sức mạnh của cả một dân tộc. Nếu Pháp đánh bại Việt Nam thì chiến thắng đó chẳng có gì đáng kể, ngược lại, nếu Việt Nam đánh bại Pháp thì đó sẽ là một chiến công rất vĩ đại. Các ông sắp đổ bộ ư? Chúng tôi không thể ngăn cản các ông làm việc đó, nhưng rồi máu sẽ đổ và đó là điều không hay ho gì, chúng tôi không muốn để xảy ra. Nếu Pháp coi mình là một nước tự do thì “nước Pháp mới” phải để cho chúng tôi cũng có quyền hưởng tự do.

Cứ như thế, trải qua 6 tháng, cuộc thương lượng vẫn không ra khỏi bế tắc. Mãi đến đầu tháng 3 năm 1946, do chủ động đề xuất của phía Việt Nam, hai bên mới đạt được những điểm đồng thuận nêu trong Hiệp định sơ bộ, ký ngày 6-3-1946 tại Hà Nội. Ta tạm gác từ “độc lập” và chấp nhận Việt Nam là một quốc gia tự do… là thành viên trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp, đồng thời đồng ý để cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc làm nhiệm vụ thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc giải giáp quân đội Nhật. Số quân này phải rút hết sau một thời gian không quá 5 năm. Hai bên đình chỉ chiến sự và mở ngay cuộc đàm phán chính thức…

Sự nhân nhượng quan trọng đầu tiên trong cuộc đàm phán đã kéo dài hơn nửa năm này chính là nhằm tạo điều kiện pháp lý đẩy nhanh quân Tưởng về nước và buộc Pháp phải mở đường cho cuộc đàm phán chính thức trên đất Pháp.

Từ Đà Lạt đến Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau). Những luồng gió ngược chiều

Phản ứng quyết liệt sự ra đời của Hiệp định sơ bộ, các phần tử “gô-lít” ở Pháp cũng như ở Đông Dương lên án gay gắt Lơ-cơ-le và Xanh-tơ-ni “đã bán đứng Đông Dương cho cộng sản”, đã khờ dại chấp nhận điều khoản nói về cuộc đàm phán chính thức. Đờ-gôn đặt vấn đề: “Vì sao người ta đã không đọc kỹ bản tuyên bố của tôi? Nếu cứ như thế này thì chẳng bao lâu nước Pháp sẽ không còn đế quốc của nó nữa”. Đô đốc Đác-giăng-li-ơ (khi đó đang ở Pa-ri) họp báo nêu câu hỏi: “Chúng ta có một đội quân viễn chinh tốt mã nhường ấy, vậy mà có những người Pháp ở Đông Dương (ám chỉ Tướng Lơ-cơ-le) chỉ nghĩ đến chuyện đàm phán!”. A-lếc-xăng-đơ-rơ Va-ren-nơ (Alexandre Varenne) thì than phiền: “Nền cộng hòa đã sáng tạo được ở bên kia đại dương một sự nghiệp tráng lệ làm hiển vinh cho anh tài Pháp. Vậy mà, liệu chúng ta có sắp từ bỏ và phá hoại sự nghiệp đó hay không?”. Sau khi trở lại Sài Gòn, ngày 12 tháng 3, Đô đốc Đác-giăng-li-ơ cùng với Xê-di-lơ ra bản tuyên bố xuyên tạc rằng bản Hiệp định sơ bộ chỉ là “một bản hiệp định cục bộ giữa chính quyền Hà Nội với Ủy viên Cộng hòa Pháp tại miền Bắc” (tức là không có giá trị gì đối với Nam vĩ tuyến 16). Họ tiết lộ: Sắp tới, Nam Kỳ cũng sẽ lập một Chính phủ riêng, có quân đội và tài chính riêng…

Đác-giăng-li-ơ tìm mọi thủ đoạn trì hoãn cuộc đàm phán chính thức trên đất Pháp. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vịnh Hạ Long ngày 24-3-1946, viên đô đốc đề nghị mở cuộc họp trù bị ở Đà Lạt nhằm “san phẳng mọi vấn đề bất đồng”. Đây là vấn đề chưa được đặt ra và thỏa thuận từ trước, nhưng Cụ Hồ vẫn chấp nhận để có thêm điều kiện trực tiếp tìm hiểu lập trường của Pa-ri.

(Còn nữa)

——————-

(1). Chữ “trở lại” (retour) là chữ Đờ-gôn dựng trong hai tập Hồi ký chiến tranh (Mémoires de guerre) và Hồi ký hy vọng (Memoires d’espoir) xuất bản những năm 1954 – 1959.

Trần Trọng Trung

qdnd.vn