Trang chủ > Hồ sơ tư liệu > Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS

Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS

Tháng Một 1, 2016

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã xuất hiện gần 2 năm, thế nhưng có rất ít thông tin về tổ chức, cơ chế hoạt động bên trong của nhóm khủng bố này. Một phần là bởi IS duy trì guồng máy an ninh, tình báo rất tinh vi. Một nhân vật tự nhận từng là thành viên trong mạng lưới an ninh, tình báo của IS và đã đào thoát khỏi hàng ngũ mới đây đã tiết lộ những thông tin gây sốc về mạng lưới này. Thông tin do tờ The Dailybeast (Mỹ) công bố, dựa trên nội dung các cuộc phỏng vấn với “kẻ đào tẩu”.

CON ĐƯỜNG GIA NHẬP IS

Cuối cùng, người đàn ông có cái tên Abu Khaled cũng chịu tiết lộ câu chuyện dài kỳ về việc gia nhập IS cũng như cơ cấu tổ chức, thủ đoạn hoạt động của nhóm khủng bố khét tiếng này. Khaled đã gia nhập hàng ngũ IS và là thành viên của “Cơ quan an ninh” (Amn al-Dawla) – tổ chức chuyên thực hiện các chiến dịch tình báo, phản gián. Giờ thì anh này đã đào thoát khỏi IS, sống cùng với gia đình ở Aleppo, Syria, đang bận bịu với kế hoạch xây dựng một tiểu đoàn (Kabita) gồm 78 thành viên để chống lại chính những “cựu đồng nghiệp” thánh chiến. Phải mất rất nhiều thời gian, Khaled mới đồng ý gặp mặt trực tiếp phóng viên tờ Dailybeast để thực hiện cuộc phỏng vấn, kéo dài trong 3 ngày cuối tháng 10 vừa qua, với các địa điểm gặp gỡ là các quán cafe, nhà hàng hay thậm chí các tuyến phố tản bộ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Các phần tử thánh chiến IS. Ảnh: Reuters

“Toàn bộ cuộc đời tôi ư, được thôi. Tôi là người Hồi giáo, nhưng không theo giáo luật Sharia hay tôn giáo khác biệt nào. Một ngày, tôi nhìn vào khuôn mặt mình trong gương. Tôi để râu dài. Lúc đó tôi còn chẳng nhận ra mình nữa. Trông giống như là thành viên ban nhạc Pink Floyd. Trong đầu tôi nghĩ là ai đó, chứ không phải chính mình”, Khaled bắt đầu câu chuyện. Như nhiều đồng bào khác, anh trải qua một quãng thời gian chiến tranh kéo dài gần nửa thập kỉ tại một căn cứ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khaled gia nhập IS vào ngày 19/10/2014, tức là khoảng một tháng sau khi liên quân do Mỹ đứng đầu phát động chiến dịch “Quyết tâm sắt đá”, không kích vào Raqqa, “thủ đô” của IS thuộc miền Đông Syria. “Tôi đến đó chủ yếu là vì muốn khám phá. Tôi muốn xem loại người ở đó là như thế nào. Nói thực lòng, tôi không tiếc nuối về quyết định đó. Giờ thì họ là kẻ thù của tôi và tôi biết họ rất rõ”, cựu binh IS chia sẻ.

Theo lời kể của Khaled, anh đã phải trải qua một hành trình thẩm định, xét duyệt kĩ lưỡng trước khi có được vị trí quan trọng trong hàng ngũ IS. Đầu tiên, Khaled đến một chốt kiểm soát trên biên giới tại thị trấn Tal Abyad nằm trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria và thuộc quyền kiểm soát của IS. “Họ hỏi tôi đi đâu đấy. Tôi trả lời ‘tới Raqqa’. Họ lại hỏi tôi tới làm gì, tôi nói muốn gia nhập IS. Rồi họ kiểm tra hành lý”, Khaled nhớ lại.

Khi đã đặt chân tới Raqqa, Khaled được đến “Đại sứ quán Homs” – tòa nhà điều hành của IS nơi mà tất cả các công dân Syria đều phải đến để làm thủ tục. Anh ở đây hai ngày, sau đó được chuyển tới cái gọi là “Bộ Quản lý Biên giới”. Họ coi Khaled là người nhập cư, vì từng có quãng thời gian sống bên ngoài lãnh thổ “Nhà nước Hồi giáo”. Như nhiều người khác, người mới tới buộc phải trải qua tiến trình hòa nhập hóa, phải vượt qua cuộc phỏng vấn để được công nhận tư cách công dân của “nhà nước”.

Sau đó là giai đoạn tiếp thu tư tưởng truyền bá. “Tôi tới Tòa án Sharia trong 2 tuần. Mọi người đều phải theo học. Họ dạy chúng tôi cách ghét bỏ con người”, Khaled vừa kể vừa cười và nhìn nhận đây là hoạt động “tẩy não” của IS. Nội dung được giảng dạy là Đạo hồi nhưng theo phiên bản IS – với điểm nhấn là những người phi Hồi giáo phải bị giết hại, vì là kẻ thù của cộng đồng Hồi giáo.

Thủ phủ Raqqa và các vùng đất do IS kiểm soát (màu cam). Ảnh: Reuters

Những tuần đầu tiên gia nhập IS, Khaled gặp nhiều đồng nghiệp đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Venezuela, Mỹ và cả Nga, tất cả đều đến Raqqa để “trụ vững và mở rộng”. Do dòng người thánh chiến đổ về IS ngày một đông, nhiều người thậm chí còn chẳng nói nổi một tiếng Arab nào, nên những “người tình nguyện” biết nhiều ngoại ngữ như Khaled đặc biệt có giá trị. Nói trôi chảy tiếng Arab, tiếng Anh và tiếng Pháp, anh nghiễm nhiên được chọn làm phiên dịch. Nhiều lúc Khaled phải làm việc cho cả hai nhóm, bên tay trái thì phụ trách những người nói tiếng Pháp, dịch từ tiếng Arab sang tiếng Pháp; bên tay phải là người Mỹ, phải dịch từ tiếng Arab sang tiếng Anh.

Cuối cùng, Khaled được chọn vào “Cơ quan An ninh Nhà nước” (Amn al-Dawla), mô hình tương tự như Shin Bet (Cơ quan Tình báo nội địa Israel) hay FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ). Amn a-Dawla có nhiệm vụ chính là thực hiện các chiến dịch phản gián nhằm “nhổ gốc” những điệp viên nước ngoài có thể đến từ chính quyền Syria, Quân đội Syria Tự do (FSA) hay các cơ quan mật vụ phương Tây; chặn thu và giải mã các cuộc đàm thoại, thư tín trong nội bộ (để phát hiện ra cuộc thoại, kết nối Internet không được phép); thực hiện chương trình giam giữ, tra tấn khét tiếng của IS.

Đáng chú ý, công dân người Anh Mohammed Emwazi, kẻ được truyền thông quốc tế gọi với biệt danh “đao phủ thánh chiến John” cũng là một thành viên trong Amn al-Dawla. Tên này được cho là đã bị giết chết trong đợt không kích bằng máy bay không người lái do Mỹ tiến hành hôm 13/11 vừa qua.

Xem Kỳ 2: Bức tranh về “Nhà nước Hồi giáo”

IS tuyên bố thành lập ngày 29/6/2014, với nòng cốt là nhánh khủng bố al-Qaeda ở Iraq do trùm khủng bố Abu Musab al-Zarqawi người Jordan thành lập (ông trùm này bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi năm 2006).

BỨC TRANH VỀ “NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO”

Cơ quan tối cao của IS là Hội đồng Shura, có quyền lựa chọn chỉ định người đứng đầu chính quyền, cơ quan an ninh, quân sự ở các tỉnh, thành trực thuộc. Đứng đầu Hội đồng là al-Baghdadi và nhân vật quyền lực số hai là Abu Mohammed al-Adnani – kẻ được coi là tay chân đặc biệt tin cậy của al-Zarqawi.

Quân khủng bố IS. Ảnh: Reuters

Theo lời Khaled, giới chóp bu IS thường xuyên tiến hành các chuyến thị sát để nắm tình hình, xem bộ máy “Nhà nước” ở địa phương có vận hành đúng như trù tính hay không. Nếu có trục trặc, sẽ có cảnh “đầu rơi” đối với người đứng đầu, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khaled từng có một lần đối mặt với Baghdadi khi ông trùm đi thị sát gần khu vực sân bay Kweris, gần Aleppo. Anh kể: “Chúng tôi có mặt ở đó và rồi al-Baghdadi xuất hiện. Một số người nhận ra ông trùm, nhưng tôi thì không. Khi đi kiểm tra, các thủ lĩnh IS thường không mang theo đội ngũ cận vệ hùng hậu. Thậm chí người ta còn chẳng biết là họ có mặt ở đó”.

Khaled nhìn nhận, từ lúc mới thành lập cho đến đỉnh cao hưng thịnh, IS rất chú ý tới khái niệm “bình đẳng trước pháp luật”, coi đây là trụ cột trong chương trình chính trị dân túy nhằm thu hút, tập hợp lực lượng. Bộ máy tuyên truyền của IS rất biết cách khai thác triệt để yếu tố này. Nội bộ “Nhà nước” từng truyền tai nhau và để lộ ra cho bên ngoài nhiều câu chuyện về sự ưu việt đó. Một trong số đó là giai thoại liên quan đến ông trùm al-Baghdadi. Trong một chuyến thị sát Minbji ở tỉnh Aleppo, thủ lĩnh IS có va chạm xe với một người. Ông này không biết Baghdadi là ai và hét lớn “tôi sẽ đưa ông ra tòa”. “Hãy làm thế đi”, Baghdadi nói. Tòa án Sharia ở Minbij mở phiên xét xử. Trước chánh tòa địa phương biết rõ mình là ai, thủ lĩnh IS thừa nhận là người có lỗi gây ra tai nạn. Tòa ra phán quyết buộc “Nhà nước” phải trả tiền phạt cho người tố cáo.

Chính Khaled cũng từng được hưởng quyền “bình đẳng trước pháp luật”. Trong một lần kiểm soát nội bộ, Amn al-Dawla trưng thu máy tính cá nhân của anh, rồi họ làm thất lạc. “Tôi buộc phải kiện họ ra tòa. Tôi thề trước thánh. Vị chánh tòa bốc máy gọi ai đó với lời lẽ ‘…được rồi, anh có 24 giờ để tìm ra máy tính cho người ta. Không thấy, anh sẽ phải bồi hoàn. Bằng không tôi sẽ đưa anh ra sân, đánh nhừ tử trước sự chứng kiến của nhiều người’”, cựu gián điệp IS kể và nói rằng đây là một trong những lý do mà những kẻ dù ghét IS nhưng vẫn có sự tôn trọng nhất định với tổ chức này.

Đó là lúc hưng thịnh, khi dòng người đổ về “Nhà nước” tăng chóng mặt và IS muốn tạo dựng uy tín, hình ảnh. Còn khi số lượng thành viên mới tụt giảm mạnh như thời gian gần đây, IS lại hướng đến một biện pháp bổ sung khác để kiểm soát chặt chẽ “công dân”: Reo rắc nỗi sợ hãi. Đó là những gì mà người ta từng được chứng kiến khi IS nhốt nhiều người phản bội, chống đối trong lồng sắt, xem đây là đòn trừng phạt răn đe.

Trong chiến dịch tuyên truyền của mình, IS thường cho chiếu cảnh các chiến binh nước ngoài (muhajireen) đốt hộ chiếu trong một nghi thức nhằm thể hiện sẽ không có việc tháo chạy khỏi IS và trở về cố hương. Dù là ai, đến từ Bruges hay là Baton Rouge, quốc tịch gốc của những muhajireen luôn được IS gọi là Dar al-Harb (vùng đất chiến tranh, bị áp bức, không thánh thần). Từ đây, họ sẽ là “công dân” của Dar al-Islam (vùng đất của niềm tin và hòa bình, nhưng dĩ nhiên là sau khi hoàn thành sự nghiệp lớn). Thế nhưng đó chỉ là cách khoa trương. Thực chất, những người mới đến vẫn giữ hộ chiếu hoặc chuyển giấy tờ này tới “Bộ Nguồn lực”, Khaled chia sẻ.

Liên quan đến guồng máy quân sự, vì những lý do thực dụng, IS từng chấp thuận sự “thuần nhất” trong hàng ngũ ở cấp tiểu đoàn quân sự (gọi là Kabitas), nhất là về yếu tố sắc tộc, ngôn ngữ – như những gì mà lực lượng tiến bộ của Pháp, Mỹ, Liên Xô từng làm qua việc thành lập các lữ đoàn quốc tế trợ giúp phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939). Một trong những katibas được huấn luyện tốt nhất, trang bị mạnh nhất là Anwar al-Awlaki – được đặt theo tên gọi của một kẻ tử vì đạo người Mỹ thuộc al Qaeda, bị máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt trong đợt không kích ở Yemen năm 2011. “Tiểu đoàn này chỉ sử dụng tiếng Anh. Bọn tôi còn có một tiểu đoàn khác là Abu Mohammed al-Amiriki (tên một kẻ thánh chiến người Mỹ đến từ New Jersey, bị chết trong trận chiến ở Kobani), cũng có rất nhiều người đến từ Mỹ”, Khaled kể.

Áo vest cài bom của các phần tử thánh chiến IS. Ảnh: Reuters

Thế nhưng gần đây IS đã cho dừng việc thiết lập, duy trì các tiểu đoàn dựa trên sắc tộc hay ngôn ngữ; thay vào đó là hòa trộn hỗn hợp các phần tử thánh chiến đến từ khắp nơi. Nguyên do chủ yếu là việc mô hình cũ đã gây ra cho “Nhà nước” những hệ lụy không mong muốn, khi có quá nhiều người cùng đến từ một nơi, cùng nói một thứ ngôn ngữ và giờ lại tụ hợp với nhau. Al-Battar, một trong những tiểu đoàn hùng hậu nhất của IS, gồm có 750 chiến binh từ Libya. Sau một thời gian, giới chóp bu IS nhận thấy những tay súng này trung thành với chỉ huy trực tiếp hơn là với tổ chức. Al-Battar bị giải thể từ đó.

Theo Khaled, trước thời điểm nổ ra cuộc chiến giành giật thành phố Kobani hồi năm ngoái, “Nhà nước” đã có sức cuốn hút, lan tỏa khó cưỡng. Dòng người trên khắp thế giới đổ về đây và tụ hợp dưới lá cờ đen chiến thắng biểu tượng của IS. Đỉnh điểm là vào tháng 9/2014, mỗi ngày IS tiếp nhận khoảng 3.000 chiến binh đến từ các nước. Thế rồi lực lượng người Kurd dưới sự yểm trợ của không quân liên quân, đã gây ra những tổn thất nặng nề cho IS trong nhiều tháng trên chiến trường Kobani. Quân khủng bố đã phái hàng nghìn chiến binh tới đây, nhưng không có chiến thuật và chiến lược, nên hệ quả là có 4.000-5.000 tay súng bị tiêu diệt, một lượng lớn gấp đôi như vậy bị thương và không có khả năng chiến đấu, Khaled nói.

Cũng từ đây, làn sóng gia nhập mới tụt giảm, đến nay thì không tuyển nổi 50-60 người/ngày. Sự lao dốc bất ngờ này khiến bộ chỉ huy IS phải tính toán lại, cân nhắc làm sao có thể huy động và sử dụng công dân ở bên ngoài IS một cách tốt nhất cho “sự nghiệp” của “Nhà nước”. Theo Khaled, điều quan trọng nhất chính là ở chỗ họ (IS) đang cố tìm cách tạo lập các ổ nhóm “ngủ đông” trên phạm vi toàn thế giới. Giới chóp bu IS yêu cầu các ứng viên thuộc nước nào thì tại vị yên vị, chiến đấu ở đó, giết hại dân thường, thổi bay các tòa nhà, trụ sở và không cần tới Syria hay Iraq.

Một số phần tử “thánh chiến” từng được Khaled đào tạo, huấn luyện đã rời khỏi “Nhà nước”. Anh có nhắc tới hai người Pháp tầm 30 tuổi. Nhưng khi được hỏi tên thì Khaled nói không biết, vì ở “Nhà nước” không ai hỏi câu hỏi đó, tất cả đều được gắn tên kiểu Abu hay đại loại vậy. Quá quan tâm đến lịch sử đời tư của người khác sẽ bị chú ý ngay lập tức. Sau khi xảy ra vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11, phóng viên tờ Dailybeast liên lạc với Khaled để dò hỏi về kẻ đứng sau kế hoạch tấn công này. “Kẻ đào tẩu” tin rằng hai công dân Pháp kia gần như chắc chắn có tham gia kế hoạch.

Xem Kỳ 3: Guồng máy an ninh, tình báo tinh vi của IS

Để duy trì sự vận hành của một “Nhà nước” liên tục bị nhiều lực lượng nhòm ngó, tấn công, IS đã cho thiết lập một guồng máy an ninh, tình báo tinh vi, với nòng cốt là những cựu sĩ quan trong chính quyền Saddam Hussein.

GUỒNG MÁY AN NINH, TÌNH BÁO TINH VI CỦA IS

Người xây dựng lên mô hình tổ chức của IS chính là Haji Bakr, một cựu Đại tá thuộc lực lượng tình báo không quân Iraq dưới thời ông Hussein. Bộ máy an ninh (ammiyat) này gồm có 4 cơ quan chuyên biệt, có chức năng năng riêng. Đó là Amn al-Dakhili – tương đương với Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm duy trì an ninh ở mỗi thành phố, khu vực. Kế đến là Amn al-Askari – tức Cơ quan tình báo quân sự làm nhiệm vụ thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu về vị trí đóng quân, khả năng chiến đấu của đối phương. Amn al-Kharji là Cơ quan tình báo đối ngoại, chuyên phái các điệp viên vượt khỏi đường ranh giới đối phương để thu thập thông tin, lên kế hoạch và thực hiện các chiến dịch tấn công khủng bố. Mục tiêu đánh phá không chỉ gồm các nước, thành phố ở phương Tây, mà còn là những khu vực do lực lượng trung thành với Tổng thống Assad hay Quân đội Syria tự do (FSA) kiểm soát. Cuối cùng là Cơ quan an ninh (Amn al-Dawla), nơi mà Khaled làm việc.

Đao phủ “John thánh chiến” khét tiếng của IS. Ảnh: WSJ

Trong công việc, mọi chỉ huy, nhân viên thuộc 4 cơ quan trên đều bịt mặt. Thế nhưng một số chiến binh nghiền truyền thông mạng xã hội, muốn được nổi tiếng đôi khi cũng quên mất điều này. Đao phủ “John thánh chiến” bị lộ mặt là do một người chuyển tin thuộc chính quyền vùng chộp được bức hình John tung tăng đi lại ở Raqqa mà không đeo lớp che mặt và bức hình được chuyển tới đầu mối ở London. Có một điều rất lạ là trong khi những mật vụ, điệp viên của IS phần lớn là người Syria, thì người đứng đầu lại thường là những người Palestine đến từ Dải Gaza. Khaled không thể hiểu tại sao lại như vậy.

Phân cấp tổ chức theo chiều dọc này lại được “đục lỗ” theo chiều ngang, với vai trò của chính quyền các bộ tộc ở địa phương hoạt động theo mô hình bán tự trị. Theo đó, trưởng cơ quan tình báo cấp vùng (tỉnh, thành) sẽ chịu trách nhiệm báo cáo tình hình cho người đứng đầu cơ quan an ninh cùng cấp – nhân vật cũng đảm nhân luôn cương vị cấp phó quản lý hành chính trong lãnh hạt. Cứ vậy, mô hình được áp dụng đến cấp quận, huyện và cuối cùng là tận làng, xã. Mục đích chính là để theo dõi chéo lẫn nhau.

“Cỗ máy” này giải thích tại sao IS lại nhanh chóng vươn vòi và chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn, với nhiều phần đất ở cả Syria và Iraq. Đó là nhờ vào việc điều khiển những “kẻ ngủ đông” (sleeper) nằm vùng tuyển mộ điệp viên và người đưa tin, thu thập tin tức về các nhóm đối lập, gồm cả quân đội chính phủ hay các nhóm phiến quân khác ở Iraq và Syria. Abu Khaled nhiều lần nhấn mạnh chính nguồn lực do thám, tình báo này (chứ không phải là tư tưởng tử vì đạo) đã tạo cho IS sức mạnh ghê gớm, đủ sức để chiếm đoạt và quản lý nhiều vùng đất. Rõ nhất là việc FSA dù được Mỹ và nhiều đồng minh trong khu vực chống lưng, nhưng rồi cũng nhanh chóng thất thế trước IS.

Khaled kể: “Một tuần trước khi đào thoát, tôi có dịp ngồi với Abu Abd Rahman al-Tunisi – Cục trưởng Cục tình báo Đối ngoại của IS. Al-Tunisi nói với tôi: ‘Chúng ta sẽ huấn luyện những kẻ quen biết, đám mới tuyển, người Syria… Hãy đón số này, huấn luyện, rồi phái trở lại chính nơi mà họ sinh sống. Ta sẽ đưa cho họ số tiền tầm 200.000-300.000 USD. Bởi vì các điệp viên nằm vùng này có nhiều tiên, nên FSA sẽ đưa họ lên những vị trí cao trong tổ chức của chúng’”. “Kẻ đào tẩu” nhìn nhận đây là yếu tố giúp IS chiếm được nhiều vùng đất ở Syria, với nhiều tay chân ở khắp các làng, xã, thị trấn mà FSA kiểm soát. Nói cách khác, không phải tất cả những người mà Mỹ coi là đồng minh ở Syria là “bạn bè” thực sự của Washington. Nhiều trong số này đã bị IS thao túng, mua chuộc để rồi phải hợp tác, tuân phục.

Yếu tố phân vùng bên trong IS cũng gây ra một số hệ lụy, đó là tính cục bộ cũng như đấu tranh ngầm. Hai thế lực mạnh nhất quân đội và an ninh-tình báo luôn không ưa nhau. Chứng kiến Khaled giảng bài, những “đồng cấp” từ phe quân đội thường nói giễu là tại sao lại đi giảng dạy cho những kẻ vô thần như thế. Nhiệm vụ chính của Khaled là huấn luyện cho giới chức an ninh địa phương ở al-Bab. Địa điểm là một khu lán trại cách thành phố 5km về phía bắc. Kèn báo thức bật lúc 5 giờ sáng. Các chiến binh “thánh chiến” sau đó sẽ phải tập hợp đội hình. Khaled đến trại lúc 7 giờ và giảng bài cho đến trưa. Nội dung chủ yếu là chiến thuật chiến trường và kiến thức về tác chiến, ví như làm sao để bảo vệ phòng tuyến hay phát động phản công. Sau 2 tiếng nghỉ trưa, lớp học lại tiếp tục và kết thúc lúc 5h30 chiều.

IS công bố bức ảnh hành quyết 4 người bị nghi là làm việc cho chính quyền Baghdad. Ảnh cắt từ Youtube

Các thủ lĩnh IS đặc biệt sôi máu trước việc bị tình báo bên ngoài cài cắm người vào tổ chức. Chúng cho thực thi chính sách “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” nhằm vào đạo quân thứ 5 đến từ bên ngoài này. Quyền lực của “Nhà nước” dựa rất nhiều vào mạng lưới điệp viên, người đưa tin và vì thế số này được tuyển chọn kỹ, với nền tảng là niềm tin giáo phái. Cùng lúc, IS luôn khiến những người có tư tưởng tạo phản phải khiếp sợ, với việc cho hành hình công khai những kẻ tình nghi là “điệp viên nằm vùng” của nước ngoài.

Tội này luôn phải chịu hình phạt cao nhất: Cộng tác với FSA – xử tử; cộng tác với CIA hay tình báo các nước – xử tử. Người đứng đầu cơ quan an ninh tại al-Bab, một người Kuwai, bị nghi làm việc cho Cơ quan tình báo Anh MI6 đã bị chặt đầu, trên thi thể còn có cả dòng chữ “một điệp viên người Anh”. Một người Nga, một người người Palestine khác cũng từng bị hành quyết tàn độc kiểu như vậy sau khi bị xem là tay trong của cơ quan mật vụ Nga và Israel. Thế nhưng có một vụ mà Khaled ám ảnh mãi. Một lần, IS cho hành quyết một gã chỉ vì tên này ném sim điện thoại gần nơi đặt trụ sở các cơ quan an ninh, tình báo. Quân khủng bố nghi đây là thiết bị theo dõi, có thể là định vị GPS, hoặc là chip điện tử báo tần số báo cho máy bay của Mỹ và liên quân. Phần tử này bị bắt, chặt đầu, để hai phần thi thể phơi nắng trong suốt 3 ngày.

Xem Kỳ 4: Hình phạt và nguồn tài chính của IS

Cùng với guồng máy an ninh, tình báo, cảnh sát tinh vi, IS rất chú tâm đến việc duy trì một xã hội Hồi giáo Sharia dựa trên nhiều quy định, luật lệ hà khắc mang nặng tính răn đe.

HÌNH PHẠT VÀ NGUỒN TÀI CHÍNH CỦA IS

“Họ đặt một chiếc lồng sắt tại quảng trường này”, Abu Khaled mô tả địa điểm mà IS cho thực thi công lý ở al-Bab, một thị trấn mà mới đây thôi anh vẫn sinh sống, làm việc với tư cách là một mật vụ của “Nhà nước”. Đó cũng chính là địa điểm mà IS thực thi các vụ hành quyết nhằm vào số đối tượng phản kháng, có âm mưu tạo phản. Thế nhưng lồng sắt thì lúc nào cũng có người. Họ bị nhốt trong khoảng ba ngày và rồi sẽ có một viên chức đến thông báo lý do bị nhốt. Lý do để bị “sộ lồng” cũng rất nhiều – một người đến tòa làm nhân chứng, nhưng khai man và lập tức bị nhốt.

Những tay súng người Kurd bị quân khủng bố IS bắt giữ, nhốt trong lồng, đem diễu trên phố. Ảnh: AFP

Để duy trì một mô hình nhà nước theo hình thái tập quyền, độc tài, IS cũng cho lập cả lực lượng cảnh sát giáo lý, để duy trì việc thực hiện các giáo lý Sharia. Số này được gọi là al-Hisbah. Không thích Pita (một loại bánh phổ biến ở Trung Đông) ư? Cứ gọi Hisbah. Nghĩ rằng tảng thịt chuẩn bị đem nướng kia mất vệ sinh hay bị nhiễm ký sinh trùng? Gọi Hisbah. Cảnh sát luôn đi tuần tra để xem mọi người hành động, ứng xử ra sao.

Ở al-Bab, có khoảng 15 nhân viên này – không nhiều, nhưng lúc nào cũng có cảm giác họ hiện diện khắp nơi. “Bọn chúng đi trên một chiếc xe bán tải có trang bị loa, luôn hét lớn những câu đại loại như ‘đến giờ cậu nguyện rồi, đến giáo đường ngay! ‘Đóng cửa hiệu lại’. ‘Cô kia, đeo mạng che mặt vào’… dáng bộ rất nghiêm khắc. Nếu như nhà hàng bị phát hiện không sạch sẽ, ngay lập tức sẽ bị đóng cửa trong vòng 15 ngày”, Khaled dẫn chứng.

Mọi vật dụng tiêu dùng hàng ngày đều được kiểm soát chặt chẽ. Rượu là thứ đồ “xấu xa” bất hợp pháp (haram), bị cấm và nếu như ai đó bị phát hiện uống rượu sẽ bị đánh 80 gậy tại quảng trường trung tâm ở al-Bab. Nhưng IS không thể chỉ dựa vào việc reo rắc nỗi sợ hãi bằng luật lệ hà khắc, bởi lẽ tổ chức này cần có thêm nhiều thành viên mới. “Cải tạo tư tưởng” vì thế luôn là khía cạnh được “Nhà nước” chú trọng. IS chấp nhận những kẻ tình nguyện đến từ chính FSA hay các lực lượng thánh chiến khác, ví như nhóm Jabhat al-Nusra. Thế nhưng luôn có rào cản gia nhập được dựng lên.

Người mới đến sẽ phải trải qua khóa học chỉnh huấn kéo dài 3 tháng, cùng với đó là những chế tài áp đặt trọn đời với số này – được làm những gì, đi đến những đâu… “Không thể ở lại nơi mới đặt chân đến, cũng không thể quay đầu hồi hương. Cứ hình dung thế này: Nếu tôi đến từ al-Bab và trước đó có thời gian tham gia FSA. Giờ muốn gia nhập IS ư? Tôi sẽ phải đến trại 3 tháng, sau đó sẽ được phái tới một nơi khác trong vòng một năm, không được phép trở về al-Bab”, cựu mật vụ IS chia sẻ.

Nếu ai đó thuộc diện truy nã của IS, ngay lập tức toàn bộ tài sản của người này sẽ bị phong tỏa và chiếm đoạt. “Từ đất đai, nhà cửa, cửa hàng – nói chung là tất cả mọi thứ. Ngôi nhà mà tôi từng sống ở al-Bab thuộc quyền sở hữu của một gã bị cáo buộc làm việc cho chính quyền Syria. Quân khủng bố vì thế trưng thu cả tòa nhà. Bọn họ tới và dán một tờ thông báo cho mọi người sống trong đó, nội dung gọn lỏn: ‘Các anh/chị có 24 giờ để rời đi’”, Khaled kể.

Bởi IS muốn tạo ra những thế hệ trong tương lai sẵn lòng bắn giết, nên chúng quan tâm nhiều đến việc giáo huấn lớp trẻ. Những cựu giáo viên ở Syria được tái triệu tập để đứng lớp ở những vùng mà IS kiểm soát. Thế nhưng họ cũng phải trải qua các lớp học cải tạo tư tưởng trong ba tháng, phải tự hối lỗi vì đã làm việc với chính quyền Damascus. Dạy học ở nhà không được phép, vì quân khủng bố không thể kiểm soát được chương trình.

IS tiêu hủy thuốc lá, vì xem đây là hàng hóa “haram”. Ảnh: Reuters

Như nhiều phần tử thánh chiến khác, Khaled được trả lương 100 USD/tháng – bằng đồng bạc xanh, chứ không phải là đồng nội tệ lira của Syria. Anh còn được nhận thêm 50 USD/tháng vì có vợ. Nếu ai có con nhỏ thì còn có khoản phụ cấp 35 USD/cháu, còn có bố mẹ già thì được thêm 50USD/người. Cựu mật vụ IS tiết lộ, anh thuê một ngôi nhà và IS trả toàn bộ chi phí thuê, tiền điện. Bảo đảm y tế cho “người dân” được IS chú trọng và quân khủng bố từng rất tự hào với cái gọi là “Dự luật Y tế BaghdadiCare” (ngầm so sánh với Dự luật Y tế ObamaCare của Mỹ). Mọi người được quyền đăng ký khám chữa bệnh miễn phí. Chính nguồn thu nhập, phúc lợi này là một phần nguyên do thúc đẩy nhiều tay súng gia nhập IS. Câu hỏi là quân khủng bố lấy tiền từ đâu?

Đầu tiên là khoản thu thuế, phí và tiền phạt. Mọi hoạt động kinh doanh đều phải đóng thuế theo tháng và đầu mối đứng ra thu là “Ngân hàng nhà nước” (Jibaya). Cảnh sát sẽ thường xuyên đi tuần để bảo đảm mọi vật dụng đều được bán đúng giá, nhưng kèm theo đó là việc các hộ kinh doanh phải nộp 2,5% tổng doanh thu cho “chính quyền”. Hàng hóa từ nơi khác chuyển vào lãnh thổ IS cũng đều phải chịu thuế. Các hành vi vi phạm giáo luật, quy định của “Nhà nước” (ví như hút thuốc, buôn lậu, uống rượu) đều sẽ bị phạt tiền. Ngoài ra, còn có nhiều loại phí khác về điện, nước, vệ sinh, an ninh…

Đồ cổ cũng là nguồn tài sản mà IS chú trọng khai thác. Tuy tuyên bố những công trình, tác phẩm, di sản thời kì tiền “Nhà nước” sẽ bị phá hủy, quân khủng bố vẫn cho phép mua bán các loại đồ cổ quý hiếm trên thị trường chợ đen. IS có thể đập phá nhiều đền thờ, tượng đài quy mô cỡ lớn, nhưng luôn giữ lại những chế tác khảo cổ cỡ nhỏ, với lý do đó không phải là vật “chiêm bái, thờ phụng”. Đó có thể là những đồng tiền xu từ thời La Mã, vương quốc Babylon mà rất nhiều kẻ sưu tầm, buôn bán cổ vật đều muốn có.

Dầu mỏ đương nhiên là nguồn tài nguyên đem lại khoản tiền chủ yếu cho IS. Kiểm soát toàn bộ các mỏ dầu ở miền đông Syria, quân khủng bố nắm giữ trong tay nguồn cung nhiên liệu lớn nhất nước và nhiều khi xem đây là thứ vũ khí để tống tiền. Vòng cung Bab al-Salameh – hiện là tuyến đường duy nhất của IS tiến lên miền bắc Syria, giữ vai trò mạch sống cho cả “Nhà nước” trên vùng đất kéo từ Aleppo tới Fallujah. Hàng ngày có vô số xe chở dầu qua lại đây.

Bab al-Salameh nằm dưới quyền kiểm soát của “một phái Syria” nhưng không phải là quân nổi dậy và đương nhiên có sự can dự của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy tại sao lại không thể đóng cửa tuyến đường và tước bỏ nguồn doanh thu dầu mỏ của IS? “Đó là bởi không có sự lựa chọn nào khác. IS có dầu diesel, dầu mỏ. Mới nhất, ngay trước thời điểm diễn ra Lễ Ramadan, quân nổi dậy phong tỏa cung đường. IS trả đũa bằng cách khóa van cấp dầu. Giá dầu ở Syria lập tức tăng mạnh. Phe nổi dậy buộc phải ngừng bao vây, vì mất nguồn cung dầu diesel. Xe ôtô, bệnh viện – tất cả đều phải dừng hành động”, Khaled lý giải.

Đáng chú ý, ngoài việc bán dầu lậu ra bên ngoài, IS được cho là bơm ngược “vàng đen” cho chính quyền Damascus. Đơn cử như tại Aleppo, điện là thứ hàng hóa khan hiếm. Các hộ gia đình chỉ được cấp 3-4 tiếng/ngày. Nguồn cung ứng gần như duy nhất là nhà máy điện chạy dầu ở Asfireh – vùng do IS kiểm soát, gần sân bay Kweris. Vì thế, chính quyền Syria phải chi trả tiền cho số dầu chạy máy phát, chịu toàn bộ chi phí cho nhân công vận hành nhà máy. IS nắm 52% tiền bán điện và chính phủ Syria nắm 48% – đó là một thỏa thuận ngầm.

Xem Kỳ cuối: Đào thoát

Đang sống trong nhà nước thánh chiến được mệnh danh là “5 sao” (ít nhất là so với ở Iraq), tại sao Khaled lại tìm cách trốn chạy?

ĐÀO THOÁT

Khởi nguồn là từ những gì mà cựu mật vụ IS tận thấy ở một nông trang. Khaled quen một người có trang trại riêng. Mọi ngày trong tuần, người này đến đây, rồi lại phát hiện ra những xác người trên mặt đất. Đó là những nạn nhân xấu số, bị IS sát hại rồi ném xác vào khu đất này. Mỗi khi cày cuốc, y như rằng lại có nhiều thi thể lộ ra. Chủ trang trại này phàn nàn với Khaled và “mật vụ” IS báo cáo sự việc lên Trưởng phòng an ninh al-Bab. Nhân vật này hứa sẽ cho điều tra và trả lời sớm nhất. Vài hôm sau, Khaled được trùm an ninh thông báo là không tìm thấy kẻ đã ném xác, nhưng an ninh không dính líu đến vụ này.

Chủ trang trại lại gọi Khaled đến, nói rằng nơi đây IS đã từng cho đào một hố chôn người tập thể. Hố đã đầy và giờ quân khủng bố chẳng buồn đào, mà ném xác luôn trên mặt đất. “Khắp trang trại, mọi gốc cây ôliu – chỗ nào cũng có thi thể”, người này kể. “Mật vụ” IS lần này gặp trùm an ninh al-Bab và yêu cầu đến tận nơi xem xét. Không khó để Khaled tìm thấy tang chứng là những phần xác trước sự chứng kiến của quan chức an ninh vùng. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, Khaled nhận được cuộc điện thoại từ người kia với lời chỉ thị: “Chúng ta sẽ mua đứt trang trại đó. Hỏi xem nó bao nhiêu tiền?”.

Các tay súng người Kurd được sự hỗ trợ của Liên quân đã gây cho IS tổn thất nặng nề trong trận chiến ở Kobani. Ảnh: AFP

Đây chính là nguồn cơn khiến “mật vụ” IS bắt đầu cảm nhận được bộ mặt thật của Nhà nước khủng bố. Dần dà, sống trong môi trường bị kìm kẹp, luôn nghi ngờ lẫn nhau, đôi khi mất mạng chỉ vì lỡ buông lời bông đùa không đúng, những người như Khaled dần hiểu rằng họ đã bị IS lừa dối, điều khiển. Họ không được xem ti vi và cánh cửa duy nhất để tiếp cận thông tin là tờ báo do IS phát hành, tờ Akhbar Dawli Islamiya, với đầy thông tin tin sai lệch. Họ sống trong một thế giới nhỏ bé, khép kín, bức bối do chính IS tạo ra, trạng thái tinh thần lúc nào cũng như đang bị trói buộc. Quyết định đào thoát cuối cùng cũng được Khaled lựa chọn.

Nhưng bằng cách nào? Anh không thể chạy trốn như cách nhiều binh sĩ dưới quyền từng làm, nhất là sau thất bại nặng nề của IS tại “cối xay thịt Kobani”. 5.000 tay súng bị chết, nguyên nhân chủ yếu là do các thủ lĩnh IS không có chiến lược, chiến thuật phù hợp; chỉ biết lùa quân vào “nồi hầm”, trong khi đám chiến binh dưới quyền thì không có được kĩ năng chiến đấu. Trận chiến Kobani đã giáng đòn mạnh vào IS, khiến nhiều chiến binh thánh chiến kinh hãi, không dám tham chiến. Một lượng lớn đã tìm cách lẩn trốn.

“Khi đã ở trong hàng ngũ cơ quan mật vụ, tức là phải chấp nhận mọi thứ đều bị kiểm soát chặt. Rất khó để thoát ra, ví như tôi – tất cả các chốt biên giới đều do cơ quan an ninh – tình báo rà soát. Tôi từng đào tạo, huấn luyện những gã đó, hầu hết bọn họ biết tôi. Tôi khá nổi tiếng ở al-Bab”, Khaled chia sẻ. Đó là lý do mà mật vụ IS phải lên kế hoạch chi tiết, với các bước chuẩn bị kĩ càng.

Tại các chốt kiểm soát biên giới của IS, dân thường được phép tự do đi lại, miễn là có thẻ căn cước hoặc một loại giấy tờ tùy thân. Trong khi đó hộ chiếu của Khaled vẫn lưu tại Bộ Nguồn lực. Vì thế, việc đầu tiên mà “mật vụ” IS phải lo là giấy tờ hợp pháp hóa. Anh liền tới nhà một người bạn, hành nghề in ấn thẻ căn cước giả bất hợp pháp. Với mức phí 20 USD, Khaled được bảo đảm là sẽ có trong tay giấy thông hành cần thiết, trông y như thật.

Anh quyết định khởi hành vào một ngày đầu tháng 9/2015 và chỉ đi một mình. “Khi rời nhà, tôi không kể với vợ. Tôi chỉ nói là muốn tới Raqqa để xử lý một số công việc. Tôi để khẩu AK ở nhà, chỉ mang theo súng ngắn và vận bộ đồng phục. Rời đi lúc 7 giờ sáng, tôi tới nhà anh bạn làm giả thẻ căn cước, thay đồ. Tôi nhận lấy giấy tờ, cạo râu, nhưng không cạo hết, làm sao để trông giống hình trong ảnh chụp”, cựu mật vụ IS kể.

Khaled rời ab-Bab và tới Minbji bằng xe máy. Từ đây, anh bắt một chiếc xe buýt loại nhỏ để tới Aleppo. Tại bến dừng đỗ, luôn có nhân viên an ninh đứng kiểm tra hành khách. Khaled trình căn cước giả và được cho lên xe. Nếu là ở al-Bab, anh rất dễ bị nhận dạng, thế nhưng đây là ở Minbij và không ai biết anh là ai. Ở Aleppo, Khaled di chuyển tới vùng do quân nổi dậy kiểm soát. Từ đây, anh điện cho vợ, bảo thu dọn đồ đạc, một ít quần áo, một chiếc túi nhỏ và dặn phải bắt xe rời đi trong vòng một tiếng nữa. 45 phút sau, vợ Khalde lên đường, đi cùng còn có cả bố mẹ đẻ và người em gái. Tầm 2-3 tiếng sau, cả nhà đã tụ hợp ở Aleppo.

Abu Khaled không phải là trường hợp duy nhất đào thoát khỏi IS, có rất nhiều người đã chọn cách hành xử như vậy. Giờ đây, Khaled đã xây dựng một “tiểu đoàn nhỏ” cho riêng mình, với sự trợ giúp của lữ đoàn Ahrar al-Sham thuộc phe nổi dậy, nhưng hoạt động độc lập. Quân của Khaled chiến đấu chống lại cả IS và lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Có 2 lữ đoàn của IS ở miền bắc Aleppo đối đầu với quân của Khaled và anh đều biết thủ lĩnh của cả hai đạo quân này: Một tên đến từ Maroc và tên còn lại đến từ Libya. Chiến thuật của chúng là điều mà anh không lạ.

Phóng viên tờ The Dailybeast đặt câu hỏi tại sao Khaled vẫn quyết trụ ở Syria trong bối cảnh anh và các thành viên trong gia đình chắc chắn sẽ là mục tiêu truy đuổi của IS. Cựu mật vụ IS nói rằng, nếu tới Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị làm phiền nhiễu thì có thể đó sẽ là một lựa chọn. Nhưng dường như anh không chắc chắn về điều đó. “Tôi không hiểu mối liên hệ giữa IS với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng trong trận Kobani, vũ khí được chuyển đến tay quân khủng bố từ hướng Thổ Nhĩ Kỳ. Hãy nhìn những gã này xem – họ ăn bánh McDonald, bánh hamburger. Bọn họ lấy nguồn từ đâu vậy? Từ Thổ Nhĩ Kỳ”, Khaled bày tỏ.

Lắc đầu dứt khoát và nói “Tôi không sợ chết” – đó là phản ứng của cựu mật vụ IS khi được hỏi liệu có muốn nghỉ ngơi một thời gian sau những biến cố vừa qua hay không.

Hoài Thanh (Theo The Dailybeast)

Nguồn: baotintuc.vn
Vkyno (st)