Trang chủ > Tội ác Mỹ ngụy > Chuyện bi hùng về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Tiếp theo và hết)

Chuyện bi hùng về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Tiếp theo và hết)

Tháng Tư 12, 2014

Bài 3: Những ngày nổi dậy

QĐND – Ban đầu, kẻ thù dựng nên cái đề lao có tên “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” với mục đích hòng bóp chết mầm mống cách mạng từ trong trứng nước của những tù nhân nhỏ tuổi. Nhưng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ, táo bạo và khôn ngoan của tập thể thiếu nhi anh hùng đã khiến trung tâm tội ác ấy không còn lý do để tồn tại.

Nổi dậy làm chủ nhà lao

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Theo đó, việc trao trả tù binh chính trị giữa hai bên sẽ được tiến hành. Trước tình hình này, địch bắt đầu có những toan tính và âm mưu mới. Với tù nhân thiếu nhi Đà Lạt, Nha Cải huấn Sài Gòn chỉ đạo: Cho lăn tay, chụp ảnh tất cả các tù nhân nhằm làm sai lệch hồ sơ, biến họ từ tù nhân chính trị thành các can phạm hình sự bình thường khác để tiếp tục giam giữ trong tù.

Chị Huỳnh Yên Trầm My, tù nhân nhỏ tuổi nhất của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt nhớ lại: Ngày 21-3-1973, bọn cai ngục thông báo sẽ tổ chức lăn tay, chụp ảnh. Biết đây là âm mưu thâm độc của kẻ thù, toàn bộ tù nhân quyết liệt phản đối, đồng thời chuẩn bị lực lượng và phương án đấu tranh. Theo đó, mỗi phòng giam thành lập 3 đội xung kích, mỗi đội 8 người, nhiệm vụ cụ thể từng đội như sau: Đội 1: Cản trở sự đàn áp của cai tù, sẵn sàng bốc lựu đạn cay ném ra ngoài; Đội 2: Phá cửa phòng nhà lao, đặc biệt khu xà lim, chuẩn bị đưa anh em ra ngoài an toàn; Đội 3: Chuẩn bị hậu cần, băng bó cứu thương. Toàn nhà lao cử ra bộ phận đấu tranh chính trị gồm những đồng chí có trình độ, có khả năng giao tiếp tốt để đấu tranh lý lẽ với địch.

Từ trái sang: Đặng Bảo Xi, Ngô Tùng Chinh, Mai Thanh Minh, những cựu tù thiếu nhi Đà Lạt được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

7 giờ sáng 22-3-1973, hàng trăm cảnh sát dã chiến bao vây toàn bộ nhà lao, cổng ra vào bị khóa chặt, bọn “Tâm lý chiến” và “Trung tâm chiêu hồi” mang máy quay phim và máy chụp ảnh tiến vào. Khi tên Âu Văn Bá, phụ trách tuyên huấn vào phòng nữ bảo các chị ra sân lăn tay, chụp ảnh trước. Bị phản đối, địch dùng roi quất liên tiếp và lôi từng chị em ra sân, tất cả anh chị em tù nhân đồng loạt hô to:

“Phản đối lăn tay, chụp ảnh cưỡng bức sang chiêu hồi!”. “Đả đảo ngụy quyền Sài Gòn đàn áp thiếu nhi miền Nam!”.

Địch dùng lựu đạn cay đàn áp, khói trùm lên toàn bộ sân nhà lao, bầu không khí trở nên đặc quánh, khó thở. Một số người gục ngã vì bị sốc, số còn lại vẫn bình tĩnh sử dụng khăn ướt bịt mũi, nhặt lựu đạn ném trả, hô vang khẩu hiệu đấu tranh. Địch tiếp tục cho lực lượng trèo lên mái nhà, dỡ ngói thả lựu đạn xuống các phòng giam. Một số từng có kinh nghiệm chống lựu đạn cay ở Nhà tù Côn Đảo, Chí Hòa hướng dẫn mọi người nằm úp mặt sát nền nhà để hạn chế khói cay tác động vào phổi, ai mệt quá thì thay phiên nhau úp mặt vào bệ xí, mùi hôi thối của hầm cầu bốc lên sẽ lấn át hơi cay.

Cuộc đấu tranh lên tới đỉnh điểm khi các anh chị Phan Thanh Hồng, Hồ Công Hy, Nguyễn Trọng Sơn, Phan Thị Phương tiến ra giữa sân nhà lao, giật dây cột cờ, kéo lá cờ ba que xuống và dùng tay xé nát cờ. Địch nổ súng, anh Lâm trúng đạn bị thương. Làn sóng đấu tranh dữ dội bùng lên, các tù nhân xốc tới, dùng tất cả những gì có trong tay đánh trả, một tốp tù nhân tràn vào chiếm được phòng phát thanh, dùng loa kêu gọi anh em nhà tù tiếp tục chiến đấu và kêu gọi nhân dân xung quanh khu nhà lao ủng hộ cuộc đấu tranh của tù thiếu nhi.

Qua 10 giờ giằng co quyết liệt, dù ra sức đàn áp nhưng địch không thể khuất phục được các chiến sĩ nhỏ tuổi, chúng yêu cầu ta cử đại diện thương lượng. Sau hơn một giờ đàm phán, một phần các yêu sách của tù nhân được địch chấp nhận…

Cuộc vượt ngục táo bạo

Sau cuộc đấu tranh làm chủ nhà lao ngày 22-3, một số yêu sách của các tù nhân trên thực tế đã không được đáp ứng. Trong khi đó, ở bên ngoài phong trào cách mạng đang có sự chuyển biến mau lẹ, giành được những thắng lợi lớn, điều này thôi thúc thêm sự khao khát của các anh chị được thoát khỏi nhà tù để trở về với phong trào cách mạng. Đó cũng là lý do dẫn đến cuộc vượt ngục táo bạo ngày 7-5-1973.

Anh Nguyễn Ẩm hiện sống ở phường 12, TP Đà Lạt cho biết: “Một hôm do sự cố, toàn bộ nhà lao bị mất nước, giám thị điều động một số anh em tù ra hồ Than Thở xách nước. Trên đường đi, nhân lúc giám thị sơ hở, tôi và anh Hay cùng nhau trốn đi. Tôi vốn là người Đà Lạt, thông thạo đường đi lối lại nên nhanh chóng tìm được cơ sở của ta tại ấp Thái Phiên (nay là phường 12, TP Đà Lạt), sau đó chúng tôi đã báo cáo với đồng chí Huỳnh Đông, Bí thư Thị ủy Đà Lạt về nhu cầu vượt ngục của anh em trong trại. Một kế hoạch vượt ngục được vạch ra”.

Nhằm phối hợp giữa bên trong và bên ngoài trong quá trình vượt ngục, chị Nguyễn Thị Chính, nữ giao liên của Thị ủy Đà Lạt được giao nhiệm vụ tìm cách đưa kế hoạch vào trong tù. Trong vai người nhà thăm nuôi tù nhân, chị Chính viết kế hoạch bằng mật ngữ lên tờ giấy xi măng, sau đó nhồi vào ruột ổ bánh mì.

Theo kế hoạch, cuộc vượt ngục sẽ diễn ra vào đêm mồng 6-5-1973. Tuy nhiên, do tình hình trong trại quá nghiêm ngặt, địch liên tục điểm danh nên các anh không thể hành động. Đêm mồng 7-5, tất cả tù nhân phòng C quyết tâm bằng mọi giá phải vượt ra ngoài bằng được, nếu không thời cơ sẽ không còn và kế hoạch có thể sẽ bị lộ. Đúng 12 giờ đêm, theo sự phân công, anh Nguyễn Chay tiến hành đục la phông trần nhà, đây là công việc khó khăn và nguy hiểm nhất vì phía trên la phông, bọn địch đã giăng kín dây kẽm gai và hệ thống này được đấu nối với nguồn điện cao thế. Để tránh điện giật, các anh đã xé quần áo, sau đó quấn vào tay gỡ kẽm gai và treo lên nóc. Từ đây, các mảnh vải tiếp tục được liên kết thành sợi dây để đu người xuống. Việc di chuyển được tiến hành vô cùng thận trọng và hết sức bí mật. Gần 2 giờ sáng, 13 người đã thoát ra bên ngoài nhà tù.

Theo quy ước ban đầu, khi các tù nhân ra tới hàng rào cuối cùng của trại giam sẽ có lực lượng của ta đón ở đấy. Tuy nhiên do đêm trước vỡ kế hoạch, đêm nay lại quá trễ nên lực lượng của ta đã rút đi. Mọi người tiếp tục di chuyển tới điểm hẹn thứ hai và phát tín hiệu nhưng vẫn không thấy ai ra đón. Sự lo âu hiện rõ trên mặt mỗi người, họ tiếp tục di chuyển tới điểm hẹn thứ 3. Lúc này bọn địch phát hiện có tù nhân trốn, chúng báo động và tổ chức lực lượng truy đuổi. Rất không may trong quá trình di chuyển, do trời tối nên anh Ngô Bê và Trần Công Khanh bị lạc đường, bị địch phát hiện và bắt lại, 11 người khác phải ngâm mình xuống suối, dùng cỏ phủ kín đầu, chỉ chừa mũi để thở, trải qua một ngày ngâm mình dưới trời mưa và dòng nước lạnh buốt, đến 21 giờ ngày 8-5, họ tới được nhà má Năm Tịch, một cơ sở cách mạng của ta tại ấp Sào Nam, tại đây họ được má Tịch cho ăn uống, thay quần áo và đưa về che giấu trong từng nhà cơ sở cách mạng của ta. Đến này 14-5-1973, họ được Đại đội đặc công 850, tỉnh đội Tuyên Đức đưa ra chiến khu an toàn.

Trước khí thế đấu tranh ngày càng dâng cao, biết không thể lập lại trật tự hà khắc của nhà lao trước đây, đặc biệt do thất bại trong việc “gột rửa tư tưởng cộng sản” đối với các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi. Tháng 6-1973, chính quyền Sài Gòn đã phải ra lệnh xóa sổ Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Toàn bộ tù nhân được địch chuyển về nhà lao các địa phương để trao trả theo cam kết của Hiệp định Pa-ri, một số khác vẫn bị chúng tiếp tục giam giữ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt chuyển thành Trung tâm bảo hộ thiếu nhi do Ty xã hội tỉnh Tuyên Đức quản lý. Việc kết thúc nhanh chóng số phận của nhà lao này là kết quả của quá trình đấu tranh ngoan cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi suốt hơn 2 năm trời.

Lời kết

Sau ngày miền Nam giải phóng, các cựu tù thiếu nhi Đà Lạt dù sống tại nhiều miền quê và đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng vẫn luôn phát huy truyền thống bất khuất của những ngày đấu tranh trong lao tù, ra sức học tập, trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Năm 2009, tập thể cựu tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và các đồng chí: Liệt sĩ Trần Bình, Ngô Tùng Chinh (tức Ngô Kỳ), Mai Thanh Minh (tức Mai Bốn), Đặng Bảo Xi được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được công nhận là “Di tích lịch sử quốc gia”, trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

———–

Bài 1: Địa ngục trần gian

Bài 2: Khí phách tuổi 15

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
qdnd.vn