Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > 26 ngày đêm, sôi động tác chiến Binh đoàn

26 ngày đêm, sôi động tác chiến Binh đoàn

Tháng Tư 30, 2013

Tác phẩm ” Chiến trường mới” của Tướng Nguyễn Hữu An

Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, với cương vị Tư lệnh  Binh đoàn Hương Giang tháng 3 năm 1975, trong tác phẩm “Chiến trường mới” ông đã mô tả những hoạt động rất nhạy bén, kịp thời của “Quả đấm chủ lực”, tại chiến trường Huế – Đà Nẵng. Cùng với những mũi tiến quân của Bộ đội Tây Nguyên tác chiến tấn công băng qua những con đèo như Tu-Na đường số 7, Ma-đrăk đường số 21, An Khê đường số 19 về duyên hải, Binh đoàn Hương Giang vừa thành lập đã trở thành mũi dùi sắc nhọn, chiếm đường số 1 đánh thốc vào nam, chiếm đèo Mũi Né, Phước Tượng,… qua đèo Hải Vân giải phóng Đà Nẵng, căn cứ  quân sư liên hợp  khổng  lồ có  đủ  hải  lục  không quân, tạo đà, tạo lực, tạo thế hình thành một cánh quân Hướng Đông rất lợi hại.

Xin trích đăng những diễn tiến khẩn trương của Binh đoàn qua mô tả của “vị tướng trận mạc”:

Gọng kìm lớn

Hệ thống phòng thủ Tây Nguyên hoàn toàn tan vỡ, như tiếng sét kinh hoàng, cộng với sự tấn công mãnh liệt của quân và dân Trị – Thiên trong chiến dịch „K.175“ làm cho toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân khu 1 ngụy rạn nứt, vỡ từng mảng và đang trên đà tan vỡ hoàn toàn. Thời cơ đến, Quân đoàn 2 chúng tôi đã “nhảy vọt” vượt qua các bước, các mục tiêu cơ bản của kế hoạch tác chiến chiến dịch, mà vẫn cảm thấy mình còn chậm trễ.

Tình hình chiến sự phát triển rất nhanh. Qua đài quan sát và các đơn vị báo cáo về, tôi thấy đội hình địch có hiện tượng rối loạn, mất chỉ huy, trên sóng vô tuyến chúng không còn dùng mật ngữ, chúng kêu cứu, chửi bớt tục tĩu…

Ở sở chỉ huy tiền phương quân đoàn, chúng tôi thấy khả năng tiêu diệt sư đoàn 1 và một số liên đoàn biệt động quân nằm trong tầm tay; giải phóng thành phố Huế chỉ còn là ngày một, ngày hai; phải chuyển tốc độ tấn công nhanh hơn nữa.

Nếu quân ta giữ vững được đoạn đường số 1. Nếu địch thấy không còn khả năng giữ nổi Huế mà muốn co cụm về Đà Nẵng chỉ còn lối thoát ra biển qua cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Từ sự phán đoán đó chúng tôi xác định quyết tâm phối hợp với Quân khu Trị – Thiên giải phóng thành phố Huế và giao nhiệm vụ tác chiến tiếp theo cho các đơn vị:

Sư đoàn 325 dùng một trung đoàn nhanh chóng phát triển tiến công tiêu diệt căn cứ Lương Điền, hợp cùng với sư đoàn 324 theo đường số 1 đánh lên Phú Bài và Huế. Một trung đoàn đánh vào phía nam diệt chi khu Phú Lộc, chiếm đèo Mũi Né, Phước Tượng, đưa lực lượng bịt cửa Tư Hiền và sẵn sàng bẻ gãy các lực lượng địch từ Đà Nẵng tiến ra giải tỏa đường số 1.

Sư đoàn 324  đang tác  chiến  ở Núi Bông, Núi Nghệ, 303 – Mỏ Tàu, nhanh chóng cho trung đoàn 1 và trung đoàn 2 tìm đường vòng cơ động thọc sâu xuống đồng bằng ven biển, hình thành thế bao vây chiến dịch từ phía đông và phía đông nam, không cho địch chạy ra cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Trung đoàn 3 được tăng cường một đại đội xe tăng của lữ 203 nhanh chóng tiến xuống diệt căn cứ La Sơn và phát triển về phía bắc phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt địch giải phóng Huế. L ữ  đoàn pháo binh 164 nhanh chóng di chuyển ít nhất được hai khẩu pháo 130 ly về chiếm lĩnh điểm cao 75 – 76 bắn xuống cửa biển Thuận An, Tư Hiền.

Cuộc chiến đấu hành tiến thần tốc. Sau một đêm sư đoàn 324 rời ra vùng rừng núi (23-3), mũi thọc sâu của quân đoàn là trung đoàn 1 và 2 đã có mặt ở đồng bằng Phú Lộc và tiếp tục tiến về cửa Thuận An. Số quân còn lại trung đoàn 3 bao vây Núi Bông, Núi Nghệ, 303; chiều ngày 23 tháng 3 được đại đội 4 xe tăng từ A Lưới vào chi viện cho tiểu đoàn 7 (trung đoàn 3) tiến công chiếm Núi Bông, Núi Nghệ và căn cứ 303. Tiếp đó trung đoàn 3 và đại đội 4 xe tăng lao thẳng xuống đường số 1.

Địch thấy không còn khả năng rút chạy vào Đà Năng bằng đường số 1, Tướng Ngô Quang Trưởng, quyết định “rút”  bằng đường biển. Một bộ phận qua cửa Thuận An, một bộ phận qua cửa Tư Hiền. Nhưng chúng chưa kịp thực hiện, thì chiều ngày 23 tháng 3 trung đoàn 1 và 2 (sư đoàn 324) đã chiếm cửa Thuận An, trung đoàn 18 (sư đoàn 325) cùng bộ đội địa phương đã áp sát cửa Tư Hiền. Thành phố Huế lúc này nằm trong gọng kìm lớn của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị – Thiên.

Thời cơ giải phóng Huế đã xuất hiện. Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định sử dụng trung đoàn 101 (sư đoàn 325) nhanh chóng đánh chiếm Phú Bài mở đường cho quân đoàn tiến vào giải phóng Huế. Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn đã thực hiện đúng phương án chúng tôi vạch ra: dùng một tiểu đoàn vu hồi đánh chiếm quận lỵ Hương Thủy, đại bộ phận trung đoàn dưới sự yểm trợ hỏa lực của đại đội 4 xe tăng theo đường số 1 tiến công chính diện căn cứ Phú Bài.

Tảng sáng ngày 25 tháng 3 tiểu đoàn 3 đã nổ súng đánh chiếm quận lỵ Hương Thủy, cùng lúc trung đoàn 101 đánh vào Phú Bài. Địch bị bất ngờ tháo chạy hỗn độn, bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó có một đoàn xe cơ giới đang nổ máy. Đại đội 4 xe tăng của ta đã thu dụng ba chiếc xe tăng M.48, hai xe bọc thép M.113 để tăng cường lực lượng của mình.

Sau khi giải phóng Phú Bài và Hương Thủy, trung đoàn 101, tiếp theo là trung đoàn 3 bộ binh có xe tăng đi cùng được nhân dân địa phương giúp phương tiện (xe lam, xe tải và cả xe hon đa) vận chuyển tiến rất nhanh vào nội đô Huế. Đúng 13 giờ ngày 25 tháng 3 tiểu đội phó tiểu đội trinh sát Nguyễn Văn Phương đã cắm cờ chiến thắng lên Phú Văn Lâu.

Một bộ phận của trung đoàn 3 (sư đoàn 324) cùng xe tăng, chiều ngày 25 tháng 3 đã tiến vào sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy ở Mang Cá và tới giải phóng cho hơn 2.000 tù chính trị ở nhà lao Thừa Phủ…  Cùng thời gian đó các lực lượng của Quân khu Trị – Thiên từ hướng bắc cũng tràn vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố.

“ Một ngày bằng hai mươi năm

Chiều 25 tháng 3 sở chỉ huy tiền phương vào đóng trong thành Mang Cá. Các cán bộ của sư đoàn 325 và trung đoàn 6 Trị – Thiên cũng có mặt ở đây. Một lát sau tôi gặp Tổng tham mưu phó Giáp Văn Cương và tư lệnh phó Trị – Thiên Dương Bá Nuôi. Chúng tôi vui mừng chào nhau bằng cái bắt tay siết chặt.

Qua kẻ địch bị tiêu diệt, tan vỡ ở Trị – Thiên – Huế và những tin tức các chiến trường khác chúng tôi thu lượm được, thấy khả năng thứ hai đã rõ. Và những gì chúng tôi đã làm là đúng hướng, chỉ cần tổ chức đôn đốc khẩn trương hơn.

Bộ tư lệnh Quân đoàn hội ý khoảng một giờ, mục đích phân công và bàn giao lại một số việc cho địa phương. Tôi cùng anh Công Trang phó chính. ủy và tham mưu trưởng quân đoàn Bùi Công Ái trực tiếp chỉ huy “cánh quân đường 14,” gồm sư đoàn 324, trung đoàn 9 (sư đoàn 304) và tiểu đoàn xe tăng, những đơn vị vất vả bao năm trên rừng núi, đánh vào Phước Tượng sở chỉ huy sư đoàn 3 ngụy rồi phát triển xuống Đà Nẵng.

Phó tư lệnh quân đoàn Hoàng Đan trực tiếp chỉ huy cánh quân theo đường số 1 gồm trung đoàn 18 (sư đoàn 325) và lực lượng tại chỗ của Quân khu 5, đánh chiếm đèo Hải Vân vào Đà Nẵng

Tôi điện cho sư đoàn 304 từ Thượng Đức đánh xuống tây nam Đà Nẵng; giao cho cơ quan tham mưu làm kế hoạch hiệp đồng nội bộ quân đoàn và hiệp đồng với Quân khu 5, giao cho hậu cần nhanh chóng thu hồi các cơ sở hậu cần của địch để kịp phục vụ cho các hướng tiến công của quân đoàn…

Như vậy Binh đoàn Hương Giang đã chủ trương hai hướng đánh chủ yếu, từ ngang sườn đất nước, và đánh dọc đường số 1 từ Bắc vào Nam. Nếu không có chiến thắng Thượng Đức, Nông Sơn…, làm sao ta có những căn cứ bàn đạp để nhanh chóng chớp thời cơ “ Một ngày bằng hai mươi năm” như thế. (TDB)

Cách đánh chung cho các hướng: tiến công trong hành tiến.Tôi rất tự hào về đội ngũ cán bộ quân đoàn. Mỗi khi quyết tâm chung được xác định, hoặc một mệnh lệnh của tư lệnh phát ra là guồng máy cơ quan đồng cấp, trên dưới ăn ý nhau chuyển động rất nhịp nhàng. Lữ đoàn công binh 219 khẩn trương sửa đường, bắc lại cầu Truồi để lực lượng cơ giới cơ động.

Trung đoàn thông tin 463 nhanh chóng xây dựng mạng thông tin vô tuyến kịp thời cho tổ chức thông tin chỉ huy…  Ở hướng đường số 1, trung đoàn 18 (sư đoàn 325) dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Hồng Lẫm và quân đoàn phó Hoàng Đan hết sức chủ động linh hoạt. Ngày 23 tiêu diệt chi khu Phú Lộc xong lập tức phát triển, ngày 24 tháng 3 đã đánh chiếm căn cứ lữ đoàn 258 lính thủy ở đèo Tượng, và ngày 26 trung đoàn tiếp tục diệt cứ điểm Thổ Sơn…

Sau khi mất Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi cho các tư lệnh quân khu bức công điện số 015/TT/CĐ ngày 25 tháng 3 năm 1975, trong đó yêu cầu: “Tất cả những tỉnh, những phần đất còn lại của Việt Nam Cộng hoà hiện còn đến ngày 25-3-1975 phải được tử thủ và bảo vệ đến cùng… chỉ huy các cấp phải vận dụng mọi sáng kiến và phương tiện để phản công”. Thực hiện lệnh này, ngày 26 tháng 3, trung tướng Ngô Quang Truởng cố gắng thu gom các đơn vị còn lại với tổng số quân trên dưới 75.000 người về phòng thủ thành hai tuyến quanh Đà Nẵng.

  • Tuyến ngoại vi: Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến (thiếu) và Liên đoàn bảo an 914 giữ Hải Vân từ Phước Tuờng đến Liên Chiểu. Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến và trung đoàn 57 (sư đoàn 3) giữ Đại Lộc và Đồng Lâm. Lực lượng còn lại của lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến (khoảng 1 tiểu đoàn) và Bộ tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến giữ sân bay Nuớc Mặn. Trung đoàn 56 (sư đoàn bộ binh 3) giữ Vĩnh Điện. Trung đoàn 2 (sư đoàn 3) ở Ninh Quế. Liên đoàn 15 biệt động quân giữ Bà Rén.
  • Tuyến tử thủ: Liên đoàn 912 bảo an, các đơn vị còn lại của các thiết đoàn 11 và 20 phòng thủ địa đoạn Phước Tường – Hòa Mỹ. Ba tiểu đoàn còn lại của sư đoàn 1, sư đoàn 2 bộ binh và liên đoàn 12 biệt động quân và 3.000 tân binh của trại huấn luyện Hòa Cầm phòng thủ khu vực từ căn cứ Hòa Cầm đến căn cứ Nuớc Mặn. Các tiểu đoàn bảo an độc lập làm dự bị cơ động trong nội đô.

Tướng Trưởng vẫn còn trong tay 12 tiểu đoàn pháo binh các loại (trong đó có 4 tiểu đoàn được tái trang bị) và sư đoàn 1 không quân bố trí tại các sân bay Đà Nẵng và Nước Mặn là những đơn vị hầu như chưa bị tổn thất để yểm hộ cho các tuyến phòng thủ

Tư liệu tham khảo

Thấy nguy cơ Đà Nẵng bị uy hiếp, bộ chỉ huy quân đoàn 1 ngụy vội vã lệnh cho lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ và liên đoàn 914 bảo an phá cầu Thừa Lưu, rút về đèo Phú Gia, Lăng Cô, Hải Vân xây dựng trận địa lâm thời phòng ngự.  Ngày 27 tháng 3 trung đoàn 18 tiến đánh đèo Phú Gia. Trung đoàn pháo binh 84 vừa mới xuống núi đã linh hoạt sử dụng ngay pháo của địch ở Phú Lộc, Phước Tượng chi viện cho trung đoàn 18. Đến lúc này mọi người mới thấy tác dụng của việc huấn luyện cho bộ đội biết sử dụng xe pháo và vũ khí của địch là cực kỳ quan trọng.

Địch ở Phú Gia chống cự quyết liệt. Máy bay, pháo binh của chúng bắn phá dữ dội để chi viện cho bọn lính thủy đánh bộ bảo vệ vòng ngoài của Đà Nẵng, nhưng cuối cùng chúng vẫn phải rút chạy. Thừa thắng quân ta tiến lên giải phóng luôn Sơn Hải, An Hải và Loan Lý. Chiều ngày 28, bộ phận đi đầu của trung đoàn đã tới chân đèo Hải Vân.

Trận đánh ở khu vực Lăng Cô chân đèo Hải Vân diễn ra căng thẳng giằng co (nhất là khu vực cầu Lăng Cô) gần hết một ngày, mãi tới 20 giờ ta mới hoàn toàn làm chủ. Và cũng từ giờ phút đó cửa vào Đà Nẵng đã mở xong.

Trên hướng đường 14, khoảng cách từ điểm xuất phát tới vị trí tập kết khoảng 70 cây số, vừa đi vừa phải gỡ mìn, vừa phải xua bọn địch ở ven đường, nên mãi tới tối 28 trung đoàn 9 và các đơn vị phối thuộc mới tới khu tập kết. Các đơn vị đang chuẩn bị đánh Đá Đen, chưa kịp đánh địch đã rút chạy.

Cùng ngày 28 có nhiều sự kiện quan trọng. Theo chỉ thị của Bộ, tôi hạ lệnh cho lữ đoàn pháo 164 cho trận địa pháo tầm xa đặt ở Mũi Trâu, nhanh chóng cùng các trận địa pháo của toàn mặt trận bắn uy hiếp dữ dội vào quân cảng, sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy và sân bay Đà Nẵng. Sau vài giờ pháo binh của ta phát hỏa, tôi nhận được nhiều tin. Tình hình thành phố Đà Nẵng trở nên rối loạn. Từng toán binh lính ngụy xông vào nhà dân cướp bóc, hãm hiếp. Sân bay bị tê liệt. Từng đoàn xe, đoàn người chầu chực chuẩn bị di tản, lại rồng rắn trở vế thành phố. Khu trung tâm thông tin ở Đà Nẵng bị phá hủy; liên lạc Đà Nẵng – Sài Gòn bị cắt đứt. Trên các làn sóng vô tuyến luôn chen chúc tiếng kêu cứu, tiếng chửi rủa của bọn lính ngụy…   7 giờ sáng 25 tháng 3 Quảng Ngãi đã hoàn toàn giải phóng. Như vậy hai phía đường1 ta đã làm chủ. Đà Nẵng bị cô lập đường bộ hoàn toàn. Chúng tôi thấy thời cơ tổng công kích vào Đà Nẵng đã tới, tôi hạ lệnh cho các đơn vị ở các hướng khẩn cấp tiến lên. Đơn vị nào có điều kiện tiến nhanh hơn thì vào sớm, không phải chờ đợi.

Ở hướng đường số 1, ngay trong đêm 28 anh Hoàng Đan đã điều động đại đội xe tăng PT.85 tăng cường cho sư đoàn 325. Trung đoàn 84 pháo binh vừa hành quân tới đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa pháo 105 và 155 ly cua địch ở Lăng Cô và Phú Gia; chuẩn bị ngay phần tử bắn sẵn sàng chi viện cho bộ binh chiếm đèo Hải Vân.

5 giờ sáng ngày 29 phó tư lệnh quân đoàn Hoàng Đan phát lệnh tiến công. Đạn pháo của trung đoàn 84 đồng loạt nổ liên hồi trong khu vực phòng ngự của lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ. Sư đoàn 325 cùng các đơn vị binh chủng phối thuộc ào ào chuyển động theo đường số 1. Pháo binh vừa chuyển làn, bộ binh, xe tăng của sư đoàn đã có mặt ngay trước trận địa địch. Địch bị bất ngờ, hoảng hốt chạy tan tác vào rừng. Khi ta tới đỉnh đèo, từng toán địch lẻ tẻ ra ngăn chặn. Được pháo binh và xe tăng yểm trợ đắc lực, các đơn vị đi đầu của sư đoàn vẫn giữ nguyên cách đánh trong hành tiến. Đại đội 6 dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Tiến Lai, liên tiếp tiêu diệt các toán địch chốt chặn, mở đường cho sư đoàn tiến quân. Tới 8 giờ, khi quân ta xuống gần chân đèo phía nam, gặp một cánh quân địch hành quân bằng cơ giới có xe tăng đi cùng. Một trận đụng độ quyết liệt diễn ra trong vài chục phút, cánh quân dịch hoàn toàn bị tiêu diệt và tan rã.   9 giờ 30 phút sư đoàn 325 cùng các đơn vị binh chủng phối thuộc vào tới cầu Nam Ô. Đồng bào ào ra chào đón, đứng chật hai bên đường. 10 giờ 30 sư đoàn 325 đã vào trung tâm thành phố chiếm cảng Đà Nẵng và tiến đánh bán đảo Sơn trà, cắt đứt hoàn toàn đường rút chạy của địch.

Trên hướng đường số 14, tối 28 tháng 3 nhận lệnh cấp tốc hành quân tiến công vào sở chỉ huy sư đoàn 8 của địch ở Phước Tượng. Đến 12 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3 trung đoàn 9 cùng các đơn vị phối thuộc đã đánh chiếm Phước Tượng, Hòa Khánh sở chỉ huy sư đoàn 3. Tiếp sau đó tiến xuống phối thuộc với trung đoàn 18 (sư đoàn 325) đánh chiếm Đà Nẵng. Tôi đi theo tiểu đoàn xe tăng ra chiếm bán đảo Sơn Trà. Tới đây tôi gặp quân đoàn phó Hoàng Đan, anh đang tổ chức cho pháo bắn theo tàu chiến  địch hối hả bỏ chạy. Có tin trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng đã không chờ “Việt cộng bước qua xác” mà đang ở trong một con tàu nào đó chạy ra khơi.

Trên hướng tây nam, sư đoàn 304 (trừ trung đoàn 9) đã đánh tan lực lượng địch ngăn chặn ở Ái Nghĩa và truy theo bọn tàn quân của lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ suốt dọc đường dài hơn 30 ki-lô-mét, rồi cùng các lực tượng của Quân khu 5 đánh chiếm sân bay, khu hành chính thành phố và nhiều mục tiêu quan trọng khác.

Trải qua 26 ngày đêm, Quân đoàn 2, Binhđoàn Hương Giang đã phối hợp chặt chẽ cùng với Quân khu Trị – Thiên và Quân khu 5 chiến đấu liên tục, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân đoàn 1, quân khu 1 và sư đoàn lính thủy đánh bộ của địch, thu toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng hoàn toàn Trị – Thiên – Huế và Quảng Nam – Đà Nẵng.

*  *  *

Trải qua chiến dịch này, chúng tôi rút ra được nhiều bài học quý giá. Quân đoàn đã hiểu đúng tình hình địch, ta và nhiệm vụ được trên giao, qua đó chọn đúng hướng tiến công chủ yếu, chọn đúng đối tượng và mục tiêu chủ yếu. Khi thời cơ xuất hiện đã kịp thời nắm bắt tận dụng thời cơ; kiên quyết liên tục, nâng cao tốc độ tiến công tạo thêm thời cơ mới. Chủ động linh hoạt sử dụng cách đánh thích hợp, từ cách đánh tiến công có chuẩn bị chuyển sang tiến công trong hành tiến đã làm cho quân địch không kịp trở tay…

TDB (biên tập, giới thiệu)
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam