Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Tính chất và đặc điểm 60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội (Tiếp theo và hết)

Tính chất và đặc điểm 60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội (Tiếp theo và hết)

Tháng Mười Hai 18, 2011

QĐND – Số rất đông chiến sĩ xung trận đêm 19-12-1946 là những người lần đầu tiên cầm súng. Đối mặt với một kẻ địch có truyền thống về lục quân hàng thế kỷ lại ưu thế tuyệt đối về binh khí kỹ thuật, nhất là pháo binh, xe tăng, cơ giới và đặc biệt là chúng đóng xen kẽ với ta trong từng đường phố trước giờ nổ súng, vấn đề đặt ra là làm sao tiêu diệt được sinh lực địch, kìm chân chúng dài ngày trong thành phố mà vẫn bảo toàn và phát triển được lực lượng của ta để kháng chiến lâu dài. Một bài toán lúc đầu đã mấy ai tìm được đáp số. Trải qua những ngày đầu bỡ ngỡ, từng bước nhận ra quy luật hành động của địch, cùng nhau suy nghĩ sáng tạo ra cách đánh có hiệu quả, tiêu hao được địch, đồng thời hạn chế được tổn thất của ta. Cách đánh nhỏ lẻ, rộng khắp, nảy sinh trong phong trào “bắn tỉa, săn tây” là những kinh nghiệm ban đầu rất quý giá rút ra từ cách đánh du kích trên đường phố Hà Nội những ngày đầu kháng chiến toàn quốc.

Tinh thần và quyết tâm diệt địch cộng với cách đánh cụ thể dần dần được xác định đúng đắn, là những yếu tố trực tiếp giúp quân và dân Thủ đô trưởng thành trong chiến đấu, cướp súng của địch trong từng trận để từng bước cải tiến trang bị của ta, không ngừng phát triển lực lượng và điều quan trọng nhất là cuối cùng đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ trên giao, cả về tiêu hao lực lượng địch và thời gian bám trụ dài ngày.

II

Đặc điểm hai tháng chiến đấu của quân và dân thủ đô Hà Nội

1. Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Hà Nội là cuộc chiến đấu có chuẩn bị từng bước vững chắc trong một thời gian dài(4). Được sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương, Bộ Quốc phòng- Tổng chỉ huy và của Thành ủy, nhịp độ công tác chuẩn bị chiến đấu ở Thủ đô tăng dần lên trong quá trình diễn ra ngày càng trắng trợn âm mưu, hành động khiêu khích và gây hấn của Pháp.

Tự vệ và nhân dân Thủ đô Hà Nội bố trí vật cản chặn địch ở khu chợ Đồng Xuân.
Ảnh tư liệu.

Trong điều kiện quân Pháp đã có mặt trong thành phố, đóng quân xen kẽ với ta trên từng đường phố, việc chuẩn bị chiến đấu của ta gặp không ít khó khăn. Nguyên tắc đề ra là phải bảo đảm bí mật, không tỏ thái độ khiêu chiến, không để chúng viện cớ để khiêu khích ta và cũng không mắc mưu khiêu khích của chúng, không để nổ ra xung đột sớm. Được sự giúp đỡ của nhân dân, bộ đội Vệ Quốc đoàn, Tự vệ thành và Công an xung phong đã triển khai công tác chuẩn bị từng bước vững chắc, việc gì cần và có thể làm trước thì làm trước, cũng có việc chỉ có điều kiện hoàn thành ngay sát giờ nổ súng như ngả cây to, hạ cột điện, làm ba-ri-cát sát nơi địch đóng quân… Do chủ động và có kế hoạch nên công tác chuẩn bị đã dần dần tạo thêm điều kiện thuận lợi để các lực lượng tham gia chiến đấu sẵn sàng chủ động bất ngờ đồng loạt nổ súng tiến công địch trong toàn thành phố khi có lệnh. Song song với việc chỉ đạo chuẩn bị chiến đấu của bộ đội, mọi công tác của cơ quan Tổng hành dinh, từ xây dựng kế hoạch tác chiến, chỉ đạo chuẩn bị chiến trường, bố trí lực lượng, huấn luyện chiến đấu bổ sung ngay trên địa bàn dự kiến, hoàn thành hệ thống tổ chức chỉ huy, động viên chính trị tư tưởng, đến chỉ đạo tản cư nhân dân, di chuyển các cơ quan Chính phủ và bộ máy lãnh đạo kháng chiến cùng cơ sở vật chất kỹ thuật ra ngoài thành phố… tất cả đều được triển khai bí mật, nhịp nhàng, chủ động.

Biết dự kiến thời gian chuẩn bị sao cho phù hợp và chỉ đạo chuẩn bị đúng hướng, đúng lúc, đồng bộ, toàn diện, chu đáo và bí mật, nên bộ máy điều hành các cấp, từ Bộ Tổng chỉ huy đến đơn vị cơ sở đã tạo thêm điều kiện để bộ đội bám trụ dài ngày và đánh thắng địch ngay từ đêm đầu trên địa bàn Thủ đô.

2. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô không diễn ra trong điều kiện địch từ ngoài đánh vào, mà chúng đã có mặt 9-10 tháng trên địa bàn thành phố. Trước giờ nổ súng và trong suốt hai tháng chiến đấu, địch và ta xen kẽ trong từng khu vực, từng đường phố. Trong tổng số trên dưới 50 vị trí, có 6 vị trí quan trọng địch tập trung binh lực lớn, từ 250 quân (như ở trường Bưởi) đến 1.800 quân (sân bay Gia Lâm). Một số mục tiêu, theo quy định của Hiệp định tham mưu hoặc Hiệp nghị liên kiểm, quân ta cùng gác chung với quân Pháp(5).

Bên cạnh 6.500 quân chính quy, trong thành phố địch còn một lực lượng chừng 7000 Pháp kiều được trang bị vũ khí ở rải rác trong khu vực hồi đó thường gọi là “khu phố tây”. Ngoài ra, chúng còn một mạng lưới gián điệp, phần lớn là tàn dư của Việt quốc, Việt cách để lại cùng với bọn Hán gian sau khi quân Tưởng rút khỏi thành phố, làm tay sai cho chúng trong quá trình chuẩn bị và diễn biến chiến đấu.

Với đặc điểm quân đội hai bên xen kẽ như vậy, vấn đề đặt ra là phải thường xuyên đề cao cảnh giác, vừa bảo đảm bí mật trong quá trình chuẩn bị chiến đấu, vừa đề phòng địch bất ngờ thực hiện kế hoạch đảo chính theo tinh thần chỉ thị trung tuần tháng 4 của tướng Valuy (khi đó còn là chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở miền Bắc Việt Nam)(6). Tuy nhiên, đặc điểm địch-ta ở xen kẽ trong thành phố cũng tạo thêm một điểm yếu đối với địch mà ta có thể tận dụng, đó là binh lực của chúng phân tán, dễ bị ta bất ngờ tiêu diệt khi có lệnh nổ súng.

Tự vệ và các cảm tử quân Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
Ảnh tư liệu.

Ta đã dựa vào kết quả điều tra để phân tích thế bố trí xen kẽ, phân tán và tương đối cố định của địch để vừa xây dựng kế hoạch tác chiến vừa đề phòng và ngăn chặn âm mưu đảo chính của chúng, đồng thời chủ động triển khai lực lượng theo phương án tác chiến đã định, khiến quân Pháp bị bất ngờ trước tiếng súng tiến công đồng loạt của ta đêm 19-12.

3. Hai tháng chiến đấu của quân và dân Hà Nội được sự chỉ đạo thường xuyên và kịp thời của Bộ thống soái tối cao và có quan hệ mật thiết với hoạt động của các chiến trường toàn quốc.

Trong 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo giải quyết nhiều vấn đề do thực tế chiến đấu đặt ra, như chọn cách đánh trong từng tình huống cụ thể, chọn thời cơ rút vào Liên khu 1, điều chỉnh và phát triển lực lượng, chọn thời cơ và phương thức lui quân bí mật, an toàn ra khỏi thành phố sau khi hoàn thành nhiệm vụ v.v..

Đặc biệt, suốt quá trình chuẩn bị cũng như trong diễn biến chiến đấu, ngoài sự chỉ đạo chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy Khu 11, Mặt trận Hà Nội luôn được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy, của Thường vụ Trung ương và nhất là được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi động viên. Nhờ sự quan tâm của Bộ Thống soái tối cao mà việc xây dựng kế hoạch tác chiến, chỉ đạo cách đánh, điều chỉnh chiến trường (nhất là việc Bộ Tổng chỉ huy sớm quyết định việc mở rộng địa bàn hậu phương Mặt trận Hà Nội về phía Hà Đông-Sơn Tây), điều động lực lượng tăng viện, giải quyết vấn đề hậu cần tiếp tế, động viên các chiến trường cả nước chia lửa với Thủ đô v.v.. đã được cấp chiến lược đặc biệt quan tâm chỉ đạo phối hợp trong suốt mấy tháng đầu kháng chiến toàn quốc. Quân và dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đẩy mạnh hoạt động theo tinh thần chỉ thị ngày 16-12-1946 của Thường vụ Trung ương. Các thành phố Huế, Đà Nẵng và nhất là Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương ra sức tiêu hao, kìm chân và căng kéo địch, hạn chế tăng viện của địch cho mặt trận Hà Nội.

Lực lượng vũ trang cả ba Liên khu của Mặt trận Hà Nội, đặc biệt là Liên khu 1, đã kiên cường đương đầu với địch suốt hai tháng ròng, nêu một tấm gương chiến đấu tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng với vị trí chiến lược quan trọng nhất, địa bàn trọng điểm của cuộc tổng giao chiến.

Đối lại, thắng lợi của Mặt trận Hà Nội đã có tác dụng cổ vũ rất lớn đối với các chiến trường, củng cố lòng tin vào khả năng chiến đấu và chiến thắng đối với quân dân các địa phương trong cả nước. Kết quả tiêu hao và kìm chân địch suốt 60 ngày đêm trong thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các ngành, các cấp, các địa phương chuyển toàn bộ đời sống xã hội sang thời chiến một cách chủ động, đầy tự tin. Về thế chiến lược quân sự toàn cục, hai tháng chiến đấu của quân và dân Hà Nội đã tác động thuận lợi đối với nhiều chiến trường trong cả nước. Riêng đối với Nam Bộ, như nhận xét của nhà sử học Phi-líp Đơ-vin, quân Pháp đã thất bại trong ý đồ “đánh cú quyết định vào đầu não” hòng tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc bình định miền Nam, cứu nguy cho Nam Bộ, nơi mà tình hình bi đát tới mức tướng lĩnh Pháp cảm thấy “đất đang sụt lở dư­ới chân mình”(7).

Quá trình diễn biến cuộc chiến đấu ở Hà Nội, quân Pháp rất mong nhanh chóng mở rộng chiến sự ra ngoại thành, “truy lùng và tóm gọn” cơ quan lãnh đạo kháng chiến để kết thúc chiến tranh. Nhưng quân và dân Thủ đô đã buộc chúng phải chôn chân dài ngày trong thành phố. Trong 60 ngày đêm đó, cơ quan lãnh đạo kháng chiến vẫn đứng chân bí mật an toàn ở vùng Chương Mỹ, sát kề Hà Nội, chỉ cách thành phố chừng 20km đường chim bay. Tại đó, sự chỉ đạo các chiến trường trong cả nước vẫn được giữ vững. Cũng tại đó, hai cuộc hội nghị quan trọng(8) đã được triệu tập nhằm phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề ở tầm chiến lược cả về quân sự và chính trị do thực tế những ngày đầu kháng chiến đặt ra.

4. Cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô có sự kế thừa những bài học kinh nghiệm ban đầu của các chiến trường bạn đã đi trước trong cuộc đọ sức với địch.

Cuộc kháng chiến nổ ra ở Hà Nội khi mà nhiều chiến trường từ Nam chí Bắc (Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Hải Phòng, Lạng Sơn …) đã trải qua thực tế chiến đấu với địch. Sài Gòn là thành phố đi đầu, trước Hà Nội 15 tháng và gần nhất là Hải Phòng và Lạng Sơn, trước Hà Nội một tháng. Mỗi địa phương một vẻ, các tình huống chiến lược đều không giống nhau, nhưng những kinh nghiệm còn rất sơ lược ấy ít nhiều đã giúp cho Bộ Thống soái tối cao cũng như Bộ chỉ huy Đặc khu 11 những hiểu biết cần thiết phục vụ cho quá trình chỉ đạo chuẩn bị và thực hành chiến đấu. Mặc dù lúc này cơ quan tham mưu chiến lược còn hạn chế về nhiều mặt (kiến thức nghiệp vụ, khả năng nắm tình hình địch, trình độ tổ chức chỉ huy, trang bị kỹ thuật…) nhưng, với trách nhiệm và sự cố gắng cao nhất của mình, Bộ Tổng tham mưu đã tạo điều kiện cho Bộ chỉ huy Khu 11 nắm được những vấn đề mấu chốt nhất trong kinh nghiệm lãnh đạo và chỉ huy của các chiến trường đã trải qua cọ xát với địch.

Nét đặc sắc trong kinh nghiệm của Sài Gòn và nhất là Hải Phòng là làm thế nào hạn chế được uy lực của xe tăng cơ giới địch cơ động trên đường phố. Vật cản, ụ ba-ri-cát… hình thành trong cái mà Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ gọi là “chiến thuật cài then cửa”, là bước phát triển kinh nghiệm của Sài Gòn, Hải Phòng được vận dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội. Từ thực tế của Hải Phòng, bài học rút ra là phải luôn đề cao cảnh giác và tỉnh táo, không để kẻ địch khiêu khích, đánh trước hay tìm cớ thực hiện mưu đồ đảo chính. Mặt khác phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng tiến công địch. Nhiệm vụ và cũng là khẩu hiệu hành động trên đề ra cho quân và dân Hà Nội hồi đó là: Quyết không bị bất ngờ, không để sự kiện Hải Phòng tái diễn trên đường phố Thủ đô!.

Rõ ràng kinh nghiệm của các chiến trường đi trước là rất quý đối với Mặt trận Hà Nội, góp một phần quan trọng vào thắng lợi trong hai tháng chiến đấu liên tục của quân và dân Thủ đô.

***

Những tính chất và đặc điểm trên đây liên quan mật thiết với nhau, tác động qua lại và bổ sung lẫn cho nhau, quy tụ lại tạo thành những yếu tố quyết định thắng lợi của quân và dân Thủ đô, cụ thể là hoàn thành vượt mức nhiệm vụ chiến lược trên giao. Với thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng đó, Mặt trận Hà Nội đã thể hiện trọn vẹn vai trò chiến trường trọng điểm trong cuộc tổng giao chiến của quân và dân ta trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc.

Trần Trọng Trung

(4). Chín tháng chuẩn bị từng bước (nếu tính từ khi quân Pháp vào Thủ đô ngày 18-3-1946); hai tháng chuẩn bị cụ thể trực tiếp (nếu tính từ Hội nghị Quân sự toàn quốc ngày 19-10-1946). Công tác chuẩn bị hoàn tất về cơ bản một tuần lễ trước ngày nổ súng, tức là ngày 13-12-1946, ngày Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy triệu tập hội nghị các Khu trưởng từ Mặt trận Trung Bộ trở ra để kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu của các chiến trường.

(5). Như nhà Ngân hàng Đông Dương, ga Hàng Cỏ, Sở Liên kiểm Việt – Pháp, nhà máy điện, máy nước, máy đèn Bờ Hồ, cầu Long Biên, nhà in IDEO…

(6). Chỉ thị ngày 10-4-1946 của tướng Va-luy viết: Mỗi vị trí đóng quân phải có kế hoạch phòng thủ, đồng thời có kế hoạch sẵn sàng tiến công làm chủ thành phố…, phải thường xuyên bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch để sẵn sàng biến tấn kịch của cuộc hành binh mang tính chất đơn thuần quân sự thành một màn đảo chính.

(7). Xem Pa-ri-Sài Gòn-Hà Nội của Phi-líp Đơ-vin, Tạp chí Ga-li-ma, Pa-ri 1988.

(8). Hội nghị các Khu trưởng (12 đến 16-1-1947), hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng (14 đến 16-2-1947).

Tính chất và đặc điểm 60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội (Phần 1)

qdnd.vn