Trang chủ > Chiến tranh Việt Nam > Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

Tháng Tư 30, 2013

Đã 87 tuổi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh vẫn đau đáu với rừng. Ông yêu rừng như yêu chính cuộc đời ông. Mấy hôm nay ông mệt, ho nhiều, mặc dù khước từ nhiều báo xin đến phỏng vấn, nhưng ông vẫn dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuộc trao đổi rất sâu sắc xoay quanh vị trí quan trọng của rừng trên con đường Trường Sơn huyền thoại, nhân tiến tới kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tôi theo thơ Tố Hữu vào bộ đội

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: Internet

Ông hẹn trên máy, tiếp tôi vào 8 giờ 30 phút ngày 23-3. Trước khi đi tôi gọi điện lại xin ý kiến ông. Ông nói:

– Đúng 8 giờ 30 phút đồng chí đến nhé.

Kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo tôi ông là người làm việc rất nguyên tắc, nên 8 giờ 20  phút tôi đã có mặt ở 54 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thành phố Hà Nội (nhà riêng của ông). Cổng vẫn im ỉm khóa, tôi đứng chờ và đúng 8 giờ 30 phút thì cổng mở. Đồng chí cán bộ giúp việc dẫn tôi vào phòng khách, nơi ông chuẩn bị ngồi trao đổi với tôi. Mọi thứ trong nhà giản dị, nhưng ngăn nắp, nổi bật là hai bàn thờ, một bàn thờ ở chính giữa ông thờ mẹ ông và một bàn thờ ở bên phải thờ con trai thứ năm của ông, Liệt sĩ, Thượng úy, sĩ quan Pháo binh Nguyễn Tiến Quân.

Trên bàn, ông đã để sẵn tuyển tập thơ Tố Hữu. Bước từ phòng trong ra, ông nói:

– Từ hôm các đồng chí gọi điện, nhắc đến câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu ca ngợi rừng làm tôi không ngủ được. Đúng ra là tôi mong đến ngày được gặp các đồng chí để trao đổi vị trí quan trọng của rừng với cuộc sống chúng ta, chứ không chỉ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Dừng vài khắc, ông nói:

– Ta bắt đầu bằng thơ Tố Hữu nhé?

Quả thực tôi bị lúng túng trước câu nói của ông. Như hiểu ý tôi ông nói:

– Nếu thế hệ trẻ bây giờ không hiểu đầy đủ tầm tư tưởng của thơ Tố Hữu thì lỗi chính có khi lại ở thế hệ chúng tôi. Ngày ấy chúng tôi mới 15, 16 tuổi, đi học đứa nào cũng có trong túi 5,7 bài thơ Tố Hữu và “mê” thơ Tố Hữu như điếu đổ. Tôi theo cách mạng từ năm 1938, gia nhập quân đội tháng 12-1947 chính là nhờ đọc thơ Tố Hữu đấy. Hôm nay không phải bình luận về thơ Tố Hữu, mà tôi cũng không đủ trình độ để làm việc đó. Nhưng tôi phải nói với đồng chí rằng, Tố Hữu đã chuyển tải tư tưởng tiên tiến của thời đại, lòng yêu sâu thẳm đối với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc, với Bác Hồ vĩ đại thông qua nghệ thuật tinh xảo của thơ. Tố Hữu là con chim đầu đàn vạch hướng cho cả nền thơ ca cách mạng. Thơ Tố Hữu là chỗ dựa tâm hồn cho mọi người, nhưng đặc biệt là bộ đội. Tôi còn nhớ khi được nghe câu thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai” thì bộ đội Trường Sơn chúng tôi như được tiếp thêm một sức mạnh thần kỳ và chỉ sau 3 ngày câu thơ ấy được viết trang trọng trên tất cả các phương tiện của bộ đội Trường Sơn…

Đang đọc cho tôi nghe những câu thơ Tố Hữu viết về bộ đội, ông đột ngột hỏi:

– Này đồng chí, tôi không hiểu sao cho đến nay Hà Nội vẫn chưa có con đường mang tên Tố Hữu nhỉ.

Do công việc mà tôi được gặp ông một số lần, nhưng đây là lần đầu tiên được nghe ông nói về ảnh hưởng của thơ Tố Hữu với bộ đội ta.

– Thôi bây giờ ta chuyển sang đề tài rừng nhé – Ông nhấp một ngụm nước, nói to, rành mạch như nói trong hội nghị.

Nếu không có rừng!

Ông vẫn bắt đầu bằng thơ Tố Hữu:

– Thơ Tố Hữu khái quát: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Có lần ra họp Trung ương Tố Hữu nói với tôi, câu thơ đó ông lấy cảm hứng từ chiến dịch Việt Bắc… Nói là “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nhưng với điều kiện là ta phải biết giá trị của rừng, biết lợi dụng rừng, vì hai bên (địch, ta – PV) đều muốn có rừng để ngụy trang, cất giấu lực lượng che mắt đối phương. Tôi, hay bất cứ người cầm quân nào cũng có thể chứng minh được điều đó bằng những dẫn chứng rất sinh động qua các trận đánh, chiến dịch lớn trong lịch sử quân sự Việt Nam, nhưng theo yêu cầu của Báo Quân đội nhân dân hôm nay tôi chỉ nói rừng đã che chở bộ đội Trường Sơn như thế nào.

Dường như ông khỏe hơn, thông tuệ hơn, lãng mạn hơn, trẻ trung hơn khi kể cho tôi nghe những sự kiện liên quan đến “rừng” trên con đường Trường Sơn huyền thoại:

– Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đầu năm 1971, nhờ có rừng, nhất là rừng tầng tầng, lớp lớp bên nước bạn Lào mà ta đã ngụy trang thành công 5 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoàn tên lửa bắn hạ 550 máy bay trực thăng mà địch vẫn không phát hiện được nơi cất giấu pháo của quân ta.

Tôi tra cứu trong các tài liệu quân sự thì trận thua này của địch đã gây sự chú ý đặc biệt đến các nhà quân sự trên thế giới, nhất là phe đối phương đều nhận xét một cách hình ảnh: Rừng Việt Nam đã đánh bại Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” – Cuộc đổ bộ được chuẩn bị công phu nhất của ngụy quyền Sài Gòn, dưới sự yểm trợ của quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam…

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên rút trong trí nhớ kể cho tôi chiến thuật bắn những tốp máy bay địch đầu tiên của bộ đội ta trong Chiến dịch đã làm Mỹ hoàn toàn bất ngờ và cho đến nay cũng chưa được công bố:

– Biết kế hoạch đổ bộ của địch bằng máy bay trực thăng, chúng tôi đã báo cáo với anh Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, trực tiếp chỉ huy chiến trường miền Nam lúc đó, để bộ đội ngụy trang leo lên các cây cổ thụ dùng súng trường đặt đúng đường bay để tiêu diệt máy bay địch. Vậy là 36 chiếc trực thăng đầu tiên của địch bay vào đổ quân lên cao điểm 600 phía Nam đường 9 trên đất bạn Lào, đã bị bộ đội ta bắn rơi 35 chiếc, làm cho địch hết sức hoang mang, chọn đường bay khác bay cao hơn thì lại bị cao xạ và tên lửa của ta giấu trong rừng chờ sẵn tiêu diệt.

Ông nhấn mạnh:

– Nếu không có rừng, nhất là nếu không có những cây cổ thụ to, những tán cây 5 tầng lá trong rừng Lào thì bộ đội ta không thể “bám thắt lưng địch mà đánh” được như thế.

Ông cho biết, đối phó với rừng, từ sau thất bại ở Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, địch bỏ hẳn máy bay trực thăng, dùng những loại máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ, đặc biệt là AC-130 (Pháo đài trên không) để vận tải và dùng loại đạn 30 ly, 40 ly bắn từ trên cao xuống đường 12, con đường vận tải chiến lược của ta. Loại máy bay này bay cao, không quay vòng nên các loại pháo của ta bắn rất khó.

… Hai tháng đầu Bộ đội vận tải Trường Sơn bị thiệt hại khá lớn, làm cho ông mất ăn mất ngủ nhiều ngày. Ông nhớ lại ngày đó, có đêm ông thức trắng, nhìn vào rừng Trường Sơn thăm thẳm, nghĩ đến những chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp như: Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Trung Du, Điện Biên Phủ… bộ đội ta đều phải tác chiến trong rừng, nhử địch vào rừng để tiêu diệt… Vậy tại sao đóng quân trong rừng Trường Sơn bạt ngàn thế này lại thua địch? Và ông đã quyết định báo cáo với cấp trên dùng 4 trung đoàn công binh cơ động, mở ngay hai con đường dã chiến chạy song song (một đường cho xe vào, một đường cho xe ra) xuyên rừng Trường Sơn dài 850km, nối từ đường 12 đến Ngã ba Biên giới với yêu cầu nghiêm ngặt là tuyệt đối không được chặt hạ bất cứ cây rừng nào. Những đoạn chưa có cây thì trồng ngay tre che kín cuộn lại như đường hầm… Nhờ có rừng che phủ mà trên con đường này các loại xe vận tải của ta chuyển từ chạy ban đêm sang chạy ban ngày, mà địch vẫn không hề phát hiện được, trở thành đường vận tải chính chở quân và hàng hóa vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau này đường được phát triển nối dài ra các con đường xương cá vào đến tận chiến trường Nam Bộ. Do xe đi được ban ngày nên đã rút thời gian mỗi chuyến vận tải từ 15 đến 20 ngày đêm trước đây xuống chỉ còn 3 ngày, sau đường được củng cố tốt hơn thì chỉ mất 2 ngày.

Vậy là rừng không chỉ “che bộ đội” mà che được cả những đoàn xe hàng trăm chiếc. Rừng không chỉ “vây” mà còn “bịt mắt” quân thù. Đó là chưa nói những khu kho chiến lược, bệnh viện, trạm phẫu thuật dã chiến, những doanh trại của bộ đội ta cũng đều đặt trong rừng rộng hàng trăm héc-ta, cũng đều được rừng bao bọc. Nếu không có rừng thì chắc chắn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn.

“Tôi xin nhận khuyết điểm”

Ông thành thực nói với tôi như thế. Ông cho rằng trong đơn vị, hơn ai hết ông là người đã từng được tham gia nhiều chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, đã từng được thấy, được nghe tổng kết về vị trí lợi hại của rừng, mà ở rừng đại ngàn Trường Sơn ông đã không bám vào rừng mở con đường vận tải sớm hơn. Ông nói:

– Mở đường vận tải dã chiến muộn là điều ân hận nhất của tôi. Nếu lợi dụng được rừng mở đường sớm thì bộ đội ta còn đỡ thiệt hại hơn. Tôi nhận lỗi với Bộ đội Trường Sơn. Bây giờ tôi cũng nghĩ lại nếu ngày đó mình dùng xe công nông loại nhỏ để vận tải thì sẽ đi được cả ban ngày, ban đêm, lại không phải mở đường quá rộng, thậm chí mùa khô lái xe chỉ cần dùng la bàn định hướng là đi được trong những cánh rừng già, địch không tài nào có thể phát hiện ra được.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tuy muộn, nhưng ngay sau khi con đường vận tải xuyên rừng được mở ra thì phát triển rất nhanh ra cả chiến trường miền Nam, như con đường 46B phục vụ chiến trường Khu 5 cũng hoàn toàn được giấu trong rừng. Nhất là trong Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh… nhờ có rừng, biết lợi dụng rừng mà quân ta đã nghi binh được địch, đã vận chuyển, cất giữ được hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch…

Muốn giữ rừng thì phải giữ dân

– Còn nhiều dẫn chứng, còn nhiều chuyện xoay quanh vị trí quan trọng của rừng trong chiến tranh, nhưng thôi tôi muốn nói với đồng chí đôi điều về việc bảo vệ rừng hôm nay. Giá trị rừng thời bình còn gấp nhiều lần trong chiến tranh, nhất là địa hình nước ta chiều dọc rất dài, nhưng chiều ngang lại hẹp, nghiêng ra biển với độ dốc cao, nếu không có rừng để bảo vệ thì mưa nước từ núi cao sẽ quét sạch ra biển nhanh hơn khả năng ứng cứu của con người rất nhiều. Năm 2003 tôi đã được chứng kiến trận lũ quét lịch sử ở huyện Sông Cầu (nay là thị xã), tỉnh Phú Yên, chỉ diễn ra có 3 giờ mà lũ quét gọn 10 làng… Tố Hữu còn sống chắc nhà thơ sẽ viết: Rừng bảo vệ nhân dân/ Rừng vây thiên tai, vây môi trường độc hại. Tuy nhiên đáng tiếc là chúng ta lại không thấy hết được giá trị của rừng, cũng có người biết, nhưng vì lợi ích cá nhân, lợi ích của một bộ phận nên đã phá mất quá nhiều rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để làm dự án… Nhất là lại cho người nước ngoài thuê rừng thì lại càng nguy hại. Vừa qua có tỉnh cho thuê hàng nghìn héc-ta rừng, may mà Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ngăn chặn…

– Thưa ông đã từng có 7 năm được cử làm Đặc phái viên bảo vệ rừng của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, theo ông muốn bảo vệ rừng phải làm thế nào?

– Tất nhiên phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhưng muốn giải pháp gì thì giải pháp phải giữ được dân. Tôi nhấn mạnh là muốn giữ rừng thì trước hết phải giữ dân. Nghĩa là rừng phải phục vụ dân, rừng nuôi sống dân, rừng làm giàu cho dân. Còn bây giờ có nơi dân bỏ rừng là lỗi trong chính sách của chúng ta chưa hợp lý. Gần đây tôi đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ chuyển chương trình xóa đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi. Điều kiện làm giàu cho đồng bào miền núi thực ra là nhanh hơn ở đồng bằng, vì theo thống kê gần đây nhất thì vẫn còn bình quân 4ha rừng/hộ (gấp 3 lần diện tích đồng bằng). Nên giao khoán rừng cho dân, chọn mô hình mà ta đã từng làm thành công là: Khoán mỗi héc-ta trồng 600 cây bản địa gỗ quý để phòng hộ lâu dài (thuộc quyền quản lý của Nhà nước) do hộ đó trồng, chăm nom được trả tiền con giống, tiền bảo vệ lâu dài, ngoài ra hộ được trồng xen thêm 1.000 cây kinh tế và dược liệu, chăn nuôi gia cầm…; chân đồi làm nhà vườn để ở lâu dài. Mô hình này đã và đang thành công ở tỉnh Tuyên Quang, ta nên rút kinh nghiệm nhân rộng ra.

Ông còn rất say sưa nói về tầm quan trọng của rừng, tôi còn háo hức muốn nghe nhiều hơn nữa những điều ông nói, nhưng ngoài cổng đã lại có tiếng chuông báo đến giờ ông tiếp đoàn khách khác.

Tiễn tôi ra cổng ông lại hỏi tôi:

– Nếu không có rừng thì sao? Đó là cách hỏi để ông nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng của rừng và rõ ràng chúng ta đều hiểu rừng không chỉ quan trọng trong trận mạc./.

Huy Thiêm
qdnd.vn

Chuyên mục:Chiến tranh Việt Nam