Lưu trữ

Archive for the ‘Hồ sơ tư liệu’ Category

Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS

Tháng Một 1, 2016 Bình luận đã bị tắt

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã xuất hiện gần 2 năm, thế nhưng có rất ít thông tin về tổ chức, cơ chế hoạt động bên trong của nhóm khủng bố này. Một phần là bởi IS duy trì guồng máy an ninh, tình báo rất tinh vi. Một nhân vật tự nhận từng là thành viên trong mạng lưới an ninh, tình báo của IS và đã đào thoát khỏi hàng ngũ mới đây đã tiết lộ những thông tin gây sốc về mạng lưới này. Thông tin do tờ The Dailybeast (Mỹ) công bố, dựa trên nội dung các cuộc phỏng vấn với “kẻ đào tẩu”. Xem chi tiết…

Một phần lịch sử không thể lãng quên (*)

Tháng Một 3, 2012 Bình luận đã bị tắt

(Diễn văn của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen tại Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125)

Trước hết, tôi và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Cam-pu-chia xin bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã đón tiếp trọng thị Phái đoàn Cam-pu-chia; đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phu nhân, Ngài Lê Đức Anh, Ngài Lê Khả Phiêu và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã dành thời gian quý báu cùng chúng tôi tham gia buổi lễ kỷ niệm chiến thắng ngày 7 tháng 1 và tưởng niệm linh hồn các chiến sĩ Cam-pu-chia đã hy sinh vì sự nghiệp hồi sinh đất nước và nhân dân Cam-pu-chia với chiến thắng ngày 7-1-1979; đồng thời tham gia khánh thành Khu di tích lịch sử, nơi cư trú của những người Cam-pu-chia yêu nước và từ đây, khi điều kiện chín muồi, chúng tôi đã quay trở về đất nước Cam-pu-chia thân yêu, sát cánh bên nhau thành lập Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia, tiến tới thành lập Mặt trận đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia ngày 2-12-1978 tại thị xã Xnuôn, tỉnh Kra-tie. Đây chính là lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tấn công lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt ngày 7-1-1979, là nòng cốt của Đảng Nhân dân, Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước Cam-pu-chia tươi đẹp cho đến hôm nay.

Tôi xin chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo thuộc Chính phủ Hoàng gia, Quốc hội, Thượng viện và quân đội Cam-pu-chia đã đến tham dự buổi lễ này và xin được thứ lỗi đối với các cấp lãnh đạo kể cả những người đã từng đặt chân tới đây và những người chưa từng đặt chân tới đây vì lý do bận công tác trong nước mà không đến tham dự buổi lễ này được.

Nhân dịp này, tôi cũng xin chân thành cảm ơn Đảng, Chính phủ, Quân đội, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Quân khu 7 và tỉnh Đồng Nai nói riêng đã giữ nguyên mảnh đất, nơi an nghỉ của 49 chiến sĩ Cam-pu-chia trong suốt hơn 33 năm qua mà chúng tôi chưa có điều kiện để đưa hài cốt các chiến sĩ này về nước vì chúng tôi chưa thể tìm lại được thân nhân của họ. Đồng thời, tôi cũng xin được nói lên lời cảm ơn về việc xây dựng đài tưởng niệm, một di sản lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen tại buổi lễ.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Chỉ còn 5 ngày nữa thôi, nhân dân Cam-pu-chia sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7-1-1979/7-1-2012). Trước khi nói về ngày vui sau 33 năm đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng, cho phép tôi được nhắc lại lịch sử hình thành Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia.

Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng, sau ngày 17-4-1975, một chế độ diệt chủng đã được hình thành trên cả nước, người dân Cam-pu-chia bị sát hại, bị lùa ra khỏi thành phố, khu dân cư, quyền công dân bị tước đoạt, một chế độ không trường học, không chợ búa, không dùng tiền, người dân bị cưỡng bức lao động, chung sống trong các công xã, hành vi tra tấn và sát hại người dân ngày càng nghiêm trọng hơn…

Trước tình hình đất nước và nhân dân Cam-pu-chia lâm vào thảm họa, bản thân tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài 2 sự lựa chọn là: Thứ nhất, đứng lên đấu tranh vũ trang chống lại chế độ Pôn Pốt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tôi, lực lượng vũ trang này khoảng gần 2000 người, tấn công đánh chiếm huyện Mê-mốt, tỉnh Kam-pông Chàm và huyện Xnuôn, tỉnh Kra-tie để làm căn cứ đấu tranh vũ trang, nhưng tôi dự đoán sự lựa chọn này rất nguy hiểm, nếu có tình huống xảy ra khó có thể cứu vãn được, và cuộc nổi dậy này khó có thể cầm cự được trong vòng một tháng và sẽ bị Pôn Pốt dìm trong biển máu. Thứ hai, tôi phải ly khai chạy sang Việt Nam và đề nghị Việt Nam giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước vì khi đó tôi nhận được thông tin có một số người dân Cam-pu-chia đã chạy sang Việt Nam tị nạn. Lúc đó tôi nghĩ sự lựa chọn thứ hai này thật sự tốt hơn, nhưng vẫn có rủi ro, vì bọn Pôn Pốt cũng đã từng mở các cuộc tấn công vào một số khu vực của Việt Nam. Tôi luôn tự hỏi mình rằng, liệu mình có thể bị chết khi qua biên giới Cam-pu-chia – Việt Nam do giẫm phải mìn hoặc do đơn vị biên phòng Việt Nam hay không? Liệu mình có bị bắt giam do vượt biên trái phép hay không? Liệu Việt Nam có tin mình và đồng ý giúp mình không, trong khi Việt Nam vẫn đang quan hệ ngoại giao với Cam-pu-chia dân chủ? Và suy nghĩ cuối cùng của tôi là, liệu Việt Nam có thể bắt mình giao cho Pôn Pốt hay không? Để ứng phó với tình huống này tôi đã chuẩn bị sẵn trong người 12 cây kim và sẵn sàng tự sát nếu mình bị Việt Nam bắt giao cho Pôn Pốt.

Lúc 21 giờ, ngày 20-6-1977, tôi ra đi trong nước mắt và đau xót, tôi phải rời bỏ quê hương, rời xa người vợ thân yêu đang mang thai 5 tháng. Tôi bắt đầu đặt cược tính mạng của mình để tiến hành một cuộc đấu tranh. Khoảng 2 giờ ngày 21-6-1977, tôi cùng 4 cán bộ khác đã vượt biên giới sang Việt Nam và đến khoảng 14 giờ ngày 21-6-1977, chúng tôi đã vào đến ấp Hoa Lư, được nhân dân và du kích trong ấp đón tiếp. Sau khi hỏi thăm, người dân ấp Hoa Lư đã nấu cơm cho chúng tôi ăn, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm chúng tôi mới được ăn cơm, vì ở Cam-pu-chia khẩu phần ăn hằng ngày của chúng tôi là cháo. Tối 21-6-1977, chúng tôi được đưa về huyện Lộc Ninh, sau đó chiều ngày 22-6-1977, chúng tôi được đưa về thị xã Sông Bé.

Thật sự, chúng tôi là những người vượt biên trái phép và lúc đó thực chất phía Việt Nam cũng chưa biết chúng tôi có ý định tốt hay xấu trong bối cảnh Pôn Pốt coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và đã tấn công quân sự giết hại người dân Việt Nam, nhưng điều mà chúng tôi không ngờ đến là Việt Nam không coi chúng tôi là kẻ thù, chúng tôi không bị còng tay, không bị khám xét, không bị phân biệt hay có những lời nói đố kỵ đối với chúng tôi mà ngược lại chúng tôi được cung cấp lương thực, quân tư trang, thuốc lá, thuốc chữa bệnh… Mặc dù khác nhau về sắc tộc và bản thân chúng tôi là những người vượt biên trái phép, người dân Việt Nam cũng chưa biết chúng tôi là người tốt hay người xấu nhưng họ đã thể hiện tấm lòng nhân ái, tính nhân văn, tôn trọng nhân quyền. Tôi coi Việt Nam là một quốc gia kiểu mẫu, khác hẳn những gì mà bọn Pôn Pốt đã hành động, vượt biên bắt người dân Việt Nam làm ăn ở khu vực biên giới tra tấn, hỏi cung và sát hại.

Khi đó, phía Việt Nam chỉ muốn biết về thông tin tình hình chính trị, quân sự, kinh tế-xã hội Cam-pu-chia từ cơ sở đến Trung ương, và vấn đề này phù hợp với nguyện vọng của tôi. Tôi muốn cho cấp lãnh đạo Việt Nam biết được những hiểm họa đã và đang diễn ra tại Cam-pu-chia, đe dọa tính mạng của từng người dân Cam-pu-chia lương thiện và uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Vì vậy, tôi rất hứng thú trong việc trả lời các câu hỏi theo cách thảo luận giữa tôi và các cấp lãnh đạo Việt Nam, vì tôi chỉ muốn cho cấp lãnh đạo Việt Nam hiểu về tình hình Cam-pu-chia, và tôi cho rằng, chỉ có Việt Nam mới có thể giúp được nhân dân Cam-pu-chia.

Qua nhiều lần trao đổi với cấp lãnh đạo quân sự gồm cả cấp tá, cấp tướng trong nhiều ngày, suốt đêm 8-7-1977, tôi trực tiếp viết tay 2 bản báo cáo gửi cho lãnh đạo Việt Nam, sau đó ngày 9-7-1977, tôi viết một bức thư nữa gửi lãnh đạo Việt Nam mà tôi nghĩ rằng phía Việt Nam có thể lưu giữ những tài liệu lịch sử này.

Những nỗ lực của tôi và các cộng sự thật không vô ích bởi vì lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã đọc được báo cáo và thư của tôi, rồi sau đó ngày 27-9-1977, tôi đã gặp trực tiếp Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 2 giờ 40 phút (từ 8 giờ đến 10 giờ 40 phút). Trong cuộc gặp này, ông đã nói với tôi rằng, ông đã đọc báo cáo và ý kiến của tôi. Cuộc gặp giữa tôi với Ngài Văn Tiến Dũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp của dân tộc Cam-pu-chia. Mặc dù chưa giải quyết được vấn đề cụ thể, nhưng ông ấy đã nói với tôi rằng, đồng chí còn rất trẻ, tương lai còn dài, hãy giữ bí mật, quan tâm theo dõi tình hình, học tập. Và cuối cùng ông nói là chúc đồng chí mạnh khỏe, hãy tin vào tương lai. Lời căn dặn và lời chúc của Ngài Văn Tiến Dũng đã mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng, vấn đề còn lại là thời gian. Cấp lãnh đạo Việt Nam ngày càng hiểu rõ hành động tàn bạo của bọn Pôn Pốt trước những cuộc tấn công của chúng chống lại nhân dân Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Tây Ninh, bọn chúng đã tàn sát và làm bị thương rất nhiều người. Các cuộc tấn công của bọn Pôn Pốt vào lãnh thổ Việt Nam ngày càng ác liệt hơn đã buộc Việt Nam phải phản công để tự vệ.

Tháng 12-1977, tôi có cơ hội thâm nhập vào huyện Mê-mốt để tìm vợ và con tôi nhưng thật không may là tôi không tìm thấy họ và cũng không biết họ còn sống hay đã chết. Dù không được gặp vợ con nhưng tôi đã gặp lại nhân dân và cũng đã đề nghị phía Việt Nam cho phép nhân dân Cam-pu-chia đang bị uy hiếp tính mạng sang Việt Nam tỵ nạn. Phía Việt Nam nhất trí theo đề nghị của tôi, số người Cam-pu-chia chạy sang Việt Nam lên tới hàng chục nghìn người, số này đa phần là người ở tỉnh Kam-pông Chàm, Prêy Veng, Xvay Riêng và đây chính là một nguồn lực để xây dựng lực lượng vũ trang sau này.

Vào khoảng tháng 12-1977 và tháng 1 và 2-1978 các bạn Việt Nam đã tạo điều kiện cho một số cán bộ chạy sang tị nạn ở Việt Nam được đến gặp gỡ và làm việc với tôi. Vào tháng 3-1978, một lần nữa tôi có điều kiện được trở về nước để nắm tình hình.

Những gì đã làm cho tôi xúc động đến rơi nước mắt đó là vào tháng 4-1978, tôi và Ngài Mê-a Huôn (Meas Houn) được gặp Thượng tướng Trần Văn Trà – Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 Việt Nam tại Bộ tư lệnh Quân khu 7. Trong cuộc họp đó, Thượng tướng Trần Văn Trà đã nói với tôi và Ngài Mê-a Huôn rằng, cấp lãnh đạo Việt Nam quyết định sẽ giúp đỡ các đồng chí Cam-pu-chia tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang để giải phóng đất nước, Việt Nam sẽ giúp đỡ huấn huyện quân sự, cung cấp vũ khí và hậu cần còn vấn đề chỉ đạo về mặt chính trị là do phía các đồng chí Cam-pu-chia chịu trách nhiệm. Đây là câu trả lời mà tôi đã chờ đợi kể từ khi tôi đến Việt Nam bởi nó là đề nghị của tôi, của những người Cam-pu-chia đang tị nạn ở Việt Nam, cũng như là nguyện vọng tha thiết của toàn thể nhân dân Cam-pu-chia, cho phép nhân dân Cam-pu-chia được tị nạn ở Việt Nam, và tạo điều kiện cho các phong trào đấu tranh của những người đang tị nạn ở Việt Nam xây dựng và củng cố để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ Pôn Pốt.

Cơ hội vàng đã đến trong quá trình tiến tới giải phóng dân tộc nhưng gánh nặng đã đè lên vai người thanh niên đã mất một mắt chưa đầy 26 tuổi là tôi, Hun Xen.

Đây là công việc mới nhưng là thời cơ đối với chúng ta, dù nặng hay nhẹ cũng phải làm vì đất nước và nhân dân Cam-pu-chia. Chúng ta phải viết tài liệu dùng để giáo dục cho quân đội về chính trị tư tưởng, tổ chức kỷ luật… Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ chúng ta còn có sự hỗ trợ giúp đỡ từ phía bạn Việt Nam, nên một lực lượng vũ trang mang tên “Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia” đã chính thức ra đời ngày 12-5-1978 và thành lập Ban chỉ huy 578 vào tháng 5-1978 trong đó tôi, Hun Xen là Chỉ huy quân sự và chính trị, còn Ngài Núc Thon (Nuch Thon) làm Phó phụ trách chính trị, Ngài Hem Xa-min (Hem Samin) – Phó phụ trách hậu cần-tài chính, sau đó tiến tới thành lập đơn vị đầu tiên là đơn vị 125 (12-5-1978). Đơn vị này có hơn 200 chiến sĩ do Ngài Nhất Huôn (Nhat Houn) chỉ huy. Sau 1 tháng huấn luyện, đơn vị này được chia làm 2 bộ phận đó là: Một bộ phận tổ chức thành 12 đội tiến hành hoạt động vũ trang thâm nhập vào nội địa, mỗi tổ có từ 10 đến 15 người. Số còn lại được tập trung ở Long Giao để chuẩn bị quay về Cam-pu-chia thành lập các đơn vị mới khác. Sau đó, chúng ta thành lập Tiểu đoàn 246 (ngày 24-6) do Ngài Nhất Huôn làm chỉ huy, Tiểu đoàn 207 (20-7) do Ngài Uông Phon làm chỉ huy, tiểu đoàn 15 do ngài Núc Thon chỉ huy. Việc liên tiếp thành lập và sắp xếp thứ tự từ 01 đến 21 đó là 21 tiểu đoàn nam, 01 tiểu đoàn nữ và 100 đội hoạt động vũ trang ở xung quanh sở chỉ huy trong đó gồm cả bộ phận tham mưu, chính trị, một bộ phận hậu cần-tài chính, 1 đại đội đặc nhiệm, đại đội quân y và 1 đội văn nghệ.

Việc xây dựng lực lượng gấp rút như vậy gặp rất nhiều khó khăn về mặt nhân sự, như chỉ huy cấp trung đội, cấp đại đội, và cấp tiểu đoàn, cách thức để giải quyết vấn đề này không ngoài số sĩ quan và hạ sĩ quan của Cam-pu-chia đã được Bạn Việt Nam đào tạo giúp, bằng cách tập hợp số anh em này từ khắp mọi nơi về, cố gắng tuyển chọn số thanh niên mà trước đây đã được huấn luyện, thăng quân hàm sau đó điều về đơn vị mới cho giữ chức tiểu đội trưởng, trung đội trưởng và cử 202 cán bộ sang huấn luyện tại Trường hạ sĩ quan Bà Rịa/Việt Nam để sau này đề bạt họ lên giữ chức đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng. Riêng y bác sĩ chúng ta cũng đã cho mở trường y ngay tại trại ở Long Giao.

Cùng với thời điểm chúng ta đã, đang xây dựng lực lượng vũ trang tại đây, chuẩn bị các điều kiện và từng bước chuyển vào trong nội địa Cam-pu-chia thành lập lực lượng vũ trang tại biên giới Cam-pu-chia – Việt Nam, chúng ta nhận được tin vui về sự nổi dậy của quân đội và nhân dân ở khu Đông do Xam-đéc Hêng Xom-rin (Samdech Heng Samrin), Xam-đéc Chia Xim (Samdech Chea Sim) lãnh đạo đã tạo điều kiện cho lực lượng của chúng ta cùng phối hợp đánh chiếm huyện Mê-mốt, huyện Xnuôn và một số địa bàn khác thuộc các ấp, xã tiếp giáp biên giới Việt Nam từ tỉnh Kra-tie, Kam-pông Chàm, Prêy Veng, Svay Riêng và một số địa bàn khác thuộc các huyện của tỉnh Kam-pông Chàm từ giữa năm 1978.

Tình hình tiến triển nhanh chóng, nhưng chúng ta chỉ có quân đội, chưa có tổ chức về chính trị để lãnh đạo. Chính vì vậy, tôi khẩn thiết đề nghị phía bạn Việt Nam giúp đỡ tạo điều kiện cho tôi được gặp Xam-đéc Hêng Xom-rin, Xam-đéc Chia Xim và cấp lãnh đạo của các phong trào đấu tranh khác nhằm thống nhất lực lượng và thành lập một tổ chức chính trị để lãnh đạo cuộc đấu tranh.

Chiều ngày 7-11-1978, Ngài Lê Đức Anh-Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 là nhân vật đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giúp xây dựng lực lượng vũ trang do tôi lãnh đạo, đã mời 7 người chúng tôi dùng cơm chiều tại TP Hồ Chí Minh, khi đó Ngài Lê Đức Anh có nói với chúng tôi rằng: Sáng mai (8-11-1978) tất cả các đồng chí sẽ gặp đồng chí Lê Đức Thọ – Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là một tin vui cộng với thức ăn, rượu, thuốc lá rất ngon miệng. Ngay tối hôm đó tôi đã chuẩn bị điều kiện để thảo luận những việc cần làm trong thời gian tiếp theo.

Nguyên buổi sáng ngày 8-11-1978, cả 7 người trong Ban lãnh đạo của chúng tôi đã thảo luận trao đổi ý kiến thẳng thắn với đồng chí Lê Đức Thọ – một nhà chiến lược của Việt Nam và thông qua cuộc thảo luận tôi có thể khẳng định được rằng đất nước Cam-pu-chia sẽ được giải phóng trong thời gian sắp tới.

Ngày 22-11-1978, một sự kiện lịch sử đã diễn ra đó là cuộc gặp cấp lãnh đạo của 4 trong số 5 nhóm đấu tranh, nhóm của Ngài Sai Phu Thong, Tia Banh (Tea Banh) không ra lộ diện được do phải giữ bí mật vì lực lượng đang nằm ém ở nước ngoài. Kể từ đó, tôi cùng chung sống và làm việc với các nhà lãnh đạo khác, kể cả với Xam-đéc Hêng Xom-rin, Xam-đéc Chia Xim. Chúng tôi đã cùng nhau họp cả ngày lẫn đêm nhằm soạn thảo một Cương lĩnh chính trị của mặt trận với tên gọi là “Mặt trận đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia”. Tên gọi này phù hợp với tên gọi “Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia”, như vậy rất thuận tiện cho chúng ta không cần phải đổi tên quân đội theo tên Mặt trận là tổ chức chính trị sắp được thành lập. Có 8 nhà lãnh đạo của 4 phong trào đấu tranh. Mỗi phong trào có 2 đại diện được phân công soạn thảo Cương lĩnh chính trị Mặt trận đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia để được thông qua tại Đại hội Mặt trận diễn ra trong thời gian 4 ngày, từ 27 đến 30-11-1978 và cuối cùng chính thức ra mắt ngày 2-12-1978 tại vùng giải phóng thuộc huyện Xnuôn, tỉnh Kra-tie, sĩ quan nhận cờ từ Chủ tịch mặt trận Xam-đéc Hêng Xom-rin là tướng Kiên Xa-vút (Kiên Savuth), hiện là Phó tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia, khi đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2. Trong thời gian tiếp theo, được sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, ngày 7-1-1979 Cam-pu-chia đã được giải phóng thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong khi đó, lực lượng quân đội được xây dựng tại đây đã hăng say tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng nhà nước, chính quyền địa phương, phong trào quần chúng và giải quyết đời sống cho nhân dân. Trải qua giai đoạn vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng vũ trang chúng ta đã trưởng thành lớn mạnh, xây dựng thêm các đơn vị điều đến hầu hết các tỉnh trong cả nước, ngoại trừ tỉnh Kô Kông, Rát-ta-na-ki-ri và tỉnh Mun-đu-ki-ri vì những nơi này đã có quân đội do Ngài Sai Phu Thong, Ngài Tia Banh  lãnh đạo và lực lượng do Ngài Bun Mi, Ngài Bu Thong và Ngài Xê-uy Keo (Seuy Keo) lãnh đạo. thành phố Phnôm Pênh được tiếp nhận 4 tiểu đoàn, còn lại mỗi tỉnh nhận 1 tiểu đoàn, riêng tỉnh Kam-pông Chàm được tiếp nhận 2 tiểu đoàn vì đây là tỉnh lớn. Các tiểu đoàn này làm cơ sở để xây dựng lực lượng quân sự địa phương và các Sư đoàn chủ lực như Sư đoàn: 196, 286, 179, 04, 05 và 06… Đồng thời làm cơ sở để thành lập các quân binh chủng như: Hải quân, Lục quân, Không quân cũng như các đơn vị chuyên ngành khác như: Xe tăng, Pháo binh, Phòng không, Công binh, Hậu cần và Tài chính… và một số khác đã phục vụ công tác tại các cơ quan dân sự như Giáo dục, Tài chính, Nông nghiệp, Công nghiệp, Ngoại giao và một số khác trở thành Bộ trưởng, Thứ trưởng, Quốc vụ khanh, Phó quốc vụ khanh, Đại sứ, Hạ nghị sĩ, Thượng nghị sĩ, Tỉnh trưởng, Phó tỉnh trưởng, Thị trưởng, Phó thị trưởng và một số khác đang phục vụ trong hàng ngũ quân đội, vệ binh, công an quốc gia trong thời gian qua và hiện nay.

Tôi đã nói nhiều về việc thành lập lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia là một phần của phong trào chung trong việc giải phóng đất nước khỏi chế độ Pôn Pốt, đây là một phần của lịch sử không thể lãng quên để nhắc nhở cho con cháu các thế hệ mai sau hiểu cả về lịch sử Cam-pu-chia và Việt Nam.

Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn trước Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam nói chung, tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn riêng đặc biệt tới Ngài Lê Đức Anh, Ngài Lê Khả Phiêu, Ngài Tám Quang, Ba Cung, Ba Hên, Châu Ba… cùng cấp lãnh đạo khác đã chia ngọt sẻ bùi giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt để chúng tôi có được ngày hôm nay và đây cũng là hạt giống vô cùng quý giá đối với đất nước Cam-pu-chia trong suốt quãng thời gian hơn 33 năm qua. Nhân dịp này, tôi cũng xin bày tỏ lời xin lỗi trước nhân dân Việt Nam sinh sống tại vùng này, vùng kia, nơi mà quân đội chúng tôi trú chân hoặc đi qua. Nếu như trong quá khứ họ có lỡ làm những điều sai trái với nhân dân, chúng tôi xin được thứ lỗi. Tất cả chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu và xin được gửi lời hỏi thăm sức khỏe những người còn sống nhưng không thể tham gia buổi lễ này.

Tôi và Phu nhân cùng tất cả những người Cam-pu-chia tại đây xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của 49 chiến sĩ Cam-pu-chia đang yên nghỉ tại đây và các chiến sĩ vô danh khác đã anh dũng hy sinh tính mạng của mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Chúng tôi xin ghi nhớ và xin hứa sẽ xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh hơn, cũng như vun đắp cho tình đoàn kết vĩ đại, sắt son Cam-pu-chia – Việt Nam và quyết ngăn chặn bóng tối trong quá khứ một lần nữa quay trở lại đất nước Cam-pu-chia.

Cuối cùng một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phu nhân, Ngài Lê Đức Anh, Ngài Lê Khả Phiêu và các nhà lãnh đạo khác đã dành thời gian tham dự buổi lễ trọng thể này và tổ chức thành công buổi lễ này. Xin chúc mối quan hệ hữu nghị Cam-pu-chia – Việt Nam đời đời bền vững, kính chúc quý vị sức khỏe và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

* Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân

qdnd.vn

Cách mạng tháng Mười Nga với công cuộc giải phóng phụ nữ

Tháng Mười Một 28, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND Online – Những đóng góp của cuộc Cách tháng Mười Nga vĩ đại tới công cuộc giải phóng phụ nữ ở Liên bang Xô Viết đã quá rõ ràng và không phải bàn cãi. Vậy cuộc cách mạng này đóng góp như thế nào tới phong trào giải phóng phụ nữ ở các quốc gia tư bản khác? Và nó có đóng góp gì tới sự hình thành của một “mẫu phụ nữ mới”?

Chiến tranh thế giới ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã thu hút sự tham gia của một số lượng lớn phụ nữ từ tầng lớp nghèo và cuốn những người theo trường phái ôn hòa vào vòng xoáy sản xuất và tham gia vào chính quyền nhà nước. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp lao động nữ đã mang lại những thay đổi chưa từng có trong cuộc sống gia đình họ và cho phụ nữ ở các quốc gia tư bản khác. Tuy nhiên, quá trình giải phóng phụ nữ chắc chắn sẽ không thể tiến xa hơn nếu không có cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Cuộc cách mạng này đã giúp con người có một cái nhìn mới về người phụ nữ và đã giúp khẳng định rằng: phụ nữ là một lực lượng lao động có ích cho xã hội.

Không khí hào hùng của những ngày Cách mạng tháng Mười Nga

Từ những ngày đầu của cuộc các mạng đã cho thấy, người phụ nữ không chỉ chăm lo gia đình như quan điểm hàng ngàn năm qua, mà họ còn là một lực lượng lao động mà xã hội cần. Sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga đã thay đổi những quan điểm về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nếu như không có cuộc cách mạng này con người vẫn tin rằng việc phụ nữ tự lo cho cuộc sống của mình chỉ là một hiện tượng tạm thời và vị trí của phụ nữ là ở trong gia đình, chăm lo cho chồng, con. Sự thay đổi căn bản trong việc đánh giá vai trò của phụ nữ ở Xô Viết đã tác động tới quan điểm đối với phụ nữ ở các quốc gia khác và dẫn tới sự hình thành một mẫu phụ nữ mới mà ngày nay chúng ta có thế gặp ở mọi nơi.

Tầng lớp mới này về cơ bản là một lực lượng lao động độc lập không chỉ đóng góp cho lợi ích của chính gia đình họ mà còn thể hiện là một lực lượng lao động cần thiết và có ích cho xã hội. Ngay khi phụ nữ bắt đầu sống bằng chính đôi tay của mình, họ phát triển nhiều khả năng khác nhau và có thêm những thói quen mới. Họ dần giải phóng chính mình khỏi những tính cách cốt lõi gắn với người phụ nữ trước đây và trang bị cho mình những cái mới. Người phụ nữ đều nhận thức một cách đầy đủ rằng chính con người họ và sự tồn tại của con cái phụ thuộc trực tiếp vào họ, vào công việc và năng lực của họ. Họ dần thích nghi với những điều kiện sống mới. Ngày nay, phụ nữ đã biết được sức mạnh của chính mình, họ cương quyết trong các hành động và không bị phân tâm bởi cảm xúc. Không giống với mẫu phụ nữ xưa, mẫu phụ nữ mới mạnh mẽ mẽ hơn và họ ý thức được mối quan hệ những người trong tầng lớp và được tham gia nhiều hơn vào công việc chính trị. Số phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị tăng lên đáng kể. Một số đã trở thành thành viên của chính phủ (như bà Nina Bang, Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch), tham gia vào các phái đoàn ngoại giao và là lực lượng truyền cảm hứng đằng sau các phong trào cách mạng lớn thời bấy giờ.

Vậy liệu những điều này có xảy ra nếu không có Cách mạng tháng 10? Và mẫu người phụ nữ mới cùng với lực lượng công nhân có ích cho xã hội có xuất hiện không nếu không có cơn lốc của cuộc Cách mạng tháng Mười thổi đi khắp thế giới? Nếu không có Cách mạng tháng Mười Nga liệu lực lượng lao động nữ ở các quốc gia khác có bước một bước dài để tiến tới cuộc giải phóng triệt để? Câu trả lời rõ ràng là không.

Cách mạng tháng Mười khẳng định tầm quan trọng của lực lượng lao động nữ. Cuộc cách mạng đã tạo ra những điều kiện để đảm bảo sự thắng lợi trong việc hình thành mẫu phụ nữ mới.

Trần Hoài (Nguồn: marxists.org)

qdnd.vn

Nhiệm vụ lịch sử của phi công Mỹ ngày 11/9

Tháng Chín 4, 2011 Bình luận đã bị tắt

Gần 10 năm trước, vào ngày 11/9/2001, thiếu tá không quân Dan Caine phải đứng trước một nhiệm vụ mà anh chưa bao giờ hình dung ra: Bắn hạ những chiếc máy bay bất tuân mệnh lệnh tránh xa khỏi thủ đô Washington.

Với các phi công tại căn cứ không quân Andews thuộc bang Maryland, đó là một buổi sáng được bắt đầu bình thường như bao ngày huấn luyện khác, Caine nhớ lại. Bỗng nhiên, một binh nhì trẻ tuổi chạy tới và thông báo ngắn gọn: “Một chiếc máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới.”

Đây có lẽ là hình ảnh mà Caine nhìn thấy trên TV khi đó: một chiếc máy bay thứ hai đang lao về phía tòa tháp thứ hai của WTC, trong khi tòa tháp đầu tiên vừa bị tấn công. Ảnh chụp màn hình: CNBC

Caine, khi đó 33 tuổi, chạy tới bên chiếc TV đặt trong phòng nghỉ của các phi công và theo dõi các bản tin từ New York. Vết thủng lớn tại tòa nhà biểu tượng của nền kinh tế Mỹ cho thấy nó không thể bị đâm bởi một chiếc phi cơ nhỏ. Caine nhanh chóng có câu trả lời chính xác cho boăn khoăn của mình, khi một chiếc máy bay chở khách khác xuất hiện từ phía bên phải của màn hình, rồi lao thẳng vào tòa tháp thứ hai của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).

Trong quãng thời gian hỗn loạn ngay sau đó, Nhà Trắng, chứ không phải là các tướng lĩnh quân đội, đã gọi trực tiếp cho phi đội của Caine, và yêu cầu họ “làm tất cả những gì có thể ở trên không ngay lập tức”.

Trong một tóm tắt ngắn gọn tình hình trước khi Caine và các đồng đội xuất kích, chỉ huy đơn vị, lữ đoàn trưởng David Wherley, đã truyền mệnh lệnh của Nhà Trắng có nội dung cần phải bảo vệ “quyền chỉ huy quốc gia” tại thủ đô Washington khỏi bất kỳ một cuộc tấn công nào khác.

Phạm vi của nhiệm vụ rất rộng, và chẳng có nghi ngờ gì với việc các phi công sẽ phải bắn hạ bất cứ chiếc máy bay nào từ chối tuân theo các cảnh báo. Đó là một viễn cảnh không vui vẻ gì.

“Tôi sẽ phải bấm nút khai hỏa để bắn hạ bất cứ một chiếc máy bay nào”, Caine, viên đại tá có vẻ ngoài trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 43, nói. Dẫu vậy, Caine và các đồng đội vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ để ngăn chặn những cuộc tấn công tiếp theo. “Bất kể thế nào đi nữa, chúng tôi không muốn có thêm những chiếc máy bay lao vào các tòa nhà.”

Theo kết quả điều tra của ủy ban 11/9, ngoài đơn vị của Caine, không có đội máy bay chiến đấu nào của Mỹ nhận được lệnh bắn hạ các máy bay khả nghi, trong bối cảnh hỗn loạn ngự trị khi đó.

Một chiếc F-16 của quân đội Mỹ. Ảnh: Wallpapergate

Caine chạy ra đường băng để tới chiếc máy bay của anh, trèo lên thang để vào buồng lái, và rồi trông thấy một cột khói màu đen bốc lên từ cách đó khoảng gần 6km. “Đó chính là Lầu Năm Góc đang bốc cháy”, viên phi công nói.

Những binh sĩ trẻ măng chịu trách nhiệm về đạn dược đã toát mồ hôi như tắm khi họ lắp các tên lửa vào máy bay. Đó là lần đầu tiên trong đời họ làm một việc như vậy. “Tôi vẫn nhớ những cái nhìn sợ hãi ấy”, Caine quả quyết.

Khi Caine khởi động chiếc máy bay, sóng vô tuyến để liên lạc giữa phi công với mặt đất trở nên nhiễu loạn trong một mớ bòng bong. Các kiểm soát viên không lưu quân sự và dân sự cuống cuồng cố gắng tìm cách liên lạc, để biết liệu có còn chiếc máy bay nào đang lao về Nhà Trắng hay tòa nhà Quốc hội Mỹ hay không.

“Tôi cho máy bay cất cánh và liên lạc radar đầu tiên của tôi với một máy bay khác là ở phía bắc của tòa nhà Quốc hội, ở độ cao 90m và khoảng cách 11km. Bắn hay không bắn? Tôi cảm thấy tồi tệ, có lẽ tôi sợ”, Caine kể lại thời khắc không thể quên ấy.

Cuối cùng thì chiếc máy bay khả nghi hóa ra lại là một trực thăng đang di chuyển cấp cứu, mà không biết rằng vùng thủ đô Washington là vùng cấm bay. Hàng chục chiếc máy bay khác khi đó cũng đang hướng về thủ đô, bao gồm cả các trực thăng của cảnh sát và những chiếc chuyên cơ. Tất cả đều chưa biết tới lệnh cấm bay.

Cùng với 3 chiếc F-16 khác của các đồng đội, chiếc máy bay của Caine có nhiệm vụ đảm bảo rằng những phi cơ đang hướng tới Washington sẽ buộc phải thay đổi hành trình. Trong khi đó, 4 chiếc F-15 từ một đơn vị khác tại Langley, bang Virginia bay ở độ cao lớn hơn trong nỗ lực giải quyết tình trạng hỗn loạn.

Khi một vài chiếc máy bay không trả lời ngay lập tức đối với lệnh buộc phải tránh xa thủ đô Washington, Caine và các đồng đội bay tới ngay phía trước những máy bay này ở một khoảng cách không thể gần hơn. Việc đột nhiên nhìn thấy một chiếc F-16 bay ngay bên cạnh thực sự có tính thuyết phục cao hơn so với những mệnh lệnh bằng sóng vô tuyến.

Sơ đồ đường bay của chiếc máy bay mang số hiệu 93 và nơi nó lao xuống ở bang Pennsylvania. Đồ họa: Wikipedia

Caine khi ấy không biết về chiếc máy bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines đã rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania, cách thủ đô Washinton khoảng 20 phút bay. Kết quả điều tra sau này cho thấy những kẻ khủng bố giành được quyền kiểm soát chiếc máy bay, rồi đổi hành trình quay ngược trở lại hướng thủ đô Washington, với mục tiêu có thể là Nhà Trắng hoặc tòa nhà Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, một cuộc giằng co giữa các hành khách và những kẻ khủng bố ngay tại buồng lái chiếc máy bay khiến nó lao thẳng xuống mặt đất.

“Tôi không biết liệu khi đó chúng tôi có thể giúp được gì cho những người trên chuyến bay đó hay không”, Caine nói.

Sau khi ngăn chặn và ra lệnh đổi hướng bay với hàng loạt phi cơ, công việc của Caine trở nên dễ dàng hơn vì các hãng hàng không dân dụng đồng loạt ngừng tất cả các chuyến bay vào chiều hôm đó. Caine và các đồng đội cũng nhận được tiếp viện khi nhiều máy bay quân sự khác xuất hiện, với hàng chục chiếc phi cơ chiến đấu quần thảo trên bầu trời, trong đó có hai chiếc làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không.

Caine trở về căn cứ chiều hôm đó sau 6 giờ liên tiếp bay trên chiếc F-16. Anh về nhà hai ngày sau đó. Caine sau này tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố mà chính phủ Mỹ phát động, trong vai trò kiểm soát viên không lưu tuyến đầu, với những nhiệm vụ oanh kích mạng lưới Al-Qaeda tại vùng núi Tora Bora ở Afghanistan.

Theo Vnexpress

hanoimoi.com.vn

Góc khuất của một thế lực tài chính – Đằng sau những phán quyết

Tháng Tám 30, 2011 Bình luận đã bị tắt

Việc xếp hạng tín dụng của S&P, Moody’s và Fitch mang tính sống còn đối với mỗi quốc gia, mỗi tổ chức. Nhưng chắc hẳn ít ai biết đến quá trình xem xét và đưa ra những phán quyết của những tổ chức đánh giá tín dụng trên.

  • Quy trình nâng – hạ mức tín dụng

Theo Francois Veverka, một cựu nhân viên của S&P, trong khi các công ty kiểm toán có tiếng nói đáng kể đối với kinh tế toàn cầu, các nhà phân tích của S&P, Moody’s và Fitch lại không phải là “những ông vua của các sàn chứng khoán”. Đỉnh của kim tự tháp tài chính là những người giao dịch, chủ ngân hàng, chủ các quỹ đầu tư và nhà phân tích số liệu. Sau đó mới đến các nhà phân tích cho bên mua và bán tín dụng, thường làm trong các ngân hàng.

Và cuối cùng, ở đáy của hình tháp, mới là chỗ của các nhà phân tích và các công ty đánh giá tín dụng. Tuy nhiên, hồ sơ của các chuyên gia phân tích đánh giá tín dụng thì khá đáng nể. Những người này thường được đào tạo về kinh tế học và có kinh nghiệm làm việc ở một tổ chức quốc tế theo kiểu như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế châu Âu (OECD). Đơn cử như nhà phân tích David Beers, người trở nên nổi tiếng khi hạ thấp điểm tín nhiệm của Mỹ vừa rồi. Ông Beers tốt nghiệp trường Kinh tế Luân Đôn, và làm việc cho S&P từ năm 1990.

Nhà phân tích David Beers trở nên nổi tiếng sau vụ hạ mức tín nhiệm ở Mỹ.

Công việc đánh giá tín dụng thực sự đơn điệu khi “những nhà phân tích chỉ thích nhốt mình trong phòng để tính toán hết ngày này sang ngày khác”. Còn về cách làm việc, tờ Liberation dẫn lời một chuyên gia tiết lộ về quá trình hạ điểm tín nhiệm của Hy Lạp như sau: 3 nhà phân tích của S&P đến Athens và ở đó vài ngày. Họ tiếp kiến với thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp, đọc tờ Herald Tribune, uống rượu rồi trở về New York. Thế là sau đó, họ đã có nhận định chính thức về tình hình tài chính Hy Lạp.

Công việc thẩm định của các nhà phân tích diễn ra rất nhanh. Số người tham gia nhóm điều tra thường được hạn chế đến mức thấp nhất để tiết kiệm chi phí. Việc soạn một đánh giá tài chính bước đầu chỉ mất vài tuần. Sau khi được chỉ định, một người được gọi là trưởng nhóm phân tích và một người trợ lý bắt đầu chiến dịch thu thập thông tin từ khắp các nguồn: báo cáo thường niên, các nghiên cứu kinh tế và các điều tra thực địa. Họ cũng gặp giám đốc tài chính các công ty hoặc thành viên chính phủ. Họ được tiếp cận với các thông tin mật. Và dĩ nhiên, họ không thoát khỏi ảnh hưởng bởi các mối quan hệ bạn bè. Theo Norbert Gaillard, tác giả của luận án tiến sĩ viết về các công ty thẩm định, Moody’s bị nghi ngờ cố tình hạ thấp tín nhiệm của Hy Lạp để phục vụ cho lợi ích của Ngân hàng châu Âu.

Sau giai đoạn tìm hiểu thông tin là giai đoạn cho ra đánh giá. Một nước được xếp AAA phải có tăng trưởng tốt, ít nợ và quản lý tốt. Theo nhà phân tích F.Veverka, việc đánh giá luôn bị ảnh hưởng bởi vấn đề ý thức hệ chính trị, khi quản lý tốt ở đây thường được hiểu là “quốc gia dân chủ” theo góc nhìn của các công ty đánh giá. Hơn nữa, mỗi một công ty thẩm định lại có thêm các tiêu chí đánh giá khác nhau. Ví dụ, trong khi S&P đặt nặng về vấn đề kinh tế trong ngắn hạn thì Moody’s và Fitch lại chú trọng về sự thay đổi quan điểm ảnh hưởng đến hoạt động của một chu kỳ kinh tế.

Không ai biết trước khi nào bị hạ mức tín nhiệm. Tất cả được thực hiện bởi một ủy ban thẩm định khép kín, thành lập theo yêu cầu của trưởng nhóm phân tích. Sau đó ủy ban này tiến hành cuộc họp theo kiểu hội nghị điện thoại trực tuyến. Thành phần tham gia khoảng 12 người thuộc công ty, từ các nhà phân tích làm việc thực địa tại các nước đến giám đốc quản lý các vùng có liên quan. Catherine Gerst, một cựu nhân viên của Moody’s và nay đã chuyển sang DBRS của Canada, cho biết, trưởng nhóm phân tích đầu tiên đưa ra yêu cầu là nâng hay hạ thấp điểm tín nhiệm, sau đó các thành viên tiến hành biểu quyết. Nếu đa số thông qua thì yêu cầu của trưởng nhóm chính thức có hiệu lực, nếu không, trưởng nhóm sẽ triệu tập một ủy ban khác.

Khi đã có kết quả thẩm định chính thức, kết quả này sẽ được gửi ngay lập tức tới đối tượng phát hành trái phiếu nợ. Nước này xem xét để biết có sai sót gì không và chuẩn bị đối phó với phản ứng của thị trường. Sau đó, điểm thẩm định trên sẽ được công khai. Tại châu Âu, hạn định cho việc này là trong khoảng thời gian 12 giờ.

Theo Liberation, các công ty thẩm định được trả tiền thù lao bởi những đối tác nhờ họ thẩm định. Các đối tượng được thẩm định hiểu rõ rằng, phải có chỉ số thẩm định tín nhiệm để có thể tìm được người mua trái phiếu của họ, vì thế họ buộc phải nhờ đến các công ty thẩm định.

Đối với các công ty thẩm định, những thương vụ này là những mỏ vàng, bởi tiền thù lao được tính theo quy mô công trái nợ: phát hành càng nhiều trái phiếu, thù lao càng nhiều. Và vì vậy họ không ngần ngại thổi phồng năng lực của một công ty khi cần thiết. So với cách đây 10 năm, hiện tại công việc của các nhà phân tích đã tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, các công ty thẩm định ngày càng kiếm được nhiều tiền, nhưng sai sót cũng ngày càng tăng.

  • Hạn chế quyền lực

Theo New York Times, việc một ủy ban gồm cả tá người không ai biết đến quyết định hạ mức tín dụng của một quốc gia đang đặt ra các câu hỏi về độ tin cậy trong đánh giá cũng như vai trò của các công ty này đối với thị trường tài chính. Vụ việc của S&P cũng làm sống lại những tranh cãi của nhiều chuyên gia kinh tế kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 rằng phải giảm sức mạnh, hạn chế quyền lực của các công ty thẩm định tín dụng.

Chính vì vậy, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) hiện đang điều tra liệu S&P và Moody’s có quá phụ thuộc vào các thông tin cũ và không thể tiến hành đầy đủ các nghiên cứu khi đánh giá mức độ tín nhiệm của các khoản nợ thế chấp, từng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo SEC, các hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu là nguyên nhân chủ yếu gây sụp đổ tài chính, đổ thêm dầu vào lửa cỗ máy chứng khoán thế chấp 1.000 tỷ USD của Phố Wall trước khi khủng hoảng kết thúc. Trước đó, Moody’s và S&P đã bị chỉ trích về việc dành mức xếp hạng tốt nhất cho các khoản nợ thế chấp vì đây là một hoạt động kinh doanh có lời trước khi khủng hoảng tài chính bùng nổ vào năm 2008. Khi giá nhà tại Mỹ bắt đầu đi xuống, giá trị của các khoản nợ này theo đó sụt giảm mạnh.

Khái niệm xếp hạng tín dụng xuất hiện vào cuối những năm 1950, bắt nguồn từ mô hình tính điểm tín dụng FICO (đăng ký độc quyền bởi Fair Isaac Corporation) chuẩn ở Mỹ, Canada và một số khu vực khác. Ý tưởng ban đầu là tốt, khi xếp hạng được xem như một công cụ đánh giá độ an toàn của các định chế tài chính. Nhưng cuối cùng lại tạo ra một hệ thống, trong đó nhận được một mức đánh giá cụ thể tương đương với “chìa khóa mở cửa thị trường” (Thỏa thuận ngầm giữa công ty thẩm định tín dụng và đối tượng bị đánh giá tín dụng).

ĐỖ VĂN (Tổng hợp từ Liberation, NYT, Wikipedia)

sggp.org.vn

Chính sách chống tham nhũng tại châu Á – Thái Bình Dương (P1)

Tháng Tám 20, 2011 Bình luận đã bị tắt

Chương 1: Phòng chống tham nhũng

oOo

Tham nhũng và hối lộ phát triển trên những yếu kém có tính hệ thống. Các nỗ lực phòng chống tham nhũng nhằm vào việc loại bỏ những yếu kém này và tăng cường tính thanh liêm và minh bạch. Đây là mục tiêu chung trong việc phòng chống tham nhũng trong các khu vực cơ bản – hành chính công, lĩnh vực chính trị và khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương tiện để đưa mục tiêu này vào thực tiễn khác nhau trong từng lĩnh vực do có sự đa dạng về khuôn khổ pháp lý và môi trường hoạt động.

Mặc dù có sự khác biệt lớn về các vấn đề phổ biến tại nhiều quốc gia và những biện pháp khắc phục hiện hữu nhưng những nỗ lực gần đây nhằm phòng chống tham nhũng nhắm vào những lĩnh vực tương tự trong toàn khu vực. Ví dụ, hầu hết các quốc gia phê chuẩn Kế hoạch Hành động chống Tham nhũng đều cho thấy vai trò quan trọng của việc cải cách hành chính. Nhiều chiến lược nhằm phòng chống tham nhũng đều hướng tới tính thanh liêm, các thủ tục hữu hiệu và các quy định minh bạch. Báo cáo này cho thấy ngày càng có nhiều quốc gia đặt mối quan tâm lớn đến vấn đề tham nhũng. Yêu cầu đòi hỏi về trách nhiệm của những người lãnh đạo chính trị và tính minh bạch của các đảng phái chính trị đã bắt đầu mở đường cho sự cải cách trong các lĩnh vực này. Doanh nghiệp tư nhân cũng trở thành một trọng tâm của việc cải cách chống tham nhũng: bên cạnh việc là đối tượng giám sát của khu vực hành chính công, khu vực này đã khởi xướng những sáng kiến riêng nhằm ngăn chặn tham nhũng.

A. Phòng chống tham nhũng trong hệ thống hành chính công

Phòng chống tham nhũng trong hệ thống hành chính công có vị trí cao trong chương trình cải cách tại nhiều quốc gia. Cho đến nay, công cuộc này đạt được nhiều cố gắng và thành công ở các mức độ khác nhau. Những cải cách nhằm vào việc đảm bảo năng lực và tính thanh liêm của các quan chức cũng như việc giám sát hệ thống hành chính công đều đang được xem xét, với trọng tâm đặc biệt về cải cách việc mua sắm công. Gần đây phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực chính trị dường như đã giành được nhiều sự quan tâm hơn. Tuy nhiên, do vị thế đặc biệt của công chức được bầu cử và những quy định khác nhau về quản lý công chức nên các biện pháp sẽ được bàn đến trong một mục riêng của báo cáo này (xem mục B dưới đây).

I. Tính thanh liêm và năng lực của công chức

Tính thanh liêm và năng lực của công chức là những điều kiện tiên quyết có tính nền tảng của một hệ thống hành chính công đáng tin cậy và hiệu quả. Nhiều quốc gia trong khu vực và ở nơi khác đã áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tính thanh liêm trong việc tuyển dụng và đề bạt cán bộ, trả mức lương thỏa đáng, cùng với việc đặt ra và thực hiện các quy tắc rõ ràng về đạo đức của công chức.

1. Tuyển dụng và đề bạt công chức

Công khai, cơ hội bình đẳng và minh bạch trong tuyển dụng, đề bạt công chức là những yếu tố mang tính thiết yếu đối với việc đảm bảo một hệ thống hành chính công trung thực, có năng lực và độc lập. Những hành vi tham nhũng trong quá trình quan trọng này diễn ra dưới nhiều hình thức: ví dụ, bao che và vị thân – sử dụng công quyền để thiên vị cho thành viên của gia đình hoặc những người liên quan – là phổ biến tại nhiều quốc gia. Các tiêu chí đủ tiêu chuẩn dự tuyển không rõ ràng và không công bố đầy đủ về các vị trí còn trống khiến cho việc thu hút các ứng cử viên tài năng vào khu vực hành chính công trở nên khó khăn.

Định nghĩa các tiêu chí, thủ tục và khuôn khổ thể chế bằng pháp luật là điều kiện tiên quyết thiết yếu đối với các quá trình tuyển chọn và đề bạt minh bạch và công bằng. Hầu hết, nếu không phải là tất cả các quốc gia được khảo sát, đã ban hành những đạo luật này. Những luật này thường quy định việc quảng cáo các vị trí còn trống trên báo chí hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Hàn Quốc, Singapore và Đặc khu Hành chính Hồng Kông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi là Hồng Kông, Trung Quốc), internet đang trở thành phương tiện thông tin quan trọng đối với công chúng về các cơ hội việc làm. Các tiêu chí đủ tiêu chuẩn dự tuyển thường được dựa trên phẩm chất, kết quả thi cử, năng lực làm việc hoặc các khả năng đã thể hiện (Úc; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Nhật Bản; Ka-zắc-xtan; Hàn Quốc; Cộng hòa Kiếc-ghi-zi; Mông cổ; Nepal; Pakistan; Papua New Guinea; Philippines; Singapore). Luật pháp Băng-la-đét quy định việc đề bạt dựa trên phẩm chất chỉ áp dụng đối với các vị trí cấp cao. Trong khi sự phân biệt đối xử tại hầu hết các quốc gia chính thức bị nghiêm cấm, thì các quy định nói trên không phải luôn bám sát thực tiễn, như tại một số quốc gia đã thẳng thắn báo cáo.

Với mục tiêu nâng cao tính minh bạch về các tiêu chí và thủ tục tuyển dụng, Samoa đã xuất bản Cẩm nang Tuyển chọn Công chức. Ủy ban Hành chính Công của Úc thường xuyên cập nhật các chỉ dẫn của ủy ban về việc tuyển dụng và đề bạt, cũng như đánh giá mức độ chấp hành của các cơ quan. Hàn Quốc thiết lập một cơ chế giám sát nhằm tăng cường tính minh bạch đối với các thủ tục bổ nhiệm dễ phát sinh hành vi tham nhũng; mọi quá trình tuyển chọn đều được lưu hồ sơ chi tiết trên internet và có thể kiểm tra công khai. Úc, Hồng Kông, Trung Quốc, Papua New Guinea và Philippines cũng đã thiết lập thủ tục khiếu nại riêng cho phép các ứng cử viên hoặc công chức nộp đơn khiếu nại liên quan đến việc bổ nhiệm hoặc đề bạt lên các cơ quan độc lập: Đó là Ủy ban Bảo vệ Phẩm chất ở Úc, Trưởng Đặc khu Hành chính ở Hồng Kông, Trung Quốc và Ủy ban Hành chính Công hoặc Ủy ban Thanh tra ở Papua New Guinea.

Một số quốc gia tuyệt đối cấm việc bổ nhiệm có thiên hướng vị thân. Tại Cộng hòa Kiếc-ghi-zi và Phillippines, người được tuyển dụng không được phép thuộc quyền giám sát trực tiếp của người nhà. Trong các tình huống sự hạn chế này bị coi là thiếu thực tế và vì thế bị miễn trừ khỏi các quy tắc, pháp luật Phillipines đòi hỏi việc bổ nhiệm cụ thể phải được báo cáo lên các cơ quan giám sát. Một số quốc gia đã thiết lập những mô hình tổ chức hoặc thể chế cụ thể về thủ tục bổ nhiệm nhằm giảm bớt nguy cơ bao che và vị thân. Băng-la-đét, Hàn Quốc, Malaysia, Nepal và Pakistan đã tập trung hóa các hệ thống tuyển dụng. Các quốc gia khác lựa chọn một hệ thống phi tập trung hóa: Fiji đã phi tập trung hóa việc tuyển dụng công chức ở các cấp thấp hơn vị trí điều hành cao cấp. Ở Singapore, mọi quyết định về tuyển dụng và đề bạt đều do một hội đồng thực hiện. Fiji cùng với Vanuatu sử dụng các hội đồng để bổ nhiệm những vị trí nhất định. Băng-la-đét, Ấn Độ và Pakistan giao quyền cho các ủy ban đề bạt của các bộ thực hiện các quy tắc về đề bạt công chức. Ở Băng-la-đét, những quyết định về đề bạt các vị trí cấp cao do một ủy ban cấp cao gọi là Hội đồng Tuyển chọn Cấp cao thực hiện. Ở Úc, một ủy ban độc lập có thể được triệu tập để đưa ra các kiến nghị đối với người đứng đầu cơ quan về việc tuyển chọn cho những vị trí nhất định.

Nhằm chống lại nguy cơ gia tăng ảnh hưởng thái quá của việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao, một số quốc gia quản lý việc bổ nhiệm theo một chế độ riêng. Ở Nepal, Ấn Độ và Pakistan, các cơ quan trung ương độc lập được hiến pháp giao quyền bổ nhiệm công chức vào các vị trí cấp cao. Các quy định tương tự ở Malaysia đòi hỏi phải có sự chấp thuận của một cơ quan cấp trung ương đối với việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao trong khi ở Hồng Kông, Trung Quốc đòi hỏi phải có ý kiến của một cơ quan độc lập về việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao. Malaysia ủy thác cho cơ quan chống tham nhũng phải đảm bảo rằng các ứng cử viên cho việc bổ nhiệm hoặc đề bạt vào các vị trí quan trọng trong khu vực hành chính công và tư nhân không liên quan đến tham nhũng. Việc bổ nhiệm các vị trí cao nhất trong một số cơ quan hành chính công phải được quốc hội thông qua. Ví dụ, tổng chưởng lý, bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng cảnh sát ở Indonesia do tổng thống bổ nhiệm và quyết định này phải được quốc hội thông qua. Trái lại, thủ tướng Pakistan có quyền bổ nhiệm bất kỳ ai vào một vị trí trong bộ máy liên bang mà quyết định này không cần phải được một cơ quan khác thông qua; tuy nhiên, quyền hạn này ít khi được sử dụng.

2. Tiền lương cho công chức

Tiền lương không thỏa đáng khiến cho các vị trí trong hệ thống hành chính công không hấp dẫn đối với nhân tài và có thể hạn chế khả năng chống tham nhũng của công chức. Vì vậy, tiền lương thỏa đáng cho công chức thường được coi như sự hỗ trợ đối với phòng chống tham nhũng. Nhiều quốc gia đánh giá và điều chỉnh lương của công chức theo định kỳ. Những điều chỉnh này thường tính đến sự thay đổi về chi phí sinh hoạt, sự phát triển kinh tế chung hoặc các mức lương của khu vực tư nhân có thể so sánh được. Ở một số quốc gia, điều này liên quan đến việc đánh giá quỹ lương và điều chỉnh mức lương theo định kỳ nếu ngân sách nhà nước cho phép (Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Nhật Bản; Ka-zắc-xtan; Malaysia; Papua New Guinea; Philippines; Singapore). Một số quốc gia ưu tiên cho một số khu vực có nguy cơ cao: Indonesia và Cộng hòa Kiếc-ghi-zi ưu tiên điều chỉnh lương trong các cơ quan thực thi pháp luật; Pakistan cũng thực hiện điều tương tự trong một số bộ phận của các cơ quan thực thi pháp luật. Philippines tăng mức tiền lương trả trong ngành tư pháp nhằm thu hút thêm công chức có năng lực, và những nỗ lực hiện nay của Quốc hội Philippines cũng nhằm cải thiện tiền lương của một số vị trí của Văn phòng Thanh tra. Băng-la-đét và Đảo quốc Cook định kỳ đánh giá lại cấu trúc lương trong hệ thống hành chính công nhằm đảm bảo tiền lương bình đẳng và hợp lý. Samoa có kế hoạch thành lập Hội đồng Tiền lương để đánh giá mức độ bình đẳng về tiền lương trong khu vực hành chính công.

3. Quy định về xung đột lợi ích và đạo đức trong công tác

Việc thiết lập và thực thi tính công tâm và thanh liêm đòi hỏi phải có những hướng dẫn rõ ràng. Các quy tắc đạo đức toàn diện và công khai cùng với việc việc thi hành kỷ luật nhanh chóng những người vi phạm là nền tảng duy trì các chuẩn mực cao về đạo đức trong khu vực hành chính công.

Ngày nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã đề ra những hướng dẫn cho khu vực hành chính công về các quy tắc đạo đức hoặc luật pháp (về các quy tắc đạo đức đối với chính khách, xem mục B.II dưới đây): Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Papua New Guinea, Samoa và Vanuatu đã thông qua các quy tắc đạo đức,ở Indonesia, Mông Cổ và Philippines thông qua các luật về xung đột lợi ích hoặc luật chống tham nhũng . Cộng hòa Kiếc-ghi-zi, Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc đã ban hành các quy định đối với hành chính công và Băng-la-đét có các quy tắc đạo đức đối với công chức. Những khuôn khổ này thường tập trung vào các xung đột lợi ích, được định nghĩa chung là những tình huống trong đó những cân nhắc của cá nhân có ảnh hướng đến công chức trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Các khuôn khổ này cũng thường hạn chế hoặc quản lý các hoạt động kinh tế hoặc chính trị, việc nhận quà biếu hoặc sự hảo tâm của công chức vốn là những nguồn gốc cơ bản của xung đột lợi ích. Trong số đó, nhiều khuôn khổ quy định các biện pháp xử phạt để xử lý các hành vi bị cấm.

Những thay đổi nhanh chóng trong môi trường làm việc hành chính công đòi hỏi sự đánh giá thường xuyên về các quy tắc đạo đức. Các mô hình mới về hợp tác với khu vực doanh nghiệp, quan hệ đối tác nhà nước-tư nhân và sự dịch chuyển gia tăng về nhân lực giữa khu vực hành chính công và tư nhân cho thấy các lĩnh vực tiềm ẩn những nguy cơ mới xuất hiện. Để phản ứng nhanh trước những thách thức và khai thác kỹ năng đặc biệt trong lĩnh vực này, Hàn Quốc, Malaysia và Hồng Kông, Trung Quốc đã hợp nhất các phận cố vấn của các cơ quan chống tham nhũng nhằm chia xẻ việc cập nhật và đảm bảo thực thi các quy tắc đạo đức hiện tại. Cam-pu-chia, Đảo quốc Cook, Fiji, Cộng hòa Kiếc-ghi-zi và Pakistan đang lập kế hoạch hoặc đang xây dựng hay cải cách về cơ bản các quy tắc đạo đức.

a. Xung đột lợi ích về thực hiện các hoạt động kinh tế hoặc chính trị

Ba mô hình khác nhau được áp dụng nhằm tránh hoặc quản lý xung đột lợi ích. Thứ nhất là dựa vào tính minh bạch, thứ hai là dựa vào tính không tương hợp và thứ ba là kết hợp các nguyên tắc này. Các hệ thống về tính minh bạch yêu cầu công chức có liên quan phải công bố các lợi ích xung đột; nếu một hoạt động phụ phát sinh xung đột, có thể cần có sự cho phép. Các hệ thống về tính không phù hợp nghiêm cấm các hoạt động thường gây ra xung đột lợi ích.

Nhiều quy định về xung đột lợi ích chú trọng sự tham gia của công chức vào các hoạt động chính trị hoặc kinh tế: Băng-la-đét, Ấn Độ, Nhật Bản, Cộng hòa Kiếc-ghi-zi, Nepal và Philippines hạn chế hoặc cấm công chức tham gia vào các hoạt động chính trị. Pháp luật Úc cho phép tham gia nhưng công chức tham gia tranh cử phải rút khỏi chức vụ chính thức trong khoảng thời gian chiến dịch tranh cử và nhiệm kỳ của chức danh bầu cử.

Nhiều quốc gia hạn chế hoặc cấm công chức tham gia hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân (Băng-la-đét; Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Nhật Bản; Cộng hòa Kiếc-ghi-zi; Philippines; Singapore). Nepal, Indonesia và Singapore yêu cầu công chức phải được phép của cấp trên hoặc bộ trưởng trước khi tham gia hội đồng quản trị của một công ty hoặc nắm giữ cổ phiếu của công ty tư nhân. Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia và Philippines cấm đầu tư hoặc tham gia vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hoạt động của công chức. Quy định của Ấn Độ bắt buộc công chức phải báo cáo về công việc của người họ hàng thân trong tổ chức thuộc lĩnh vực quản lý của công chức. Pháp luật của Cộng hòa Kiếc-ghi-zi đòi hỏi các cổ đông phải chuyển giao cổ phiếu cho quỹ tín thác trong thời gian làm công chức.

b. Quy định về quà biếu và sự hảo tâm

Quà biếu và sự hảo tâm đôi khi được lạm dụng nhằm ngụy trang cho tham nhũng và có thiên hướng gây xung đột lợi ích. Do vậy, các quy tắc đạo đức của hầu hết các quốc gia nghiêm cấm hoặc hạn chế việc nhận quà biếu và sự hảo tâm. Ka-zắc-xtan, Hàn Quốc và Philippines cũng quản lý mức độ nhận quà biếu và sự hảo tâm của các thành viên gia đình công chức.

Những quy định này yêu cầu quà biếu phải bị sung quỹ hoặc phải báo cáo về món quà đó cho cấp trên (Nhật Bản và Nepal; Ấn Độ và Malaysia đối với quà biếu có giá trị lớn hơn mức nhất định). Ở Nhật Bản, công dân có thể tiếp cận các thông tin về quà biếu có giá trị trên 170USD theo từng yêu cầu. Ở Mông Cổ, quà biếu cần phải báo cáo với bộ tài chính hoặc hoặc chuyển giao nếu giá trị quà biếu lớn hơn tiền lương tháng của người nhận; người nhận quà biếu có thể mua lại từ bộ tài chính.

Những quy định này thường miễn trừ các món quà nhỏ. Một món quà có được coi là nhỏ hay không được quyết định dựa trên sự tương quan với một mức nào đó hoặc các hoàn cảnh cụ thể. Mức trần cho phép nhận quà biếu giữa các quốc gia có sự khác biệt, phần nào phản ánh tình hình kinh tế của các quốc gia. Một số ví dụ, mức trần được quy định là 10USD tại Ka-zắc-xtan, 25USD tại Hàn Quốc, 50USD tại Nhật Bản và 125USD tại Malaysia. Do mức cố định có thể không hữu hiệu trong việc ngăn chặn tham nhũng quy mô nhỏ, quy tắc đạo đức của Philippines nghiêm cấm các món quà “dễ nhận thấy là thái quá”, do vậy chọn phương thức xác định theo từng hoàn cảnh cụ thể. Malaysia yêu cầu quà biếu phải được báo cáo bất kể giá trị, nếu xét thấy việc tặng quà là có mục đích đáng ngờ.

c. Xung đột lợi ích phát sinh từ công việc sau khi thôi chức

Xung đột lợi ích có thể đe dọa lợi ích của công chúng ngay cả khi công chức không còn đương chức. Do vậy, một số quốc gia quy định những hạn chế về hoạt động chuyên môn của cựu công chức trong một khoảng thời gian hoặc với những điều kiện nhất định: Hồng Kông, Trung Quốc yêu cầu công chức nghỉ hưu có ý định tiếp tục làm việc hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào trong vòng hai năm kể từ khi nghỉ hưu phải được chính phủ chấp thuận. Một giai đoạn hạn chế kéo dài sáu tháng kể từ ngày thôi chức vụ thường được áp dụng đối với quan chức cao cấp. Luật pháp Úc không quy định những hạn chế cố định về hoạt động sau khi làm việc trong khu vực hành chính công; tuy nhiên những quy tắc đạo đức không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý chỉ ra nguy cơ xung đột lợi ích và khuyến khích các cơ quan định ra các hướng dẫn liên quan; thời gian chờ đợi được khuyến nghị một cách công khai. Ở Băng-la-đét, nếu công chức nghỉ chế độ trước khi về hưu phải được chấp thuận trước của chính phủ.

d. Hướng dẫn và đào tào về hành vi đạo đức và nguy cơ tham nhũng

Việc ban hành các quy tắc đạo đức bản thân nó không đủ để củng cố hành vi đạo đức trong hệ thống hành chính công; sự lãnh đạo, hướng dẫn rõ ràng và các chương trình nhận thức là sự bổ sung quan trọng cho các quy định. Về phương diện này, Úc đưa ra lời khuyên thực tế cụ thể về việc làm thế nào để giải quyết các xung đột lợi ích và các vấn đề đạo đức trong các tờ rơi và trang web.

Ngày càng có nhiều quốc gia nhận thấy tầm quan trọng của việc đào tạo về vấn đề đạo đức và tham nhũng. Nhận thức về chống tham nhũng là một phần trong các chương trình đào tạo công chức thường xuyên ở Băng-la-đét; Ấn Độ; Nhật Bản; Philippines; Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc. Ở Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc, các cơ quan chống tham nhũng tiến hành đào tạo về các vấn đề này. Cộng hòa Kiếc-ghi-zi hiện đang chuẩn bị các chương trình đào tạo công chức.

e. Xử lý vi phạm các quy tắc đạo đức

Các biện pháp kỷ luật là phương tiện có tính áp dụng phổ biến nhất nhằm đảm bảo thực thi các quy tắc đạo đức. Những biện pháp này bổ sung cho các hình thức xử phạt; đôi khi cơ chế xử lý của những biện pháp này mang lại những kết quả nhanh chóng và có tính ngăn chặn cao hơn xử lý hình sự. Các biện pháp kỷ luật thường bao gồm việc miễn nhiệm, như trong trường hợp của Pakistan và Philippines.

Cộng hòa Kiếc-ghi-zi, Malaysia, Nepal và Philippines đã bổ sung những biện pháp khuyến khích nhất định nhằm thực hiện các quy tắc đạo đức. Các ứng cử viên có liên quan đến tham nhũng hoặc lạm dụng quyền lực sẽ không đủ tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong khu vực hành chính công và một số cơ quan nhất định; họ có thể không được phụ cấp tiền lương. Ở Malaysia, cơ quan chống tham nhũng giám sát việc tuyển chọn công chức đủ điều kiện.

4. Nghĩa vụ báo cáo về tài sản và các khoản nợ

Các biện pháp ngăn chặn tham nhũng trong hệ thống hành chính công vượt ra ngoài việc giám sát hoạt động của công chức. Do của cải thường dễ nhận thấy nên nhiều quốc gia giám sát tài sản và các khoản nợ của công chức nhằm phát hiện những của cải vô căn cứ như là một dấu hiệu của hành vi tham nhũng. Một số quốc gia yêu cầu tất cả công chức phải thường xuyên công khai thông tin về tài sản và các khoản nợ (Băng-la-đét, Fiji, Ấn Độ, Ka-zắc-xtan, Malaysia, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore, Vanuatu); Cam-pu-chia đã dự thảo một đạo luật tương tự. Nepal và Philippines mở rộng việc giám sát ra cả gia đình của công chức nhằm phòng chống và phát hiện sự chuyển giao tài sản chính thức.

Úc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Papua New Guinea chỉ bắt buộc kê khai tài sản đối với các quan chức cao cấp. Công chức Singapore phải báo cáo các khoản đầu tư và bất động sản cũng như tài sản cá nhân và cổ phần trong các công ty tư nhân; hàng năm họ cũng phải công bố không bị mắc nợ. Hồng Kông, Trung Quốc yêu cầu quan chức cao cấp hoặc những người ở những vị trí nhạy cảm phải kê khai các khoản đầu tư và bất động sản theo định kỳ. Ở Ka-zắc-xtan, không chỉ công chức mà mọi công dân mua các tài sản lớn đều phải kê khai vê thu nhập. Cộng hòa Kiếc-ghi-zi hiện đang dự thảo luật yêu cầu quan chức cấp cao và thân nhân phải báo cáo thu nhập và bất động sản sở hữu.

Mặc dù nhiều quốc gia yêu cầu công chức phải nộp các báo cáo nhưng hầu như vẫn chưa rõ liệu những kê khai này có được kiểm tra hay không và những thông tin tổng hợp được sử dụng như thế nào. Chỉ có Philippines công bố các thông tin này với công chúng. Quốc gia này cũng thiết lập quan hệ đối tác giữa các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để kiểm tra lối sống của công chức nhằm phát hiện thu nhập bất chính.

II. Hệ thống quản lý công

Các biện pháp đề cập trên đây tập trung vào tính thanh liêm và năng lực của hệ thống hành chính công ở cấp cá nhân công chức. Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia đều cố gắng tránh cho hệ thống hành chính công không bị tác động tiêu cực ở cấp thể chế. Các biện pháp nhằm làm hài hòa và giải thích rõ các thủ tục cũng như giảm bớt sự tùy tiện. Trong trường hợp điều này là không thể hoặc thiếu thực tế, các cách thức kiểm soát hoặc đa dạng hóa mối quan hệ giữa công chức và công dân được sử dụng để phòng chống tham nhũng. Các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng đặc biệt, như việc mua sắm công, được đặt dưới các cơ chế và thủ tục cụ thể nhằm đảm bảo sự giám sát và tính minh bạch. Kiểm toán và các hình thức kiểm tra và khảo sát khác cũng được bổ sung vào các nỗ lực nhằm nâng cao trách nhiệm của hệ thống hành chính công.

1. Ngăn chặn sự can thiệp thái quá

Bối cảnh thể chế và tổ chức quyết định rất lớn đến mức độ các thủ tục hành chính chịu sự can thiệp thái quá và tham nhũng. Sự tùy tiện, luật pháp và các quy định không rõ ràng tạo cơ hội cho tham nhũng hoành hành. Bên cạnh việc nỗ lực cải thiện tính minh bạch của các quy định pháp lý (xem mục A.III. dưới đây), các quốc gia trong khu vực cố gắng tách sự can thiệp của con người ra khỏi các thủ tục hành chính và giảm bớt các mối quan hệ khách hàng có thể dẫn đến việc đối xử thiên vị vô căn cứ và vòi vĩnh hối lộ. Các thủ tục trực tuyến không có sự can thiệp của con người và thường xuyên luân chuyển công chức là các biện pháp thường được áp dụng nhất để đối phó với các nguy cơ này.

a. Chính phủ điện tử

Ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ cho công chúng. Phương pháp tiếp cận này, thường được gọi là “chính phủ điện tử”, có thể giúp hạn chế cơ hội tham nhũng theo một số cách: các giao dịch trực tuyến tách rời tác động của con người và quy chuẩn việc cung cấp dịch vụ và không còn nhiều chỗ cho việc chi trả hoặc hối lộ trá hình; thêm vào đó, việc sử dụng máy tính đòi hỏi các quy tắc và thủ tục phải được quy chuẩn và công bố công khai, do đó hạn chế việc lạm dụng sự tùy tiện và các cơ hội tham nhũng khác. Hơn nữa, các thủ tục được máy tính hóa giúp theo dõi các quyết định và hành động, do đó đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn tham nhũng.

Úc; Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Malaysia; Pakistan; Philippines và Singapore có những nỗ lực lớn nhằm triển khai chính phủ điện tử. Ví dụ, tại Hàn Quốc, công dân có thể theo dõi theo thời gian thực tế tiến độ xử lý việc cấp phép trực tuyến. Ở Pakistan, toàn bộ cơ quan thuế hiện đang được tái cơ cấu và triển khai công nghệ thông tin với mục đích hạn chế sự tiếp xúc giữa người thu thuế và người nộp thuế. Ở Ấn Độ và Philippines, các tài liệu liên quan đến việc mua sắm công hiện nay phải công bố trực tuyến. Cam-pu-chia cũng tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ hành chính.

b. Luân chuyển công chức

Việc luân chuyển thường xuyên và kịp thời công chức hạn chế tính cục bộ, do đó có thể giúp ngăn chặn tham nhũng. Một số quốc gia luân chuyển công chức theo một kế hoạch định sẵn, theo từng dịp hoặc trong từng hoàn cảnh nhất định. Luân chuyển công chức định kỳ được thực hiện tại Băng-la-đét; Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Ka-zắc-xtan; Hàn Quốc và Singapore. Ở các quốc gia khác, công chức chỉ được luân chuyển ở một cấp nhất định hoặc trong những điều kiện đặc biệt: Vanuatu luân chuyển nhân sự ở cấp giám đốc/ vụ trưởng; Philippines buộc một số công chức của cảnh sát quốc gia và cơ quan thuế quốc tế thường xuyên luân chuyển vị trí; Papua New Guinea luân chuyển các quan chức cảnh sát; và Malaysia, nước có hệ thống luân chuyển được áp dụng tại một số cơ quan, đã dự thảo một đạo luật yêu cầu công chức có quan hệ trực tiếp với công dân phải thường xuyên thay đổi vị trí. Pakistan cũng đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu một cách có hệ thống và ngẫu nhiên các tiếp xúc cá nhân giữa công chức và khách hàng. Để ngăn chặn việc lạm dụng tùy tiện, cơ quan chống tham nhũng Nepal có sáng kiến dự thảo một cẩm nang để phát cho mọi cơ quan chính phủ tiếp xúc nhiều với công dân.

2. Mua sắm công

Mua sắm công là một lĩnh vực đặc biệt dễ xảy ra tình trạng tham nhũng. Để phòng chống tham nhũng, các hệ thống mua sắm phải dựa trên tính minh bạch, cạnh tranh và các tiêu chí ra quyết định khách quan. Trong toàn khu vực, cải cách thủ tục mua sắm công được xác định là một ưu tiên. Hầu hết các quốc gia đã ban hành các nghị định điều chỉnh việc mua sắm công (Úc; Băng-la-đét; Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Cộng hòa Kiếc-ghi-zi; Malaysia; Mông Cổ; Nepal; Papua New Guinea; Pakistan; Philippines; Samoa; Singapore; Vanuatu). Một số quốc gia khác hiên đang cải cách thủ tục mua sắm công. Băng-la-đét gần đây ban hành các hướng dẫn về mua sắm và giao nhiệm vụ cho một cơ quan, bên cạnh các cơ quan khác, theo dõi và đánh giá các quá trình mua sắm của chính phủ. Samoa đang xây dựng các cẩm nang nhằm quy chuẩn việc mua sắm và tăng cường tính minh bạch.

Những nỗ lực cải cách hiện hành trong khu vực tập trung chủ yếu vào việc triển khai mua sắm qua internet (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Philippines). Nhóm Chuyên gia Mua sắm của Chính phủ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) xác định việc thúc đẩy các hệ thống mua sắm điện tử là một trong những trọng tâm trong năm 2003. Một lĩnh vực cải cách hiện hành khác là việc quy chuẩn và tập trung hóa việc mua sắm công – với những ngoại lệ như trường hợp của Indonesia, nơi việc mua sắm công hiện đang được thực hiện phi tập trung. Các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan như Nguyên tắc về Mua sắm của Chính phủ không mang tính ràng buộc của APEC được thông qua năm 1999 và Hiệp định của WTO về Mua sắm của Chính phủ đã tác động tới quá trình cải cách ở một số quốc gia.

Hầu hết các khuôn khổ hiện tại điều chỉnh việc mua sắm công đều yêu cầu công bố các dự án quan trọng, ví dụ như trên công báo hoặc các tờ nhật báo, hoặc trên internet (Úc; Cam-pu-chia; Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Mông Cổ; Nepal; Pakistan; Philippines; Singapore). Tuy nhiên Mông Cổ áp dụng miễn trừ đối với việc mua sắm vũ khí, thiết bị và các dịch vụ liên quan đến an ninh quốc gia. Nhật Bản đã quy chuẩn các tiêu chuẩn đối với nhà thầu. Quá trình lựa chọn tuân theo các quy tắc hoặc quy định pháp quy, trong đó có việc ủy thác cho một hội đồng lựa chọn hoặc cố vấn cho việc lựa chọn nhà thầu (Băng-la-đét; Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Malaysia; Philippines).

Ở một số quốc gia, việc phê duyệt nhà thầu chịu sự giám sát của công chúng, như Hàn Quốc và Philippines. Hàn Quốc đảm bảo tính minh bạch của thủ tục đấu thầu thông qua việc công bố trên internet các tài liệu như thông báo mời thầu và các thông tin về việc lựa chọn nhà thầu cuối cùng. Nepal công bố các lý do chấp thuận bất kỳ nhà thầu nào trên bảng thông báo hoặc báo chí. Úc sử dụng rộng rãi internet đối với các nhà thầu đại chúng, bao gồm cả việc cung cấp thông tin về các nhà thầu đại chúng được lựa chọn. Tại một số quốc gia, thành viên của các tổ chức xã hội, viện nghiên cứu hoặc kỹ thuật viên giám sát thủ tục và quyết định mua sắm. Ở Philippines, hai quan sát viên tham dự hội đồng được ủy thác lựa chọn nhà thầu: một người từ một nhóm tư nhân được công nhận trong lĩnh vực hoặc ngành nghề có liên quan đến việc mua sắm sắp diễn ra, và người kia từ một tổ chức phi chính phủ.

Pháp luật của một số quốc gia có những điều khoản cụ thể nhằm ngăn chặn xung đột lợi ích trong việc mua sắm công. Ví dụ, tại Philippines những mối quan hệ gia đình nhất định giữa công chức và nhà thầu sẽ loại nhà thầu đó khỏi quá trình đấu thầu. Malaysia cũng có quy định tương tự.

Cơ chế đánh giá và khiếu nại đóng vai trò quan trọng đối với cả việc đảm bảo sự lựa chọn và các giải pháp pháp lý và ngăn chặn tham nhũng. Việc đánh giá này đòi hỏi phải lưu giữ các hồ sơ đầy đủ của toàn bộ quá trình mua sắm trong một khoảng thời gian nhất định và phải có cơ chế kiểm tra độc lập. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá và khiếu nại đối với các quyết định mua sắm hiếm khi được báo cáo. Băng-la-đét, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Pakistan lưu giữ hồ sơ của toàn bộ quá trình mua sắm cũng như các hành động và quyết định đã thực hiện. Hồng Kông, Trung Quốc; Nhật Bản; Hàn Quốc; Malaysia và Pakistan đã thiết lập thủ tục khiếu nại. Tuy nhiên chỉ có Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc và Pakistan có cơ chế phản đối quyết định mua sắm và quy định đền bù thiệt hại.

Nhằm tăng cường hơn nữa việc áp dụng các quy tắc này trong thực tế, ngày càng có nhiều quốc gia – ví dụ như Fiji, Nhật Bản, Indonesia, Ka-zắc-xtan và Philippines – đang thiết lập hoặc đã áp dụng các biện pháp xử lý đối với việc đấu thầu sai và thủ tục kỷ luật công chức sai phạm trong quá trình mua sắm. Thêm vào đó, Nhật Bản buộc công chức phải chịu trách nhiệm đối với các tổn thất tiềm tàng. Đối với việc đấu thầu sai, các biện pháp xử lý thường không hữu hiệu bằng việc cấm các công ty dự thầu của chính phủ trong lai. Theo đó, một số quốc gia loại các công ty chi hối lộ khỏi các hợp đồng của chính phủ trong một khoảng thời gian nhất định hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore). Hàn Quốc, Philippines và Singapore quy định đình chỉ nhà thầu bị buộc tội hối lộ tham gia đấu thầu các hợp đồng của chính phủ trong tương lai. Ở Hồng Kông, Trung Quốc, có hướng dẫn hành chính chỉ thị việc loại công ty liên quan đến tham nhũng khỏi danh sách các nhà thầu được chấp thuận. Hơn nữa, tại Hàn Quốc các doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm trong quá trình đấu thầu bị nêu tên trên công báo và bị chú dẫn trong hệ thống thông tin tài chính toàn quốc. Tương tự như vậy, ở Pakistan cũng công bố một danh sách đen các công ty trên trang web của cơ quan có thẩm quyền mua sắm. Hàn Quốc và Pakistan còn sử dụng “khế ước về tính thanh liêm” trong các hợp đồng mua sắm công đối với các hợp đồng có giá trị trên 170.000USD. Khế ước này, ban đầu do Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, bao gồm điều khoản cấm công ty tham gia các hợp đồng của chính phủ nếu không tuân thủ các điều khoản của khế ước.

3. Thủ tục và thể chế kiểm toán

Hệ thống hành chính công hoạt động trong một môi trường đang thay đổi trong đó phát sinh các nguy cơ tham nhũng mới song hành với các thách thức mới. Việc theo dõi và giám sát thường xuyên vì thế có tính thiết yếu nhằm đảm bảo tính thanh liêm của hệ thống. Ngoài những hình thức khác thì việc giám sát hữu hiệu thường được cho là phải có sự kiểm tra từ bên ngoài của các cơ quan kiểm toán. Các cơ quan này đóng vai trò đặc biệt quan trọng thông qua việc giúp thúc đẩy quản lý tài chính lành mạnh, chính phủ có trách nhiệm và minh bạch, và do vậy góp phần phòng chống và phát hiện các hành vi tham nhũng. Tính độc lập hoàn toàn của các cơ quan kiểm toán – về phương diện nhân sự, ngân sách, phạm vi quyền lực và đủ thẩm quyền điều tra, kể cả việc triệu tập nhân chứng và thu giữ tài liệu – có ý nghĩa thiết yếu đối với khả năng hoạt động hữu hiệu của các cơ quan này.

Tất cả các quốc gia báo cáo đều đã thành lập các cơ quan thực hiện kiểm toán độc lập đối với chính phủ, các cơ quan hành chính và các tổ chức khác, như các doanh nghiệp nhà nước. Các quy định về thể chế, cơ chế và quyền lực của các cơ quan kiểm toán này khác nhau ở mỗi nước, song sự chấp hành của nhiều bên trong Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (INTOSAI) đã thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực tương tự trong toàn khu vực. Hầu hết các quốc gia đều đã thiết lập một cơ quan kiểm toán tối cao ở cấp trung ương và các thủ tục kiểm toán nội bộ phi tập trung đa dạng. Tại hầu hết các quốc gia, cơ quan kiểm toán tối cao được thành lập theo hiến pháp (Băng-la-đét; Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Nhật Bản; Nepal; Pakistan; Philippines); vị thế này cùng các điều khoản về nó nhằm đảm bảo tính độc lập với chính phủ.

Các quy định liên quan đến việc bổ nhiệm và miễn nhiệm thủ trưởng của cơ quan kiểm toán bảo đảm hơn nữa tính độc lập của cơ quan. Tại Hàn Quốc và Malaysia, giám đốc cơ quan này do nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm, tại Mông Cổ do quốc hội và tại Hồng Kông, Trung Quốc, do trưởng đặc khu. Thông thường, thủ trưởng cơ quan kiểm toán tối cao có nhiệm kỳ cố định; việc miễn nhiệm tuân theo thủ tục luận tội cụ thể và chỉ tiến hành trong những điều kiện nhất định. Ở một số quốc gia nơi áp dụng các điều khoản miễn trừ không khởi tố thủ trưởng cơ quan kiểm toán đối với bất kỳ hành động nào trong khi thi hành nhiệm vụ (Hàn Quốc, Nepal, Papua New Guinea). Trong khi nhiều quốc gia cho phép cơ quan kiểm toán tự tuyển dụng nhân viên, Malaysia và Nepal ủy thác nhiệm vụ này cho các ủy ban dân sự và cơ quan tương tự.

Tại hầu hết các quốc gia, ngân sách của cơ quan kiểm toán thực hiện theo những quy định đặc biệt, đảm bảo cho tính tự chủ và ngăn chặn việc cắt giảm tùy tiện. Tuy nhiên, các nguồn lực tài chính, thẩm quyền và tính độc lập hạn chế làm giảm sự hữu hiệu của cơ quan này tại nhiều quốc gia.

Thẩm quyền của cơ quan kiểm toán thường bao trùm tất cả các bộ và cơ quan chính phủ (Băng-la-đét; Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Nepal; Pakistan; Philippines). Thêm vào đó, hầu hết các quốc gia đã mở rộng thêm quyền lực của cơ quan này sang cả các doanh nghiệp nhà nước (Băng-la-đét, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Philippines) hoặc thậm chí đối với cả các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát, các quỹ của chính phủ, các ngân hàng và các cơ quan hành chính địa phương (Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Nepal; Pakistan; Papua New Guinea; Philippines).

Phạm vi kiểm toán bao gồm tính hợp pháp và hữu hiệu của việc chi tiêu ngân sách nhà nước. Hầu hết các cơ quan kiểm toán có thẩm quyền tiếp cận mọi hồ sơ hành chính công, trừ Mông Cổ, để kiểm tra bất kỳ công chức nào. Tuy nhiên, thẩm quyền này hoặc quyền triệu tập nhân chứng hoặc thu tài liệu tại tất cả các quốc gia không thực hiện được nếu bị cơ quan có liên quan từ chối (Malaysia, Pakistan). Bên cạnh chức năng kiểm toán, một số ít các quốc gia đã ủy quyền cho cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện biện pháp hành pháp hoặc xử phạt. Cơ quan kiểm toán tại Nhật Bản, Mông Cổ và Papua New Guinea có quyền khởi xướng hoặc áp dụng biện pháp kỷ luật khi một công chức gây “thiệt hại nghiêm trọng” hoặc vi phạm pháp luật hoặc các quy tắc ngân sách.

Cơ quan kiểm toán của hầu hết các quốc gia thực hiện hai hình thức kiểm toán khác nhau: kiểm toán tài chính các cơ quan chính phủ và hành chính, và các đánh giá chọn lọc. Kiểm toán tài chính bảo đảm các giao dịch tài chính và kế toán của chính phủ được thực hiện đúng đắn, còn các đánh giá chọn lọc bảo đảm sự hoạt động đúng đắn của hệ thống kiểm toán nội bộ (Hồng Kông, Trung Quốc; Philippines).

Với các nguồn lực hạn chế, cơ quan kiểm toán của hầu hết các quốc gia phải sắp đặt ưu tiên đối với chương trình kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, tùy thuộc các tiêu chí lựa chọn khác nhau. Ví dụ, tại Hàn Quốc điều đáng nói là bản thân công dân có thể khởi xướng một cuộc kiểm toán, ví dụ liên quan đến sự phung phí hoặc sai phạm hành chính bị cáo buộc.

Các quy định công khai yêu cầu công bố các báo cáo kiểm toán chỉ có tại một số ít các quốc gia như Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Nhật Bản; Mông Cổ; Nepal và Vanuatu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác cho phép thực hiện điều này trên cơ sở tự nguyện (Băng-la-đét, Malaysia, Philippines), một số khác sử dụng trang internet của cơ quan kiểm toán. Luật pháp Malaysia nghiêm cấm công bố các báo cáo kiểm toán.

Một số chính phủ đã mở rộng nhiệm vụ của cơ quan kiểm toán từ kiểm toán thuần túy sang đề xuất – tương tự như chức năng của bộ phận cố vấn của một số cơ quan chống tham nhũng – về những cải thiện có thể về thủ tục và/hoặc thể chế trong hệ thống hành chính công (Hồng Kông, Trung Quốc; Nhật Bản; Hàn Quốc; Mông Cổ; Nepal; Pakistan; Philippines). Tuy nhiên, trong một số trường hợp như Mông Cổ, vai trò này chỉ giới hạn trong việc phân tích tính hiệu quả của tổ chức bị kiểm tra. Sự mở rộng vai trò này nhằm khai thác kiến thức và kinh nghiệm của cơ quan kiểm toán nhằm cải cách các quy định và bộ máy kém hiệu quả và dễ xảy ra tham nhũng.

4. Nâng cao trách nhiệm của hệ thống hành chính công thông qua các cuộc khảo sát

Kiểm toán cho phép thanh tra và đánh giá về hoạt động có lưu hồ sơ, chỉ những hoạt động có lưu hồ sơ, của cơ quan hành chính. Các cuộc khảo sát trong dân đối với những người đã tiếp xúc với các cơ quan này sẽ bổ sung cho việc kiểm toán. Các cuộc khảo sát giúp xác định các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng cần có sự cải cách về thể chế, và khi được công bố sẽ tạo ra công luận về vấn đề. Nhiều quốc gia trong khu vực đã tiến hành các cuộc khảo sát để đánh giá các nguyên nhân và mức độ tham nhũng tại một số cơ quan trong hệ thống hành chính công. Ví dụ, Ủy ban Độc lập của Hàn Quốc về chống Tham nhũng (KICAC) đánh giá định kỳ về mức độ thanh liêm của từng cơ quan chính phủ. Những đánh giá này cũng nhằm thúc đẩy hệ thống hành chính công giải quyết các vấn đề đã được xác định một cách tự nguyện. Malaysia cũng đã tiến hành một chương trình đánh giá thường xuyên về khu vực hành chính công.

III. Môi trường quản lý minh bạch

Môi trường quản lý rõ ràng là yếu tố cơ bản thứ ba đối với một hệ thống hành chính công hữu hiệu, minh bạch và trung thực. Bởi các quy tắc và thủ tục rõ ràng và có thể xác minh sẽ thu hẹp khoảng trống của các hành vi tham nhũng.

Theo đó, hầu hết các quốc gia trong báo cáo này thường xuyên đánh giá môi trường quản lý của mình nhằm cải thiện và cải cách, đặc biệt lưu ý các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Ví dụ, gần đây Mông Cổ đã cải cách các quy định về cấp phép hoạt động đối với doanh nghiệp tư nhân. Nhiều quốc gia thậm chí đã thể chế hóa việc đánh giá này, ủy thác cho một cơ quan cụ thể rà soát các thủ tục hiện hành và đề xuất cải cách trong trường hợp cần thiết. Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Hàn Quốc; Malaysia; Nepal; Philippines và Singapore đã ủy thác cho bộ phận cố vấn của cơ quan chống tham nhũng tối cao nhiệm vụ này. Tại Nhật Bản, văn phòng tổng kiểm toán chịu trách nhiệm đề xuất cải cách cho Chính phủ. Ở Ấn Độ, Bộ Cải cách Hành chính thường xuyên rà soát các thủ tục và đưa ra các đề xuất. Tại Papua New Guinea, Ban Quản lý Cải cách Khu vực Hành chính Công rà soát cơ cấu của các cơ quan hành chính công. Nhiều quốc gia công nhận vai trò quan trọng của tổ chức xã hội trong việc cải cách khuôn khổ quản lý. Ví dụ, Fiji, Hàn Quốc và Singapore dựa vào việc tham vấn với các đại diện từ khu vực tư nhân và NGOs để nhận biết các thủ tục kém hiệu quả và các yếu kém về hành chính mà công chúng gặp phải.

B. Ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực chính trị

Ép buộc và nhận hối lộ không chỉ dừng lại ở công chức. Trái lại, nhiều vụ việc tham nhũng được lật tẩy trong thập kỷ qua liên quan đến các chính khách cao cấp và thường làm tổn hại nghiêm trọng đến sự ổn định chính trị và xã hội tại các quốc gia. Nhiều quốc gia đã đáp lại những vụ việc này bằng cách ban hành các quy định hướng tới tính minh bạch và thanh liêm của các đảng phái chính trị, chính khách và quan chức cao cấp được bầu cử.

I. Tài trợ cho các đảng phái chính trị và chiến dịch tranh cử

Tiền hối lộ cho những người ra quyết định có ảnh hưởng thường được ngụy trang dưới hình thức quyên góp cho các đảng phải chính trị hoặc chiến dịch tranh cử. Vì vậy, việc công khai, kiểm soát, hạn chế và kiểm toán nguồn tài chính của các đảng phái chính trị và chiến dịch tranh cử là các phương tiện quan trọng nhằm phát hiện và phòng chống tham nhũng cấp cao và tránh các hành vi bất chính trên chính trường. Khá nhiều quốc gia yêu cầu ngân sách của các đảng phái chính trị và chiến dịch tranh cử phải có nghĩa vụ báo cáo và kiểm tra công khai trong một số trường hợp. Do nguồn tài chính của các đảng phải chính trị và chiến dịch tranh cử là những nội dung khác nhau trong hệ thống luật pháp của hầu hết các quốc gia, chúng được điều chỉnh theo những điều khoản khác nhau.

Vị thế đặc biệt của các đảng phái chính trị – các tổ chức tư nhân có quan hệ chặt chẽ với khu vực hành chính công – được phản ánh trong các mô hình lập pháp được các quốc gia lựa chọn. Một số quốc gia như Hồng Kông, Trung Quốc; Ka-zắc-xtan và Philippines không gắn các đảng phái chính trị vào một chế độ pháp lý đặc biệt nào; thay vào đó, luật pháp chung về các tổ chức dân sự quy định vị thế và nghĩa vụ pháp lý của các đảng phái. Nhìn chung, các luật này không quy định các nghĩa vụ về kế toán, công khai nguồn tài chính hay kiểm toán. Chế độ đảng phái chính trị như những tổ chức dân sự phổ thông liên quan đến các kết quả về nguồn tài chính cho đảng phái. Tại Hồng Kông, Trung Quốc, các đảng phái chính trị thường đăng ký thành lập như các hiệp hội hoặc các công ty. Đảng phái chính trị đăng ký thành lập theo hình thức hiệp hội phải nộp các báo cáo tài chính cho cảnh sát khi có yêu cầu; khi đăng ký theo hình thức công ty, đảng phái chính trị phải nộp bản kê khai thu nhập cho Cơ quan Đăng ký Công ty, cung cấp thông tin về tổng các khoản nợ và vốn tự có. Ở Ka-zắc-xtan, đảng phái có thể mở các công ty để gây quỹ.

Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Pakistan và Papua New Guinea quản lý vị thế và nghĩa vụ của các đảng phái chính trị bằng luật pháp; ở Nepal, vị thế của đảng phái chính được quy định bởi Hiến pháp và một đạo luật riêng về đảng phái chính trị. Chỉ một số quốc gia (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Papua New Guinea, Singapore) có sự quản lý cụ thể về nguồn tài chính của đảng phái chính trị. Các quốc gia này yêu cầu các đảng phái phải công khai thu nhập; tất cả các quốc gia, trừ Singapore, công bố các thông tin này. Úc, Nhật Bản, Papua New Guinea và Singapore cấm các khoản đóng góp vô danh, ít nhất là đối với trường hợp khoản quyên góp lớn hơn một mức nhất định. Nhật Bản phân định rõ ràng giữa “tham gia bằng tài chính” và “mua quyền tiếp cận hoặc ảnh hưởng”: luật pháp giới hạn các khoản quyên góp hàng năm của một người tài trợ cho một đảng phái chính trị. Úc, Papua New Guinea và Singapore cũng yêu cầu những người tài trợ công khai các khoản quyên góp của họ cho các đảng phái chính trị nếu vượt quá một giới hạn nhất định.

Nguồn tài chính cho các chiến dịch tranh cử được điều chỉnh theo những quy định khác nhau, thường nằm trong pháp luật về bầu cử của một quốc gia. Những văn bản pháp quy này quy định giới hạn về mức chi phí của chiến dịch và yêu cầu mỗi ứng cử viên hoặc đảng phái phải lưu giữ hồ sơ về các nguồn tài chính và việc chi tiêu (Băng-la-đét; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Ka-zắc-xtan; Hàn Quốc; Malaysia; Nepal; Pakistan; Papua New Guinea; Philippines). Các báo cáo cũng phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, thường là ủy ban bầu cử. Tại nhiều quốc gia như Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Mông Cổ và Philippines, những báo cáo này được công bố công khai để kiểm tra, tối thiểu là trong một khoảng thời gian nhất định sau bầu cử. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của Cam-pu-chia và Nepal. Đảo quốc Cook gần đây đã hủy bỏ nghĩa vụ của các đảng phái chính trị trong việc cung cấp thông tin về nguồn tài chính và chi phí của chiến dịch tranh cử.

II. Quy tắc đạo đức áp dụng đối với chính khách đắc cử

Các quy định về miễn nhiệm và các biện pháp kỷ luật áp dụng đối với công chức không áp dụng tương tự đối với chính khách đắc cử, ngoại trừ ở Pakistan nơi chính khách có vị thế của công chức xét về một số phương diện. Quy định miễn trừ thậm chí có khi bỏ qua cả việc khởi tố hình sự đối với chính khách (xem chương 2, mục B.III. dưới đây). Vì thế quy tắc đạo đức đối với chính khách và các biện pháp tương tự đã được xây dựng tại một số quốc gia.

Những quy tắc đạo đức và pháp luật về chính khách bắt nguồn từ các công cụ được xây dựng cho hệ thống hành chính công, như nghĩa vụ báo cáo, quy tắc đạo đức hoạt động công chứcvà các biện pháp quản lý. Nghĩa vụ báo cáo của các nghị sỹ đắc cử – và thêm vào đó là các thành viên nội các tại một số quốc gia – về thu nhập hoặc của cải có ở Băng-la-đét, Đảo quốc Cook, Ấn Độ, Ka-zắc-xtan, Malaysia, Mông Cổ, Papua New Guinea, Pakistan, Philippines và Vanuatu. Pakistan, Philippines và Vanuatu công bố các thông tin thu thập được từ các báo cáo. Ví dụ, quy tắc đạo đức đối với các nghị sỹ đắc cử đã được thông qua tại Fiji, Nhật Bản, Mông Cổ và Vanuatu. Các quy tắc này giải quyết các vấn đề như xung đột lợi ích và nhận quà biếu. Philippines nghiêm cấm quan chức cấp cao và thân nhân, cũng như các đại biểu quốc hội, liên quan đến một số hoạt động kinh doanh nhất định.

Việc đảm bảo thực thi các quy tắc này gặp phải những vấn đề đặc biệt: tại một số quốc gia, các cơ quan hành chính không được coi là có đủ thẩm quyền chấm dứt nhiệm kỳ của chính khách đắc cử. Tuy nhiên, tại Papua New Guinea và Vanuatu việc bị buộc tội vi phạm nghiêm trọng quy tắc lãnh đạo có thể dẫn đến miễn nhiệm và không đủ tiêu chuẩn tranh cử hoặc được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao nhất định trong vòng ba năm (Papua New Guinea) hoặc mười năm (Vanuatu). Chánh thanh tra tại Philippines có quyền áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với một số quan chức được bầu cử.

Tại Băng-la-đét, Ấn Độ và Papua New Guinea, các nghị sỹ đắc cử có thể bị khai trừ khỏi quốc hội nếu họ hành động hoặc biểu quyết trái với nghị quyết của đảng phái: hành vi này được coi là bị hối lộ. Theo Hiến pháp của Ấn Độ, một đại biểu quốc hội sẽ không còn đủ tiêu chuẩn nếu đại biểu đó tình nguyện ra khỏi đảng hoặc biểu quyết trái với nghị quyết của đảng. Ví dụ, Luật về tính Thanh liêm của Đảng phái và Ứng cử viên Chính trị của Papua New Guinea quy định, ngoài các quy định khác, các đại biểu phải chịu kỷ luật khai trừ khỏi quốc hội và bầu cử bổ sung nếu họ biểu quyết chống lại đảng về ngân sách hoặc các vấn đề hiến pháp, hoặc khi bầu thủ tướng.

C. Quản lý khu vực doanh nghiệp và nâng cao đạo đức kinh doanh

Các nỗ lực nhằm bảo đảm một hệ thống hành chính công hữu hiệu, minh bạch và thanh liêm nhằm phòng chống việc nhận hoặc ép buộc hối lộ của công chức. Song cách tiếp cận toàn diện của Kế hoạch Hành động cũng nhằm loại bỏ các nguồn đưa hối lộ, thường phổ biến trong khu vực doanh nghiệp. Các phương thức tiếp cận nhằm ngăn chặn tham nhũng trong khu vực này tuân theo nguyên tắc kép về thực thi pháp luật và quan hệ đối tác. Mặt khác, các chính phủ quy định các chuẩn mực về quản lý công ty, tính minh bạch, nghĩa vụ báo cáo và yêu cầu kiểm toán; các chính phủ cũng quy định việc giám sát hữu hiệu và phương tiện đảm bảo thực thi các quy định này. Đồng thời không kém phần quan trọng là những nỗ lực của các chính phủ trong việc củng cố và thúc đẩy các sáng kiến của chính khu vực tư nhân về tăng cường cơ chế kiểm soát nội bộ và xây dựng, thúc đẩy các hệ thống đạo đức và tuân thủ trong khu vực doanh nghiệp.

I. Quản lý và giám sát doanh nghiệp

Yêu cầu các công ty lưu giữ hồ sơ phản ánh chính xác và trung thực các giao dịch tài chính với mức độ chi tiết hợp lý có thể ngăn chặn các hành vi thường gắn với các giao dịch sai trái, như ngụy trang bản chất của giao dịch sai phạm trong hồ sơ tài chính, hoặc ghi đúng số tiền của các giao dịch nhưng không ghi các chi tiết cho thấy tính bất hợp pháp hoặc bất chính.

Về phương diện này, hầu hết các quốc gia đã ban hành các quy định điều chính hoạt động kế toán doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ và các yêu cầu rõ ràng về công khai thông tin liên quan. Tại nhiều quốc gia, các cơ chế được thiết lập để giám sát việc thực thi các quy định này liên quan đến hoạt động kiểm tra thường xuyên sổ sách của các công ty và kiểm toán độc lập. Hầu hết các quốc gia chưa xây dựng các quy định và các biện pháp giám sát tương tự hiện đang trong quá trình làm hài hòa các quy định hiện hành của mình với các chuẩn mực quốc tế về chế độ kế toán và công khai thông tin, như các chuẩn mực do Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế xây dựng.

Úc, Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho các ủy ban thường trực đề xuất những cải thiện có thể về quản trị công ty, báo cáo tài chính và tính minh bạch tăng cường. Những nỗ lực này chủ yếu tập trung vào cơ chế kiểm soát nội bộ và trách nhiệm cá nhân và nhằm cải thiện tính trung thực các hệ thống sổ sách của công ty. Một số quốc gia sử dụng các biện pháp xử phạt để ngăn chặn báo cáo tài chính gian lận (Băng-la-đét; Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Nhật Bản; Hàn Quốc; Malaysia; Singapore).

Các định chế tài chính thường bị lạm dụng làm những trung gian trong các kế hoạch tham nhũng. Vì vậy, việc quản lý và giám sát các định chế tài chính và hoạt động của chúng là một phương tiện quan trọng nhằm phòng chống và phát hiện tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng ở cấp cao. Hầu hết các quốc gia trong khu vực đã thiết lập các cơ quan giám sát đặc trách. Trong nội dung này, một lần nữa sự hợp tác quốc tế và trợ giúp lẫn nhau đã thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực chung; hầu hết các quốc gia trong khu vực chấp hành các chuẩn mực của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Các cơ quan có thẩm quyền tại Úc; Hồng Kông, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã ký kết “Biên bản Ghi nhớ Đa phương về Tham vấn Hợp tác và Trao đổi Thông tin”, theo đó cam kết cung cấp sự trợ giúp lẫn nhau nhằm thực hiện các chức năng về giám sát tài chính.

II. Nâng cao đạo đức kinh doanh

Bản thân các doanh nghiệp ngày càng hiểu rõ lợi ích và vai trò của mình trong việc phòng chống và loại bỏ tham nhũng. Hối lộ không chỉ gây ra những quan ngại về đạo đức, mà còn đi ngược lại lợi ích lâu dài của doanh nghiệp vì làm tăng chi phí và rủi ro, gây tổn hại về tính hiệu quả, làm giảm mức tín nhiệm của quốc gia và không khuyến khích được người đầu tư. Một số công ty trong khu vực tư nhân thừa nhận trách nhiệm phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh chủ yếu thuộc về người quản lý công ty. Vì vậy họ đã cố gắng phát triển và thực hiện các chương trình tuân thủ nhằm bổ sung cho các chuẩn mực bắt buộc được quy định và đảm bảo thực thi bởi cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia. Trong những năm gần đây, nhiều công ty hoạt động trong toàn khu vực đã áp dụng các chương trình tuân thủ của doanh nghiệp. Những chương trình này bao gồm quy tắc đạo đức của công ty, đào tạo về đạo đức thường xuyên và thành lập các bộ phận đặc trách về tuân thủ và đạo đức.

Chính phủ một số quốc gia chủ động hỗ trợ cho các nỗ lực của khu vực doanh nghiệp và đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hơn nữa các chương trình về đạo đức kinh doanh và tuân thủ của doanh nghiệp. Ví dụ, Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; và Singapore đã thiết lập hoặc giao nhiệm vụ cho các ủy ban đặc biệt hay ủy ban chống tham nhũng phân tích và đề xuất những hướng dẫn. Ủy ban chống tham nhũng của Hồng Kông, Trung Quốc và Ủy ban Quản trị Công ty của Singapore đã phát triển các hướng dẫn và thông lệ tốt nhất về quy tắc đạo đức của doanh nghiệp. Mặc dù việc tuân thủ các hướng dẫn này không bắt buộc, nhưng các công ty được niêm yết tại Singapore phải công bố và giải thích trong báo cáo thường niên về sự khác biệt so với các quy tắc. Các công ty và cơ quan thẩm quyền tại Hàn Quốc sử dụng “khế ước về tính thanh liêm” để ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm công. Khế ước này do Tổ chức Minh bạch Quốc tế xây dựng, bao gồm những cam kết tự nguyện của cả các công ty dự thầu và cơ quan thẩm quyền có liên quan nhằm ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Cơ quan chống tham nhũng của một số quốc gia đóng vai trò chủ động trong việc xây dựng các quy tắc tuân thủ và tổ chức đào tạo. Tại Hồng Kông, Trung Quốc, cơ quan chống tham nhũng tổ chức các cuộc hội thảo, xây dựng và phổ biến các hướng dẫn cho các công ty về phòng chống tham nhũng. Tương tự, Malaysia tham gia vào việc đào tạo về tính thanh liêm và đạo đức cho những người điều hành doanh nghiệp. Trong một chương trình nhắm vào các doanh nghiệp nhà nước, KICAC của Hàn Quốc xác định và đề xuất những cải thiện đối với các quy định và thủ tục đối với lĩnh vực đặc biệt dễ xảy ra tham nhũng. KICAC đánh giá và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực thi.

Những nỗ lực tương đối thận trọng của các chính phủ cho đến nay trong việc thúc đẩy đạo đức kinh doanh và các chương trình tuân thủ của doanh nghiệp đã nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức doanh nghiệp trong khu vực, như Hội đồng Kinh tế Khu vực lòng chảo Thái Bình Dương (PBEC), hay hiệp hội gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho hơn 1.200 doanh nghiệp của 20 nền kinh tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ngày 21/11/1997, Ban Chỉ đạo và Hội đồng Quản trị của PBEC đã thông qua Tuyên bố của PBEC về các Chuẩn mực Giao dịch giữa Doanh nghiệp và Chính phủ, trong đó có các khuyến nghị về hành động của PBEC cho doanh nghiệp và chính phủ. Năm 1999, để thúc đẩy hơn nữa tính thanh liêm, minh bạch và trách nhiệm trong các giao dịch giữa doanh nghiệp và chính phủ, PBEC đã thông qua một Điều lệ về các Chuẩn mực Giao dịch, theo đó các doanh nghiệp thành viên được khuyến khích áp dụng. Điều lệ này bao gồm nhiều nguyên tắc liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng, kể cả các yêu cầu các doanh nghiệp không được đề nghị hoặc hứa hẹn bất kỳ điều gì với công chức hoặc thân nhân của công chức nhằm gợi ý các hành động của công chức đó và những đòi hỏi đối với sự gợi ý bất chính như vậy phải bị từ chối. Hơn nữa các doanh nghiệp thành viên của PBEC phải đảm bảo các giao dịch tài chính được ghi chép đúng và chính xác trong các loại sổ sách kế toàn phù hợp, sẵn sàng cho việc kiểm tra của hội đồng quản trị, cơ quan giám sát có thẩm quyền và cơ quan kiểm toán. Các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo không có các tài khoản “ngoài sổ” hoặc bí mật. Mọi tài liệu đều phải ghi chép đúng và chính xác các giao dịch liên quan. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn được khuyến khích thiết lập các hệ thống kiểm toán độc lập nhằm phát hiện các giao dịch trái với các nguyên tắc của Điều lệ. Cuối cùng, doanh nghiệp phải phát triển và thực hiện các quy tắc đạo đức nhất quán với Điều lệ. Các quy tắc này khuyến khích các nhân viên và đại lý khi thấy hoặc chịu áp lực của các gợi ý bất chính phải báo cáo ngay hành vi phạm pháp đó lên người quản lý cấp cao.

Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) chủ động thúc đẩy “Quy tắc Đạo đức nhằm Chống Ép buộc và Hối lộ trong Kinh doanh Quốc tế”. Các quy tắc này được coi là những thông lệ thương mại tốt và được đề xuất như một phương pháp tự điều chỉnh các hoạt động kinh doanh quốc tế. Các doanh nghiệp được khuyến khích thực thi những quy tắc này một cách tự nguyện. Những quy tắc này tập trung vào việc sử dụng các đại lý và nhà thầu phụ, bên cạnh các đối tượng khác, như một phương tiện phổ biến để giải ngân bất hợp pháp. Các quy tắc đạo đức của ICC cũng tập trung vào việc hối lộ trong khu vực tư nhân. Tại nhiều nước, các phòng thương mại quốc gia đã soạn thảo bộ quy tắc mẫu cho các doanh nghiệp thành viên.

Cuối cùng, các tổ chức quốc tế như OECD và Ngân hàng Thế giới đã chủ trì Hội nghị Bàn tròn châu Á về Quản trị Công ty với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực. ADB cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng quản trị công ty tạitại các quốc gia thành viên đang phát triển

Nguồn: Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), năm 2005.

chongthamnhung.thanhtra.com.vn

Chính sách chống tham nhũng tại châu Á – Thái Bình Dương (P2)

Tháng Tám 20, 2011 Bình luận đã bị tắt

Chương 2: Trừng phạt và truy tố tội tham nhũng và các tội liên quan tới tham nhũng

oOo

Không thể chiến thắng được tham nhũng nếu các biện pháp phòng chống không đi kèm với các hình thức ngăn chặn hữu hiệu. Một hệ thống pháp lý toàn diện sẽ giúp ngăn chặn và có thể truy tố được tội tham nhũng. Để đạt được mục đích này các quốc gia phải tội phạm hóa mọi hình thức tham nhũng và các vi phạm liên quan, như tội rửa tiền và thiết lập các định chế và cơ chế hiệu quả có thể thực thi được những quy định này. Các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn nạn tham nhũng là động lực chính thúc đẩy những cải cách trong lĩnh vực này. Một số thành tựu quan trọng đã đạt được, ví dụ như trong cuộc chiến chống rửa tiền, một trong những ưu tiên của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những kẽ hở trong luật pháp chống tham nhũng.

Các nỗ lực ở châu Á và Thái Bình Dương trong việc thực thi pháp luật đã tập trung vào thiết lập các cơ quan tập trung hóa chuyên trách về giải quyết vấn đề tham nhũng và rửa tiền. Mặt khác, một số ít các quốc gia trong những năm gần đây đã cải cách các quy định về tố tụng và thể chế.

A. Tội phạm hóa việc hối lộ, rửa tiền làm giàu bất chính

Tội phạm hóa việc hối lộ và rửa tiền không những vạch rõ ranh giới giữa các hành vi chấp nhận được và không chấp nhận được thông qua những biện pháp trừng phạt mà còn là điều kiện tiên quyết cho các biện pháp xử lý, như việc tịch thu các khoản thu lợi bất chính và trợ giúp pháp lý quốc tế (xem phần B.II.2.c dưới đây về quy tắc phạm tội kép). Tất cả các bên trong Chương trình Hành động, giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, đã xây dựng các quy định pháp lý nhằm xử lý các hành vi tham nhũng, và các xu hướng quốc tế gần đây cho thấy động thái tiến tới sửa đổi những quy định này để bao trùm cả những vụ hối lộ xuyên quốc gia cho dù hiện nay việc này chưa xảy ra. Tuy nhiên ở nhiều nước các kẽ hở hay các quy định không rõ ràng vẫn ngăn cản những nỗ lực nhằm truy tố tội hối lộ một cách hữu hiệu. Vì vậy những nỗ lực cải tổ nhằm đảm bảo tính chính xác và toàn diện của các quy định pháp luật vẫn là vấn đề thiết yếu trong việc ngăn chặn tham nhũng có hiệu quả.

I. Tội phạm hóa việc hối lộ chủ động và thụ động

Tội phạm hóa việc hối lộ chủ động và thụ động có ba chức năng: quy định rõ những hành vi nào được chấp nhận, cho phép các cơ quan pháp chế trừng phạt và cải huấn, cuối cùng là tiền đề để trừng phạt những kẻ có liên quan, chẳng hạn như trong hoạt động rửa tiền. Để có tính hữu hiệu, pháp luật chống hối lộ phải định rõ phạm vi phạm tội, xác định những kẻ phải bị trừng phạt do phạm tội và quy định hậu quả của việc vi phạm.

1. Phạm vi hình phạt

Tất cả các quốc gia tham gia ký kết đều đã tội phạm hóa việc hối lộ chủ động và thụ động của các công chức nước mình và hầu hết các nước đã xác định rõ ràng các yếu tố cấu thành tội phạm. Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc cũng nằm trong số ít các nước quy định trừng phạt tội hối lộ chủ động và thụ động của các đại biểu quốc hội.

Tất cả các quốc gia tham gia ký kết đều đã tội phạm hóa việc hối lộ chủ động và thụ động của các công chức nước mình và hầu hết các nước đã xác định rõ ràng các yếu tố cấu thành tội phạm. Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc cũng nằm trong số ít các nước quy định trừng phạt tội hối lộ chủ động và thụ động của các đại biểu quốc hội.

Tuy nhiên, có sự khác biệt trong phạm vi tội phạm hóa khi xét đến tội hối lộ của các công chức ở nước ngoài. Việc chủ động hối lộ công chức nước ngoài bị tội phạm hóa chỉ ở một số nước như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Ở tất cả các quốc gia được đề cập trong báo cáo này, nếu phạm tội sẽ phải nộp phạt và/hoặc đi tù. Đối với trường hợp phạt tiền thì hầu hết các nước đều giới hạn mức nộp phạt tối đa nhất định nào đó. Do tác dụng của việc phạt tiền tùy thuộc vào tình hình tài chính của một cá nhân nên mức phạt tối đa thường được quyết định căn cứ vào số tiền hối lộ. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc người nhận hoặc gạ gẫm hối lộ sẽ bị phạt tới 8000 đô-la Mỹ hoặc bị phạt tù đến năm năm và số tiền hối lộ càng lớn thì mức phạt sẽ càng nghiêm khắc hơn.

2. Trách nhiệm hình sự, nghĩa vụ dân sự và hành chính của các pháp nhân

Trong nhiều trường hợp hối lộ hay tham nhũng, chính pháp nhân có lợi ích kinh tế trong hành vi tham nhũng. Do việc truy tố hình sự các cá nhân không ngăn chặn được một cách hiệu quả những hành động này nên một số quốc gia bắt các pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự hay buộc họ phải chịu nghĩa vụ dân sự hay nghĩa vụ hành chính cho hành động hối lộ hay tham nhũng. Để có thể trừng phạt một cách triệt để thì việc kết tội hoàn toàn không phụ thuộc vào cá nhân vi phạm. Những quy định này đang được thực thi ở Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc; tuy nhiên ở Nhật Bản và Hàn Quốc thì những quy định này chỉ giới hạn ở các pháp nhân liên quan đến việc chủ động hối lộ các quan chức nước ngoài. Do không thể bỏ tù một pháp nhân nên người ta bắt pháp nhân phải nộp một khoản tiền phạt thêm so với (chứ không phải là với điều kiện) án phạt có thể có đối với pháp nhân đã phạm tội này. Như đã nói ở trên, một số nước trừng phạt tội hối lộ của các pháp nhân bằng các biện pháp dân sự và hành chính và những trừng phạt này gồm cả việc không được tham gia đấu thầu các hợp đồng của chính phủ.

3. Không được phép làm việc trong các cơ quan hành chính công

Ngoài việc bị phạt tiền và phạt tù ra thì một số nước đã đưa ra quy định không cho phép những người phạm tội được làm việc trong các cơ quan hành chính công (Đảo quốc Fiji, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Papua New Guinea, Pakistan, Vanuatu; Ka-zăc-xtan cũng đang bắt tay vào việc đưa ra những quy định này). Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, một người từ chức hay bị sa thải do có hành vi tham nhũng liên quan tới nhiệm vụ của mình thì sẽ không được làm việc cho các cơ quan hành chính công, thậm chí cho cả một số công ty tư nhân, trong vòng năm năm. Papua New Guinea và Vanuatu áp dụng hình phạt này cho những quan chức cấp cao. Ở Mông Cổ, người bị kết tội hối lộ có thể bị cấm đảm nhiệm một số chức vụ trong cơ quan hành chính công và bị cấm làm một số hoạt động kinh doanh trong vòng ba năm.

4. Tịch thu tài sản

Tịch thu tài sản do phạm tội mà có là một biện pháp ngăn chặn khác và thường có tác dụng lớn hơn so với việc phạt tiền hay phạt tù. Việc dọa tịch thu tài sản cũng có tác dụng phòng chống do nó khiến người ta ít dám phạm tội hơn.

Một số quốc gia như Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Nhật Bản; Malaysia; Nepal; Pakistan; Philippineses và Singapore cho phép hoặc yêu cầu phải tịch thu số tiền hối lộ hay các khoản lợi có liên quan khác. Ở hầu hết các nước chính phủ niêm phong tài sản trong quá trình điều tra để đảm bảo thực thi được quy định này. Tuy nhiên việc thực thi quy định này cũng có thể gặp khó khăn khi hối lộ được biến đổi hoặc được gắn với những ưu đãi vô hình, chẳng hạn như việc bổ nhiệm vào vị trí quan trọng. Các quốc gia áp dụng những giải pháp khác nhau cho vấn đề này: Hàn Quốc cho phép tòa án ra lệnh tịch thu tài sản tương ứng về giá trị nếu khoản hối lộ đã bị biến đổi. Ngược lại, Nhật Bản giới hạn việc tịch thu chỉ dừng lại ở khoản hối lộ. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc thì quy định về tịch thu tài sản được áp dụng với cả pháp nhân.

II. Tội phạm hóa việc rửa tiền

Các khoản thu nhập bất chính thường phải được lồng ghép vào các giao dịch khác để ngụy trang nguồn gốc. Việc này thường liên quan tới các bên thứ ba, qua đó hỗ trợ đáng kể cho các cá nhân thực hiện hành vi tham nhũng. Tội phạm hóa việc rửa tiền sẽ ngăn chặn được hành vi tham nhũng và là một công cụ quan trọng trong việc chống tham nhũng. Vấn đề này ngày càng trở nên quan trọng trong chương trình nghị sự của hầu hết các bên trong Chương trình Hành động. Vì vậy mà ở Nepal và Pakistan các quy định pháp luật này đã được thực thi hay đang trong quá trình soạn thảo. Do một số quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã cam kết tuân thủ các sáng kiến quốc tế và khu vực như Lực lượng Hành động Tài chính và Nhóm Châu Á/Thái Bình Dương chống rửa tiền nên luật hiện hành của hầu hết các nước đã đưa ra những tiêu chuẩn tương tự.

Nhằm hỗ trợ việc tìm kiếm hoạt động rửa tiền, một số quốc gia như Quốc đảo Cook; Quốc đảo Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Philippines, Samoa và Singapore yêu cầu các tổ chức trung gian tài chính phải hết sức cảnh giác. Trong lĩnh vực này một số quốc gia đã tích cực hợp tác với Ủy ban Basel về Giám sát Hoạt động Ngân hàng, một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ phát triển các hệ thống giám sát ngân hàng có hiệu quả. Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia và Singapore đã hợp tác chặt chẽ với Ủy ban trong việc soạn thảo Những nguyên tắc Nền tảng về Giám sát Hữu hiệu Hoạt động Ngân hàng. Một số quốc gia khu vực Thái Bình Dương – trong đó có Đảo quốc Fiji, Papua New Guinea, Samoa và Vanuatu – mới đây đã đưa ra một sáng kiến khu vực, Hiệp hội Giám sát tài chính của các quốc gia khu vực Thái Bình Dương, nhằm mục đích tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng của họ. Một số quốc gia như Đảo quốc Cook và Fiji có ý định sửa đổi luật cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong việc chống rửa tiền. Indonesia và Philippineses đã lần lượt thông qua luật sửa đổi chống rửa tiền vào tháng Mười và tháng Ba năm 2003.

Những cơ chế báo cáo quy định nghĩa vụ của các tổ chức tài chính và nhân viên của họ phải công bố những giao dịch khả nghi cũng có thể là một công cụ hữu hiệu trong việc phát hiện những tên tội phạm tiềm ẩn. Một số quốc gia như Băng-la-đét; Đảo quốc Cook; Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Pakistan; Philippines; Samoa và Singapore đã thiết lập cơ chế báo cáo này. Các báo cáo sẽ được những cơ quan đặc nhiệm chống rửa tiền xử lý, ngân hàng trung ương hay các tổ chức khác sẽ tiến hành điều tra khi cần thiết. Để giảm bớt sự lo ngại khi báo cáo, hầu hết các quốc gia đều không áp dụng việc trừng phạt về mặt dân sự, hình sự hay hành chính đối với những cáo buộc nhầm nhưng không cố ý.

Để chống được tham nhũng thì luật chống rửa tiền phải khẳng định tham nhũng là một tội. Nhưng điều này chưa được thực hiện hay thực hiện chưa đầy đủ ở rất nhiều quốc gia.

Một số quốc gia còn tội phạm hóa hoạt động rửa tiền của các pháp nhân đóng vai trò trung gian như ngân hàng. Tất nhiên các hình phạt trong những trường hợp này chỉ giới hạn ở mức phạt tiền. Tuy nhiên khi so sánh tài sản của những tổ chức này với các mức tiền phạt tương đối thấp phải nộp thì không hiểu những khoản tiền phạt này đủ sức ngăn chặn. Nhằm khắc phục bất cập này, Đảo quốc Cook và Samoa đã ban hành quy định mở rộng trách nhiệm cá nhân đối với người đại diện của pháp nhân có đủ trình độ và kiến thức để nhận biết về các giao dịch đáng ngờ. Indonesia áp dụng các biện pháp trừng phạt mang tính hành chính (thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc giải thể) đối với các công ty dính líu tới hoạt động rửa tiền.

III. Tội phạm hóa việc làm giàu bất chính

Phát hiện được hành vi hối lộ, đặc biệt là đưa ra được bằng chứng đầy đủ về việc hối lộ trước tòa, là nỗ lực hết sức khó khăn. Những tài sản được dấu dưới tên của thành viên trong gia đình hay các tổ chức khác rất khó có thể được tìm ra và tịch thu. Ngược lại, những tài sản không rõ nguồn gốc và lối sống xa hoa của các công chức và các chính khách lại tương đối dễ thấy. Vì thế nên một số quốc gia đã tội phạm hóa việc sở hữu những tài sản không rõ nguồn gốc của các công chức; giám sát các hệ thống và quy tắc tố tụng bổ sung cho quy định này.

Ở Băng-la-đét; Hồng Kông, Trung Quốc; Ấn Độ; Malaysia; Nepal; Pakistan; Philippines; Singapore, sự làm giàu bất chính – tài sản của các công chức mà rõ ràng là không tương xứng với thu nhập hiện tại hay trước đây của họ – sẽ bị tội phạm hóa. Nhằm nâng cao tính hữu hiệu của quy định này, Ấn Độ, Malaysia, Nepal, Pakistan và Philippines đã chuyển gánh nặng thu thập chứng cứ sang cho các bị cáo. Papua New Guinea hiện cũng đang soạn thảo những quy định pháp lý tương tự. Khi một quan chức hay nhân viên chính phủ trong giai đoạn đương chức mà có được tài sản rõ ràng là không tương xứng với mức lương hay các khoản thu nhập hợp pháp khác thì những tài sản này rõ ràng bị cho là bất hợp pháp, trừ phi công chức đó chứng minh được tính hợp pháp của tài sản. Những tài sản này sẽ được niêm phong trong quá trình điều tra và tịch thu sau khi bị kết tội.

Để tội phạm hóa việc làm giàu bất chính thêm hữu hiệu, các nhà hoạt động xã hội và chính phủ ở Philippines đã tiến hành việc giám sát có hệ thống lối sống của các công chức nhằm phát hiện các trường hợp có tài sản không rõ nguồn gốc và tạo điều kiện cho quá trình truy tố tiếp sau.

B. Phát hiện, điều tra và truy tố tội tham nhũng

Tính hữu hiệu của luật pháp và các quy định trừng phạt bị giới hạn bởi việc đảm bảo thực thi. Do vậy, các cơ quan pháp chế phải được trang bị đầy đủ các phương tiện phát hiện, điều tra và truy tố tội tham nhũng là điều kiện tiên quyết của việc tội phạm hóa hữu hiệu. Nhận thức được tầm quan trọng của việc truy tố hữu hiệu và những khó khăn của việc này, Băng-la-đét, Nhật Bản, Malaysia, Nepal, Pakistan, Papua New Guinea và Philippines đã đưa vấn đề này vào lĩnh vực ưu tiên cần cải tổ trong Chương trình Hành động. Cho đến nay, những cải tổ trong hoạt động pháp chế và truy tố chủ yếu tập trung vào việc thành lập các cơ quan chuyên trách có nhiệm vụ duy nhất là chống tham nhũng. Những cơ quan hiện có và khả năng chống tham nhũng của những cơ quan này không phải là tiêu điểm của những cải cách gần đây.

Bản chất bí mật của tham nhũng và không có nạn nhân cụ thể nào làm cơ sở cho việc điều tra khiến cho việc phát hiện tham nhũng đặc biệt khó khăn. Những kẻ tham nhũng, đặc biệt là các quan chức cấp cao, các chính khách hay những người điều hành doanh nghiệp, thường có khả năng sử dụng những phương pháp hữu hiệu nhằm che giấu các hành vi bất chính của mình hay cản trở quá trình điều tra. Việc sử dụng các trung tâm tài chính tự do và các tài sản ẩn danh, có khả năng chuyển nhượng nhanh chóng cùng với quá trình hỗ trợ tư pháp quốc tế chậm chạp đã khiến cho việc truy tố càng bị chậm chễ hoặc cản trở. Ngoài ra, những quy định về miễn trách cũng có thể bảo vệ những kẻ tham nhũng không bị kết tội. Trong những trường hợp như thế này, việc điều tra, truy tố thành công và trừng phạt được tội tham nhũng đòi hỏi phải có các cơ quan pháp chế độc lập, có năng lực và các kỹ thuật và phương pháp điều tra hữu hiệu.

I. Các cơ quan pháp chế

Sự thất bại hay thành công của các cơ quan bảo vệ pháp luật phụ thuộc vào ba yếu tố chủ yếu: kỹ năng và trình độ của các nhân viên, sự độc lập và khả năng đương đầu được với những sự can thiệp và gây ảnh hưởng thái quá, sự phối hợp có hiệu quả của tất cả các cơ quan liên quan đến quá trình xử lý vụ việc.

1. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có năng lực

Những tiến bộ gần đây trong luật doanh nghiệp và sự phát triển nhanh chóng của các giao dịch và hoạt động kinh tế quốc tế cùng với những đột phá công nghệ tiên tiến đã mở ra những cơ hội mới không chỉ cho hoạt động kinh doanh mà còn cho cả các hoạt động của bọn tội phạm. Tham nhũng và các tội phạm tài chính khác đã tận dụng được những tiến bộ này. Để truy tố được tội phạm tài chính một cách hiệu quả trong môi trường thay đổi nhanh chóng này thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải liên tục đào tạo nhân viên của mình về các vấn đề pháp lý, kinh tế, kỹ thuật và các kỹ thuật điều tra có liên quan. Đảo quốc Fiji; Hồng Kông, Trung Quốc; Ka-zắc-xtan; Malaysia; Nepal; Pakistan và Philippines đã nỗ lực cao độ trong việc tiến hành các chương trình đào tạo chuyên biệt dành cho các công tố viên xử lý loại tội phạm này. Các cơ quan chống tham nhũng của Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines và Singapore đã tham gia hợp tác với nhau và phối hợp với các tổ chức tương tự ở các quốc gia khác, trong đó có cả việc chủ động trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên việc đào tạo nhân viên thường xuyên vẫn chưa đủ để nâng cao năng lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do lương thấp và khối lượng công việc lớn khiến cho việc thu hút nhân viên có trình độ cao nên một số quốc gia chẳng hạn như Kazăcxtan và Philippines đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện điều kiện làm việc và hoàn cảnh kinh tế xã hội của các nhân viên làm việc trong cơ quan công tố nhằm thu hút được các nhân viên có trình độ cao và ngăn chặn việc nhân viên bỏ ra làm cho khu vực tư nhân.

2. Tính độc lập và chống lại những can thiệp thái quá

Vai trò đầy quyền lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật khiến họ rất hay phải chịu sự can thiệp thái quá. Sự độc lập trong truy tố và chống lại được những can thiệp hành chính hay chính trị là những điều kiện tiên quyết để có thể kết án thành công những tội phạm có địa vị cao. Hầu hết các quốc gia đều đưa ra những cơ cấu tổ chức đặc biệt nhằm tăng cường tính độc lập và năng lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật được giao nhiệm vụ điều tra và truy tố tội tham nhũng: họ đã lập ra một cơ quan chống tham nhũng tập trung hóa và chuyên trách, hay một đơn vị đặc biệt trong cơ quan công tố.

Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào Chương trình Hành động chọn cách thành lập cơ quan chống tham nhũng tập trung hóa. Thực tế thì các cơ quan chống tham nhũng dường như là một xu hướng hiện nay trong khu vực: Malaysia, Nepal, Singapore, và Hồng Kông, Trung Quốc đã thiết lập mô hình này từ vài thập kỷ qua; Indonesia, Hàn Quốc, Cộng hòa Kiếc-ghi-zi và Pakistan gần đây mới thành lập những cơ quan này; còn Campuchia và Mông Cổ hiện mới đang chuẩn bị thành lập. Ở Băng-la-đét, một đạo luật thiết lập Ủy ban Chống tham nhũng độc lập đã được thông qua vào năm 2004. Mặc dù Philippines, Ấn Độ và Vanuatu không chọn cách thành lập một cơ quan chống tham nhũng một cách công khai nhưng họ cũng đã thành lập các tổ chức chuyên trách có chức năng tương tự. Ở Papua New Guinea, Philippines và Vanuatu các nhân viên thanh tra cũng được giao nhiệm vụ tương tự như nhiệm vụ của các cơ quan chống tham nhũng. Thanh tra viên của Philippines cũng được trang bị những phương tiện điều tra cần thiết. Ấn Độ thiết lập các cơ quan giám sát phi tập trung hóa có trách nhiệm ngăn chặn và điều tra các vụ tham nhũng.

Giống như các tổ chức kiểm toán tối cao, các cơ quan chống tham nhũng ở hầu hết các quốc gia đều có vị thế hiến pháp nhằm đảm bảo tính độc lập. Giám đốc của các cơ quan này ở một số nước do người đứng đầu chính phủ hay nhà nước trực tiếp bổ nhiệm (Băng-la-đét; Hồng Kông, Trung Quốc; Malaysia; Pakistan; Singapore). Một số những quy định miễn trách nhất định cũng được đưa ra nhằm bảo vệ tính độc lập của các cơ quan này.

Do một số các cơ quan chống tham nhũng học hỏi mô hình của Australia; Hồng Kông, Trung Quốc; Singapore nên các cơ quan này có những đặc trưng giống nhau. Thông thường, các cơ quan này tiến hành điều tra khi nhận được thông tin về những vụ việc được cho là tham nhũng và những hành vi sai trái có liên quan trong khu vực tư nhân hay khu vực hành chính công. Các cơ quan ở Hồng Kông, Trung Quốc; Philippines và Singapore còn được phép điều tra bất cứ những vi phạm pháp luật nào khác được phát hiện ra trong quá trình điều tra tham nhũng; cơ quan ở Băng-la-đét cũng có thẩm quyền tương tự khi thực hiện nhiệm vụ. Trong những trường hợp này, các cơ quan chống tham nhũng điều tra những lời tố cáo và chuyển hồ sơ sang công tố viên nhà nước hay tòa án có thẩm quyền để truy tố. Với chức năng này, các cơ quan chống tham nhũng có thể hỗ trợ hoặc thay thế các cơ quan bảo vệ pháp luật khác và thực thi biện pháp trừng phạt. Không một quốc gia nào trong báo cáo này cho phép cơ quan chống tham nhũng của mình toàn quyền phán quyết các vụ việc bởi các cơ quan chống tham nhũng có vai trò bổ sung cho các cơ quan khác và thành công của của các cơ quan chống tham nhũng phụ thuộc nhiều vào việc hợp tác, trao đổi thông tin và hoạt động hiệu quả của các cơ quan bảo vệ pháp luật khác, đặc biệt là cảnh sát, công tố viên nhà nước và tòa án.

Như đã nói ở trên, hầu hết các cơ quan chống tham nhũng đều tiến hành nghiên cứu và tư vấn cho cơ quan lập pháp và/hoặc chính phủ ( Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Malyasia; Nepal; Philippines; Singapore). Một số cơ quan chống tham nhũng còn đào tạo cho các cơ quan hành chính công (Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Philippines; Singapore), các công ty tư nhân ( Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc) và các tổ chức phi chính phủ ( Philippines).

Những quốc gia không chọn hình thức cơ quan chống tham nhũng tập trung hóa chuyên trách thành lập những cơ quan khác nhằm đảm bảo khả năng phát hiện và điều tra các vụ tham nhũng. Ví dụ, Ấn Độ đã thành lập ủy ban giám sát ở cấp liên bang và bang, và mỗi Bộ trong chính phủ đều có cán bộ giám sát. Những cơ quan này hỗ trợ và giám sát cơ quan điều tra cấp liên bang trong các vụ liên quan tới tham nhũng. Nhật Bản đã thành lập các ban điều tra đặc biệt trong văn phòng công tố viên ở những thành phố lớn. Các ban này gồm các nhân viên đặc biệt chuyên điều tra về tội phạm tài chính.

3. Hợp tác có hiệu quả giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật

Bất kể lựa chọn hình thức tổ chức nào đi chăng nữa thì sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan sẽ quyết định việc truy tố có thành công hay không. Nâng cao tính hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật vì thế là ưu tiên hiện nay ở nhiều quốc gia trong khu vực: ở Philippines những biện pháp này bao gồm việc thành lập kênh trao đổi thông tin chính thức giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật hữu quan nhằm tăng cường hợp tác, thành lập các cơ quan tham vấn liên ngành và các lực lượng đặc nhiệm và/hoặc tổ chức các chương trình liên kết đào tạo. Papua New Guinea hiện đang thành lập một liên minh chống tham nhũng kết hợp và phối hợp lực lượng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hàn Quốc đang có cơ quan điều phối chính sách chống tham nhũng gồm mười cơ quan hữu quan như các Bộ và cơ quan giám sát.

II. Các công cụ điều tra

Khả năng điều tra tham nhũng của các cơ quan bảo vệ pháp luật phần lớn là do các cơ chế và hình thức tố tụng theo quy định của pháp luật quyết định. Vì vậy để tiến hành điều tra một cách thành công thì những quy định pháp luật này cần phải tính đến tính chất của tham nhũng và đưa ra những phương thức tố tụng hợp lý. Khi xét đến những khó khăn đặc biệt trong việc phát hiện tham nhũng chúng ta thấy thông tin đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong giai đoạn điều tra sau, các công cụ cụ thể để thu thập được bằng chứng trở nên quan trọng.

1. Các nguồn thông tin

Bản chất bí mật của tham nhũng khiến cho việc nhận thông tin từ bên ngoài là rất cần thiết. Trách nhiệm báo cáo và hệ thống khen thưởng có thể đem lại thông tin; tuy nhiên nguồn thông tin sẽ rất ít nếu những người cung cấp thông tin sợ bị trấn áp hoặc trả thù. Những người chứng kiến hành vi phạm tội và muốn cung cấp thông tin này cho các cơ quan nhà nước có thể gặp rủi ro bị các bị cáo nhận mặt. Tương tự như vậy, một người biết vụ phạm tội được yêu cầu cung cấp bằng chứng ở giai đoạn điều tra sơ bộ hay trong giai đoạn xét xử có thể sợ các bị cáo sẽ trả thù, đặc biệt là khi các cơ quan thực thi luật hình sự không thể đảm bảo danh tính của nhân chứng sẽ được giữ bí mật trong quá trình điều tra xét xử.

a. Nghĩa vụ báo cáo

Nghĩa vụ báo cáo là công cụ phổ biến để thu thập được thông tin về hành vi tội phạm và hành vi sai trái. Như đã đề cập ở trên, luật của hầu hết các quốc gia đều quy định trách nhiệm phải báo cáo trong trường hợp phát hiện rửa tiền. Mức độ các nước tận dụng nghĩa vụ báo cáo này để phát hiện tham nhũng rất khác nhau. Chẳng hạn như luật của Fiji và Ấn Độ buộc bất cứ người nào, dù làm nghề gì hay ở cương vị gì cũng phải báo cáo với tòa án hay nhân viên thực thi pháp luật bất cứ hành vi tham nhũng nào của công chức. Nếu không báo cáo sẽ bị coi là phạm tội. Ở Hồng Kông, Trung Quốc; Nhật Bản; Malaysia và Singapore chỉ các công chức mới có nghĩa vụ báo cáo hành vi hay âm mưu tham nhũng. Ở Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc nghĩa vụ này không phụ thuộc vào hoàn cảnh công chức biết về vụ việc, nghĩa là cho dù công chức đó đang thi hành công vụ hay đang nghỉ. Ngược lại, ngoài việc hạn chế nghĩa vụ báo cáo chỉ áp dụng cho các công chức, luật pháp Nhật Bản còn giới hạn vụ việc đó phải xảy ra khi các công chức đang thi hành công vụ. Trách nhiệm báo cáo này được đảm bảo thực thi bằng án phạt hình sự hay án kỷ luật.

b. Khen thưởng và miễn truy tố hình sự khi khai báo

Ngoài nghĩa vụ báo cáo hay thay vì nghĩa vụ báo cáo, một số quốc gia khen thưởng cho người cung cấp thông tin – nếu thông tin nhận được là đúng sự thật – bằng tiền mặt hoặc miễn truy cứu hình sự để khuyến khích việc tố giác những hành vi tham nhũng. Luật Nepal và luật Pakistan không có quy định về nghĩa vụ báo cáo về tham nhũng nhưng khen thưởng cho những thông tin xác đáng. Ở Hàn Quốc, phần thưởng đối với việc báo cáo về tham nhũng lên tới khoảng 160.000 đô-la Mỹ. Ở một số quốc gia, người khai báo được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó khai báo về hành vi phạm tội và những tên đồng phạm. Chẳng hạn như Mông Cổ, Nepal, Philippines cũng có những ưu tiên này cho những người đưa hối lộ và những người đồng lõa trong việc đưa hối lộ cho quan chức nhà nước và vì vậy mà họ có thể an tâm làm chứng trong các vụ tham nhũng của công chức. Luật chống tham nhũng của Hàn Quốc cho phép miễn tội hoặc xử tội nhẹ hơn đối với những người tố giác tội phạm khi bản thân họ cũng liên can. Đảo quốc Cook và Malaysia cũng đã ban hành những quy định tương tự đối với người tham gia vào hoạt động rửa tiền.

c. Các quy định về miễn trách và bảo mật – bảo vệ người tố giác

Nỗi lo sợ bị trả thù vẫn là một trở ngại lớn đối với hành động chúng ta thường gọi là “tố giác tội phạm” và báo cáo về những hành vi sai trái và tham nhũng của người khác. Với mục đích xóa bỏ trở ngại này để công tác phát hiện có hiệu quả hơn thì việc bảo vệ về mặt pháp luật và thân thể của người “tố giác tội phạm” hiện đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc bảo vệ này có thể được tiến hành dưới nhiều dạng: đảm bảo tính bảo mật hay không tiết lộ danh tính, miễn trách đối với việc nói xấu người khác và được phục hồi chức vụ trước khi bị đuổi việc.

Nhiều quốc gia bảo mật hay không tiết lộ danh tính người cung cấp thông tin (Đảo quốc Cook, Đảo quốc Fiji, Ấn Độ, Hàn Quốc, Cộng hòa Kiếc-ghi-zi, Malaysia, Nepal, Papua New Guinea, Philippines, Singapore). Cộng hòa Kiếc-ghi-zi và Papua New Guinea có đường dây nóng tố cáo cho phép công dân được tố cáo nặc danh. Nhận thức được rằng công dân không phải lúc nào cũng tin vào sự đảm bảo của công tác bảo vệ, Hàn Quốc và Hồng Kông, Trung Quốc đã trừng phạt việc tiết lộ danh tính của người cung cấp thông tin hay tiết lộ bất cứ thông tin nào khiến cho người tố cáo bị nhận biết. Hơn nữa, hai quốc gia này còn quy định trách nhiệm đối với việc nhận và xử lý thông tin trong các báo cáo của người tố giác gửi tới các cơ quan chống tham nhũng bởi chính các cơ quan này sẽ hưởng lợi rất nhiều từ niềm tin của công chúng.

Trên thực tế, tính bảo mật không phải lúc nào cũng được đảm bảo và cho dù có quy định của pháp luật nhưng người tố giác vẫn có nguy cơ bị lộ danh tính. Vì vậy việc bảo vệ quyền lợi vật chất của người cung cấp thông tin và bảo vệ cá nhân họ là những biện pháp bổ sung quan trọng ngoài việc cấm tiết lộ danh tính. Việc bảo vệ này có thể bao gồm miễn trách đối với việc bị truy tố hình sự vì đã bôi nhọ hay tố cáo sai sự thật. Malaysia và Singapore miễn các hình phạt dân sự, hình sự hay hành chính cho người cung cấp thông tin nếu thông tin tố giác có dụng ý tốt. Bảo vệ quyền lợi vật chất ở một số nước bao gồm cả việc bảo vệ chống lại sự phân biệt đối xử hay bị sa thải – một yếu tố dặc biệt quan trọng do nhân viên tố cáo tham nhũng ở nơi làm việc của mình rất dễ bị trả thù. Tuy nhiên chỉ có Hàn Quốc và một số tòa án ở Australia đưa ra quy định cụ thể về tội tham nhũng theo đó những hành động sa thải hay phân biệt đối xử sẽ bị điều tra lại. Indonesia, Nhật Bản và Nepal đang soạn thảo luật để giải quyết kẽ hở này. Ở Papua New Guinea và Philippines, các tổ chức hiệp hội dân sự đang thúc giục phải có luật bảo vệ người tố giác, đôi khi còn phải đi kèm với sự hỗ trợ hay phối hợp của các cơ quan nhất định, chẳng hạn như Cơ quan Thanh tra và một số cơ quan lập pháp ở Philippines. Do sắp thông qua luật về người tố giác, chính phủ Ấn Độ đã công bố một nghị quyết làm giải pháp tạm thời cho việc ứng xử đối với những khiếu nại của người tố cáo; nghị quyết này đã chỉ định rõ một cơ quan mà các công chức nhà nước, các nhân viên công ty tư nhân và quốc doanh có thể khiếu nại và đòi bồi thường hay đòi được bảo vệ người tố cáo.

d. Bảo vệ nhân chứng

Luật và chương trình bảo vệ nhân chứng cũng có cùng mục đích với những quy định được đề cập ở trên nhưng có tác dụng trong giai đoạn xét xử hình sự về sau. Việc bảo vệ nhân chứng tại tòa hay trong qua trình tố tụng được rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới lưu tâm vì đây là yếu tố bổ sung quan trọng cho các công cụ đã được nói tới ở trên. Ngày nay, Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Philippines đã ban hành luật và chương trình bảo vệ dành cho nhân chứng bị đe dọa về tính mạng và tài sản; Indonesia và Malaysia hiện cũng đang dự thảo những quy định tương tự. Những luật và chương trình này, nếu được thực thi, thường cung cấp sự bảo vệ của cảnh sát, tái định cư và cho nhân chứng một lý lịch mới, chương trình này cũng dành cho cả thành viên gia đình của nhân chứng nếu họ cũng bị nguy hiểm hay có vẻ bị đe dọa hoặc quấy rối.

2. Các phương tiện điều tra và quy định về tố tụng đặc biệt

Một số quốc gia trang bị cho các cơ quan bảo vệ pháp luật những công cụ điều tra đặc biệt nhằm phát hiện ra bằng chứng của tội tham nhũng. Ngoài ra, những quy định về quá trình tố tụng cũng đã được sửa đổi, đặc biệt là quy định về truy cập vào tài khoản ngân hàng và quy định về bằng chứng được chấp nhận tại tòa.

a. Truy cập vào tài khoản ngân hàng

Điều tra về tham nhũng thường đòi hỏi phải truy cập vào tài khoản ngân hàng để tìm ra được các khoản hối lộ và thu thập các bằng chứng để buộc tội. Những quy định về bí mật ngân hàng có thể làm cản trở việc điều tra và truy tố. Vì vậy, Chương trình Hành động công khai chỉ ra tầm quan trọng của việc cho phép các cơ quan bảo vệ pháp luật được ra lệnh bãi bỏ tính bảo mật ngân hàng đối với các bản lưu chứng từ thương mại, tài chính, ngân hàng. Chẳng hạn như cơ quan chống rửa tiền ở Philippines và Cơ quan Trách nhiệm Quốc gia ở Pakistan được phép truy cập thông tin về tài khoản ngân hàng. Cơ quan Tình báo Tài chính của Đảo quốc Cook cũng có quyền hạn rất lớn được phép thu thập thông tin từ tổ chức tài chính. Ở Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Malaysia và Nepal các cơ quan này được phép tìm kiếm và thu giữ tài liệu của ngân hàng. Ở Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc và Malaysia thì việc này cần phải có sự chấp thuận trước đó của tòa án. Các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật Bản được quyền truy cập tài khoản ngân hàng của các công chức để kiểm tra những hoạt động nghi vấn.

b. Quy định về bằng chứng

Luật về quá trình xét xử gồm những quy định chặt chẽ về việc chấp nhận bằng chứng tại tòa. Nhằm bảo vệ quyền lợi của bị cáo, những quy định này đôi khi tạo ra những trở ngại không thể vượt qua được đối với việc truy tố; điều này đặc biệt đúng đối với việc truy tố những kẻ tham nhũng và khiến một số quốc gia phải sửa đổi những quy định này nhằm hỗ trợ cho việc truy tố. Chẳng hạn như Indonesia đã nới rộng các loại chứng cứ được chấp nhận trong vụ án về tham nhũng, chấp nhận tin đồn và nội dung liên lạc bằng các phương tiện điện tử làm bằng chứng. Ấn Độ, Indonesia và Nepal cũng đã ban hành quy định chuyển gánh nặng thu thập chứng cứ trong các vụ tham nhũng sang cho các đối tượng bị nghi vấn. Nepal, Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc tương tự cũng đã buộc tất cả các công chức có tài sản không minh bạch phải giải trình, một biện pháp cho thấy sự thay đổi lớn trong quy định về thu thập chứng cứ. Ở Philippines khi một quan chức hay nhân viên chính phủ trong giai đoạn đương chức có được các tài sản rõ ràng là không tương xứng mức lương hay các khoản thu nhập hợp pháp khác thì những tài sản này bị cho là bất hợp pháp và bị tịch thu, trừ khi công chức đó chứng minh được tính hợp pháp của tài sản.

c. Hỗ trợ tư pháp quốc tế trong xét xử tội phạm

Tham nhũng và các tội có liên quan khác như tội rửa tiền cho các khoản hối lộ và thu nhập từ hối lộ thường mang đặc tính xuyên quốc gia. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, hợp tác tư pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để truy tố thành công. Hỗ trợ tư pháp quốc tế có thể liên quan tới việc thu thập chứng cứ, tịch thu và hồi hương các tài sản bất minh và dẫn độ tội phạm tình nghi.

Theo báo cáo của các quốc gia, hợp tác khu vực trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế và chưa thỏa đáng. Một số quốc gia như Philippines đã tham gia vào một số các hiệp định chống rửa tiền. Do chưa tham gia vào những hiệp định này nên Hồng Kông, Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ hỗ trợ tư pháp trên cơ sở tùy theo từng vụ việc và nguyên tắc tương hỗ. Đảo quốc Fiji, Malaysia, Singapore và Vanuatu gần đây đã ban hành luật pháp cho phép chính phủ được đàm phán với các quốc gia khác để ký kết các hiệp định hay thỏa ước tương tự trong thủ tục tố tụng tội tham nhũng. Hệ thống trao đổi thông tin không chính thức được đẩy mạnh trong các cuộc họp thường kỳ của Ban Điều hành Sáng kiến chống tham nhũng ADB/OECD và các sáng kiến bổ sung như Diễn đàn Các cơ quan Chống tham nhũng Quốc tế của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó bao gồm đại diện các cơ quan chống tham nhũng của Hồng Kông, Trung Quốc; Malaysia; Hàn Quốc; Singapore và bang New South Wales của Australia, đã đóng góp nhiều hơn vào hoạt động thực tế nhằm tăng cường hỗ trợ tư pháp giữa các bên trong vấn đề chống tham nhũng.

Để được hỗ trợ tư pháp thì tội phạm đang bị các cơ quan của quốc gia đề nghị hỗ trợ điều tra thường phải phạm tội cả ở quốc gia được đề nghị hỗ trợ (nguyên tắc phạm tội ở cả hai nước, vì vậy đặt ra tầm quan trọng của các điều khoản trừng phạt toàn diện đối với tội hối lộ). Hàn Quốc cũng yêu cầu việc hỗ trợ tư pháp cho nước ngoài phải không được gây ra nguy cơ xâm hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, hòa bình và ổn định hay tập quán lâu đời. Theo nguyên tắc chung, thậm chí ngay cả khi những điều kiện này được thỏa mãn thì quyết định có hỗ trợ tư pháp hay không vẫn còn tùy (chẳng hạn như ở Australia).

III. Thủ tục luận tội và hạn chế của miễn trách

Ở nhiều quốc gia, các đại biểu quốc hội và quan chức cấp cao đều được hưởng đặc quyền miễn trách. Do những đặc quyền này nhằm mục đích bảo vệ họ khỏi bị can thiệp và truy tố tùy tiện nên cũng là rào cản rất lớn cho việc truy tố tội tham nhũng. Để tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và của công chúng bắt các quan chức này phải chịu trách nhiệm và cách chức họ trong trường hợp có dấu hiệu tham nhũng rõ ràng, hiến pháp một số quốc gia có quy định về thủ tục luận tội. Chẳng hạn như hiến pháp của Philippines cho phép cách chức Tổng thống, Phó Tổng thống, chánh thanh tra và các thẩm phán Tòa án Tối cao và thành viên các ủy ban lập pháp khi bị luận tội, hoặc kết tội tham nhũng và hối lộ chứ chưa cần tính đến các tội danh khác. Hiến pháp của Nepal cũng đưa ra thủ tục luận tội tương tự như vậy đối với một số quan chức cấp cao. Tuy nhiên, dù có những quy định này đi chăng nữa thì thực tế cho thấy rằng việc thực thi những quy định này là hết sức khó khăn vì ở nhiều quốc gia trên thế giới nguyên nhân gốc rễ thường là thiếu thiện ý chính trị. Nhưng cũng có một vài trường hợp ngoại lệ trong quy định miễn trách: ở Pakistan luật chống tham nhũng coi các đại biểu quốc hội là “công chức” và có thể bị tiến hành truy tố và ở Malaysia các chính khách không được hưởng miễn trừ đặc biệt

Nguồn: Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), năm 2005.

chongthamnhung.thanhtra.com.vn

Chính sách chống tham nhũng tại châu Á – Thái Bình Dương (P3)

Tháng Tám 20, 2011 Bình luận đã bị tắt

Chương 3: Sự tham gia tích cực của công chúng vào cuộc chiến chống tham nhũng

oOo

Cuộc chiến chống tham nhũng không thể thắng lợi nếu không có sự hỗ trợ, tham gia và giám sát của người dân. Các phương tiện truyền thông, các hiệp hội kinh doanh và xã hội, các nghiệp đoàn và tổ chức phi chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thảo luận của công chúng về tham nhũng và nâng cao được ý thức của công chúng về những ảnh hưởng tiêu cực của nạn tham nhũng. Những tổ chức này cũng kiểm tra và giám sát hoạt động của chính phủ – trong cả đời sống sinh hoạt hàng ngày lẫn những quy định kiểm tra giám sát được thể chế hóa chính thức- nhằm góp phần phát hiện và ngăn chặn tham nhũng cũng như thu thập, chuyển thông tin của nhân dân tới các cơ quan chống tham nhũng của chính phủ.

Có hai yếu tố quyết định mức độ đóng góp các nguồn lực quý báu của các tổ chức phi chính phủ vào nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ. Một mặt, khuôn khổ pháp lý cho sự thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội có thể tạo ra thuận lợi, hay ở một số quốc gia là sự khó khăn và bất lợi. Mặt khác, thái độ chung của chính quyền và chính phủ trong việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ cũng có phần khác biệt về mức độ hợp tác, cởi mở và hiệu quả.

Hiện nay, không phải tất cả các quốc gia được đề cập tới trong báo cáo này đều đã phát triển mối quan hệ hợp tác và giúp đỡ đối với các tổ chức phi chính phủ mà họ đã từng cam kết trong Chương trình Hành động. Tuy nhiên ngày càng nhiều quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của các tổ chức phi chính phủ. Chính phủ các nước cũng đang tiến hành việc cải thiện các quy định về tổ chức và pháp lý có liên quan và đã đưa ra một số dự án cụ thể cho việc hợp tác và đối thoại với các tổ chức xã hội về vấn đề tham nhũng.

A. Chính sách đối thoại và hợp tác giữa chính phủ với các tổ chức phi chính phủ

Đóng góp của các tổ chức xã hội đối với cuộc chiến chống tham nhũng ở một quốc gia có thể ở dưới nhiều hình thức, từ việc nâng cao nhận thức và các chương trình giáo dục tới sự tham gia tích cực được thừa nhận chính thức trong việc phân tích các quy định về thể chế hoặc luật pháp hiện hành. Khi tham gia, các tổ chức xã hội có thể tuyên truyền về những cải cách được coi là cần thiết nhất. Về vấn đề này, một số chính phủ đã tích cực tiến hành hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, tìm cách tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức xã hội.

Ở Pakistan, các tổ chức xã hội tham gia vào Dự án Chiến lược Chống tham nhũng Quốc gia, một cơ quan tư vấn cho chính phủ bao gồm các thành viên từ khu vực nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng và viện nghiên cứu. Cơ quan này chịu trách nhiệm phát triển chính sách chống tham nhũng quốc gia toàn diện và đưa ra các khuyến nghị thích hợp cho chính phủ. Với chức năng này thì cơ quan đã đóng góp được nhiều, chẳng hạn như đóng góp vào việc ban hành Pháp lệnh Tự do Thông tin mới đây, thúc đẩy tính minh bạch trong các hoạt động của chính phủ. Ở Papua New Guinea, khối doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đại diện chính phủ hợp tác với nhau trong một ủy ban tư vấn chính thức. Một ví dụ khác nữa về sự hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong quá trình cải cách thủ tục và cơ chế là sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội trong nỗ lực của chính phủ Philippines nhằm cải cách hệ thống mua sắm. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho một tổ chức phi chính phủ (NGO) tiến hành phân tích quy trình mua sắm hiện hành. Trên cơ sở của phân tích này, tổ chức phi chính phủ đó đã thúc đẩy cải tổ trong chính phủ và đào tạo cho các cơ quan hành chính công hữu quan nhằm nâng cao trình độ của họ trong lĩnh vực này. Tổ chức này còn tiếp tục giám sát một số hợp đồng đấu thầu. Ở Samoa, Ban chỉ đạo thực hiện cải tổ hệ thống hành chính công bao gồm không chỉ các công chức và chính khách mà còn cả các đại diện của khối doanh nghiệp tư nhân.

Ở Philippines chính phủ và các tổ chức xã hội đã chính thức cùng nhau tiến hành các bước đấu tranh với nạn tham nhũng trong các cơ quan hành chính công. Sự liên kết này nhằm giám sát lối sồng của các quan chức và viên chức chính phủ nhằm phát hiện và loại bỏ những trường hợp tham nhũng và gian lận có thể xảy ra. Các tổ chức xã hội trong liên minh này có nhiệm vụ thu thập thông tin về lối sống của các công chức. Những thông tin này sau đó sẽ được các cơ quan tham gia xác minh và Văn phòng Thanh tra sẽ tiến hành điều tra. Khi chứng cứ đã rõ ràng, Văn phòng Thanh tra sẽ đưa ra buộc tội trước tòa án, kể cả thủ tục miễn nhiệm.

Các tổ chức xã hội cũng đã đóng góp lớn vào cải cách lập pháp ở một vài quốc gia trong khu vực. Tự do về thông tin lập pháp ở những quốc gia như Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Pakistan phần lớn là nhờ có sự tuyên truyền của các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức này đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục công chúng hiểu rõ hơn và tận dụng được những quy định pháp luật mới này.

B. Nâng cao nhận thức và giáo dục công chúng về nạn tham nhũng

Chức năng quan trọng thứ hai của các tổ chức phi chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng là giáo dục và nâng cao nhận thức về nạn tham nhũng trong công chúng. Ngày càng nhiều nước nhận thức được vai trò của việc này như Campuchia, Đảo quốc Fiji, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Singapore và Vanuatu. Chính phủ các quốc gia này đã bắt đầu hỗ trợ các tổ chức xã hội thực hiện chức năng này. Ở Hàn Quốc, hỗ trợ của chính phủ đối với các hoạt động chống tham nhũng của các tổ chức xã hội thậm chí còn gồm cả hỗ trợ về mặt tài chính. Campuchia cho biết việc hợp tác đang được tiến hành dưới dạng giáo dục chống tham nhũng ở các trường công lập: sau một cuộc điều tra cho thấy tỷ lệ nhận thức rất thấp về ảnh hưởng của tham nhũng trong giới trẻ, một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ đã được giao nhiệm vụ phát triển một chương trình giáo dục về các vấn đề đạo đức và quản lý. Chương trình này được dạy cho trẻ em và thanh niên tại các trường công lập với sự phối hợp của Bộ Giáo dục. Sự hợp tác tương tự cũng diễn ra trong các trường công lập tại Malaysia và Vanuatu. Những quốc gia khác như Đảo quốc Fiji, Ka-zắc-xtan, Hàn Quốc, Pakistan và Philippines đã báo cáo về những nỗ lực nhằm đưa ra các chương trình tương tự, bao gồm cả việc khuyến khích giáo viên dạy cho sinh viên về vấn đề đạo đức ở các trường phổ thông và đại học. Trong khuôn khổ Kế hoạch Liêm chính Quốc gia của Malaysia, kế hoạch dựa trên kết quả điều tra toàn quốc về nhận thức của công chúng về tham nhũng được hoàn thành vào tháng Giêng năm 2003, Chính phủ đã thành lập Viện Liêm chính Malaysia, qua đó chính phủ muốn nâng cao nhận thức về tham nhũng và nhu cầu về sự minh bạch đối với dịch vụ công. Hàn Quốc, Papua New Guinea và Philippines đã giao một phần chức năng này cho các cơ quan chống tham nhũng và/hoặc văn phòng thanh tra. Ở Pakistan, sự tham gia của giáo viên trong việc phổ cập giáo dục về vấn đề đạo đức là một trong rất nhiều hình thức của chiến dịch nâng cao nhận thức. Chiến dịch này bao gồm việc sử dụng các phương tiện truyền thông (phim tài liệu điều tra, nghiên cứu về các trường hợp truy tố thành công, tạp chí thường kỳ v.v.), trao đổi với những người đương chức và giới thiệu những thay đổi về giáo trình đang được giảng dạy tại trường các phổ thông thông qua quá trình tham vấn có sự tham gia của giáo viên và Bộ Giáo dục.

Ngoài những dự án trong hệ thống giáo dục với mục đích phổ biến hành vi và thái độ đạo đức trong dân chúng ngay từ khi họ còn nhỏ, các quốc gia khác cũng tiến hành những chiến dịch chống tham nhũng trong toàn dân. Chẳng hạn như các cơ quan chống tham nhũng của Hồng Kông, Trung Quốc và Hàn Quốc tiến hành các chiến dịch tuyên truyền thường xuyên về vấn đề tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kazăcxtan công bố chỉ số mức độ tham nhũng cho phép công chúng so sánh các khu vực, bộ, ngành về hành vi đạo đạo đức của họ. Đồng thời, dự án này tạo ra động cơ thay đổi hành vi đối với các cơ quan của nhà nước. Indonesia tiến hành chiến dịch này với sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả các đại diện của doanh nghiệp tư nhân và tổ chức xã hội quốc tế, nhằm nâng cao sự hiểu biết và ủng hộ của dân chúng Indonesia đối với cải cách hành chính của chính phủ. Một vài dự án trong lĩnh vực này đã được triển khai, trong đó bao gồm cả việc phát sách và tài liệu và đưa chiến dịch chống tham nhũng lên đài phát thanh và truyền hình.

C. Kiểm tra và tiếp cận thông tin của công chúng

Vai trò quan trọng thứ ba của công chúng trong cuộc chiến chống tham nhũng là giám sát và kiểm tra những người phạm tội và buộc họ phải chịu trách nhiệm. Sự kiểm soát này là phương tiện hữu hiệu chống tham nhũng và là sự bổ sung quan trọng cho các cơ quan và quy định pháp luật. Tuy nhiên, hai điều kiện tiên quyết của hình thức này – tự do thảo luận và tiếp cập thông tin liên quan – lại không đủ phổ biến ở một số nước.

I. Kiểm tra, giám sát và công luận về tham nhũng

Các tổ chức xã hội có thể thực sự đóng góp được rất nhiều trong việc giám sát và điều tra các hoạt động của doanh nghiệp và chính phủ qua đó ngăn chặn tham nhũng. Việc đánh giá đúng về công cụ không thể thiếu trong cuộc chiến chống tham nhũng này vẫn chưa dành được nhiều sự quan tâm của các nhà lãnh đạo chính trị ở một số nước. Tuy nhiên, ví dụ của Philippines được đề cập ở trên, theo đó thì tổ chức phi chính phủ đã được chính phủ giao nhiệm vụ giám sát quy trình đấu thầu, cho thấy những lợi ích khác từ việc giám sát của công chúng đối với những nỗ lực chống tham nhũng của một quốc gia.

Các phương tiện thông tin đại chúng là những tổ chức phi chính phủ đặc biệt quan trọng trong việc giám sát công việc của chính phủ và bộ máy hành chính. Thông qua việc giám sát chính phủ, các chính khách và khu vực doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng có thể thực hiện chức năng kiểm soát rất quan trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng có thể tiến hành điều tra và vì vậy có thể phát hiện những hành vi tham nhũng. Báo cáo của các phương tiện thông tin đại chúng về tham nhũng đóng góp thêm rất nhiều cho việc giáo dục công chúng. Việc báo cáo trung thực yêu cầu phải có tính tự do và độc lập của báo chí cũng như khả năng tiếp cận thông tin. Ở một số quốc gia, những tiến bộ trong những điều kiện tiên quyết này sẽ giúp cho cuộc chiến chống tham nhũng thành công hơn.

II. Tiếp cận thông tin

Một điều kiện tiên quyết đặc biệt quan trọng để cho phép người dân giám sát các cơ quan hành chính, chính phủ, đảng phái chính trị và các chính khách dân cử là quyền được tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, chỉ mới gần đây một số quốc gia mới tiến hành những cải cách này và thường do các tổ chức xã hội khởi xướng và hỗ trợ. Việc miễn cưỡng cho phép tự do thông tin hiện vẫn còn phổ biến với lý do an ninh, tính riêng tư hay truyền thống quốc gia

Việc tiếp cận thông tin được cho rằng không chỉ nằm ở việc xuất bản định kỳ các tài liệu; việc kiểm soát hữu hiệu còn đòi hỏi các cơ quan hành chính hay chính phủ phải cung cấp các hồ sơ để kiểm tra khi được yêu cầu. Chính phủ và các cơ quan lập pháp trước đây ít khi làm điều này – và hiện nay thậm chí một số quốc gia vẫn đang có tình trạng như vậy – do việc này thường được hiến pháp bảo vệ. Tuy nhiên trong những năm gần đây ngày càng nhiều chính phủ nhận thấy rằng cung cấp thông tin là một phần chức năng của họ và hiện cho phép tiếp cận những hồ sơ trước đây được coi là tối mật.

1. Xuất bản thông tin định kỳ

Tòa án một số quốc gia như Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines; Singapore dùng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng internet, cho phép công chúng truy cập một cách thuận tiện, nhanh chóng, rẻ và trực tiếp vào ngày một nhiều các tài liệu. Những thông tin này bao gồm các báo cáo kiểm toán, tài liệu về ngân sách và pháp lý. Quy mô của những thông tin được công bố như thế này khác nhau rất nhiều giữa các quốc gia và ngay trong một quốc gia và tùy thuộc vào chính sách của từng bộ ngành hay cơ quan. Mặc dù theo nghĩa rộng các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) là một phần của hệ thống hành chính công nhưng họ thường không xuất bản thông tin. Một trường hợp ngoại lệ rất hiếm hoi là Ka-zắc-xtan dự định xuất bản báo cáo thường niên của SOEs trong tương lai.

2. Truy cập vào hồ sơ theo yêu cầu

Cho đến gần đây, văn hóa hành chính công ở nhiều quốc gia thiên về sự bí mật. Ngày nay thái độ này vẫn còn duy trì ở một số nước; và an ninh quốc gia thường được đem ra để biện minh. Những quốc gia này khăng khăng không cho người dân được truy cập thông tin mặc dù hiến pháp thường công nhận quyền cơ bản này đối với thông tin. Tuy nhiên, thường là do sức ép của các tổ chức xã hội, ngày càng nhiều quốc gia thông qua luật tự do về thông tin (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan). Đảo quốc Fiji, Indonesia và Nepal hiện cũng đang soạn thảo những bộ luật tương tự và ở Philippines một số dự thảo luật đã được trình lên Quốc hội. Ở một vài quốc gia, luật này trước tiên được áp dụng ở địa phương, như ở Ấn Độ là ở cấp tỉnh và sau đó được áp dụng rộng ra khắp cả nước.

a. Công cụ pháp lý cho phép công dân được tiếp cận thông tin

Dù các quy định của hiến pháp về vấn đề này của hầu hết các nước trong khu vực đều tương tự nhau nhưng các công cụ pháp lý điều chỉnh việc truy cập thông tin ở các nước lại rất khác nhau. Ở một số nước, việc thiếu các luật có liên quan khiến không thể thực thi được quyền này. Chẳng hạn như Tòa án Tối cao Philippines khi gặp vấn đề này đã ra phán quyết rằng đảm bảo về mặt hiến pháp là đương nhiên được thực hiện, theo đó quy định tương đối rộng rãi quyền được truy cập thông tin dù cho đến gần đây dự thảo luật này mới được thông qua.

b. Phạm vi và các giới hạn của tự do thông tin

Các quốc gia đã thông qua luật tự do thông tin quy định sự tự do ở nhiều mức độ khác nhau. Liệu những luật này có quy định những phương thức truy cập thông tin hữu hiệu hay không phụ thuộc vào ba yếu tố chính: phạm vi các trường hợp ngoại lệ, sự miễn trừ và luật bảo mật; sự tồn tại của các chế tài và thủ tục kháng cáo độc lập; những yêu cầu đối với công dân cần thông tin, chẳng hạn như lệ phí.

Luật pháp điều chỉnh về sự tự do thông tin thường đưa ra quy định chung về truy cập thông tin, sau đó được giới hạn bởi các loại trừ và miễn trừ. Các loại trừ hầu như được áp dụng với toàn bộ các cơ quan nhà nước không thuộc diện được bảo đảm về pháp luật và không quy định rõ bản chất của thông tin không cho phép công chúng được truy cập hay chủ đề mà thông tin đó liên quan tới. Những miễn trừ này ví dụ có thể thấy trong các quy định pháp luật của Băng-la-đét, Ấn Độ và Pakistan. Ở những quốc gia này, tất cả các thông tin liên quan tới lực lượng cảnh sát và quân đội, bao gồm cả thông tin về tài chính và ngân sách, được loại trừ khỏi quy định về truy cập thông tin. Ngược lại, luật và quy định của Nhật Bản lại chỉ miễn tiết lộ những thông tin được chỉ định là có hại cho an ninh và các vấn đề liên quan tới an ninh. Ở Nhật Bản, trong một tài liệu chứa những thông tin mật, phần chứa thông tin không mật phải được công bố.

Cùng với vấn đề an ninh quốc gia, luật pháp còn thường không điều chỉnh cả các doanh nghiệp nhà nước với lý lẽ rằng “lợi ích hợp pháp” hay bí mật của họ cần được bảo vệ. Luật bảo mật còn hạn chế về phạm vi truy cập thông tin. Trên thực tế thì việc ban hành luật bảo mật cũng là một xu hướng phổ biến trong khu vực ngang với xu hướng ban hành luật công bố thông tin. Chẳng hạn như Indonesia, Malaysia, Singapore mới đây đã ban hành những quy định về bảo mật hoặc cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị ban hành.

Ngoài những giới hạn pháp quy về việc truy cập thông tin, thì cách dùng từ không rõ ràng cũng khiến cho chính phủ và các cơ quan hành chính có nhiều lý do để quyết định xem có công bố những thông tin được yêu cầu hay không. Điều này có nghĩa là đôi khi truy cập thông tin liên quan tới tham nhũng bị từ chối với lý do bí mật quốc gia hay bảo vệ sự riêng tư cá nhân. Ở Ấn Độ, đánh dấu tối mật vào văn bản sẽ khiến cho công chúng không được xem nó cho dù là nội dung của văn bản đó có đáng được giữ bí mật hay không. Một số những khó khăn khác cũng có thể làm cản trở việc truy cập thông tin: ở Nhật Bản là lệ phí; ở Philippines là tình trạng lưu trữ yếu kém và đôi khi là nghĩa vụ phải đưa ra được lý do yêu cầu lấy thông tin.

Sự tùy tiện và đôi khi những quy định không rõ ràng đòi hỏi phải có các chế tài xử lý hay thủ tục kháng cáo. Hệ thống kháng cáo này có thể dựa trên cơ sở xét xử tư pháp hay hội thẩm; đôi khi cả hai hình thức này đều được chấp nhận. Không giống như tố tụng tại tòa, hội thẩm đoàn, ủy ban thông tin hay cơ quan thanh tra thường có thủ tục kháng cáo nhanh gọn và ít tốn kém. Tuy nhiên tính hữu hiệu của hình thức này lại phụ thuộc nhiều vào tính độc lập và quyền lực của các cơ quan này. Ở Nhật Bản, phán quyết của Ủy ban Công bố Thông tin không có giá trị cao hơn quyết định của cơ quan hành chính, nhưng được công bố rộng rãi. Ở Pakistan, phán quyết của cơ quan thanh tra có giá trị cao hơn quyết định của cơ quan hành chính. Tuy nhiên không phải tất cả các quốc gia đều cho phép các cơ quan độc lập xét xử lại; một số nước quy định chỉ có thủ tục kháng cáo hành chính

Nguồn: Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), năm 2005.

chongthamnhung.thanhtra.com.vn

Trung Quốc tìm mọi cách tiếp cận công nghệ quân sự tối tân

Tháng Tám 20, 2011 Bình luận đã bị tắt

Pakistan vừa cho phép các kỹ sư quân sự Trung Quốc tiếp cận và lấy mẫu từ trực thăng tàng hình của lực lượng đặc nhiệm Mỹ bỏ lại trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan gia tăng căng thẳng.

Trong cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố đêm 2-5, phía Mỹ đã không thông báo cho chính quyền Pakistan. Do đó, để tiến hành chiến dịch bí mật, Mỹ đã sử dụng trực thăng Blackhawk cải tiến, được phủ một “lớp tàng hình” nhằm vượt qua radar của Pakistan. Một trong hai chiếc trực thăng này đã gặp sự cố và rơi (có thông tin nói đuôi của chiếc máy bay này bị vướng vào bức tường rào của khu nhà bin Laden đang lẩn trốn, khi hạ cánh), buộc lực lượng đặc nhiệm Navy Seals phải phá hủy nó, nhưng phần đuôi vẫn còn nguyên vẹn và bị bỏ lại tại Abbottabad. Đây hẳn là “miếng mồi béo bở” cho Trung Quốc khi nước này đang tăng cường chi phí hiện đại hóa quốc phòng.

Máy bay tiêm kích tàng hình 2 động cơ thế hệ thứ 5 J-20 do Trung Quốc sản xuất đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 11-1-2011.

  • Từ các mẫu tiêm kích

Còn nhớ mùa xuân năm 1999, chiếc máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới F-117A Nighthawk của không lực Hoa Kỳ bị hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora của Nam Tư (cũ) bắn hạ ở nước này. Sau đó tình báo Trung Quốc đã lùng sục từng mét vuông khu vực máy bay rơi và không tiếc tiền mua lại từng mảnh vụn từ dân địa phương. Khi đó, báo chí phương Tây đã quy kết Trung Quốc sao chép công nghệ tàng hình của máy bay F-117A để chế tạo máy bay J-20, khiến Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng bác bỏ “sự vu khống” này.

Theo phi công Xu Yongling, khác với các tiêm kích trước đó như J-7 và J-8 được chế tạo dựa trên các máy bay nước ngoài (như MiG-21, F-13 hay Su-15), còn J-20 là kiệt tác công nghệ của Trung Quốc. Mặc dù phải mất ít nhất 8 năm nữa J-20 mới được đưa vào sử dụng, nhưng có thể nói J-20 thật sự là đối thủ tiềm năng với chiếc F-22 Raptor siêu việt của Mỹ.

Giới quân sự Trung Quốc cho rằng thật vô nghĩa nếu áp dụng công nghệ vốn đã lỗi thời của F-117A. Ngoài ra, họ cũng thanh minh là rất khó tái tạo công nghệ sản xuất vật liệu sử dụng cho F-117A chỉ từ các mảnh vỡ của máy bay. Nhưng theo các chuyên gia quân sự thế giới: khó, nhưng có thể.

Hay như sự kiện ngày 1-4-2001, máy bay do thám hiện đại EP-3E ARIES II của Mỹ đã bị 2 máy bay tiêm kích J-8 II của Hải quân Trung Quốc (PLAN) ép sát, sau đó “vô tình” đâm vào EP-3E. Trước đó, viên phi công Mỹ, đại úy hải quân Shane Osborn đã chuyển sang chế động bay tự động. Sau vụ va chạm, phi công Osborn đã xin hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Lingshui trên đảo Hải Nam. Chính vào thời điểm EP-3E lao xuống gần 2.440m, phi hành đoàn Mỹ đã phá hủy các công nghệ nhạy cảm trên máy bay công nghệ cao này. Mặc dù Lầu Năm Góc tin tưởng các công nghệ nhạy cảm nhất đã bị phá hủy nhưng hạ nghị sĩ Mark Kirk, một chuyên gia tình báo hải quân, cho rằng trong khoảng thời gian ngắn như thế không thể phá hủy hết mọi thiết bị, nên chắc chắn nhiều công nghệ mật đã bị lộ. 11 ngày sau, 24 nhân viên phi hành đoàn Mỹ được Trung Quốc trả về, nhưng chiếc EP-3E trị giá 80 triệu USD vẫn bị giữ lại đến 3 tháng trời. Mỹ cho rằng đó là thời gian quá đủ để Trung Quốc khám phá chiếc máy bay này. Trung Quốc chỉ đồng ý trao trả sau khi nó đã bị tháo rời thành từng mảnh vụn.

  • Đến tàu sân bay cũ

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Thi Lang – vị thủy sư đô đốc nhà Thanh đã chỉ huy chiến dịch tấn công đảo Đài Loan vào năm 1681.

Cách Trung Quốc “học hỏi” từ xác máy bay hiện đại của Mỹ cũng là cách họ đang áp dụng vào phục chế các tàu sân bay. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đóng từ thời Liên Xô, có tên Varyag, dài 300m với tải trọng 67.500 tấn, chưa kịp hoàn thành thì Liên Xô sụp đổ nên quyền sở hữu được chuyển giao cho Ukraine. Sau đó, Ukraine đã giải giáp và loại bỏ động cơ của tàu trước khi bán cho Trung Quốc vào năm 1998. Năm 2002, con tàu này đã được Trung Quốc đem về cảng đóng tàu Đại Liên với ý định cải tạo thành khách sạn nổi cao cấp. Nhưng sau khi quân đội Trung Quốc kiểm tra thực trạng thì họ đã quyết định hoàn thành tàu sân bay này như thiết kế ban đầu và lấy tên Thi Lang. Con tàu này khi được đóng chỉ có phần khung, nên thành tựu lớn nhất của quân đội Trung Quốc là đã phục chế và lắp thêm “phần hồn” cùng việc triển khai một hệ thống vũ khí hiện đại cho Thi Lang. Thế là Trung Quốc trở thành quốc gia Đông Bắc Á đầu tiên hạ thủy tàu sân bay.

Dựa vào kinh nghiệm phục chế tàu Thi Lang, Trung Quốc đang cố hoàn thiện các tàu sân bay nội địa và dự kiến hạ thủy vào năm 2015. Theo báo Le Monde (Pháp), việc Trung Quốc mua tàu sân bay của Ukraine đã mở ra cho Bắc Kinh cơ hội quý giá vì được tiếp cận với các chuyên gia nắm công nghệ quân sự cao cấp của một trong các nước thành viên thuộc Liên bang Xô Viết. Đồng thời, các phi công của Trung Quốc đã được đón nhận thực tập tại căn cứ quân sự Nitka, vốn là trung tâm duy nhất huấn luyện hoạt động quân sự trên các hàng không mẫu hạm Liên Xô. Tuy vậy, báo chí nhắc tới Thi Lang, nhưng trong thực tế kể từ năm 1985, Trung Quốc đã mua lại 4 tàu sân bay “về hưu”: HMAS Melbourne của Australia, Minsk, Kiev và Varyag của Liên Xô trước đây. Trung Quốc cũng đã từng thất bại khi tìm cách mua tàu Clemenceau của Pháp năm 1997.

  • Tham vọng công nghệ vũ trụ

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chinh phục không gian và có thể sẽ qua mặt Mỹ trong tương lai, khi mà năm nay cường quốc này lần đầu phóng lên vũ trụ một module lớn bằng một toa xe lửa để đặt “viên gạch” đầu tiên tạo nên trạm vũ trụ của riêng mình. Theo kế hoạch, trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ khai trương vào năm 2020, thời điểm ISS sẽ phải đóng cửa, nếu Mỹ và các cộng sự không có giải pháp thay thế. Lúc ấy, Trung Quốc sẽ là nước duy nhất có người sống lâu dài trong không gian. Trước đó, năm 2003, 4 thập kỷ sau Mỹ và Nga, Trung Quốc là nước thứ 3 đưa người bay vào không gian. Dự kiến tới năm 2013, Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò Mặt trăng và đưa người lên “gặp chị Hằng” vào năm 2020. Mặc dù thiếu nhiều kinh nghiệm công nghệ vũ trụ nhưng rõ ràng họ không thiếu những kế hoạch và nguồn tài chính dồi dào để hiện thực hóa những tham vọng đó.

Tháng 5-2011, trong buổi điều trần trước Ủy ban đánh giá quan hệ an ninh kinh tế Mỹ – Trung của Quốc hội Mỹ, Scott Pace, một chuyên gia hàng không vũ trụ, nhận xét rằng, những gì Trung Quốc học được từ chương trình nghiên cứu không gian có thể ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cải thiện độ chính xác của tên lửa đạn đạo. Bằng chứng, 4 năm trước, Trung Quốc đã dùng tên lửa đạn đạo bắn nổ một vệ tinh ngưng hoạt động, khiến nhiều quan chức Mỹ lo ngại hành động này có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.

* Trước thời điểm Trung Quốc đưa tàu không gian Thần Châu cùng phi hành gia Dương Lợi Vĩ lên vũ trụ, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin Trung Quốc đã ăn cắp công nghệ vũ trụ của nước này bằng nhiều hình thức như tình báo công nghiệp, mua chuộc chuyên gia Mỹ… Trung Quốc đã lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này và không lâu sau đó cho thế giới thấy một Trung Quốc có tên trong danh sách các nước có tàu bay vào vũ trụ.

Thanh Hải tổng hợp

sggp.org.vn

70 năm huyền thoại Cachiusa

Tháng Bảy 19, 2011 Bình luận đã bị tắt

(HNM) – Ngày 14-7 vừa qua được xem như ngày hội của các quân nhân, công nhân quốc phòng, cựu chiến binh Nga… khi dàn tên lửa huyền thoại Katyusha (Cachiusa) tròn 70 tuổi.

Kể từ lần đầu tiên xung trận năm 1941, hệ thống tên lửa tự hành này đã đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến tranh vệ quốc của quân đội Xô Viết chống phát xít Đức và luôn được xem là niềm tự hào của nước Nga.

Dàn hỏa tiễn Cachiusa mang theo lửa và những tiếng xé gió đặc trưng mỗi khi khai hỏa.

Sự ra đời của tên lửa Katyusha là câu trả lời của quân đội Xô Viết với chương trình phát triển pháo cối Nebelwerfer 6 nòng của Đức Quốc xã năm 1936. So với pháo truyền thống, dàn phóng hỏa tiễn Katyusha có độ chính xác thấp hơn và mất nhiều thời gian hơn để nạp đạn. Tuy nhiên, loại vũ khí bí mật này của Hồng quân Liên Xô lại tỏ ra hoàn toàn khác biệt với các loại pháo thời kỳ đó do tính cơ động cực kỳ cao. Thiết kế khá đơn giản chỉ gồm một giá có gắn những thanh phóng đạn bằng thép cùng bộ khung gập để nâng thanh phóng lên vị trí mong muốn, Katyusha được lắp ráp trên nhiều phương tiện, từ xe tải, xe tăng, xe kéo pháo đến tàu thủy. Nhờ thế, thứ vũ khí lợi hại này có thể nhả đạn vào mục tiêu và rút lui trước khi bị phản pháo vào vị trí vừa triển khai trước đó. Ngoài ra, hệ thống tên lửa độc đáo của người Nga cũng tỏ ra vượt trội về khả năng tấn công khi có thể bắn cùng lúc nhiều loạt đạn. Với những vũ khí gồm pháo BM-13, pháo hạng nhẹ BM-8 và hạng nặng BM-31, mỗi lần khai hỏa, “dàn đồng ca đỏ” rót xuống kẻ thù 16 đến 48 quả tên lửa. Chỉ trong khoảng thời gian từ 7 tới 10 giây, khoảng 4,35 tấn thuốc nổ của Katyusha có thể cày xới cả khu vực rộng đến 4 hécta, san bằng công sự, phá nát các mục tiêu với cách tấn công được lính Đức ví như rót lửa từ trên trời xuống.

Thế nhưng khả năng sát thương lớn mới chỉ là một phần sức mạnh đáng kinh ngạc của Katyusha. Theo nhiều tài liệu, kỳ quan kỹ thuật của quân đội Xô Viết đã để lại nỗi khiếp sợ trong đội quân Đức quốc xã với tiếng hú đặc trưng của đạn và tiếng rầm rầm của bệ phóng như muốn nuốt chửng tất cả mọi thứ xung quanh. Không kể những binh sĩ Đức bị thương bởi đạn pháo, những tên còn sống sót sau đợt hỏa lực hầu như không còn tinh thần để chiến đấu vì những tổn thương khác nhau từ điếc tai đến hoảng loạn tinh thần. Cũng vì thế, Đức quốc xã đã gọi dàn tên lửa ít tốn kém này của quân đội Xô Viết bằng biệt danh “Đàn organ của Stalin” khi ông từng ví dàn hỏa tiễn như những chiếc ống của chiếc đàn organ khổng lồ và luôn phát ra những âm thanh đặc biệt mỗi khi xung trận. Đội quân của Hitle cũng chưa bao giờ thành công trong kế hoạch chiếm một khẩu đội Katyusha để xem thực hư về loại vũ khí được miêu tả là đại bác phun lửa tự động nhiều nòng.

Cho đến nay, chưa có lời giải thích thấu đáo nào cho câu hỏi tại sao dàn tên lửa tự hành mạnh mẽ này lại mang cái tên quá đỗi dịu dàng từ bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Mikhail Vasilevich Isakovsky đã nổi tiếng khắp thế giới. Katyusha trong tiếng Nga có nghĩa “Katerina bé nhỏ”, là bài ca về một người con gái luôn thủy chung chờ đợi người yêu đang chiến đấu bảo vệ quê hương. Điều đó khiến hệ thống pháo phản lực này luôn nằm trong tâm thức của người Nga. Kể từ ngày 14-7-1941 khi hỏa tiễn Katyusha lần đầu ra mắt trong cuộc chiến đấu gần thành phố Orsa, tỉnh Vitepsk ở Belarus, những khẩu đội tên lửa di động quan trọng này đã luôn cùng Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và là một phần trong lịch sử hào hùng của lực lượng vũ trang Nga.

Minh Nhật

hanoimoi.com.vn