Lưu trữ

Posts Tagged ‘Mậu Thân 1968’

Chuẩn bị vật chất hậu cần cho chiến dịch tiến công chiến lược

Tháng Bảy 3, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND – Năm 1967, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, một kế hoạch quân sự rộng lớn cho Đông – Xuân 1968 đã được Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương soạn thảo. Tháng 5-1967, Hội nghị Bộ Chính trị đã nghe báo cáo, sau đó thảo luận và thông qua kế hoạch tổng tiến công của các lực lượng chính quy và lực lượng tại chỗ kết hợp với nổi dậy của quần chúng nhân dân trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các đô thị, sào huyệt và các cơ quan đầu não của địch, nhằm tạo ra bước ngoặt chiến lược trong chiến tranh, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Giờ Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (rạng ngày 31-1-1968), theo hiệu lệnh là bài thơ chúc Tết của Bác Hồ phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cuộc tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu mà trọng điểm là 3 thành phố lớn: Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế. Tại Sài Gòn, quân ta đã đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh và rất nhiều mục tiêu chiến lược khác… Đặc biệt, cuộc chiến đấu tại Huế diễn ra hết sức khốc liệt, với một lực lượng nhỏ hơn địch nhiều lần, quân dân ta đã chiến đấu trong cố đô 25 ngày đêm. Suốt 2 tháng đầu năm Mậu Thân 1968, trên toàn chiến trường miền Nam không lúc nào ngớt tiếng súng. Mục tiêu lớn của chiến dịch đã đạt được, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá vỡ một mảng lớn hệ thống chính quyền của chúng, làm giảm ý chí chiến tranh của những kẻ hiếu chiến trong giới lãnh đạo Mỹ, buộc Mỹ phải ngừng đánh phá miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là tiền đề quan trọng cho thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân năm 1975.

Bộ đội Đoàn 559 vận chuyển vật chất hậu cần cho chiến dịch. Ảnh tư liệu.

Trong nhiều sức mạnh tạo nên thắng lợi đó không thể không kể đến sức mạnh của công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch. Với nhiệm vụ rất nặng nề, trong một thời gian gấp, mùa khô 1967-1968, công tác hậu cần phải thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển vật chất, vũ khí trang bị, đạn dược bảo đảm cho các chiến trường gấp từ 2 đến 2,5 lần, bảo đảm sinh hoạt và vận chuyển quân vào chiến trường gấp 3 đến 4 lần năm trước.

Để hoàn thành nhiệm vụ Quân ủy giao, tập trung chuẩn bị hậu cần cho cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, ngày 3-12-1967, hội nghị Đảng ủy Cục Hậu cần Miền xác định 3 nhiệm vụ trọng yếu. Đó là: Dốc toàn lực lượng, phương tiện để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị đến các điểm cho bộ đội theo yêu cầu; bảo đảm đúng thời gian quy định. Tập trung làm tốt công tác nuôi quân, phòng bệnh, điều trị thương binh, bệnh binh khỏi bệnh đạt từ 70% đến 80%. Chuẩn bị điều chỉnh bệnh viện trên các tuyến để phục vụ kịp thời cho các trọng điểm và phát triển sau này. Ra sức chuẩn bị vật chất, nhất là lương thực, thực phẩm cho các đợt hoạt động tác chiến. Kết hợp chặt chẽ với địa phương, với các đơn vị để bảo đảm phục vụ cho bộ đội chủ lực.

Trên cơ sở nhiệm vụ được xác định, Cục Hậu cần Miền đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các lực lượng tổ chức thực hiện. Cụ thể: Cục Vận tải phải tạo chân hàng sớm, trước tháng 10-1967 phải có 60% tổng khối lượng tại khu hậu cứ của Đoàn 559. Cục Quản lý xe-máy phải hợp đồng thống nhất chỉ tiêu, bổ sung xe-máy mới, sửa chữa xe-máy hư hỏng trả về cho đơn vị đúng thời gian quy định. Các cục: Quân nhu, Quân y, Quân khí được giao chuẩn bị khối lượng hàng chi viện phải bảo đảm đủ, đúng thời gian, kịp thời sắp xếp vận chuyển vào hậu cứ Đoàn 559 theo thứ tự ưu tiên. Mặt khác, chỉ đạo Đoàn 559 trực tiếp tổ chức tiếp nhận vật chất, phương tiện. Kết quả trong mùa khô 1967-1968, Đoàn 559 được bổ sung: 1.382 xe ô tô, 19 xe ủi, 35 xe ben, 34 xe tải, 29 máy đẩy, 74 khẩu pháo cao xạ. Tính đến giữa tháng 10-1967, Đoàn 559 đã tiếp nhận hơn 80% vũ khí, phương tiện và nhân lực; bổ sung vật chất nhập tổng kho được 52% tổng khối lượng.

Để kịp thời bảo đảm cho chiến dịch, Bộ tư lệnh Đoàn 559 đã chủ trương mở chiến dịch “vượt khẩu”, nên chỉ trong 15 ngày, hơn 90% số vũ khí, phương tiện, vật chất đã vào tuyến gọn, đến các binh trạm an toàn. Chớp thời cơ thời tiết Trường Sơn khô ráo, trung tuần tháng 11-1967, Đoàn 559 đã mở đợt vận chuyển “đột kích” sử dụng 600 xe vận tải chở vũ khí chạy thẳng vào các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên; 500 xe vào Trị-Thiên; 200 xe vào Nam Bộ. Bảo đảm vật chất đủ cho 15 vạn quân dồn dập vào chiến trường từ tháng 10 đến tháng 12. Chở thuốc nổ, khí tài và lương thực bổ sung cho các đơn vị công binh đang mở đường B71 đến ngã ba Bình Điền nối thông đường 12 vào Huế (dài 70km), hoàn thành trong 20 ngày đúng kế hoạch.

Kết quả công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đã để lại những bài học quan trọng cho công tác bảo đảm hậu cần các chiến dịch sau, là tiền đề quan trọng, bài học quý cho bảo đảm hậu cần chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó là, phải quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, chỉ thị của Quân ủy Trung ương; xác định nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; chủ động xây dựng kế hoạch, nắm bắt thời cơ tổ chức triển khai tích cực từ sớm, kết hợp vận chuyển từ hậu phương đến và xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ… Gần 45 năm đã qua, công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu kế thừa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá Đỗ Đắc Yên

qdnd.vn

Cách đánh táo bạo, bất ngờ

Tháng Tư 10, 2011 Bình luận đã bị tắt

Chiến dịch Mậu Thân 1968

Sau hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, đế quốc Mỹ tiến hành hai cuộc phản công chiến lược lớn nhưng đều bị thất bại, nhất là sau thất bại nặng nề của cuộc “Hành quân Gian-xơn Xi ty” năm 1967- cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nhà Trắng và Lầu Năm góc “phân vân” về cái gọi là “chiến thắng quân sự” của Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Đối với ta tuy giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của cách mạng đã có bước phát triển mới, nhưng chưa làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Bác Hồ cùng các ủy viên Bộ Chính trị họp bàn Chiến dịch Mậu Thân 1968

Từ thực tế trên chiến trường, kết hợp với tình hình trong nước và quốc tế, cuối năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968, nhằm đánh cho địch một đòn thật mạnh, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Mục tiêu hàng đầu của cuộc tiến công chiến lược này vẫn là tiêu diệt địch, nhưng cách đánh có nhiều nét đặc sắc mang tính nghệ thuật, tư duy chiến lược cao chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ-ngụy bị bất ngờ, đó là:

Về chọn thời điểm mở đầu cuộc tiến công chiến lược khi đế quốc Mỹ đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Quân Mỹ đã trải qua 3 năm trực tiếp tham chiến ở Việt Nam; chúng cũng từng mở hai cuộc phản công chiến lược lớn vào mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 nhưng không đạt được kết quả gì đáng kể; trái lại chúng còn bị quân và dân ta đánh cho thiệt hại nặng nề và thất bại hoàn toàn về mục tiêu chiến lược “bẻ gẫy xương sống Việt cộng”. Ngay cả âm mưu leo tháng đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam và uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta cũng không xoay chuyển được tình thế. Mỹ hầu như đã huy động mọi nỗ lực có thể cho cuộc chiến ở Việt Nam. Tính đến tháng 12-1967, Mỹ huy động vào cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam nửa triệu quân với 40% số sư đoàn bộ binh sẵn sàng chiến đấu của nước Mỹ, 30% lực lượng không quân chiến thuật, 1/3 lực lượng hải quân, chi phí chiến tranh tính đến năm 1968 đã gấp 3 lần chiến tranh Triều Tiên, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, chính sách xã hội, xây dựng quốc phòng của Mỹ. Việc chọn thời điểm tiến công chiến lược năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, năm mà nước Mỹ rất nhạy cảm về chính trị cũng là một lợi thế cho ta. Đối với ta, tuy còn một số hạn chế, như vấn đề bổ sung lực lượng vũ trang tại chỗ, khả năng đánh tiêu diệt những đơn vị lớn quân Mỹ, về bảo đảm hậu cần… Song thế và lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ta đang ở thế thắng và đang nắm quyền chủ động trên chiến trường; lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời gian nào trước đó.

Quân ta tiến công vào thành phố, thị xã trong Chiến dịch Mậu Thân

Có thể nói, chọn thời điểm mở đầu cuộc Tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968 được ta tạo ra và nắm bắt đúng lúc, không sớm và cũng không muộn. Nếu sớm quá, ta chưa đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược vào hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 thì Mỹ còn mạnh và không chịu thua, chúng còn thời gian để triển khai đầy đủ chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Nếu để muộn, cuộc tiến công sau năm bầu cử Tổng thống thì áp lực quân sự khó làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ. Độc đáo hơn cuộc tiến công được tiến hành vào dịp Tết Nguyên đán-đúng đêm giao thừa và mồng Một Tết, khi nhiều sỹ quan tham mưu và quân báo của địch nhận định cuộc tiến công có nhiều khả năng xảy ra vào thời gian trước Tết, nhưng đến những ngày trước Tết, khi thấy tình hình vẫn im ắng thì phía Mỹ lại thêm chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Vì vậy khi bị tiến công, địch bất ngờ và ứng phó vô cùng lúng túng.

Về cách đánh, không đánh theo cách như hai mùa khô trước. Bởi vì nếu đánh như hai mùa khô trước cho dù có đạt được mục tiêu cao hơn là “tiêu diệt lữ đoàn Mỹ”, đánh gục một số sư đoàn ngụy, mở rộng vùng giải phóng, giành thêm dân thì cũng không thể tạo được chuyển biến chiến lược gì đáng kể và như vậy thì cuộc chiến tranh sẽ nhùng nhằng, kéo dài. Hơn nữa trong hơn hai năm đánh Mỹ, ta mới tiêu diệt được tiểu đoàn Mỹ, bắt tù binh, thu chưa được nhiều vũ khí, nay nâng mức đánh tiêu diệt từ tiểu đoàn lên lữ đoàn quân Mỹ, cũng khó có thể làm được.

Nhân dân tại các thành phố, thị xã xuống đường biểu tình giành chính quyền

Chính vì vậy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn hướng tiến công chủ yếu không phải là rừng núi và nông thôn như trong các mùa khô trước-nơi địch tương đối yếu, mà nhằm vào đô thị, trước hết là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng… nơi tập trung các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, mặc dù địch ở đây khá mạnh. Đây có thể nói là một bất ngờ lớn đối với địch, bởi vì chúng vẫn cho rằng bộ đội ta ít kinh nghiệm đánh thành phố và chưa có khả năng đánh vào các trung tâm chính trị, quân sự của chúng.

Để tiến công bất ngờ và đồng loạt vào thành phố, thị xã trên khắp chiến trường miền Nam ta phải điều chỉnh, tăng cường lực lượng, vật chất, đưa vũ khí ém sẵn các mục tiêu trong lúc hơn một triệu quân Mỹ-ngụy và chư hầu co vào phòng ngự, trụ tại các đô thị miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Để giải quyết vấn đề khó khăn, phức tạp này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã dùng chiến thuật điều chủ lực địch ra khỏi các thành phố, thị xã, làm cho chúng lẫm tưởng rằng mùa Xuân năm 1968, ta vẫn tiến công địch ở rừng núi là chính, bằng việc mở chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, đánh thẳng vào khu vực phòng ngự của địch, nơi chúng quyết giữ nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc vào miền Nam. Thời điểm tiến công Khe Sanh không sớm quá và cũng không muộn quá so với thời gian Tổng tiến công và nổi dậy ở các thành phố, thị xã.

Thực hiện chủ trương này, đêm 20 tháng 1 năm 1968, trước Tổng tiến công và nổi dậy 10 ngày, các sư đoàn chủ lực của ta nổ súng tiến công Khe Sanh. Ngay sau khi phát hiện chủ lực của ta đánh Khe Sanh, Bộ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lập tức điều thêm 12 tiểu đoàn thuộc sư đoàn kỵ binh bay, sư đoàn 101 không vận, sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy ra khu vực Đường 9 để đối phó.

Đúng lúc địch đang cố gắng điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh thì đêm 30 và 31-1-1968 – đêm giao thừa và mồng Một Tết, lợi dụng địch sơ hở ở đô thị ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ, ngụy bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.

Cuộc tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968 đã giành được thắng lợi lớn, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của chúng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh” mở đầu quá trình xuống dốc về chiến lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến. Thắng lợi đó trước hết do có cách đánh táo bạo, bất ngờ.

Đại tá, TS Lê Văn Bảo